“Hồn lìa khỏi xác thì các xác sẽ trở nên vô dụng,” William James đã khẳng định như thế trong thuyết tiến hoá 1884 của mình về cách cơ thể ảnh hưởng đến cảm xúc. Sau hai thế hệ, trong lá thư tình gửi đến một quý cô, Rainer Maria Rilke: nhà thơ người Áo – một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỉ 20 viết: “Anh không phải kiểu người bỏ bê, hi sinh cơ thể của mình để làm thoả mãn tinh thần, bởi tinh thần anh ắt hẳn phải khó chịu lắm với lối sống đó.” Từ đó, chúng ta từng bước làm rõ và tận dụng mối tương quan giữa xác thịt và hệ thống cảm xúc nội tại – hay còn gọi là “tâm hồn”.
Không còn gì cần thiết hơn và cũng đáng gờm hơn là chữa lành tổn thương. Và không ai có thể sở hữu phương pháp đầy tính xây dựng, đầy cảm thông hơn Bessel van der Kolk – nhà nghiên cứu PTSD và bác sĩ tâm thần người Hà Lan gốc Boston. Trong The Body Keeps the Score: Brain, Mind, and Body in the Healing of Trauma, ông đã khám phá ra được “trên con đường nối giữa cơ thể và tâm hồn, có một hố đen vô tận chứa đầy tổn thương khiến quá nhiều người lún sâu vào mà quên đi thực tại” và tự vạch ra con đường riêng để cứu vớt họ, nghiên cứu trong ba mảng chính sau đây: thần kinh học (xem về quá trình vận hành, chức năng các phần trong não bộ; tâm lý học phát triển (quan tâm đến ảnh hưởng của sang chấn lên sự phát triển của tinh thần và não bộ); sinh học thần kinh giữa người với người (nói về cách hành vi của chúng ta ảnh hưởng đến trạng thái tâm sinh lí của những người thân bên cạnh).
Sang chấn, theo như Van de Kolk, ảnh hưởng không chỉ những người chịu đựng nó mà còn với những người xung quanh họ và đặc biệt là những người yêu thương họ. Ông viết:
Bạn không cần phải là chiến sĩ hoặc đi tập huấn ở Syria hay Congo mới phải đối đầu với sang chấn. Sang chấn xảy đến với chúng ta, bạn bè, gia đình và cả hàng xóm. Nghiên cứu từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh đã cho thấy 1/5 người Mỹ bị xâm hại khi còn nhỏ; 1/4 bị cha mẹ bạo hành đến nỗi để lại vết tích trên người; và 1/3 các cặp đôi dính vào bạo hành thể xác, 1/4 lớn lên với những người họ hàng nghiện rượu, 1/8 chứng kiến cảnh mẹ mình bị đánh đập. Cần phải mạnh mẽ nhiều lắm mới có thể sống tiếp và mang trong mình những ký ức đau thương, nỗi nhục vì nhu nhược và yếu hèn.
Theo Van der Kolk, ở những người sống cùng với sang chấn, một phần não đã tiến hoá để phát hiện nguy hiểm và phóng đại nó lên, dù chỉ là một dấu hiệu nhỏ, dù là thật hay hiểu lầm, có thể khơi dậy sự phản hồi stress kịch liệt cùng với những cảm xúc khó chịu cực điểm và cảm giác choáng ngợp. Những phản ứng hậu sang chấn như vậy khiến họ khó có thể kết nối với người khác, vì chính sự gần gũi thường xuyên khơi gợi cảm giác bị đe doạ. Tuy nhiên, điều chúng ta kinh sợ nhất sau khi trải qua tổn thương – liên hệ với người khác – lại là điều mà chúng ta cần nhất để cân bằng lại cảm xúc và bắt đầu chữa lành. Van der Kolk viết:
Có thể cảm thấy an toàn khi ở bên người khác là khía cạnh quan trọng nhất trong sức khoẻ tinh thần; mối quan hệ an toàn là điều cơ bản cần thiết đối với một cuộc sống có ý nghĩa và thoả mãn.
Từ đây, ông chỉ ra tại sao chúng ta lại tiến hoá thành một máy dò nguy hiểm – chúng ta giật nẩy lên dù có là những cái động khẽ nhất, dù cho chúng ta không biết cách đọc vị con người mà vẫn có thể nhìn ra được sự thân thiện hay địch ý của một người dựa trên những manh mối nhỏ nhặt như độ căng của chân mày, độ cong môi và các góc của cơ thể. Nhưng một trong những ảnh hưởng nguy hiểm nhất của sang chấn chính là nó làm hỏng khả năng đọc vị người khác, khiến cho khả năng nhận biết nguy hiểm của họ giảm đi hoặc khiến họ nghĩ rằng có nguy hiểm đáng gờm trong khi thực ra không phải vậy.
Ngược đời là điều có thể chỉnh sửa khả năng này lại là mối liên kết giữa người với người. Van der Kolk viết:
Ủng hộ từ xã hội không thể so sánh được với sự tồn tại của những người gần gũi xung quanh. Vấn đề cốt lõi chính là sự tương tác: được lắng nghe một cách chân thành và được thông cảm bởi những người xung quanh, cảm giác được che chở bởi tâm hồn và trái tim của họ. Để sinh lí có thể bình tĩnh, chữa lành và phát triển, chúng ta cần cảm giác an toàn từ bên trong. Không bác sĩ nào có thể kê đơn cho tình bạn và tình yêu: đó là thứ phức tạp và khó mà tìm được. Tiền sử sang chấn khiến bạn cảm thấy e dè, ngượng ngập và thậm chí hoảng loạn khi dự tiệc cùng với người lạ, có thể khiến cả thế giới trở thành một tổ hợp người ngoài hành tinh trong mắt bạn.
Muốn bắt đầu giải quyết sang chấn cần tuân theo hình mẫu bệnh được lập ra từ tâm lý học và tâm thần học thế kỷ 20. (Hình mẫu đó có nhiều biến thể, ảnh hưởng đến mọi thứ, từ phủ nhận về quan hệ phát sinh giữa stress và bệnh thể chất, đến cách chúng ta cảm nhận về thất bại trong tình yêu.) Sang chấn và hệ quả tâm lí của nó, theo như Van der Kolk, không phải một bệnh tâm thần mà là một sự thích nghi. Ông viết:
Hình mẫu bệnh tâm thần xây dựng trên 4 nền tảng: (1) khả năng tàn phá một người khác tương đương với khả năng chữa lành họ. Khôi phục các mối quan hệ và cộng đồng là điểm cốt yếu; (2) ngôn ngữ cho chúng ta sức mạnh thay đổi bản thân và người khác; bằng cách chia sẻ kinh nghiệm của chính bản thân, giúp chúng ta định nghĩa rõ ràng những gì mình biết, và hiểu được khái niệm ý nghĩa của mọi chuyện; (3) chúng ta có khả năng điều chỉnh trạng thái sinh lý của mình, bao gồm những chức năng không tuỳ ý của cơ thể và bộ não, qua những hoạt động cơ bản như thở, di chuyển và chạm; (4) chúng ta có thể thay đổi điều kiện xã hội để tạo môi trường mà cả trẻ em lẫn người lớn có thể cảm thấy an toàn và phát triển được.
Khi chúng ta làm ngơ những khía cạnh tinh tuý của nhân loại, tự chúng ta đã cướp đi hướng chữa lành sang chấn và khôi phục sự tự chủ của họ. Là một bệnh nhân, hay một người tham gia vào quá trình chữa lành, tách biệt họ khỏi cộng đồng, khiến họ thờ ơ với chính bản thân mình.
Khía cạnh cần thiết nhất của chữa trị, Van der Kolk nhấn mạnh, là học cách hoà nhập với tinh thần của mình – không chỉ về mặt cảm xúc, tâm lý mà còn cả về thể chất – cả ba mặt này đều không thể tách rời. Ông giải thích:
Trạng thái tự nhiên của động vật có vú là cảnh giác. Tuy nhiên, để có thể mở lòng với người khác, hệ thống phòng vệ của chúng ta phải tắt tạm thời. Để có thể chơi đùa, kết bạn, nuôi dưỡng tuổi trẻ; bộ não cần phải tắt hệ thống phòng bị tự nhiên của mình. Nhiều cá nhân từ trải qua sang chấn trở nên quá mức thận trọng khi tận hưởng một niềm vui nhỏ nhoi mà cuộc đời đem lại, trong khi những người khác thì lại lóng ngóng khi tiếp thu những kinh nghiệm mới – hoặc cảnh giác với những dấu hiệu nguy hiểm.
Nhiều người cảm thấy an toàn miễn là họ có thể giới hạn những mối quan hệ của mình ở mức độ xã giao, quan hệ trở nên sâu sắc có thể dẫn đến phản ứng dữ dội. Tuy nhiên… để chấp nhận được những hành động gần gũi – như một vòng tay ấm áp, ngủ cùng người yêu, hoặc tình dục – cần phải cho phép bản thân của mình cảm nhận sự ổn định và an toàn. Đặc biệt khó khăn với những người trải qua sang chấn nếu muốn họ tự nhận thức khi nào mình an toàn và khi nào nên kích hoạt hệ thống phòng vệ khi gặp nguy hiểm. Điều này đòi hỏi phải có kinh nghiệm để chữa lành khả năng cảm nhận an toàn.
Điểm sai lầm của nền văn hoá này, theo như Van der Kolk, là ở chỗ đánh đồng điều trên với một trải nghiệm tâm lí thông thường – một thất bại xuất phát từ phương pháp trị liệu lâm sàng cho đến cả hệ thống giáo dục. (Hơn một thế kỉ trước, Aldous Huxley đã giành ra những lời văn thật đẹp về nhu cầu hoà hợp giữa tâm hồn và thể xác trong hệ thống giáo dục.) Tuy nhiên, giáo dục lại có khuynh hướng chú trọng vào những khả năng nhận thức của trí óc hơn là hệ thống cảm xúc của cơ thể, vô tình tạo ra một bản mẫu trải nghiệm con người không hoàn chỉnh. Một đoạn văn xuất sắc của ông trở thành châm ngôn trường tồn ở mọi khoa giáo dục:
Mặc cho những hiệu ứng được dẫn chứng rõ ràng về tức giận, sợ hãi và lo âu, nhiều chương trình vẫn tiếp tục làm ngơ nhu cầu an toàn của bộ não trước khi tiến hành thúc đẩy những hướng suy nghĩ mới. Không nên loại bỏ những môn học như hợp xướng, thể dục, và giờ giảo lao và bất cứ những thứ gì liên quan đến vận động, chơi đùa và mang lại niềm vui. Khi trẻ em bước vào giai đoạn chống đối, cảm thấy ngột ngạt hoặc nổi điên, những “hành vi hư hỏng” như vậy có thể là hành động được lập trình sẵn để sinh tồn, dù là chúng cực kì khó chịu hoặc làm người khác phiền lòng.
Là một người khích lệ những hoạt động hoà nhập như chương trình dạy karate cho nạn nhân bị cưỡng hiếp và chương trình kịch tại các trường học trong thành phố Boston, ông nhận thấy được lí do và sự quan trọng của thể chất trong việc chữa lành:
Cơ thể nắm giữ chìa khoá: Nếu kí ức về sang chấn được chuyển hoá vào nội tạng, vào cơn đau tim và cảm giác buồn khổ, thành cách bệnh về miễn dịch, vấn đề cơ/xương, thì khả năng giao tiếp của trí não/nội tạng là con đường hoàng kim giúp điều chỉnh tâm lí, điều này đòi hỏi chúng ta phải thay đổi định kiến của mình.
Khi vẽ tranh cùng các bệnh nhân từng sống sót qua nhiều sự kiện đau thương - từ tai nạn máy bay đến cưỡng hiếp, đến bị tra tấn – Van der Kolk rút ra một thử thách cực lớn của những người sống cùng với sang chấn chính là:
Khi cảm xúc bị bóp nghẹt, cuộc sống không còn trọn vẹn nữa.
Để đáp trả lại sang chấn, và loại bỏ nỗi sợ hãi dai dẳng, những bệnh nhân này học cách tắt nguồn các bộ phận não truyền cảm xúc và biểu hiện của nội tạng (những điều luôn đồng hành và định nghĩa nỗi sợ). Tuy nhiên trong cuộc sống hằng ngày, những vùng não đó chịu trách nhiệm cho toàn bộ cảm xúc, giác quan hình thành nên ý thức về bản thân, những điều cho biết chúng ta là ai. Những gì chúng ta chứng kiến là một quá trình thích nghi với bi kịch: khi nỗ lực ngắt hết mọi cảm giác sợ hãi, họ vô tình làm mai một dần sức sống của mình.
Trong khi sự bất hợp tác từ cơ thể là một dấu hiệu cho thấy phản ứng thích nghi sau sang chấn, chuỗi ngày tháng phiền toái lại bắt đầu khi những kí ức kinh hoàng trỗi dậy khi gặp các kích thích có vẻ gần giống, tương tự với sang chấn.
Hệ thống cơ bản của thân não và hệ thống viền não được kích hoạt tối đa khi con người đối mặt với đe doạ diệt vong, từ đó dẫn đến cảm giác sợ hãi và khiếp đảm đi cùng với các phản ứng sinh lí dữ dội. Với những người đang hồi tưởng lại một tổn thương, sẽ không còn gì có nghĩa nữa, họ bị mắc kẹt trong ranh giới mỏng manh giữa sống và chết, một trạng thái sợ đến mức tê liệt hoặc nổi điên một cách mù quán.
Tâm trí và cơ thể luôn luôn căng thẳng như thể đang ở trong tình huống nguy hiểm cận kề. Chúng giật mình phản ứng với cả những tiếng động nhẹ nhất và nản lòng với những chọc tức nhỏ nhất. Giấc ngủ thường xuyên bị quấy nhiễu, và thức ăn thì chẳng còn mùi vị gì ngon. Sự thay đổi này dẫn đến những nỗ lực vô vọng, tìm cách kìm nén những cảm xúc đó xuống bằng cách tự đóng băng hoặc tách biệt khỏi xã hội.
Ở một đoạn nói đến nhà triết học tinh thần Martha Nussbaum cùng chuỗi bài viết xuất sắc của bà về sắc thái quan hệ giữa cơ quan trong cơ thể và nạn nhân, Van der Kolk nói thêm:
Cơ quan bắt đầu với cái mà các nhà khoa học gọi là “nhận cảm trong”, tức nhận thức của chúng ta về cảm giác: nhận thức càng cao, tiềm năng kiểm soát cuộc đời của chúng ta càng lớn. Biết được mình nghĩ gì là bước đầu tiên để biết lí do tại sao chúng ta cảm giác như thế. Nếu chúng ta nhận thức được thay đổi đột ngột nào đó bên trong bản thân mình và cả từ môi trường bên ngoài, chúng ta có thể linh động giải quyết chúng.
Nhưng một trong những hiệu ứng nguy hiểm nhất của sang chấn, theo Van der Kolk, là nó phá vỡ khả năng biết mình cảm thấy như thế nào – khả năng tin vào sự gan dạ của mình và sự ngờ vực này khiến chúng ta tưởng rằng nguy hiểm luôn hiện hữu dù không phải vậy. Những điều này lần lượt tạo nên một mối quan hệ trái khuấy, cẩu huyết với cơ thể. Ông giải thích:
"Nếu bạn có thể thoải mái liên kết với cảm giác bên trong – nếu bạn tin tưởng nó sẽ thành thật với mình – bạn sẽ có thể điều khiển được cơ thể, cảm xúc và bản thân.
Tuy nhiên, những người trải qua sang chấn luôn cảm thấy không an toàn trong người: quá khứ vẫn còn sống trong hình dạng của một con thú gặm nhấm khó ưa. Cơ thể của họ thường xuyên bị tổn hại bởi những dấu hiệu cảnh báo từ nội tạng, và khi cố gắng kìm nén, họ thường sẽ ngày càng lờ đi những cảm xúc này và ngày càng bị ngộp thở bởi những gì xảy ra xung quanh. Cuối cùng họ học cách che giấu bản thân mình.
Càng cố gắng đẩy những dấu hiệu đó ra xa và ngó lơ chúng, chúng càng lấn lướt, quậy phá, cực kì rắc rối. Những người không thể nhận định những gì đang xảy ra bên trong mình thường trở nên mềm yếu trước mọi thay đổi ngoại cảnh, dễ gục ngã hoặc hoảng loạn – tự bản thân họ sợ nỗi sợ mà họ tạo ra.
Trải nghiệm sợ hãi xuất phát từ những phản ứng sơ khai, bản năng trước mối đe doạ không lối thoát. Cuộc sống của con người sẽ trở thành con tin của nỗi sợ hãi cho đến khi những cảm xúc bồn chồn trong cơ thể thay đổi. Tự thay đổi hay không còn phụ thuộc vào quan hệ giữa bạn và cơ thể. Nếu không có, bạn phải dựa vào ngoại cảnh – từ y khoa, chất kích thích như cồn,…”
Nhất là khi sự thiếu điều chỉnh bên trong này dẫn đến việc tái trải nghiệm lại sang chấn:
“Bởi những người đó thường có vấn đề trong việc cảm nhận những gì đang xảy ra trong cơ thể của mình, họ thiếu đi khả năng phản ứng với sự kiệt sức. Họ không phản ứng với stress bằng cách trở nên mất ý thức hoặc tức giận thái quá. Dù họ phản ứng như thế nào, họ thường không biết được điều gì khiến mình khó chịu. Thất bại trong việc kết nối với cơ thể góp phần tới sự thiết sót trong việc tự bảo vệ bản thân và gia tăng tỉ lệ trở thành nạn nhân lần nữa và khiến việc cảm thấy yêu đời, vui thú lại càng khó khăn hơn.
Một vấn đề khác nữa chính là sự mất nhân cách – đánh mất chính bản thân mình.”
Nếu vậy, làm gì mới có thể giành lại quyền kiểm soát cơ thể chính mình? Qua nhiều thập kỷ làm việc với các nạn nhân sau sang chấn, Van der Kolk cho rằng nó bắt đầu với việc làm bạn với cơ thể và mạch cảm xúc bên trong:
Những nạn nhân này không thể hồi phục cho đến khi họ trở nên thân thiết với những cảm xúc ấy. Hoảng loạn có nghĩ là bạn đang sống trong một cơ thể luôn ở trạng thái phòng bị. Con người giận dữ sống trong một cơ thể giận dữ. Cơ thể của một đứa trẻ từng bị lạm dụng luôn căng thẳng và phòng bị cho đến khi chúng cảm thấy thư giãn và an toàn. Để thay đổi, con người cần nhận thức được cảm giác của mình và cách cơ thể tương tác với thế giới xung quanh. Tự nhận thức được bản thân là bước đầu tiên giải phóng mọi bạo ngược từ quá khứ.
Từ Song đề về Con nhím của Schopenhauer* (*Hedghod’s dilemma hay còn gọi là Porcupine dilemma là một phép ẩn dụ nói về sự thân mật giữa người với người: khi thời tiết trở lạnh, lũ nhím cần đến gần cạnh nhau để có thể cùng nhau sưởi ấm (hiện tượng tương tự xảy ra ở loài chim cánh cụt) và chúng cần điều đó để sống sót trước thiên nhiên. Nhưng những gai nhọn trên người lũ nhím khiến chúng không khỏi làm đồng loại mình tổn thương. Dù muốn dù không, thương tổn vẫn xảy ra, đẩy chúng vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.), Van der Kolk viết rằng:
Cách tự nhiên nhất để con người giữ bình tĩnh khi buồn phiền là dựa dẫm vào người khác. Điều này có nghĩa là bệnh nhân từng bị bạo hành thể xác hoặc tình dục phải đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan: họ thèm muốn cảm giác được động chạm đến chết đi được nhưng đồng thời sợ hãi khi những điều đó diễn ra. Tâm trí cần được đào tạo lại để cảm nhận xúc cảm, cơ thể cần được giúp đỡ để khoan dung hơn và tận hưởng được sự thoải mái từ xúc giác. Những người thiếu ý thức cảm xúc, nếu luyện tập, có thể tái kết nối xúc cảm vật lí với những sự kiện tâm lý. Bằng cách đó, họ có thể dần dần kết nối với chính mình.
Cách chúng ta phản ứng với sang chấn phản ánh quan hệ với những người chăm sóc mình – những người có nhiệm vụ giúp chúng ta thiết lập nền tảng an toàn. Điển hình là khái niệm hoà hợp giữa phụ huynh và con trẻ, với trung gian là cơ thể – những phản ứng tinh tế nhất của người lớn và đúng với nhu cầu của đứa trẻ, khiến chúng cảm thấy được thấu hiểu.
Hoà hợp là nền tảng cho cảm giác an toàn, là giàn giáo của sức khoẻ tinh thần sau này. Van der Kolk viết:
Sự gắn bó an toàn cùng với việc trau dồi năng lực xây dựng nên một quỹ đạo kiểm soát, nhân tố chính trong việc sống khoẻ mạnh. Một đứa trẻ được sống trong an toàn sẽ học được cách làm mình cảm thấy ổn hơn, chúng có thể tìm được những gì làm chúng hoặc người khác buồn, và chúng học được cách kiểm soát: biết rằng hành động của mình có thể thay đổi cách chúng cảm nhận và cách người khác phản ứng. Chúng học được sự khác nhau giữa những tình huống chúng có thể tự xoay xở và những khi chúng cần giúp đỡ. Chúng biết rằng mình có thể chủ động khi đối mặt với khó khăn. Ngược lại, trẻ em có tiền sử bị lạm dụng hoặc bỏ rơi lại nghĩ rằng nỗi sợ hãi, cầu xin hay khóc lóc cũng không có ích gì. Chúng không thể làm gì để ngừng bị đánh hoặc lôi kéo sự chú ý, giúp đỡ. Thế là chúng tự động bỏ cuộc mỗi khi gặp phải thử thách.
Ảnh hưởng bởi nghiên cứu của nhà phân tâm học Donald Winnicott, người tiên phong trong nghiên cứu về gắn kết và khái niệm gắn kết giữa mẹ và con đặt tiền đề cho xúc cảm của chúng sau này, Van der Kolk tóm tắt như sau:
“Nếu người mẹ không xoay sở được sự bốc đồng và nhu cầu của con mình, “đứa trẻ học cách trở thành đứa con lí tưởng của mẹ.” Giảm bớt những cảm giác bên trong, cố gắng điều chỉnh để đạt được yêu cầu của mẹ, tức là đứa trẻ này tự dối mình rằng “chắc là do bản thân mình sai”. Trẻ em thiếu hoà hợp thường có nhượng điểm là ngắt mọi phản hồi trực tiếp từ cơ thể, về niềm vui, mục đích và định hướng.
Nhu cầu gần gũi không bao giờ giảm sút. Đa phần nhiều người không thể chịu được cảnh tách biệt với những người khác. Khi họ không thể kết nối qua công việc, tình bạn hay gia đình thì họ thường tìm cách khác như thông qua bệnh tật, kiện cáo hoặc xích mích gia đình. Bất cứ thứ gì có thể xoá tan cảm giác bị tách biệt và cô lập.”
Dù chúng ta không thể ngăn những trải nghiệm đau buồn xảy ra, có được một nền tảng tình cảm vững chắc vẫn giúp việc chữa lành trở nên dễ dàng hơn. Nhưng những người không gắn kết được với xã hội thì phải làm thế nào? Sau khi làm việc với các nạn nhân, Van der Kolk đưa ra một phương án:
Không ai có thể giải quyết được chiến tranh, lạm dụng, cưỡng hiếp, gạ gẫm hoặc bất kì chuyện khủng khiếp nào; dù sao đi nữa, những gì đã xảy ra mãi mãi không thể vãn hồi. Những gì chúng ta có thể giải quyết chỉ là vết tích của sang chấn lên cơ thể, tâm trí và linh hồn: cảm giác vỡ vụn trong lồng ngực mà bạn gọi là lo lắng hoặc buồn rầu; nỗi sợ hãi mất kiểm soát; luôn ở trong trạng thái phòng bị hoặc cự tuyệt; miễn cưỡng; ác mộng, hồi ức tràn về; màn sương ngăn cách chúng ta khỏi mục đích của mình hay không thể hoàn toàn mở lòng với người khác.
Điểu chính yếu ở đây là để giải quyết chúng cần tới “sự tự lãnh đạo” – cảm giác quản lí, kiểm soát mọi trải nghiệm của mình. Con đường để phục hồi là chủ động tái xây dựng lại cảm giác đó. Ông viết:
Thách thức trong việc phục hồi là tái thiết lập chủ quyền với cơ thể và tinh thần của bản thân. Điều này có nghĩa là hãy thoải mái chấp nhận những gì mình biết, và cảm nhận những gì mình cảm nhận được, không phải xấu hổ, sụp đổ, bị choáng ngợp hay nổi giận. Đối với nhiều người, biện pháp là (1) tìm cách trở nên điềm tĩnh và tập trung, (2) học cách duy trì sự bình tĩnh đó khi phản ứng với những hình ảnh, suy nghĩ, âm thanh hoặc xúc cảm vật lí gợi nhớ bạn về quá khứ, (3) tìm cách sống trọn vẹn ở hiện tại và tiếp xúc với những người xung quanh, (4) không giữ bí mật cho riêng mình, bao gồm những bí mật về cách bạn xoay sở sống sót.
Một trong những yêu cầu khá ngược đời của quá trình hồi phục là nhớ lại sang chấn mà không bị choáng ngợp bởi những cảm giác xưa cũ. Để đạt được điều này, Van der Kolk cho rằng cần phải học cách chấp nhận những cảm xúc choáng ngợp và phản ứng của cơ thể trước chúng. Ông viết:
“Nạn nhân sống cùng những cảm xúc không thể chịu nổi như thế này thường cảm thấy đau lòng và chịu đựng cảm giác khó chịu nơi dạ dày hoặc cảm giác lồng ngực bị siết chặt. Nhưng tránh né chúng lại càng tăng thêm sự dễ tổn thương, lại càng khiến bạn sợ chúng hơn.
Nạn nhân thường sợ hãi việc cảm nhận. Phản ứng vật lí trong người họ mới chính là kẻ thù lớn nhất chứ không phải kẻ từng khiến họ đau khổ. Cảm giác bị tàn phá bởi những cảm giác khó chịu khiến cho cơ thể tự đóng băng, tự ngắt đi tâm trí. Dù cho sang chấn là một thứ ở quá khứ, cảm xúc mà não giữ lại vẫn tiếp tục khiếp những người này sợ hãi và bơ vơ. Không ngạc nhiên gì khi nhiều người trải qua sang chấn lại trở nên cuồng ăn uống, sợ làm tình và tránh né nhiều hoạt động xã hội: Thế giới cảm xúc của họ hoàn toàn bị cách li."
Một nghịch lí khác nữa khi chữa trị chính là dù liên lạc hay tiếp xúc thường khá đáng sợ, sự ủng hộ từ xã hội và cộng đồng là nền tảng để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh giữa cảm xúc và cảm giác cơ thể. Nửa thế kỉ sau câu nói đáng nhớ của Dorothy Day – một nhà báo, nhà hoạt động xã hội người Mỹ: “ai cũng đã kinh qua những ngày tháng cô độc và từ đó chúng ta mới biết được giải pháp duy nhất chỉ có thể là tình yêu và chỉ có tình yêu đó mới mang đến một cộng đồng đúng nghĩa,” Van der Kolk viết:
“Tất cả chúng ta, đặc biệt là trẻ con, cần tự tin rằng những người khác sẽ hiểu,chấp nhận và yêu thương mình. Không có nó, chúng ta không thể phát triển một hệ thống cảm giác cho phép mình nhận thức mọi việc. “Đây là điều tôi tin tưởng; đây là điều tôi đấu tranh; đây là điều tôi sẽ cống hiến bản thân mình.” Miễn là chúng ta cảm nhận được sự an toàn trong tim và tâm trí những người yêu mình, chúng ta sẽ có thể vượt qua mọi khó khăn thử thách, trèo đèo, vượt suối hay cùng thức cả đêm để làm cho xong dự án. Trẻ em và người lớn sẽ làm mọi thứ vì người họ tin tưởng và trân trọng. Nhưng nếu chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi, vô giá trị, tàng hình, mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa. Nỗi sợ tàn phá sự tò mò và thích thú. Để có có một xã hội lành mạnh, chúng ta phải nuôi dạy con trẻ, để chúng có thể học tập và vui chơi trong cảm giác an toàn, không phải lo nghĩ. Dù có thất bại bao nhiêu, không có tò mò thì không có phát triển, không khám phá được mình là ai, ai quan trọng với mình thì mãi mãi sẽ không thể thích nghi.”
Trạm Đọc (Read Station)
Theo Tâm lý học tội phạm
Bài Gốc: Brain Pickings