Cải thiện trí nhớ: Các phương pháp tình huống (Phần 3)
Cải thiện trí nhớ: Các phương pháp tình huống (Phần 3)
Trong bài viết này chúng ta sẽ đi tìm các phương pháp tình huống nhằm giúp bạn cải thiện trí nhớ một cách hiệu quả.

Ở phần 1 chúng ta đã tìm hiểu về trí nhớ và sự suy giảm trí nhớ, phần 2 là các nguyên tắc và phương pháp ghi nhớ và ở phần 3 này Trạm đọc sẽ giới thiệu đến bạn các phương pháp tình huống giúp bạn cải thiện trí nhớ tốt nhất.

1. Nhớ tên và khuôn mặt

Chúng ta ai cũng thích được người khác nhớ đến và gọi tên một cách trìu mến mỗi khi có cơ hội gặp lại. Đó là cảm giác hài lòng khi trở thành người quan trọng trong tâm trí người khác. Bạn cảm thấy sao nếu ai đó gọi nhầm tên bạn?

Chính vì vậy, việc ghi nhớ tên, khuôn mặt đem lại những điều kỳ diệu trong công việc lẫn cuộc sống. Nó tạo ra thiện cảm, góp phần tạo dựng niềm tin. Một học sinh mới nhớ được tên và khuôn mặt mọi người trong lớp chỉ sau một hai buổi học sẽ gây ấn tượng hơn đối với bạn bè.

Không chỉ vậy, ghi nhớ tên, khuôn mặt sẽ giúp chúng ta tăng thêm sự tự tin ở bản thân, tránh các tình huống lúng túng khó xử. Nếu một người nào đó gọi tên bạn nhưng bạn lại không thể nhớ tên họ thì thật xấu hổ. Tệ hại hơn, bạn không thể nhớ được tên ai đó và hỏi lại tên họ trong khi họ hy vọng rằng bạn có thể nhớ được tên họ.

Trong công việc cũng vậy. Hãy tưởng tượng đến việc bạn tham gia một hội nghị và có rất nhiều nhân vật quan trọng tham dự. Tuy nhiên, bạn không thể nhớ được tên và thậm chí là khuôn mặt họ? Phải làm sao đây?

Nếu bạn lỡ rơi vào tình huống đó, đừng vội mặc cảm. Dù sao, bạn cũng đã mắc lỗi, hãy rút kinh nghiệm và bắt đầu học cách ghi nhớ ngay từ bây giờ. Khi nhớ một ai đó, đừng chỉ nhớ tên của họ mà cả khuôn mặt họ nữa.

Trước khi bước vào từng kỹ thuật ghi nhớ, bạn cần nắm rõ ba bước sau:

  • Bước 1: Trước mỗi cuộc gặp gỡ, hãy xem như bạn không quen biết bất cứ ai, nhiệm vụ của bạn là phải ghi nhớ họ.
  • Bước 2: Chú ý và quan tâm tới từng người bạn trò chuyện, thường xuyên nhắc đến tên họ trong cuộc trò chuyện.
  • Bước 3: Liên kết tên và đặc điểm của họ với những gì bạn biết.

Nhớ tên

Hãy vận dụng tất cả các phương pháp bạn vừa đọc được vào việc ghi nhớ tên của mọi người. Khi ai đó cho bạn biết tên, hãy trân trọng khoảng thời gian đó và chú ý đến tên họ. Tập trung vào âm thanh mà họ nói. Quan sát miệng họ và xem cách họ phát âm. Nếu người đó nói tên Lan hay Peter Pike hoặc Elizabeth, hãy xem cấu hình miệng của họ khi phát âm tên mình.

Nếu bạn không nghe rõ, đừng ngại, hãy đề nghị họ nhắc lại. Vì một lý do gì đó, mọi người thường xấu hổ khi nói rằng: “Tôi xin lỗi, tôi không nghe rõ tên anh. Anh có thể nhắc lại được không?” Chẳng có gì phải xấu hổ về điều đó cả. Bởi tên mỗi chúng ta là sở hữu đáng tự hào của mỗi người và nó cần được thể hiện rõ ràng nhất. Việc bạn hỏi lại thông tin khi nghe không rõ chứng tỏ bạn đang quan tâm đến họ.

Tiếp đến, hãy áp dụng phương pháp lặp lại. Khi gặp lại người quen, bạn nên tự giới thiệu tên mình trước để tránh gây khó xử cho họ trong trường hợp họ không nhớ tên bạn. Hãy đến gần, trò chuyện và tự giới thiệu.

“Chào Lan, mình là Huy. Chúng ta đã gặp nhau tại hội diễn văn nghệ hè vừa rồi. Lâu rồi không gặp bạn khỏe không?”

Không dài dòng, nhưng vẫn đầy đủ ý muốn chuyển tải, cách tiếp cận này sẽ giúp bạn tạo được cảm tình trong mắt người đối diện.

Khi nghe một ai đó tự giới thiệu tên, hãy thì thầm cái tên này trong đầu. Sau đó lặp lại ngay khi bắt đầu cuộc trò chuyện. Cố gắng phát âm đúng tên của mọi người để thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến họ.

“Chào Ngọc An, rất vui được gặp bạn. Mình là Thùy Trâm. Không biết Ngọc An đang học trường nào vậy? À! Thì ra Ngọc An học ở Đại học Bách Khoa. Còn Trâm học bên Kinh Tế.”

Sau khi nhắc lại tên người đó một vài lần, bạn có thể áp dụng phương pháp liên tưởng. Tự nhủ thầm với bản thân và liên kết tên người đó với một ca sỹ nổi tiếng, thậm chí là trùng tên với người thân trong gia đình hay một người bạn thân v.v…để gia tăng tính liên kết trong trí não bạn.

Nhớ khuôn mặt

Muốn nhớ ai đó, bạn không chỉ phải nhớ tên của họ mà còn phải ghi nhớ cả khuôn mặt. Khi nghe người đối diện giới thiệu tên, bạn nên tập trung vào cách phát âm, đồng thời quan sát khuôn mặt của người đối thoại. Việc này giúp kết nối tên của người đó với khuôn mặt và giúp bạn kết nối âm thanh với hình ảnh. Tuy nhiên, bạn không nên nhìn chằm chằm vào họ. Việc này khiến cho người đối diện cảm thấy không thoải mái và khó chịu. Bạn phải khéo léo quan sát để ghi nhớ tốt nhất khuôn mặt họ, đồng thời không khiến họ cảm thấy bị đe dọa hoặc lúng túng.

Cách tốt nhất bạn nên quan sát là từ góc nhìn 20 đến 30 độ. Không nhìn trực diện hoặc nhìn nghiêng mà chọn vị trí quan sát tốt theo cả ba chiều. Thông qua góc nhìn này hãy quan sát những đặc điểm thú vị hoặc đặc biệt của khuôn mặt. Gương mặt ấy tròn hay trái xoan? Có má lúm đồng tiền hay không? Tóc xoăn hay tóc thẳng? v.v…

  1. Ghi nhớ các con số

Xã hội ngày nay được xây dựng dựa trên các con số. Chúng là các mã nhị phân trong tất cả hệ thống máy tính, hệ thống điều khiển, mã số thuế, thẻ ATM, số chứng minh thư v.v… Cho dù có thích hay không, bạn vẫn phải đối mặt với chúng

Không giống như từ ngữ, các con số khá khó nhớ, đặc biệt là khi chúng đứng riêng lẻ. Âm thanh, hình ảnh phát ra từ con số rất khó để chúng ta liên tưởng đến các sự vật hiện tượng. Vì thế việc ghi nhớ các con số đối với hầu hết chúng ta là một việc cực kỳ phức tạp và khó khăn.

Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể ghi nhớ các con số có ý nghĩa đặc biệt hoặc có mối liên hệ với chúng ta. Dựa trên nguyên lý ấy, những kỹ thuật ghi nhớ con số ra đời. Bạn sẽ nhớ ngày tháng, sinh nhật, số điện thoại…. một cách rõ ràng.

Ký hiệu, âm thanh, phân nhóm và lặp lại

Ở các buổi trước chúng ta đã được biết đến hai cảm nhận về âm thanh và hình ảnh cũng như việc phân nhóm và lặp lại. Trong buổi này, việc lặp lại các con số một vài lần có thể giúp bạn in đậm con số đó trong trí nhớ của bạn – ví dụ, “1873;1873;1873”, nhưng thay vì đọc rằng: “một, tám, bảy, ba” hoặc “một nghìn tám trăm bảy ba” thì các bạn nên phân nhóm từ đó thành hai phần nhỏ hơn – 18 và 73. Âm thanh của “mười tám và bảy ba” sẽ dễ dàng nhớ hơn.

Bạn cũng có thể sử dụng hình ảnh lặp lại. Bên cạnh việc viết các con số một vài lần, hãy hình ảnh hóa hình dạng các con số này được khắc trên đá, trên các biển quảng cáo, hoặc cách điệu thành đồ trang sức. Ngoài ra bạn cũng có thể kết hợp âm thanh của giai điệu với hình ảnh của các con số đang được treo trên cành cây hoặc nhảy múa trên khuông nhạc.

Nghệ thuật liên kết các con số

Nếu con số của bạn có mối liên hệ nào đó với những điều bạn biết, hãy tận dụng điều đó.

Bạn muốn ghi nhớ độ cao của đỉnh núi Phan Si Păng là 3.143 m. Số π gần đúng mà bạn thường hay dùng để tính toán là 3,14. Chỉ cần thêm số 3 vào cuối bạn sẽ có được 3.143.

Hoặc bạn cần ghi nhớ con số 41239. Quan sát con số này bạn có thể nhận thấy nó được chia thành 3 nhóm “4 – 123 – 9”. Nó gồm số chính phương khác 0 đầu tiên – ba số tự nhiên liên tiếp khác 0 đầu tiên – số chính phương khác 0 thứ 2.

Tuy nhiên không phải ai cũng có được lợi thế này. Nó phụ thuộc vào mức độ quan sát và sự hiểu biết của bạn. Nhưng dù có thế đi chăng nữa, tại sao bạn lại không tận dụng chúng để để hỗ trợ trí nhớ của mình?

Chuyển số thành từ

Liên kết các con số có nhược điểm là chỉ phù hợp với những người có khả năng về toán học hoặc tầm hiểu biết rộng. Thậm chí phương pháp đó không thể giúp bạn ghi nhớ hiệu quả một dãy số dài trong khoảng thời gian ngắn.

Cách ghi nhớ hiệu quả nhất là chuyển các con số thành các chữ cái.  Như vậy các số sẽ trở thành những từ có nghĩa. Từ đó giúp chúng ta hình dung dễ dàng hơn.

Trước hết bạn hãy chỉ định mỗi con số từ 0 đến 9 tương ứng với những chữ cái nào. Sẽ mất một thời gian luyện tập để bạn ghi nhớ và sử dụng linh hoạt bảng chuyển đổi này. Nhưng bù lại bạn sẽ ghi nhớ được bất cứ dãy số nào bạn cần.

Vẽ tranh bằng các con số

Bên cạnh phương pháp chữ hóa con số, bạn có thể hình ảnh hóa những con số. Với phương pháp này, bạn chọn những hình ảnh tương tự như hình dáng của các con số. Nhiệm vụ của bạn là liên kết những hình ảnh đó thành một bức tranh hoàn chỉnh để ghi nhớ.

0          Quả bóng

1          Cây gậy

2          Con ngỗng

3          Cái nĩa

4          Thuyền buồm

5          Cá ngựa

6          Nàng tiên cá

7          Xà beng

8          Mắt kính

9          Bong bóng bay

Lấy ví dụ số báo danh của bạn là 1982. Đầu tiên tưởng tượng một chiếc gậy (1) đang giữ chặt quả bóng bay (9) màu đỏ. Một chiếc gậy khác kẹp một quả bóng màu xanh. Dùng một chiếc gậy nối hai bộ gậy-bóng tạo thành một mắt kính bong bóng khổng lồ. Từ từ đặt chiếc mắt kính xanh đỏ lên chú ngỗng trắng đang bơi trong hồ.

Liên tưởng đến bức tranh này sẽ giúp bạn ghi nhớ chính xác thứ tự của các con số. Tuy nhiên để liên tưởng được tốt, bạn cần phải hình dung và ghi nhớ bảng hình ảnh hóa con số đưa ra ở trên. Bạn cũng có thể tự tạo cho mình một bảng hình ảnh hóa các con số phù hợp hơn với trí tưởng tượng của mình.

Mẹo nhỏ

Bắt đầu luyện tập từ những con số đơn giản (2 chữ số), với mỗi con số bạn thử ghi nhớ con số đó theo thứ tự ngược lại. Điều này sẽ giúp bạn gia tăng đến 50% khả năng ghi nhớ.

Với những con số phức tạp, đừng nên cố gắng ghi nhớ chúng một lượt. Bạn hãy chia chúng thành các nhóm nhỏ. Mỗi nhóm khoảng 2 đến 3 số. Nếu bạn phát hiện những nhóm đặc biệt, đừng ngần ngại đưa chúng vào một nhóm.

Ví dụ: Với dãy số 12579194538526022. Bạn có thể phân chia con số này thành 12 – 579 – 1945 – 38 – 52 – 6022.

Nếu trong đầu bạn xuất hiện nhiều hơn một từ thì hãy viết chúng ta giấy. Bạn phải nhớ rằng những từ này phải có nghĩa.

Ví dụ: 81 có thể là NW hoặc KW. Đừng cố gắng tìm hiểu chúng có nghĩa gì mà hãy thử ghép chúng với các nguyên âm để tạo ra từ có nghĩa như NeW (mới mẻ) hoặc KiWi (chim Kiwi)

Bạn cũng nên chọn những từ có nghĩa cụ thể thay vì trừu tượng.  Với 81 chọn NeW sẽ khiến bạn khó hình dung ra hình ảnh thế nào là mới. Trong khi đó chọn KiWi (chim Kiwi) sẽ làm bạn nghĩ ngay đến hình ảnh con vật đó trong đầu.

Bây giờ hãy thực hiện một vài bài luyện tập để “thực hành” lý thuyết bạn vừa đọc.

  • Biến các con số thành từ có nghĩa: 25, 29, 30, 38, 40, 41, 42, 1944, 945, 7969, 300475, 70895
  • Biến từ, cụm từ thành số: cần cù, table, student, chăm chỉ, nghiêng, ngủ, học, like, memorizing, smart, best, futher. “Ăn vóc học hay”, “Nước chảy đá mòn”, “Học thầy không tày học bạn”.
  • Good, bear, 1237, 76, line, silver, mountain, river, 342, 721, 236, bank.
  • Ghi nhớ các con số sau: 3.14, 3.1415, 3.141592, 3.1415926535, 3.14159265358, 3.14159265358979, 3.1415926535897932, 3,141592653589793238, 3,14159265358979323846.
  1. Nhớ ngôn ngữ

Ngoại ngữ

Rất nhiều người muốn học ngoại ngữ nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Đối với họ ngôn ngữ nước ngoài có cách phát âm và ngắt giọng không logic. Theo một số nghiên cứu thì cách tốt nhất để học ngoại ngữ là sống tại quốc gia nói ngôn ngữ đó. Ở nước ngoài bạn sẽ lĩnh hội rất nhanh nhờ quá trình rèn luyện thường xuyên.

Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể học tốt ngoại ngữ mà không cần di chuyển đến nơi sản sinh ra nó. Việc học ngoại ngữ sẽ trở nên dễ dàng nếu bạn tiếp xúc với nó ở góc độ đúng. Hãy tập trung, liên tưởng, phân tích, đơn giản hóa ngôn ngữ đó) và xem lại cách học hiện tại của chúng ta.

Hiểu được nghĩa của từ

Có khá nhiều bạn luôn cho rằng mình không có khiếu học ngoại ngữ. Nhưng nếu họ bị “đày” đến một vùng đất nào đó thì chắc hẳn chẳng bao lâu sau họ sẽ nói trôi chảy ngôn ngữ của chính vùng đất đó. Vì thế chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định phần lớn vấn đề không nằm ở khả năng mà là sự sẵn sàng học hỏi trong mỗi con người.

Rất nhiều lần chúng ta cố ý hoặc vô tình bỏ qua những lỗi nhỏ trong cách thức đánh vần, phát âm, thậm chí là ngữ pháp. Những lỗi ấy theo thời gian mặc nhiên trở thành thói quen xấu của chúng ta khi học ngoại ngữ.

Nhiều bạn khi phát âm từ “hour” (tiếng Anh có nghĩa là giờ) có thói quen đọc là “hauə” nhưng thực tế “h” là âm câm và cách phát âm chính xác của nó phải là: “auə”.

Một vấn đề khác nằm trong thói quen của chúng ta. Hãy đọc kỹ những từ sau đây: “Economic crisis; inflation, get too caught…”

Bạn hiểu những từ in đậm trên có nghĩa là gì chứ? Thực tế, nhiều lúc chúng ta đọc mà không hiểu nghĩa là gì. Vì vậy muốn ghi nhớ chúng để sử dụng trong những hoàn cảnh cụ thể, bạn bắt buộc phải hiểu hết ý nghĩa của chúng. Economic crisis là khủng hoảng kinh tế, inflation là lạm phát hay get too caught là nỗ lực hết sức, v.v... Hãy tạo cho mình thói quen học từ mới mỗi ngày.

Khi gặp một từ mới, bạn hãy cố gắng hiểu nghĩa của chúng bằng cách tra từ điển, hoặc đoán nghĩa của từ thông qua mối tương quan của nó với những từ xung quanh trong đoạn văn bản đang đọc.

Với từ mới, bạn có thể sử dụng các tấm bìa (đã được giới thiệu trong cách thức ghi chú) để ghi nhớ chúng. Một mặt bạn ghi từ đó, mặt còn lại ghi ý nghĩa của nó kèm theo các từ đồng nghĩa, trái nghĩa. Hãy cố gắng diễn đạt ý nghĩa của từ đó bằng chính ngôn ngữ của nó.

Ngoài ra bạn nên đặt câu với từ mới bạn vừa học được. Cố gắng sử dụng nó thường xuyên trong những văn cảnh phù hợp. Bằng cách này bạn sẽ giúp chúng in sâu vào tâm trí.

Phân nhóm cấu trúc từ và liên kết

Mỗi ngôn ngữ đều được tạo dựng dựa trên những nền tảng chung. Trong số ấy việc vay mượn những ngôn ngữ khác để làm giàu thêm cho kho tàng ngôn ngữ của mình là việc làm tất yếu.

Ba lê – xuất phát từ ballet (tiếng Pháp), căn tin – cantine (tiếng Pháp), xì căng đan – scandal (tiếng Anh), xô viết – Soviet (tiếng Nga). Hay như Đông Ki Sốt xuất phát từ nhân vật Don Quixote (tiếng Tây Ban Nha) trong tiểu thuyết Don Quixote de la Mancha của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes Saavedra.

Vì vậy để nâng cao khả năng học ngoại ngữ bạn nên tìm hiểu nguồn gốc của ngôn ngữ ấy. Ví dụ, bạn muốn biết nghĩa của từ homophobia, bạn nên biết hemo trong tiếng Latin là một tiền tố liên quan đến máu. Phobia trong tiếng Anh nghĩa là sợ hãi. Chính vì vậy homophobia là chứng sợ máu.

Trong tiếng Anh có những từ gọi là căn ngữ (root), căn ngữ này có thể được ghép thêm một cụm từ ở trước gọi là tiền tố (prefix). Tương tự, cụm từ được ghép ở cuối căn ngữ gọi là hậu tố (suffix). Dựa trên điều này bạn có thể ghi nhớ tốt hơn ngôn ngữ này.

Các tiền tố như “dis”, “in”, “un” đều có nghĩa là “không”. “Clean” (sạch) – “unclean” (dơ bẩn); “Agree” (đồng ý) – “Disagree” (không đồng ý). Mis có nghĩa là nhầm – “Understand” (hiểu) – “Misunderstand” (hiểu lầm).

Hoặc hậu tố “able” có nghĩa là: “Có thể được”. “Agree” (đồng ý) – “Agreeable” (có thể đồng ý được). “Ish” có nghĩa là “hơi hơi” – “White” (trắng) – “Whitish” (hơi trắng).

Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng có thể tìm ra một từ đồng nghĩa hoặc từ tương đương trong ngôn ngữ khác. Cách hữu hiệu để ghi nhớ từ là liên kết chúng với những âm thanh và hình ảnh tương tự.

“Ciao” theo tiếng Italia nghĩa là “xin chào”. Từ này đọc lên nghe rất giống từ “Chào” trong tiếng Việt.  Như vậy “ciao” nghĩa là chào.

Nghĩa của từ “gomme” trong tiếng Italia là “lốp xe”. Bạn biết rằng từ này có cách phát âm khá giống “gôm” (cục tẩy). “Gôm” cũng được làm bằng cao su, “’lốp xe” cũng làm bằng cao su. Vì vậy mỗi khi nghĩ đến “gomme” trong tiếng Italia, hãy nghĩ đến hình ảnh cục tẩy. Từ gôm sẽ giúp bạn nhớ đến “gomme”.

“Newspaper” nghĩa là “tờ báo”. Nó bao gồm hai phần “news”: tin tức và “paper”: tờ giấy. Vậy “newspaper” là tờ giấy có chứa tin tức hay gọi là tờ báo.

“Bicycle” gồm “bi” và “cycle”. “Bi”: tiền tố có nghĩa là “hai”, “cycle” có nghĩa là “đạp xe”. Vậy bicycle là thiết bị hai bánh phải đạp mới chuyển động được.

Nhớ các bài phát biểu, thuyết trình

Giống như việc ghi nhớ bài giảng, bạn không nên học thuộc lòng bài phát biểu hay thuyết trình của mình. Việc học thuộc từng câu từng từ khiến bạn căng thẳng vì lo sợ quên mất một ý nhỏ hoặc phân đoạn nào đó. Việc này khiến bạn không thể tập trung vào bài thuyết trình hoặc có thể quên sạch toàn bộ những gì mình dày công xây dựng trước đó.

Đầu tiên hãy liệt kê các ý chính của bài phát biểu hoặc thuyết trình. Chỉ nên đưa ra khoảng 3 đến 5 ý chính kèm theo các điểm yếu và điểm mạnh của bài thuyết trình.

Bạn nên tránh đưa quá nhiều thông tin vào bài thuyết trình, vì điều này khiến bạn gặp khó khăn khi ghi nhớ đầy đủ và cũng khiến người nghe chán nản. Hãy sử dụng những cách thức ghi nhớ ở trên. Thiết lập các hình ảnh, âm thanh then chốt và liên kết chúng bằng phương pháp Loci.

Nếu bạn cảm thấy chưa thông thuộc nơi bạn sẽ thuyết trình, hãy đến đó trước buổi thuyết trình một ngày. Khoảng thời gian này sẽ giúp bạn bình tĩnh và thực hiện một phương pháp ghi nhớ Lecture Hall hiệu quả.

Dựa trên nền tảng phương pháp Loci, phương pháp Lecture Hall thay đổi căn nhà “tưởng tượng” thành căn phòng bạn thuyết trình. Quan sát những đồ vật chi tiết trong phòng và gắn chúng với những gì bạn sẽ nói.

Đứng vào vị trí thuyết trình, quan sát toàn bộ căn phòng, bắt đầu thực hiện cuộc dạo chơi trong tâm tưởng, sử dụng những hình ảnh trong khán phòng để tạo ra các hình ảnh miêu tả các điệu bộ then chốt. Ví dụ:

Bóng đèn: Đưa ra ý tưởng, suy nghĩ tuyệt vời.

Loa: Hãy nhấn giọng.

Đồng hồ treo tường, biển cấm hút thuốc: Hãy tạm dừng vài giây.

Máy lạnh hoặc quạt trần, quạt treo tường: Hãy thư giãn bằng cách mỉm cười hoặc đưa ra một ví dụ hài hước.

Liệt kê những hình ảnh này ra giấy khi chuẩn bị bài thuyết trình và liên kết chúng vào từng phân đoạn phù hợp.

Điều này sẽ giúp bạn ghi nhớ tốt hơn, nhanh hơn thông qua các sự vật thực tế ngay trong tầm mắt bạn.

  1. Nhớ công thức

Công thức là sản phẩm của sự kết hợp giữa ngôn từ và con số. Các công thức thường đi kèm với khái niệm hay định nghĩa. Chính vì vậy việc đầu tiên cần làm trước khi ghi nhớ các công thức đó là bạn phải nắm rõ định nghĩa hoặc khái niệm.

Ngoài ra, công thức mới được xây dựng dựa trên nền tảng những công thức đã có trước đó. Vì vậy bạn có thể dựa vào điều này để áp dụng các kỹ thuật ghi nhớ đã biết vào chúng.

Chẳng hạn, thể tích hình trụ tròn là: πr2h. Bạn nhận thấy trong công thức này bao gồm πr2 và h. Rõ ràng πr2 là diện tích của hình tròn có bán kính r, h là chiều cao của khối trụ.

Để nhớ được công thức này, bạn hãy tưởng tượng hình trụ cần tính là hộp trà. Bạn có rất nhiều đồng xu vàng lấp lánh, to bằng đáy hộp trà và bạn lần lượt xếp chúng vào hộp cho tới khi đầy. Sau đó, bạn vui sướng ngồi đếm các đồng xu đó. Chiều cao của tổng số đồng xu chính là chiều cao của hộp trà. Thể tích của số vàng đó bằng thể tích của hộp trà cần tính.

  1. Ghi nhớ các thông tin

Trong những phần trước, bạn đã được học về cách thức liên kết để ghi nhớ các sự vật hiện tượng riêng lẻ. Dựa trên những cách thức đó, bạn có thể ghi nhớ các sự vật hiện tượng đặc biệt hơn theo ngày tháng, thời gian, địa điểm.

Thời gian biểu trong tuần

Ghi nhớ thời gian biểu là một việc làm quan trọng không chỉ trong học tập, công việc mà còn cả trong cuộc sống.

Hãy khiến chúng trở nên quen thuộc với bạn. Tạo ra các biểu đồ để thiết lập các hình ảnh trực quan cho bất cứ ngày tháng, thời gian nào. Hãy biến những khái niệm thời gian mơ hồ thành cụ thể, xác thực.

Đầu tiên, phải kể đến cách thức số hóa các ngày trong tuần. Thứ Hai gắn với số 1, thứ Ba: 2, thứ Tư: 3, thứ Năm: 4, thứ Sáu: 5, thứ Bảy: 6, Chủ nhật: 7. Thứ Hai trong quan niệm của mọi người là ngày đầu tiên trong tuần. Cách chọn này sẽ tạo được quen thuộc với đông đảo mọi người. Tuy nhiên bạn cũng có thể thay đổi thành Chủ nhật: 1, thứ Hai: 2, thứ Ba: 3, thứ Tư: 4, thứ Năm: 5, thứ Sáu: 6, thứ Bảy: 7 nếu muốn.

Bây giờ, chúng ta thực hiện việc chuyển đổi thời gian biểu trong tuần thành các con số thông qua các kỹ năng ghi nhớ con số.

8 giờ ngày thứ Hai có thể được số hóa thành hai con số. Thứ Hai, ngày đầu tiên trong tuần tương ứng với số 1, thời gian 8 giờ tương ứng với số 8. Ta có con số 18 tương ứng duy nhất với thời điểm 8 giờ ngày thứ Hai. 18 được hình ảnh hóa theo bảng Mã hóa phụ âm thành CaN (cái can).

Tương tự DiVa (nữ ca sĩ xuất sắc) là hình ảnh tương ứng với thời điểm 2 giờ ngày thứ Ba (22). QuoTa (hạn ngạch) ứng với 3 giờ ngày thứ Bảy (63).

Tuy nhiên có một trở ngại trong việc số hóa. Ví dụ với thời gian 1:01 và 11:00, bạn sẽ biến chúng thành những con số nào? Cả hai đều là 11? Để tránh nhầm lẫn bạn số hóa hai thời gian này thành 101 và 11.

Với những thời gian có dạng 8:15, 8:30, 8:45, ngoài cách số hóa thông thường bạn có thể thay các con số 15, 30, 45 thành một phần tư, một nửa, ba phần tư để ghi nhớ nhanh hơn.

Ví dụ 8:15 ngày thứ Hai sẽ thành 1/4 cái can; 2:30 ngày thứ Ba thành 1/2 DiVa; 3:45 ngày thứ Bảy thành 3/4 hạn ngạch.

Nếu tham gia một sự kiện quan trọng, bạn nên làm tròn các phút lẻ thành các phút chẵn (5:20 thành 5:15, 6:25 thành 6:15) để hạn chế việc bạn đến trễ.

Các chương trình truyền thanh, truyền hình

Hàng ngày, chúng ta phải tiếp nhận một khối lượng thông tin khổng lồ từ các phương tiện thông tin đại chúng. Với những cách thức ghi nhớ đã được tiếp xúc, bạn sẽ dễ dàng chọn lọc và ghi nhớ những thông tin cần thiết phù hợp với bản thân.

Kênh thông tin khoa học giáo dục VTV2 (Vietnam television 2) là kênh 18. Và chương trình “Ôn tập bổ sung kiến thức trong các trường phổ thông” phát sóng trên kênh này vào 8:00 thứ Bảy và 9:30 Chủ nhật hàng tuần.

Đầu tiên bạn phải ghi nhớ VTV2 nằm ở kênh 18. Dựa vào bảng Mã hóa phụ âm được đưa ra ở trên bạn sẽ có CaN (cái ca) tương ứng với 18.

Sử dụng cách thức ký tự đầu, bạn có được hình ảnh “Vòng Tròn Vàng 2" tương ứng với VTV2. Bây giờ bạn hãy tưởng tượng hình ảnh có hai chiếc vòng tròn vàng lớn tỏa ánh sáng chói lòa. Một chiếc bị gió cuốn đi mất, chỉ còn lại chiếc thứ hai quấn quanh cái can.

Tiếp đến, bạn cần ghi nhớ thời gian phát sóng chương trình. Áp dụng cách thức ghi nhớ thời gian biểu, bạn có được hai con số 68 và 7930. Sử dụng phương pháp liên tưởng bạn sẽ nhớ được hai con số này. 68 – liên tưởng đến năm 1968 – năm xảy ra cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm Mậu Thân. 7930 – gồm 79 và 30. Con số 79 là tuổi của Bác Hồ kính yêu, 30 liên tưởng đến 1930 năm Bác Hồ sáng lập Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Một số kỹ năng cần phải có thời gian luyện tập. Đến khi nào quen thuộc với chúng, bạn sẽ thấy chúng vô cùng hữu dụng và có thể sử dụng trong bất kỳ trường hợp nào yêu cầu phải nhớ các con số.

Sự kiện

Chúng ta thường ít ghi nhớ được các sự kiện trong quá khứ, phần lớn do chúng ta gặp khó khăn trong việc ghi nhớ các con số nói chung và ngày tháng cụ thể nói riêng.

Vì vậy chỉ khi bạn tạo được mối liên hệ giữa các con số cụ thể với những hiện tượng có ý nghĩa với bạn thì việc ghi nhớ ngày tháng của sự kiện mới trở nên đơn giản hơn.

Vua Quang Trung đại phá quân Thanh vào năm 1789. Ba con số quan trọng 789 rất dễ để bạn ghi nhớ vì nó là ba số tự nhiên liên tiếp 7,8,9.

Trong trường hợp những con số cần ghi nhớ không có ý nghĩa gì thì chúng ta có thể áp dụng các cách thức đã học để ghi nhớ.

Về nguyên tắc, việc ghi nhớ ngày tháng tương tự như ghi nhớ ngày giờ. Chúng ta chỉ cần chuyển ngày tháng thành các con số cụ thể rồi áp dụng các cách thức ghi nhớ con số.

Ngày 5 tháng 4 chuyển thành số 54, ứng với chữ RoSe (hoa hồng).  Ngày 9 tháng 8 chuyển thành 98, ứng với LiNe (đường dây). Còn trường hợp như con số 112 có thể dẫn đến sự nhầm lẫn: ngày 11 tháng 2 hoặc ngày 1 tháng 12.

Nếu gặp phải trường hợp này, bạn chỉ cần nhớ thêm số 0 vào trước những tháng nhỏ hơn 10. Khi đó, ngày 11 tháng 2 sẽ chuyển thành 1102, ngày 1 tháng 12 mới chuyển thành con số 112.

Tuy nhiên việc ghi nhớ các con số có từ 3 chữ số trở lên sẽ khó hơn so với 2 chữ số. Vì vậy bạn có thể biến ngày 4 tháng 5 thành 45 thay vì 405. Việc sử dụng thêm con số 0 nên được lựa chọn phù hợp để tránh rắc rối, lẫn lộn cho việc ghi nhớ.

Bạn muốn biết chính xác ngày học sinh sinh viên Việt Nam. Hãy tưởng tượng bạn thuộc đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự đại hội Học sinh sinh viên thế giới tại Mông Cổ. Bạn và mọi người được khám phá cuộc sống nơi đây và được hòa vào cuộc sống của những người dân du mục trên sa mạc được hiểu thêm về những tập tục, quy luật và những niềm vui (hạnh phúc) đơn giản của người dân vùng đất Gobi này. Khi chuyển những từ như quy luật (LaW), hạnh phúc (WeaL)và sa mạc Gobi (GoBi) thành các con số thì chúng ta sẽ có các chữ cái: L W W L G B ứng với 9 1 1 9 5 0. Chúng chính là 9/1/1950 - ngày truyền thống của học sinh, sinh viên Việt Nam.

Năm 1957 vệ tinh nhân tạo đầu tiên được phóng lên quỹ đạo Trái Đất. Chúng ta biết rõ sự kiện này đã xảy ra ở thế kỷ trước nên không nhất thiết phải ghi nhớ hai con số 1 và 9. Chúng ta chỉ cần sử dụng “mã hóa phụ âm” để chuyển 57 thành RiPe (quả chín). Tiếp theo hãy tưởng tưởng tượng vệ tinh đầu tiên trên thế giới đang bay ngang qua đầu bạn như quả chín đang treo lơ lửng giữa trời xanh.

Với những sự kiên xảy ra trước công nguyên bạn nên thêm chữ số 0 vào trước mỗi năm.

Ví dụ: Julius Caesar (100-44 TCN) là một nhà hùng biện nổi tiếng người Hy Lạp. Bạn sẽ chuyển đổi thành 044 và 0100. Sau đó ghi nhớ chúng bằng các cách khác nhau.

Công việc cần làm

Việc hôm nay chớ để ngày mai

Bạn ngồi vào bàn học và chợt nhìn thấy cuốn sách mượn của Thảo Nguyên từ cách đây hai tuần trước. Bạn tự nhủ chiều nay đến lớp mình sẽ mang trả cho bạn ấy. Nhưng rồi ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, cho đến một hôm bạn giật mình và thấy xấu hổ khi bị Thảo Nguyên nhắc nhở đến cuốn sách vẫn ngủ yên trên bàn học mà đáng lẽ bạn phải trả cho cô ấy từ hai tháng trước.

Thực ra trì hoãn không liên quan gì đến trí nhớ. Chúng ta không thực hiện những gì đã dự định vì thiếu sự tự giác. Bạn cứ đinh ninh đó là công việc của bạn, nếu không làm ngay bây giờ thì làm lúc khác. Trong phần này, chúng ta sẽ đi vào cách thức ghi nhớ những công việc cần làm.

Đầu tiên hãy viết những công việc bạn cần làm ngày mai ra giấy. Ngày mai bạn phải làm các công việc sau:

  1. Trả sách cho Thảo Nguyên
  2. Nộp tiền quỹ lớp
  3. Làm báo cáo thí nghiệm
  4. Mua quà sinh nhật tặng Kim Hằng

Sử dụng phương pháp Roman Room để đưa danh sách này vào tâm trí bạn bằng cách liên kết danh sách này với phòng của bạn.

Đầu tiên là giá sách của bạn – liên kết nó với việc đầu tiên – trả sách cho Thảo Nguyên. Hãy tưởng tượng bạn ấy đang đứng cạnh giá sách và cầm một vài cuốn sách lên xem. Đột nhiên cô ấy nhìn thấy cuốn sách của mình và mỉm cười với bạn.

Đồ vật thứ hai là chiếc đèn bàn – việc nộp tiền quỹ lớp. Tưởng tượng bạn vừa bật đèn lên thì thấy giấy báo đóng tiền nằm ngay ngắn giữa bàn với cỡ chữ to nhất.

Đồ vật tiếp theo là chiếc giường ngủ – việc thứ ba là làm báo cáo thí nghiệm. Bạn nằm xuống giường và choàng tỉnh khi thấy xung quanh giường của bạn là các trang báo cáo với những con chữ nhảy múa tung tăng.

Đồ vật thứ tư là chiếc chuông gió treo bên cửa sổ – liên kết với việc mua quà sinh nhật cho bạn Kim Hằng. Tưởng tượng khi bạn đang ngồi học, gió từ ngoài thổi vào và chiếc chuông gió reo lên, bạn nhìn ra và thấy một bó hoa như được ai đó đặt vào cửa sổ. Xung quanh chiếc chuông gió là những ngọn nến thắp sáng và kết thành dòng chữ “Chúc mừng sinh nhật Kim Hằng”.

Sáng hôm sau trước khi rời nhà, hãy dạo quanh phòng để “nhắc” lại công việc ngày hôm nay, rồi bạn hoàn toàn có thể thoải mái rời khỏi nhà.

Tuy nhiên làm sao để ghi nhớ những điều này suốt cả ngày? Những công việc, nhiệm vụ mới liên tục “chạy” đến khiến bạn quên bẵng đi những gì mình dự định làm.

Ngoài việc thường xuyên nhớ lại công việc gắn với đồ vật trong phòng, bạn nên tạo thêm các tình huống để nhắc nhở mình. Tạo ra mối liên kết giữa địa điểm diễn ra tình huống và việc cần làm.

Bạn và Thảo Nguyên học chung một lớp. Hãy tưởng tượng bạn thấy mặc cảm khi đứng trước cô ấy. Bạn không dám nhìn và trò chuyện với cô ấy (vì bạn chưa trả sách cho Thảo Nguyên). Tự tạo mặc cảm tội lỗi trong trí não sẽ giúp bạn ghi nhớ nhiệm vụ trả sách cho Thảo Nguyên.

Đối với các nhiệm vụ khác, bạn cũng làm tương tự như vậy và sẽ thấy mình ghi nhớ mọi thứ dễ dàng và nhanh chóng hơn.

  1. Nhớ đường đi

Với một số người, dường như việc nhớ các địa điểm chỉ là chuyện nhỏ. Họ có thể quay trở lại nơi xuất phát chỉ sau một lần di chuyển ở những nơi đông đúc hoặc ở những đường phố như mê cung.

Trong khi một số lại có vấn đề trong việc nhớ đường cho dù đã đi vài lần trên chính con đường ấy. Vậy vấn đề là do đâu? Có phải do yếu tố bẩm sinh mà thành? Thực ra, nguyên nhân sâu xa nằm ở sự chú tâm của mỗi người…

Không chỉ chú ý đến phương hướng trên đường, bạn còn nên quan tâm đến những chỉ dẫn ký hiệu liên quan dọc trục đường. Để ý đến ngọn núi, tòa nhà, công viên, rừng cây xung quanh, đừng bỏ lỡ một cửa hàng thời trang hoặc nhà sách yêu thích.

Nếu con đường bạn đi không có các mốc nhận diện quan trọng, việc ghi nhớ sẽ khó khăn hơn nhưng không phải là không thể. Hãy chú ý đến đặc điểm khác lạ của những ngôi nhà, cảnh vật ven đường. Nhớ tên con đường đang đi và đặc điểm tại các giao lộ nơi bạn rẽ hoặc chuyển hướng.

 Ghi nhớ càng nhiều chi tiết có thể càng tốt. Khi trở về nhà, bạn hãy ghi ra giấy những gì mình đã quan sát được. Tự tạo cho mình một bản đồ chi tiết với các ghi chú và hình ảnh sinh động dễ nhớ. Đối với những cung đường ngắn, lần tiếp theo, bạn có thể di chuyển bằng cách đi bộ hoặc xe đạp để dễ so sánh những địa điểm trên thực tế với hình ảnh mô phỏng bằng bản đồ của mình.

Địa chỉ

Sử dụng những cách thức ghi nhớ ở trên cộng thêm một chút sáng tạo bạn sẽ dễ dàng ghi nhớ các địa chỉ cụ thể. Ví dụ, Hoài Phương vừa chuyển đến số nhà 37, đường Trần Hưng Đạo. Bạn có thể chuyển 37 thành băng ghi âm (TaPe – 3: T, 7: P). Tiếp đến gắn con số này với tên đường. Bạn hãy tưởng tượng mình đang thưởng thức cuốn băng ghi âm những ca khúc hát ru nổi tiếng.

Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc xác định lộ trình đi đến địa chỉ trên, hãy gắn thêm các đặc điểm xung quanh gây ấn tượng với bạn thông qua mục đường đi ở phía trên hoặc ngay mục chỉ dẫn đường đi sau đây.

Chỉ dẫn đường đi

Khi một người nào đó đưa ra chỉ dẫn về đường đi, bạn có thể gặp khó khăn khi phải ghi nhớ hàng loạt những lần rẽ trái, rẽ phải tại các giao lộ.

Để nhớ trọn vẹn những hướng dẫn chỉ đường này, hãy sử dụng trí tưởng tượng của mình.

Ví dụ, một cô bạn thân vừa mới chuyển chỗ ở, bạn được hướng dẫn đường đến nhà mới của cô ấy như sau: cậu cứ đi thẳng đường A rồi khi gặp nhà hàng B thì rẽ trái, đi tiếp 3 ngã tư nữa rồi rẽ phải, đi tiếp 4 căn nhà nữa rồi rẽ trái, nhà tớ là nhà số 5 nhé.

Để xác định đúng hướng đi, bạn không chỉ phải ghi nhớ đường đi mà còn phải xác định chính xác những khúc cua, điểm rẽ trái, phải. Để có thể ghi nhớ tốt nhất, bạn nên chuyển những điểm rẽ trái rẽ phải thành những hình ảnh quen thuộc.

Biến những điểm rẽ trái thành hình con thỏ, rẽ phải thành hình chim phượng hoàng và đặt chúng vào tấm bản đồ tưởng tượng của bạn. Chúng sẽ giúp bạn ghi nhớ các lối rẽ và đến được đích.

Với ví dụ trên, bạn có thể tưởng tượng thành: “Bạn đang đi trên đường thì gặp một nhà hàng đang quay một chú thỏ khổng lồ mùi thơm phức. Ngay lập tức bạn nhớ rằng mình cần rẽ trái. Bỗng nhiên từ trong nhà hàng có một chú phượng hoàng ăn mặc thời trang bước ra mời bạn ngồi lên chiếc xe Audi có dạng chữ thập (+: ngã tư) đến góc đường để cùng nó đang nhâm nhi tách trà (Tea – T: 3), bạn nghĩ ngay mình cần đi qua 3 ngã tư rồi rẽ phải. Ngay tại đầu đường, bạn nhìn thấy một chú thỏ đang nằm phơi nắng trên bãi biển (Sea – S:4) vẫy tay chào bạn. Bạn nhớ ngay ra là cần phải đi qua 4 căn nhà rồi rẽ trái.

Phương pháp này không chỉ giúp bạn nhớ hướng đi và địa chỉ mà khiến bạn cảm thấy thật thoải mái với những hình ảnh thật sinh động. Thực tế, tất cả những kỹ thuật chi tiết này sẽ trở nên dễ dàng hơn đối với bất kỳ ai.

Giờ đây, cách ghi nhớ địa điểm đã nằm trong tay bạn, chúng ta tiếp tục chuyển tiếp sang cách thức ghi nhớ những việc cần làm.

Kết luận

Giờ chúng ta nên làm gì? Giờ công việc quan trọng nhất của bạn là thực hiện các kỹ thuật chúng tôi đã cung cấp. Hàng tuần, bạn hãy gặp gỡ những người mới, sử dụng các kỹ thuật chúng tôi đưa ra để nhớ tên của họ (nếu hàng ngày được thì quá tốt). Chắc hẳn ngày nào bạn cũng đọc báo? Nếu bạn đọc sách hằng ngày thì quả là điều tuyệt vời. Vậy đừng quên áp dụng phương pháp ghi nhớ thông tin, tài liệu để nâng cao trí nhớ của bạn nhé. Nếu bạn học ngoại ngữ, nhất là một ngôn ngữ mới, bạn có thể áp dụng kỹ thuật âm thanh để nhớ nghĩa của các từ.

Có rất nhiều cơ hội để bạn thực hành các phương pháp ghi nhớ bạn đã học được. Và nhớ rằng, tất cả những kỹ thuật mà bài viết trên cung cấp đều có nguyên tắc cơ bản. Những nguyên tắc đó là: sự lặp lại, liên tưởng, tưởng tượng, ghi nhớ hình ảnh để hình dung ra điều gì đó trong tâm trí bạn nhằm ghi nhớ hiệu quả hơn.

Bằng cách chăm chỉ luyện tập mỗi ngày, chắc chắn trí nhớ của bạn sẽ được cải thiện và dần dần bạn sẽ có một trí nhớ tuyệt vời!

Trạm đọc | Nguồn ảnh sưu tầm

Tags: