Các bậc tiền bối trong văn chương đọc sách như thế nào
Các bậc tiền bối trong văn chương đọc sách như thế nào
Nhớ lại một số bậc tiền bối trong lĩnh vực văn chương. Chẳng những họ tài giỏi, uyên thâm, có "phông" văn hóa sâu, rộng mà còn nêu một tấm gương để các lớp đi sau noi theo, học tập về sự cần cù, chịu khó đọc người khác.

Có thể nói họ là người tìm đến thiên kinh vạn quyển, có khối kiến thức sách vở đồ sộ. Một trong những người tiêu biểu cho điều này là nhà thơ Xuân Diệu.

Tư cách đầu tiên của ông đương nhiên là một nhà thơ với hàng trăm bài thơ tình luôn mê đắm, hối hả, cuống quýt, cuồng nhiệt. Tư cách thứ hai là một nhà nghiên cứu, phê bình lý luận. Ở tư cách này, ông đã có sự kỳ công trong việc đọc sách. Các tác giả từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây ông đều tinh thông.

Tôi từng được nghe ông nói chuyện về các nhà thơ lãng mạn của Pháp như Sateaubrian, Verlaine, Lamartine, Rimbo, về những nhà văn hiện thực ở Pháp thế kỷ 19 là Balzak, Stangdale, Baudelaire. Rồi lại nghe ông nói về thơ Đường của Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị. Nói về Thơ mới của Việt Nam giai đoạn 1930-1945, ông thuộc vanh vách nhiều câu thơ của các nhà thơ lãng mạn khác như Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư... Chứng tỏ ông phải đọc rất kỹ và nhiều lần thơ của họ nên mới có thể thuộc được như vậy. Ông cũng là người rất quan tâm đến lớp làm thơ trẻ thuộc thế hệ em, con. Có gương mặt nào mới xuất hiện, đáng chú ý, ông đều biết và bỏ thời gian đọc họ.

Tôi nhớ cách đây khá lâu, khi ấy Lưu Quang Vũ chưa viết kịch, chưa nổi tiếng, Xuân Diệu đã biết cậu con trai nhà thơ Lưu Quang Thuận làm nhiều thơ. Trong một lần nghe ông nói chuyện tại một nơi, ông nói là mới đọc thơ của một anh chàng trẻ tuổi. Thơ anh ta rất khá, sau này sẽ trở thành một tên tuổi. Đúng như vậy, về sau, Lưu Quang Vũ đã nổi tiếng ở cả hai lĩnh vực thơ và kịch. Một lần khác, tôi nghe ông nói về tập thơ có tên "Sức mới" vừa xuất bản. Đó là những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Tập này in thơ của các tác giả trẻ, mới chập chững làm thơ. Về sau, nhiều người trong số đó trở thành những nhà thơ nổi tiếng.

Tôi nghĩ, một nhà thơ lớn, tên tuổi lừng lẫy trên thi đàn mà để ý đọc một tập thơ như vậy thì quả là rất đáng trân trọng. Vậy mà nhiều người chẳng có sự nghiệp gì đáng nói nhưng lại không đọc người khác, không biết đến những tài năng khác, những tác phẩm rất nổi tiếng trên văn đàn. Thảo nào mà họ lạc hậu với tình hình văn chương chung nên đã như "ếch ngồi đáy giếng".

Tô Hoài cũng là nhà văn chịu khó đọc của người khác. Nói chuyện với ông, bạn sẽ thấy chẳng những ông am hiểu tường tận mọi tác giả cùng thời mà còn biết rõ, nắm bắt được nhiều tác phẩm của các tác giả lớp trẻ, kế tiếp. Ông nói quan điểm của mình là đọc cái hay của người khác để học tập, không bỏ qua những cái dở để rút kinh nghiệm cho bản thân. Còn đọc đám trẻ để hấp thụ cái tươi trẻ, sức thanh xuân của họ kẻo mình sẽ bị cằn cỗi, lão hóa theo thời gian. Quả là rất chí lý. Chắc nhiều người cũng biết như vậy nhưng đã không có được động lực để vượt qua sự lười biếng của mình. Không chỉ lười biếng mà những người không chịu đọc người khác còn thể hiện sự chủ quan, coi thường những sáng tạo không phải của mình, không biết đến những giá trị của người khác tạo nên.

- Theo Nguyễn Đình San - Văn nghệ Công an Online

Tags: