Bộ sách Kinh Điển về Lịch Sử Chính Trị của tác giả FRANCIS FUKUYAMA
Bộ sách Kinh Điển về Lịch Sử Chính Trị của tác giả FRANCIS FUKUYAMA
Chính trị, theo nghĩa rộng nhất của nó, là không gian tổ chức cuộc sống chung của con người diễn ra trong khu vực công cộng (Hannah Adrendt). Kể từ khi con người hình thành nên những cộng đồng chung sống với nhau, đó cũng chính là khởi điểm của sự hình thành chính trị.
Bộ Sách Fukuyama - Lịch Sử Chính Trị
(2 lượt)

Theo những vị tổ sư của ngành chính trị học hiện đại như Niccolò Machiavelli, John Lock, Thomas Hobbes hay Jean-Jacques Rousseau, bản chất của xã hội con người vốn dĩ mang tính hoang dã và vô tổ chức mà trong đó, con người đấu tranh với nhau để tồn tại. Và để tránh tình trạng đi đến sự diệt vong, con người cần hợp tác để chung sống thông qua việc trao quyền cho một tổ chức đại diện là Nhà ước (Leviathan của Thomas Hobbes) hoặc tìm kiếm sự đồng thuận qua Khế ước xã hội (Social Contract của Jean-Jacques Rousseau).

Trải qua chiều dài lịch sử, nền chính trị, hay không gian tổ chức sự chung sống, mà con người đã và đang xây dựng lại vô cùng mong manh và luôn đầy rẫy nhiều biến động. Có muốn vàn tác nhân có thể đến từ bên trong mỗi xã hội như sự đói nghèo - bất bình đẳng, sự cạnh tranh quyền lực, cho đến những yếu tố ngoại lai như sự xâm chiếm từ các quốc gia lân bang, dịch bệnh, thiên tai…cũng đều là những nguy cơ tạo nên bất ổn và sụp đổ của hệ thống chính trị. Hướng đến một trật tự chính trị ổn định, vững mạnh trong đó đáp ứng được mọi nhu cầu và quyền lợi đa dạng và thậm chí khác biệt của nhiều thành viên trong xã hội luôn là một bài toán hóc búa dành cho mọi quốc gia trên thế giới. Đây cũng là những băn khoăn, suy tư mà Francis Fukujama cố gắng truy vấn trong bộ tác phẩm trứ danh Nguồn gốc của trật tự chính trị và Trật tự chính trị và suy thoái chính trị: Từ Cách mạng Công nghiệp đến Ngày nay. Hai tác phẩm là công trình nghiên cứu chính trị học so sánh công phu, trải dài lịch sử phát triển của các hệ thống chính trị trên thế giới, từ những hình thái sơ nguyên cho đến thời kỳ Toàn cầu hóa ngày nay. 

Francis Fukuyama  - Tác giả bộ sách Lịch sử chính trị

Về Francis Fukuyama (sinh ngày 27 tháng 10 năm 1952), ông là một nhà khoa học chính trị, nhà kinh tế chính trị và nhà văn người Mỹ nổi tiếng. Ông là học trò chịu nhiều ảnh hưởng từ học giả nổi tiếng Samuel Hungtinton (tác giả tác phẩm Sự va chạm giữa các nền văn minh). Fukuyama được biết đến nhiều nhất với tư cách là tác giả của The End of History and the Last Man, tác phẩm đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và sự thắng thế thuộc về mô hình kinh tế - chính trị tự do theo mô hình của phương Tây. Tác phẩm có nhiều luận điểm gây tranh cãi mà chính tác giả đã phải bổ sung thêm nhiều luận giải và chỉnh sửa về sau. 

Và với bộ đôi tác phẩm Nguồn gốc của trật tự chính trịTrật tự chính trị và suy thoái chính trị: Từ Cách mạng Công nghiệp đến Ngày nay, tên tuổi Francis Fukujama lần nữa được khẳng định như một học giả quan trọng về chính trị học so sánh trong nhưng năm cuối thế kỷ 20. Bộ sách là một nỗ lực viết lại và cập nhật tác phẩm kinh điển Political Order in Changing Societies (Trật tự chính trị trong các xã hội biến đổi) của người thầy Samuel P. Huntington, xuất bản lần đầu năm 1968. Trong cuốn sách Nguồn gốc của trật tự chính trị xuất bản lần đầu năm 2011, Fukuyama mô tả những yếu tố giúp định hình nên trạng thái ổn định trong chính trị. 

Thông qua các hệ thống chính trị điển hình từng tồn tại trong lịch sử, Francis Fukuyama phát triển lý thuyết về sự ổn định của hệ thống chính trị từ những mô hình của Trung Quốc, Ấn Độ, các quốc gia Hồi giáo,… Fukuyama cho rằng một trật tự chính trị lý tưởng cần phải là sự kết hợp của ba yếu tố là một nhà nước hiện đại và hiệu quả, thiết chế pháp quyền quản lý nhà nước và chính phủ có trách nhiệm giải trình. Trong tác phẩm tiếp theo Trật tự chính trị và suy thoái chính trị: Từ Cách mạng Công nghiệp đến Ngày nay, Fukuyama đề cập đến các sự kiện diễn ra kể từ Cách mạng Pháp đến thời Toàn cầu hóa, làm sáng tỏ các thể chế chính trị và sự phát triển của chúng ở các vùng khác nhau trên thế giới từ những quốc gia châu Phi đến những quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Trung Quốc. Với sự theo dõi và phân tích chính phủ hiện đại và hiệu quả được phát triển ở Hoa Kỳ, Fukuyama khẳng định rằng chính phủ đang trải qua sự suy đồi về chính trị. Fukuyama tin rằng sự suy đồi chính trị có thể được tìm thấy trong thông qua sự suy thoái của các bộ máy hành chính quan liêu, các nhóm lợi ích đặc biệt chiếm giữ cơ quan lập pháp, và các quy trình tư pháp rườm rà thách thức tất cả các loại hành động hiệu quả của chính phủ. 

Trong bối cảnh thế giới với nhiều biến động trong những ngày đầu năm 2021, từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầu cam go, sự kiện đồi Capitol "thất thủ" với dòng người biểu tình quá khích hay gần đây nhất là sự kiện đảo chính tại Myanmar, một lần nữa câu hỏi về tính ổn định của trật tự chính trị cùng những nguy cơ suy tàn của nó lại trở nên bóng bỏng. Việc xây dựng trật tự chính trị dựa trên thiết chế pháp quyền, lấy kiểm soát và đối trọng giữa ba nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp làm nền tảng, trong đó đề cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính phủ đang gặp phải những thách thức vô cùng khó khăn từ chính thực tế, dẫn dắt bởi những mưu cầu lợi ích và quyền lực của các cá nhân cũng như đảng phái chính trị, làm xói mòn niềm tin của công chúng. Những thách thức này vừa là nguy cơ cho biến động và sụp đổ, những cũng đồng thời là những liều thuốc vaccine mạnh cho những nền chính trị dù lâu đời hay non trẻ trên con đường xây dựng và cải tạo mô hình của mình. Có lẽ, tận cùng đáy lòng, Francis Fukuyama vẫn tin vào cái thiện tâm của loài người, khi ông cho rằng chính qua lòng vị tha tương hỗ mà con người, hay những động vật xã hội, có thể điều chỉnh dần những mô hình chính trị với các chuẩn mực hướng đến giá tri tốt đẹp hơn. 

Đọc bộ sách của Francis Fukuyama sẽ mang đến cho đọc giả một cuộc phiêu lưu kỳ thú với vô vàn sự kiện lịch sử được phân tích sắc sảo, gợi mở nhiều điều đáng suy ngẫm và sẽ không quá lời khi nhận định rằng Fukuyama xứng đáng là một trong các tác gia đương đại luôn được các trường đại học với chuyên ngành chính trị học trên thế giới nhắc đến. 

- Tác giả: Trần Nguyên Khang -

 

Tags: