Cái giá của việc che đậy vết thương
Cái giá của việc che đậy vết thương
Chúng ta che đậy vết thương của mình vì khó đối mặt với chúng.
Phá Vỡ Khuôn Mẫu
(5 lượt)
Chúng nhức nhối và chứa đầy cảm xúc, chúng khiến ta phải chú ý đến những việc gây tổn thương và có hại trong quá khứ. Sẽ dễ dàng hơn nếu ta cứ tiếp tục sống thay vì làm điều đó. Nếu có một cách để bước tiếp mà không cần thừa nhận vết thương, chắc hẳn mọi người đều sẽ đăng ký áp dụng.

Nhưng việc đơn giản bước tiếp sẽ không thể có hiệu quả. Bạn muốn biết tại sao không? Vì vết thương của bạn không đi đâu cả. Chúng sẽ không chiếm ít không gian hơn chỉ vì bạn ngoảnh mặt với chúng. Chúng sẽ không tự khép miệng chỉ vì bạn phớt lờ. Chúng sẽ không tự lành chỉ vì bạn tránh né. Chúng cứ dai dẳng vì chúng muốn được chữa lành.

Nếu bạn cứ cố che đậy một vết thương, thì nó sẽ tìm cách bắt bạn phải chú ý. Trên thực tế, nó đã cố gắng thu hút sự chú ý của bạn bằng những cách mà bạn thậm chí còn không hay biết – những cách có thể phổ biến hơn bạn nghĩ. Thật ra, một vết thương nào đó có thể đã cố thu hút sự chú ý của bạn vào tuần trước hay tháng trước, nhưng chỉ là bạn không biết mình phải để ý đến thứ gì. 

Có lẽ bạn từng thấy bản thân vô thức trở thành một phiên bản của cha mẹ mình, chẳng hạn lúc bạn chỉ trích bạn đời giống như cách mẹ bạn chỉ trích cha bạn, hoặc lúc bạn nổi giận với bạn đời giống như cách cha mẹ bạn bùng nổ với nhau. Hay trong những trường hợp khác, bạn sợ lặp lại hình ảnh của cha mẹ đến mức đã làm mọi thứ trong khả năng để không phải giống như họ. Đây là động cơ lành mạnh trong một số tình huống nhưng nó vẫn khiến bạn phải đưa ra những quyết định bị nỗi sợ hãi thúc đẩy, như phải tránh xung đột bằng mọi giá – một quyết định có thể giữ cho mọi thứ yên bình ở bề ngoài, nhưng lại ngăn cản bạn nói lên sự thất vọng hoặc lo lắng.

Có điều nào trong số đó quen thuộc với bạn không? Rất có thể bạn từng nhìn thấy những hành vi này trong các mối quan hệ bạn bè, công việc, yêu đương trong hiện tại hoặc quá khứ (đừng lo, bạn không phải là người duy nhất giơ tay ở đây đâu). Những hành vi này, dù có ý thức hay vô thức, đều là những dấu hiệu tuyệt vời cho thấy một vết thương cội nguồn đang cố thu hút sự chú ý của bạn. 

 

PHẢN ỨNG

 

Phản ứng là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy bạn có một vết thương. Khi bạn phản ứng mạnh trước một việc thì sự phản ứng chính là hồi chuông cảnh báo. Nội tâm bạn biết có chuyện gì đó với những gì đang xảy ra, và phản ứng của bạn đang cho biết bạn không thích việc đang diễn ra, rằng bạn cảm thấy không thoải mái, bị đe dọa hoặc gặp nguy hiểm.

Đôi khi, lý do bạn phản ứng là vì trong thâm tâm, bạn cảm thấy có điều gì đó rất quen thuộc đang dần lộ diện. Người yêu của bạn cứ cắm đầu vào điện thoại trong khi bạn chia sẻ một vấn đề rất nhạy cảm, thế là bạn tức tối bỏ đi. Sự thờ ơ của người yêu khiến bạn nhớ đến cha mẹ mình những người không hề dành cho bạn sự ưu tiên khi bạn còn bé. Một người bạn hủy hẹn đến lần thứ ba, thế là bạn trách mắng cô ấy. Sự thiếu tôn trọng của người bạn đó gợi cho bạn nhớ đến cha mẹ mình, những người đã hứa thật nhiều nhưng thất hứa cũng thật nhiều. 

Chúng ta đều từng trải qua những chuyện đó. Khi tôi hỏi cộng đồng Instagram của mình rằng điều gì khiến họ phản ứng tôi đã nhận được hàng trăm bài đăng. Có những câu trả lời như: bị chỉ trích, bị phớt lờ, bị đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm, bị nói rằng mình quá nhạy cảm, bị cắt ngang cảm thấy không được lắng nghe, bị từ chối,... Tại sao chúng ta phản ứng thái quá? Ta sẽ khám phá khía cạnh này sâu hơn khi tìm hiểu những vết thương khác nhau, còn hiện tại, bạn chỉ cần hiểu rằng phản ứng mạnh giống như một lá cờ cắm trên cát, ý nói rằng nếu đào sâu thêm một chút, bạn sẽ tìm thấy một vết thương cội nguồn vẫn đang cần được chăm sóc.

 

LÀM LỚN CHUYỆN

 

Một dấu hiệu khác cho thấy sự hiện diện của một vết thương đang ẩn bên dưới bề mặt là bạn hay làm quá, hoặc khi cơn giận dữ của bạn với điều khiến bạn giận dữ không có vẻ gì tương xứng. Mahika hào hứng ngỏ ý muốn nấu bữa tối cho người phụ nữ mà cô đã hẹn hò được vài tháng. Nhưng khi người đó tay không xuất hiện trước cửa nhà, rồi chỉ ngồi phịch ở ghế sofa trong khi Mahika tiếp tục nấu nướng thì cảm xúc của cô dần thay đổi. Vị khách của Mahika chủ động gắn kết, nói về những sự kiện trong ngày của mình và hỏi chuyện Mahika. Nhưng Mahika có thể thấy cô đang bắt đầu bị cuốn vào vòng xoáy nội tâm: Không thể tin được là cô ấy lại vô tâm đến vậy. Sao cô ấy không hỏi là mình có cân giúp gì không? Cô ấy đang lợi dụng mình. Mình đã quá mệt mỏi vì phải chăm sóc người khác rồi. Chẳng mấy chốc, nội tâm của Mahika đã bộc lộ ra ngoài. "Tại sao em lại đến đây nếu em không thích dành thời gian cho tôi?” Nước mắt bắt đầu rơi. Đối với nhiều người, đây sẽ là một sự thay đổi khó hiểu. Người khách mời có thể không biết chuyện gì vừa xảy ra. Cô ấy đã đến và rất vui khi được ở đó. Nhưng Mahika đang phản ứng mạnh với một điều gì đó vừa xảy ra nhưng cũng vừa không xảy ra ngay lúc này.

Khi ai đó hoặc chính bạn phản ứng có phần thái quá hơn những gì bạn nghĩ là phù hợp, có thể phản ứng này liên quan đến một quá khứ phong phú và phức tạp phía sau – chính quá khứ đó sẽ giúp hiểu được khoảnh khắc ở hiện tại, hoặc chí ít cũng cho nó một bối cảnh thích hợp. Trong trường hợp này, Mahika đã lớn lên với một phụ huynh nghiện rượu, chỉ ngồi phịch trên sofa, đòi hỏi này nọ và luôn mong đợi người khác chăm sóc mình. Khi người yêu xuất hiện tay không và không ngỏ ý muốn giúp đỡ, Mahika vô thức nhớ lại cảm giác tức giận vì bị lợi dụng. Trong sâu thẳm, cô đang trải qua những cảm xúc tiêu cực từ quá khứ chứ không phải hiện tại, và cô phản ứng mạnh là vì vết thương ưu tiên chưa được chữa lành một chủ đề mà chúng ta sẽ bàn chi tiết hơn ở chương 5.

 

NHỮNG KHUÔN MẪU RỐI LOẠN CHỨC NĂNG

 

Một cách khác để che đậy hoặc tránh gọi tên vết thương là lặp đi lặp lại những hành vi và sự lựa chọn không giúp ích gì cho bạn về mặt sức khỏe cảm xúc, thể chất, tâm lý, thần kinh, tinh thần và sự lành mạnh trong các mối quan hệ của bạn. Bạn có thể cứ chọn cùng một kiểu người yêu hết lần này đến lần khác: những người luôn lừa dối bạn hoặc giấu bạn điều gì đó, những người không biết gắn kết về cảm xúc hoặc không sẵn sàng có mối quan hệ nghiêm túc. Hoặc bạn có thể tự hứa sẽ không tiếp tục có những cuộc tình một đêm, vì sau mỗi lần như vậy, bạn đều cảm thấy bản thân thật tồi tệ... nhưng bạn vẫn lặp lại hành vi đó cho dù có tự hứa bao nhiêu lần đi nữa. Hoặc có thể bạn cứ dốc cạn hầu bao để cố “theo kịp” bạn bè, chỉ để nhận ra mình lại căng thẳng với việc trả tiền thuê nhà vào cuối tháng.

Bạn thấy những điều này nghe có quen không?

Đây đều những khuôn mẫu rối loạn chức năng. Trong đó có mọi kiểu hành vi, từ trì hoãn, chơi trò tâm lý khi hẹn hò, nói dối, bào chữa cho hành vi gây tổn thương hoặc gây hại, bị cuốn vào những cuộc tranh cãi vô ích, có những cuộc độc thoại tiêu cực, cho đi nhiều hơn nhận lại (mối quan hệ không có qua có lại). Điểm chung của tất cả những hành vi này là chúng đều phản ánh một vết thương chưa được công nhận.

 

HỦY HOẠI

 

Một trong những khuôn mẫu rối loạn chức năng nặng nhất là tự hủy hoại bản thân và các mối quan hệ của chúng ta. Khi bạn làm hành vi hủy hoại là bạn đang thử thách người khác - thường là trong vô thức – với hy vọng hoặc tiếp tục che giấu và nhờ đó mà củng cố vết thương của bạn, hoặc để mọi thứ cần được chữa lành bộc lộ ra ngoài.

Một trong những cách phổ biến nhất mà tôi thấy nhiều người dùng để kiểm nghiệm hoặc hủy hoại một mối quan hệ là ngoại tình. Tất nhiên, có nhiều lý do để ai đó ngoại tình nhưng tôi đã trị liệu cho rất nhiều người xem ngoại tình như một hình thức để hủy hoại mối quan hệ của họ. Nếu mình lừa dối, anh ấy sẽ phát giác, rồi anh ấy sẽ bỏ mình vì mình không xứng đáng với mối quan hệ này. Điều này củng cố một vết thương nói rằng bạn không xứng đáng với tình yêu, sự thân mật hay mối quan hệ yêu đương - cuối cùng cho thấy rằng bạn không xứng đáng được chọn. 

Nhưng hành vi hủy hoại cũng có thể là một nỗ lực chỉnh sửa vết thương. Sự chỉnh sửa có thể diễn ra như sau: Nếu em lừa dối, anh sẽ phát giác. Việc đó có thể phá hoại mối quan hệ của cả hai, nhưng có thể chúng ta sẽ bắt đầu nói về lý do tại sao em cảm thấy không xứng đáng có anh làm người bạn đời. Có thể chúng ta sẽ nói về lý do tại sao em thấy mình không đủ tốt với anh. Và có thể từ đó anh sẽ giúp em nhìn ra và hiểu được lý do tại sao em thật sự là một người có giá trị và quan trọng trong cuộc đời anh, xứng đáng với một tương lai có anh bên mình. Vâng, tôi biết bạn đang nghĩ gì. Nhưng thực tế này phổ biến hơn bạn nghĩ đấy.

 

CHO NHỮNG LỜI KHUYÊN MÀ BẢN THÂN BẠN KHÔNG THỂ THỰC HIỆN 

 

Cuối cùng, có một dấu hiệu mà có lẽ ít ai ngờ của một vết thương cố ngoi lên bề mặt: đó là khi một người đưa ra lời khuyên mà chính họ không thể làm được. Tới đây, tôi biết sẽ có nhiều cánh tay đưa lên lắm. Tôi khá chắc là hầu hết chúng ta đều từng làm điều này vào một thời điểm nào đó trong đời. Bạn khuyên một người bạn là nên ngừng nói chuyện với người yêu cũ, nhưng khi người yêu cũ của chính bạn liên lạc thì bạn lại nhắn tin trả lời ngay lập tức. Bạn khuyên em mình về cách chuẩn bị tinh thần cho một cuộc phỏng vấn xin việc, nhưng chính bạn lại khó có thể cảm thấy tự tin khi ở vào tình huống đó. Bạn hô hào người khác nên yêu lấy bản thân trên trang Instagram của mình, nhưng đằng sau cánh cửa đóng kín, bạn lại khó thấy được có điều gì ở bản thân mà bạn thích. 

Nếu bạn từng đưa ra những lời khuyên mà bản thân bạn thấy khó tiếp thu hay làm theo, thì đó là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó chưa được giải quyết đang bộc lộ ra. Có lẽ bạn không thể chấp nhận những lời khuyên và đề nghị yêu lấy bản thân mà chính bạn đã nói với người khác là vì bạn lớn lên với niềm tin rằng không ai yêu thương mình. Những lời chúng ta thuyết giảng nhưng không thể thực hành chỉ là một dấu hiệu khác cho thấy chúng ta phải sống chậm lại và tò mò hơn về những vết thương chưa được chữa lành. Tất cả những điều trên không phải là cách duy nhất để vết thương của chúng ta cố thu hút sự chú ý, nhưng đó là những dấu hiệu nhất quán nhất mà tôi từng nhận thấy, giúp tôi và thân chủ biết rằng còn có điều gì đó cần được xem xét kỹ hơn. Nếu bạn nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này ở bản thân, tôi gần như có thể đảm bảo với bạn rằng vẫn còn những điều chưa được hé lộ. 

- Trích từ cuốn sách: “Phá vỡ khuôn mẫu - Để tự do Sống và Yêu” của tác giả Vienna Pharaon

 

Tags: