Sáng lập  công nghệ độc chiếm thị trường: Cạnh tranh chỉ dành cho 'loser'
Sáng lập công nghệ độc chiếm thị trường: Cạnh tranh chỉ dành cho 'loser'
Duy nhất trên Trạm: Trích dẫn đầy đủ Lời dẫn và Chương 1 cuốn Không đến Một: Bài học về khởi nghiệp hay cách xây dựng tương lai

 

Lời mở đầu: KHÔNG ĐẾN MỘT

 

MỖI KHOẢNH KHẮC TRONG KINH DOANH chỉ xảy ra một lần. Một Bill Gates của tương lai sẽ không viết nên hệ điều hành máy tính như Microsoft. Một Larry Page hoặc Sergey Brin kế tiếp sẽ không tạo ra cỗ máy tìm kiếm như Google. Và tất nhiên, một Mark Zuckerberg tiếp theo sẽ không tạo ra mạng xã hội như Facebook. Nếu bạn bắt chước họ, bạn sẽ chẳng học được gì từ họ cả.

Tất nhiên, bắt chước một mô hình nào đó thì luôn dễ hơn việc tạo ra cái mới. Làm những gì chúng ta đã biết cách làm sẽ đưa thế giới phát triển từ 1 đến n, có nghĩa là sản sinh thêm một cái gì đó tương tự. Còn mỗi khi chúng ta tạo ra cái gì hoàn toàn mới, chúng ta đi từ 0 đến 1. Việc tạo ra một cái mới là độc nhất, là khoảnh khắc của sự sáng tạo, và kết quả của nó chính là một thứ hoàn toàn mới và lạ.

Nếu không đầu tư vào công việc khó khăn là tạo ra cái mới, những công ty Mỹ sẽ thất bại trong tương lai cho dù lợi nhuận của họ ngày hôm nay có nhiều cỡ nào đi nữa. Điều gì sẽ xảy ra khi tất cả những gì chúng ta học được đều chỉ từ việc khắc phục lỗi của các mô hình kinh doanh mà chúng ta được kế thừa? Nghe hơi lạ, câu trả lời còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng 2008 rất nhiều. Những “thực hành tốt nhất” của hôm nay sẽ dẫn đến đường cùng; con đường tốt nhất phải là con đường mới và chưa ai dám thử.

Trong một thế giới của những bộ máy hành chính cồng kềnh quan liêu của các tổ chức cả công lẫn tư, tìm kiếm con đường mới cũng giống như mong chờ một điều kỳ diệu. Thực ra, nếu các công ty Mỹ muốn thành công, chúng ta sẽ cần phải có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn điều kỳ diệu. Điều đó nghe thật nản lòng trừ một sự thật quan trọng: con người khác những loài khác ở khả năng tạo ra điều kỳ diệu. Chúng ta gọi những điều kỳ diệu đó là công nghệ.

Công nghệ thật kỳ diệu bởi nó cho phép chúng ta làm được nhiều thứ hơn với ít công sức hơn, nâng khả năng cơ bản lên một mức cao hơn. Những loài động vật khác theo bản năng có thể tự tạo những thứ như đập chắn nước từ rễ cây (hải ly) hay cấu trúc tổ ong (loài ong), nhưng con người là động vật duy nhất có thể phát minh ra những thứ mới và với những cách thức ưu việt hơn. Con người không quyết định sẽ tạo ra cái gì mới bằng cách tham khảo các cuốn cẩm nang hay catalog với rất nhiều lựa chọn; thay vào đó, bằng cách tạo ra công nghệ mới, chúng ta viết lại kế hoạch cho cả thế giới. Đó là những sự thật vỡ lòng chúng ta dạy cho trẻ lớp hai, nhưng điều đó dễ bị lãng quên trong một thế giới mà rất nhiều thứ chúng ta đang làm là lặp lại những thứđã làm trước đó.

KHÔNG ĐẾN MỘT nói về cách làm thế nào để xây dựng một công ty tạo ra những cái mới. Nó là tích lũy nhiều năm kinh nghiệm của tôi với tư cách là nhà đồng sáng lập của Paypal và Palantir, và sau đó là nhà đầu tư của hàng trăm công ty khởi nghiệp, kể cả Facebook và SpaceX. Mặc dù tôi chú ý đến nhiều khuôn mẫu, và tôi đề cập đến trong quyển sách, nhưng quyển sách này không đưa ra công thức thành công. Điều nghịch lý của việc dạy khởi nghiệp là công thức cần thiết như thế không tồn tại; bởi vì mỗi sáng tạo đều mới và độc đáo, không ai có thể mô tả chính xác cách thức đổi mới. Thật vậy, khuôn mẫu duy nhất rất hiệu quả mà tôi chú ý là những người thành công tìm giá trị ở những nơi ít được trông đợi nhất, và họ làm điều đó bằng cách nghĩ về kinh doanh bắt nguồn từ những nguyên lý căn bản đầu tiên, chứ không phải công thức.

Quyển sách này bắt nguồn từ một khóa học về khởi nghiệp mà tôi dạy tại Đại học Stanford năm 2012. Sinh viên có thể cải thiện đáng kể kỹ năng ở một số lĩnh vực, nhưng nhiều sinh viên khác chẳng bao giờ biết sẽ làm gì với những kỹ năng đó trong thế giới rộng lớn này. Mục tiêu cốt yếu của tôi khi dạy lớp này là giúp sinh viên có tầm nhìn vượt ra khỏi những con đường đã được vạch sẵn bởi những chuẩn mực học thuật để hướng tới một tương lai xán lạn hơn do chính họ xây dựng. Một trong những sinh viên của tôi, Black Masters, ghi chép rất kỹ bài giảng, và lan truyền nó ra khỏi khuôn viên nhà trường, và trong cuốn sách này, tôi đã làm việc với cậu ấy để chỉnh sửa các ý nhằm hướng đến đối tượng bạn đọc rộng hơn. Không có lý do gì mà việc tạo ra tương lai tốt đẹp hơn lại chỉ xảy ra ở Stanford, hoặc ở một trường đại học, hoặc chỉ tại Thung lũng Silicon.

 

CHƯƠNG 1: Thách thức của tương lai

 

MỖI KHI TÔI PHỎNG VẤN ứng viên tìm việc, tôi thích hỏi câu này: “Đâu là một sự thật quan trọng mà rất ít người đồng tình với bạn?”

Câu hỏi này nghe có vẻ dễ vì nó rất thẳng thắn. Nhưng thật ra, không dễ trả lời. Về mặt trí tuệ, bởi kiến thức mọi người học được ở trường theo định nghĩa là phải luôn được những người khác đồng tình. Còn về mặt tâm lý, cũng khó trả lời, vì ai ráng trả lời câu hỏi này phải nêu ra được điều gì đó ít người biết. Tư duy nhanh nhạy thì hiếm gặp, nhưng lòng can đảm thậm chí còn hiếm hơn cả các bậc thiên tài.

Những câu trả lời phổ biến mà tôi nghe được là:

“Hệ thống giáo dục của chúng ta đã mắc quá nhiều sai lầm cần được khắc phục ngay.”

“Nước Mỹ là ngoại hạng.”

“Không có Thượng đế.”

Đó là những câu trả lời dở. Hai câu đầu có thể đúng, nhưng nhiều người đã đồng tình rồi. Câu thứ ba thì đơn giản chỉ là góc nhìn một chiều trong một cuộc tranh luận phổ biến về Thượng đế. Một câu trả lời hay sẽ theo công thức sau: “Phần lớn mọi người tin vào điều x, nhưng sự thật thì trái ngược với x.” Tôi sẽ cho bạn câu trả lời ở cuối chương này.

Câu hỏi tương phản này có ý nghĩa gì với tương lai? Theo cách lý giải dễ hiểu nhất, tương lai đơn giản chỉ là tập hợp những khoảnh khắc chưa xảy ra. Nhưng điều khiến cho tương lai khác biệt và quan trọng không phải là những thứ chưa xảy ra, mà chính là lúc thế giới khác biệt so với hôm nay. Nếu hiểu như thế, nếu xã hội của chúng ta không thay đổi gì trong 100 năm tới, thì tương lai sẽ chỉ là thời điểm hơn 100 năm nữa. Nếu mọi thứ thay đổi triệt để trong thập kỷ tới, tương lai đang ở rất gần. Không ai có thể dự đoán chính xác tương lai, nhưng chúng ta biết hai điều: tương lai sẽ khác biệt, và tương lai phải bắt nguồn từ thế giới hôm nay.

Phần lớn câu trả lời cho câu hỏi tương phản trên chính là những cách nhìn khác nhau về hiện tại; những câu trả lời hay sẽ giúp chúng ta thấy mình đang tiến đến rất gần với tương lai.

KHÔNG ĐẾN MỘT: TƯƠNG LAI CỦA PHÁT TRIỂN

Khi chúng ta nghĩ về tương lai, chúng ta hy vọng về một tương lai của sự phát triển. Sự phát triển có thể diễn ra dưới một trong hai hình thức. Phát triển chiều ngang hoặc chiều rộng có nghĩa là sao chép những thứ thành công có sẵn - đi từ 1 đến n. Phát triển chiều ngang rất dễ hình dung bởi vì chúng ta đã biết hình dáng chúng như thế nào. Phát triển chiều dọc hay phát triển chiều sâu có nghĩa là làm những thứ mới - đi từ 0 đến 1. Phát triển chiều dọc thì khó tưởng tượng hơn bởi vì nó đòi hỏi bạn phải làm một thứ mà chưa ai từng làm.

Nếu bạn có một cái máy đánh chữ và tạo ra 100 cái máy giống nhau, bạn vừa có sự phát triển chiều ngang. Nếu bạn có một cái máy đánh chữ và tạo ra bộ xử lý ngôn ngữ, bạn đã tạo ra một sự phát triển chiều dọc.

Ở cấp độ vĩ mô, một từ đơn giản khi miêu tả phát triển chiều ngang chính là toàn cầu hóa - biến một thứ đã đang thành công ở một nơi nào đó thành thành công ở mọi nơi. Trung Quốc là một minh chứng sống về toàn cầu hóa; kế hoạch 20 năm của Trung Quốc là trở thành như Mỹ hôm nay. Người Trung Quốc đã thẳng thừng sao chép mọi thứ của thế giới phát triển: đường ray xe lửa thế kỷ 19, máy lạnh và thậm chí cả một thành phố thế kỷ 20. Họ có thể bỏ qua vài bước trong quá trình sao chép - ví dụ, tiến thẳng lên các thiết bị không dây mà không cần phải lắp đặt diện thoại bàn - nhưng tất cả đều là sao chép.

Một từ cho sự phát triển chiều dọc, từ 0 đến 1 chính là công nghệ. Sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin (IT) trong những thập kỷ qua đã khiến cho Thung lũng Silicon trở thành thủ đô của “công nghệ” nói chung. Nhưng chẳng có lý do để cho rằng công nghệ chỉ giới hạn trong những thứ liên quan đến máy tính. Hiểu cho đúng thì, bất cứ cách làm nào mới và tốt hơn cách làm cũđều là công nghệ.

Bởi vì toàn cầu hóa và công nghệ là hai trạng thái khác nhau của sự phát triển, nên cùng một lúc chúng ta có thể có cả hai, hoặc một trong hai, hoặc không có cái nào hết. Ví dụ, từ 1815 đến 1914 là khoảng thời gian của sự phát triển nhanh chóng cả về công nghệ lẫn toàn cầu hóa. Giữa thế chiến thứ nhất và chuyến đi của cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger để mở lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc năm 1971, có một sự phát triển công nghệ mạnh mẽ và không có phát triển nào đáng kể về mặt toàn cầu hóa. Kể từ năm 1971, chúng ta đã chứng kiến toàn cầu hóa mạnh mẽ cùng với phát triển hạn chế về công nghệ, phần lớn chỉ có IT.

Kỷ nguyên toàn cầu hóa khiến ta dễ tưởng tượng rằng, những thập kỷ phía trước sẽ mang lại nhiều sự hội tụ và sự giống nhau. Ngay cả ngôn ngữ hàng ngày của chúng ta cũng cho thấy chúng ta nên tin vào một kiểu chấm dứt về công nghệ của lịch sử: sự phân chia thế giới thành các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển có nghĩa là thế giới phát triển đã đạt được những thứ cần phải đạt, và những nước nghèo hơn thì cần phải đuổi cho kịp.

Nhưng tôi không nghĩ điều đó đúng. Câu trả lời của riêng tôi cho câu hỏi tương phản trên là phần lớn mọi người nghĩ tương lai của thế giới sẽ được định nghĩa bởi toàn cầu hóa, nhưng sự thật là công nghệ sẽ quan trọng hơn. Nếu không có những thay đổi công nghệ, nếu Trung Quốc tăng gấp đôi sản lượng năng lượng trong hai thập kỷ tới, ô nhiễm không khí cũng sẽ tăng gấp đôi. Nếu mỗi người trong hàng trăm triệu hộ gia đình ở Ấn Độ sống theo cách mà người Mỹ đã sống - chỉ sử dụng những công cụ của ngày hôm nay - kết quả tác động đến môi trường sẽ cực kỳ kinh khủng. Áp dụng những cách cũ tạo ra của cải trên toàn thế giới sẽ hủy hoại đời sống chứ không thể làm giàu lên. Trong một thế giới mà nguồn tài nguyên khan hiếm, toàn cầu hóa mà không có công nghệ mới thì không thể bền vững được.

Công nghệ mới chưa bao giờ tự động trở thành một phần của lịch sử. Tổ tiên của chúng ta sống trong một xã hội ít biến động, một xã hội mà lợi ích của người này sẽ được đánh đổi bằng thiệt hại của người khác. Họ rất hiếm khi tạo ra nguồn của cải mới, và về lâu dài thì họ không thể tạo ra đủ tài nguyên để cứu một người bình thường thoát khỏi một cuộc sống cực kỳ khó khăn. Rồi sau 10.000 năm của những cải tiến chậm chạp từ nền nông nghiệp thô sơ đến những chiếc cối xay gió thời Trung cổ cho đến những chiếc kính trắc tinh (dụng cụ đo độ cao của mặt trời và các vì sao, được sử dụng rộng rãi trong thời cổ trước khi được thay thế bằng kính lục phân) thế kỷ 16, thế giới hiện đại đột ngột đón nhận sự tiến triển không ngừng về công nghệ từ máy hơi nước những năm 1760 suốt cho đến khoảng năm 1970. Và như thế, chúng ta được thừa hưởng một xã hội giàu có hơn tất cả những gì mà thế hệ trước có thể tưởng tượng ra.

Mọi thế hệ, trừ thế hệ cha mẹ và ông bà chúng ta, đều cho rằng: những năm cuối thập niên 60, họ trông đợi sự phát triển như thế sẽ tiếp tục. Họ trông đợi vào tuần làm việc 4 ngày, năng lượng thì rẻđến mức khỏi cần đong đếm, và những kỳ nghỉ trên cung trăng. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Những chiếc điện thoại thông minh đã làm sao nhãng chúng ta khỏi môi trường xung quanh cũng khiến chúng ta quên mất một sự thật là môi trường xung quanh cũ kỹ một cách kỳ lạ: chỉ máy tính và phương tiện liên lạc là cải thiện đáng kể từ thời điểm giữa thế kỷ. Điều đó không có nghĩa là cha mẹ chúng ta đã sai khi dự đoán về một tương lai tốt đẹp hơn - họ chỉ sai khi trông đợi mọi thứ diễn ra tự động. Ngày nay, thách thức của chúng ta là vừa tưởng tượng và vừa tạo ra những công nghệ mới để thế kỷ 21 yên bình hơn và giàu có hơn thế kỷ 20.

TƯ DUY KHỞI NGHIỆP

Công nghệ mới có xu hướng khởi nguồn từ những công ty mới - công ty khởi nghiệp. Từ Những Người khai sáng (Founding Fathers) trong lĩnh vực chính trị cho đến Hiệp hội Khoa học Hoàng gia (Royal Society) trong lĩnh vực khoa học rồi “8 kẻ phản bội” của công ty Fairchild Semiconductor trong kinh doanh, nhóm nhỏ những con người gắn bó với nhau vì một sứ mệnh chung để thay đổi thế giới tốt đẹp hơn. Cách giải thích dễ nhất cho chuyện này thì lại mang nghĩa tiêu cực: rất khó phát triển cái mới trong những tổ chức lớn, và càng khó hơn nếu bạn làm một mình. Cấp bậc quan liêu sẽ khiến mọi thứ chậm chạp, và nhóm lợi ích sẽ luôn né tránh rủi ro.

Trong những tổ chức cực kỳ rối ren, làm ra vẻ hoàn thành công việc trở thành chiến lược để phát triển sự nghiệp hơn là làm việc thật sự (nếu điều này đúng với công ty bạn đang làm, bạn nên nghỉ việc ngay). Ở thái cực khác, một thiên tài cô đơn có thể tạo ra một tác phẩm nghệ thuật hay văn học kinh điển, nhưng anh ta sẽ không bao giờ có thể tạo ra cả một nền nghệ thuật. Các công ty khởi nghiệp vận hành trên nguyên lý là bạn phải làm việc với người khác để hoàn thành công việc, nhưng đội ngũ phải đủ nhỏđể bạn thực sự có thể hoàn thành được công việc đó.

Định nghĩa một cách tích cực, công ty khởi nghiệp là một nhóm lớn nhất những con người mà bạn có thể thuyết phục họ bằng kế hoạch xây dựng một tương lai khác biệt. Điểm mạnh quan trọng nhất của một công ty mới chính là cách suy nghĩ mới: thậm chí còn quan trọng hơn là sự nhanh nhạy, quy mô nhỏ cho phép chúng ta có nhiều khoảng không gian để suy nghĩ. Cuốn sách này sẽ đặt ra cho bạn những câu hỏi bạn phải tự hỏi và trả lời để thành công trong việc thực hiện những thứ mới mẻ: những gì bạn đọc không phải là cẩm nang hay sổ tay kiến thức mà là một bài thực hành về tư duy. Bởi đó cũng là điều mà các công ty khởi nghiệp phải làm: chất vấn những ý tưởng nhận được và suy nghĩ lại cách làm kinh doanh từ đầu.

Trạm Đọc (Read Station)