BỆNH NHÂN - BÁC SĨ -  Góc nhìn hai chiều và sự hành trình trở về từ cõi chết
BỆNH NHÂN - BÁC SĨ - Góc nhìn hai chiều và sự hành trình trở về từ cõi chết
Dù bạn có không làm trong ngành y, sinh lão bệnh tử vẫn là điều không thể tránh khỏi. Bạn có thể sẽ thấy mình đâu đó trong câu chuyện này, đồng cảm với tâm lý của người nằm trên giường bệnh, phẫn nộ trước những lần thờ ơ vô cảm của nhân viên y tế, cảm thấy được an ủi, động viên bởi đội ngũ y bác sĩ tài đức…
Cú Sốc - Hành Trình Giành Lại Sự Sống Của Một Bác Sĩ
(1 lượt)
Tôi đã từng nghe ở đâu đó rằng, “Bác sĩ thường là những bệnh nhân tồi tệ nhất.” Những người làm ngành y đã quen đối mặt với bệnh tật như một phần tất yếu của cuộc sống hàng ngày, được trang bị những kiến thức sâu rộng về y khoa, chính vì vậy mà không ít lần họ tự chẩn đoán, tự kê đơn dùng thuốc hay không khỏi chủ quan với sức khỏe của bản thân. Có lẽ vì thế mà đôi khi họ không hiểu hết được cảm giác thực sự khi là một bệnh nhân, khi phải bất lực nằm trên giường bệnh, chẳng thể hiểu nổi những con số trên bảng xét nghiệm, những chẩn đoán hay thuật ngữ y học khó nhằn… và sau cùng phó mặc số phận của mình vào tay của những y bác sĩ. Thấu cảm là một kĩ năng không thể thiếu đối với các thầy thuốc. Vậy mà trong hành trình trau dồi kiến thức, đắm chìm trong những điều kỳ diệu của thế giới y học qua những buổi lâm sàng, đôi khi ta bị cuốn vào guồng xoay của công việc mà coi bệnh nhân đơn thuần chỉ là một ca bệnh, một bài học trên lớp, một cơ hội áp dụng kĩ năng từ sách vở vào thực tế… Dù còn là sinh viên trên ghế nhà trường hay y bác sĩ đang hành nghề, đôi khi ta quên đi rằng điều quan trọng nhất là bệnh nhân cần được đối xử như một cá thể, một con người.

Từ một lần trải nghiệm thập tử nhất sinh, rời bỏ vai trò bác sĩ Hồi sức Cấp Cứu mà phải khoác lên mình lớp áo bệnh viện ở chính khoa phòng nơi mình từng làm việc mỗi ngày, bác sĩ Awdish mới vỡ lẽ ra tầm quan trọng của sự thấu hiểu trong y khoa. Chúng ta có thể làm tốt hơn thế. Mỗi một người thầy thuốc cần đặt địa vị của mình vào người bệnh, hết lòng chữa trị cho người bệnh theo cách mà họ hy vọng sẽ được đón nhận. Cuốn sách này, cũng như hành trình trở về từ cõi chết của tác giả là một món quà trân quý, từ đó có thể mang đến cho mỗi người đọc một lời nhắn, một bài học ý nghĩa riêng.

Đối với những người làm trong ngành y, đây là một hồi chuông cảnh tỉnh để giúp ta nhận ra rằng những lời nói, cử chỉ, thái độ hàng ngày, dù là vô tình hay cố ý, dù là thoáng qua hay mơ hồ nhất, cũng đều có thể ảnh hưởng sâu sắc đến người bệnh. Là một sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp trường Dược để bước vào trường đời, sau khi đọc cuốn sách này, tôi thấu hiểu hơn bao giờ hết trách nhiệm cao cả của một người thầy thuốc để đem đến cho bệnh nhân những trải nghiệm tích cực nhất, tôn trọng và chăm sóc cho họ như những người thân trong gia đình. Không chỉ là một danh sách các loại thuốc bệnh nhân đang dùng, bên cạnh các ghi chú về dị ứng hay phản ứng thuốc, hơn cả tiền sử bệnh và hồ sơ bệnh án, đó là một người mẹ, người vợ, người con,… họ là những mảnh đời riêng, mang trong mình những câu chuyện, nỗi niềm riêng, và người thầy thuốc cần lắng nghe mới có thể thấu hiểu.

Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng

Dù bạn có không làm trong ngành y, sinh lão bệnh tử vẫn là điều không thể tránh khỏi. Bạn có thể sẽ thấy mình đâu đó trong câu chuyện này, đồng cảm với tâm lý của người nằm trên giường bệnh, phẫn nộ trước những lần thờ ơ vô cảm của nhân viên y tế, cảm thấy được an ủi, động viên bởi đội ngũ y bác sĩ tài đức…Và giống như cách bác sĩ Awdish trở thành bệnh nhân để học được sự thấu cảm, có lẽ cuốn sách này cũng có thể cho bạn một lăng kính mới, giúp bạn hiểu hơn về ngành y, những người đã, đang và sẽ cần phải học hỏi không ngừng.

Hãy cùng bắt đầu ở sự thấu cảm từ cả hai phía. Bệnh nhân hãy nắm bắt quyền chủ động, chia sẻ nhiều hơn. Và các y bác sĩ hãy lắng nghe nhiều hơn. Chúng ta có thể làm tốt hơn thế.

Tags: