Nhưng bạn có biết, trí nhớ có từ khi chúng ta mới sinh ra, nó phát triển hay tàn lụi, nó phong phú hay nghèo nàn phụ thuộc vào sự luyện tập của chính bạn. Vì thế, đừng tự ti vì bạn không có một trí nhớ tốt, chỉ là bạn chưa luyện tập đúng cách mà thôi.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ được tìm hiểu về các nguyên tắc và kỹ thuật có thể sử dụng để tăng cường trí nhớ của bạn. 17 phương pháp ghi nhớ và những bài luyện tập thú vị sẽ giúp bạn tìm thấy con đường để đưa những thông tin, con số, những công thức, những bài học, những lịch trình… đi vào bộ nhớ dễ dàng và ở lại với bạn lâu nhất. Không còn phải lúng túng với sự đãng trí hay nhầm lẫn, bạn sẽ nhanh chóng biến trí nhớ trở thành công cụ hiệu quả trong học tập, công việc và cuộc sống.
Trước tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu về trí nhớ và sự suy giảm trí nhớ trước khi tìm ra giải pháp cụ thể.
I. Những điều cần biết về cải thiện trí nhớ
Trí nhớ không phải là khả năng cố định, chỉ có tốt hoặc chỉ có kém. Khi bạn khiếm khuyết điều gì, bạn hoàn toàn có thể luyện tập để cải thiện nó. Trí nhớ cũng vậy. Trí nhớ của bạn có thể không tốt, nhưng tôi muốn bạn biết rằng, không hề có trí nhớ tồi. Chỉ có trí nhớ được rèn luyện và trí nhớ không được rèn luyện mà thôi. Nếu bạn nắm vững những kỹ thuật nhớ, bạn có thể luyện tập để có một trí nhớ tốt hơn.
Nếu bạn nghiêm túc muốn cải thiện trí nhớ, bạn nên tham gia vào tất cả các bài tập trong bài viết này, bạn sẽ thấy chúng không chỉ hữu ích mà còn thú vị nữa.
II. Trí nhớ và sự suy giảm trí nhớ
Suy giảm trí nhớ tuy không gây hại cho sức khỏe nhưng nó đem lại rất nhiều phiền toái và khó chịu cho mỗi chúng ta. Những phiền toái ấy xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Việc xác định rõ các nguyên nhân sẽ giúp bạn có những biện pháp phòng tránh và ghi nhớ hiệu quả, đồng thời giúp mang lại những giây phút dễ chịu, thoải mái hơn cho cuộc sống của mình và những người xung quạnh.
1. Nguyên nhân khách quan
Những nguyên nhân thuộc dạng này thường là do bệnh lý hoặc tai nạn. Nó bao gồm các nguyên nhân khó tránh như: suy giảm trí nhớ do tuổi tác; đột biến gen; rối loạn giấc ngủ; rối loạn tăng động giảm chú ý ‒ ADHD: Hyperactivity and attention deficit disorder ‒ (khoảng 4% học sinh mắc phải bệnh lý này); các bệnh như thiểu năng tuần hoàn não, thoái hóa não (như bệnh Alzheimer), u não, viêm não siêu vi…, chấn thương vùng đầu do tai nạn.
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân có thể xuất phát từ những thói quen xấu của con người nhưng xét về mặt tổng thể vẫn xếp vào dạng khách quan. Đó là các bệnh như tai biến mạch máu não, các bệnh lý về gan, tuyến giáp, rối loạn giấc ngủ do stress. Đồng thời việc sử dụng một số loại thuốc như: gây mê, thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ, thuốc gây nghiện lâu ngày cũng có thể gây suy giảm trí nhớ.
Cuối cùng cần phải kể thêm căn bệnh trầm cảm mà nguyên nhân của nó chủ yếu đến từ các yếu tố khách quan. Bản chất của trầm cảm là khiến người bệnh thờ ơ, không chú ý đến xung quanh, giảm quan sát, có cảm giác mất năng lực trong cuộc sống. Do đó, bệnh nhân trầm cảm không buồn để ý đến bất cứ thứ gì, và đương nhiên suy giảm khả năng ghi nhớ.
2. Nguyên nhân chủ quan
Đây mới là nguyên nhân chính khiến bạn bị suy giảm trí nhớ. Chính thói quen sống không khoa học khiến cơ thể bạn bị tổn hại nghiêm trọng. Lối sống thiếu lành mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thể lực và trí lực của bạn. Có thể kể đến những thói quen có hại thường hay gặp dưới đây.
3. Người trẻ và những biểu hiện suy giảm trí nhớ
Bạn đã từng rơi vào tình trạng tự dưng quên mất việc mình chuẩn bị làm, ra khỏi nhà một lúc lại băn khoăn không biết đã đóng cửa, tắt bếp ga, tắt máy tính chưa? Nếu bạn thường xuyên nhớ nhớ quên quên như vậy thì nó chính là những dấu hiệu cho thấy bạn đang có vấn đề về trí nhớ.
Ngày nay, khá nhiều bạn trẻ mắc phải những điều tương tự như vậy. Không giống như người già, những vấn đề về trí nhớ của người trẻ thường liên quan nhiều đến quá trình ghi nhận. Do đó phần đông trong số họ bị suy giảm trí nhớ gần, mới xảy ra hay còn gọi là trí nhớ công việc. Những suy giảm này được biểu hiện qua một vài tình trạng phổ biến:
Đãng trí không phải là bệnh lý suy giảm trí nhớ mà chỉ là vấn đề về trí nhớ. Nó là hiện tượng thường gặp ở giới trẻ. Đây là tình trạng ở mức độ thấp và được xem như dấu hiệu cảnh báo việc não bộ của bạn hiện đang quá tải. Nếu không nhanh chóng tìm cách cải thiện tốc độ thu nhận thông tin thì lâu dần, đãng trí sẽ chuyển sang những vấn đề khác nghiêm trọng hơn gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn.
Hiện tượng này có thể được biểu hiện thông qua việc ngồi trong lớp nghe giảng nhưng kiến thức của thầy cô chẳng khác nào “nước đổ lá khoai” và đôi lúc bạn phải đề nghị thầy cô nhắc lại vì bản thân chẳng nhớ được chữ nào vào đầu. Ngồi “tám chuyện” với bạn bè nhưng bạn lại để đối phương thao thao bất tuyệt còn mình “phiêu” tận đâu đâu. Thậm chí, kỳ thi đến gần nhưng tâm trí bạn lại treo ngược cành cây. Cứ mỗi lần đụng đến sách vở là những hình ảnh khác bỗng nhiên nhảy múa trong đầu như muốn trêu ngươi bạn. Và tệ hại nhất là, ngay trong lúc làm bài thi, bạn sơ suất không để ý đến những chi tiết nhỏ khiến bạn bị điểm kém hay bị đánh trượt.
Không tập trung hay tập trung kém là hiện tượng không thể hoặc khó chú tâm vào công việc cụ thể, đặc biệt là các tiểu tiết, đồng thời rất dễ bị phân tán bởi những việc khác cùng xảy ra tại thời điểm đó. Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được nó nếu biết được những biểu hiện sớm và ngăn chặn ngay từ đầu.
Nếu tổ chức một cuộc bình chọn từ ngữ được các bạn học sinh, sinh viên hay dùng để biện hộ cho lỗi lầm hay thiếu sót của mình thì có lẽ từ “quên” sẽ nằm trong nhóm được bình chọn nhiều nhất.
Bỏ qua những lý do được dùng với mục đích chống chế thì quên là một cấp độ cao hơn của sự đãng trí. Nó xuất hiện trong những công việc, học tập hay cuộc sống thường nhật. Nấu cơm nhưng lại quên cắm điện, ra khỏi nhà quên khóa cửa, gửi xe quên rút chìa khóa… Nếu như những việc đó xảy ra với tần suất thấp thì đó là dấu hiệu của tình trạng căng thẳng.
Nếu như hay quên làm cho bạn khó chịu thì nhớ lẫn lộn sẽ khiến bạn khó chịu gấp nhiều lần và gặp nhiều tai bay vạ gió. Nếu gặp các câu hỏi liên quan đến kiến thức đã quên béng mất, ta thường có xu hướng bỏ qua chúng hoặc vớt vát bằng cách “thà viết nhầm còn hơn bỏ sót”. Bạn chắc mẩm mình không bỏ sót câu nào và hoàn thành bài thi nhưng thực tế bài thi của bạn chẳng khác nào kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Khi biết mình sai, bạn sẽ có cảm giác nuối tiếc, dằn vặt thậm chí thất vọng, trách cứ bản thân, bạn ước gì mình nhớ chính xác kiến thức lúc làm bài. Tâm lý này khiến tâm trí bạn rối loạn và không thể tập trung vào bất cứ việc gì khác. Không chỉ vậy, nó khiến bạn luôn bất an khi làm việc gì đó: “Liệu mình có nhớ nhầm gì hay không?” và thường không tin tưởng vào bản thân cũng như những việc mình làm. Cũng có nhiều người không nhận thức được mình sai nên nghĩ rằng: thầy cô thiên vị hoặc có nhầm lẫn gì đó. Chính điều này khiến bạn cảm thấy chán nản, có tâm lý không muốn học hành, suy nghĩ tiêu cực và kết quả càng ngày càng kém đi.
Việc nhớ lẫn lộn có thể hiếm gặp ở người này nhưng lại là một hiện tượng thường xuyên với người khác. Nhưng dù ít hay nhiều, nó vẫn là một vấn đề về trí nhớ đáng quan tâm. Nó được coi là sự kết hợp giữa thói hay quên và sự thiếu tập trung.
Trạm đọc | Nguồn ảnh sưu tầm