“Đó là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên. Ngay lần đầu gặp mặt Yossarian đã si mê cha tuyên úy đến rồ dại”: như mọi câu đầu trong tác phẩm của Heller, câu đầu của Bẫy-22 mò đến với tác giả, trọn vẹn, và chỉ trong vòng một tiếng rưỡi, gần như toàn bộ câu chuyện đã nằm trong đầu ông, với tuyến nhân vật, tình tiết, dẫu cái tên Yossarian thì chưa xuất hiện. Ấy vậy mà, khởi thảo viết từ 1953, đến 8 năm sau, Heller mới xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay, và để luôn ở đời một Bẫy-22.
Bẫy-22 bắt đầu một cách không thông thường như vậy, ở giữa bệnh viện, ở giữa cái gọi là trật tự thời gian truyện kể, ở giữa mọi tuyệt vọng và nỗ lực quẫn bách của Yossarian để sống sót.
Bẫy-22, với tâm điểm là nhân vật đại úy John Yossarian, kể về một liên đoàn không quân Mỹ trong Thế chiến thứ 2, đóng quân trên đảo Pianosa ngoài khơi của Ý. Thay vì phải bay một số lần nhất định, những chuyến bay thả bom xuống quân địch, đến khi hoàn thành thì được giải ngũ, nếu vẫn còn tính mạng, lính của liên đoàn dưới sự lãnh đạo của đại tá Cathcart, liên tục bị nâng số chuyến bay, từ 25, lên 30, 35, 40, 45, 50, 55, 60, 65, 70, 80. Hậu quả đi liền, đầy nghiêm trọng, của việc tăng số lần bay để gây ấn tượng với cấp trên, để có những tấm ảnh chụp từ trên cao xuống mặt đất cảnh bom nổ tan tác thật đẹp, chính là những người lính đó, dần nướng sống chính mình.
Trong cái cảnh huống tưởng chừng bị coi là điên rồ thuần túy ấy, có ai nhận ra rằng đây là trò điên của một kẻ điên, lợi dụng cái gọi là lòng yêu nước, cái gọi là sự trung thành, để tận diệt chính hạ cấp của mình hay không? Người đọc rơi ngay vào một thảm cảnh: một trại điên tập thể. Như chính người kể chuyện tường thuật bằng một giọng tỉnh bơ, “Khắp nơi trên thế giới, các gã trai ở cả hai bên chiến tuyến đang ngã xuống cho thứ mà người ta bảo họ là tổ quốc, và dường như chẳng ai thèm bận tâm, ít nhất là chẳng ai trong số những gã trai đang ngã xuống ấy.”
Bẫy-22 là một trại điên vui nhộn nơi không ai tự nhận mình điên và tất cả đều nghĩ người khác điên và lần lượt các nhân vật đều bị các nhân vật khác gọi là điên, mà trùm cuối của điên chính là Yossarian. Với 228 từ điên, với nhân vật liên tục kết cho nhau là điên, nào “các anh điên rồi,” “bọn họ toàn những kẻ điên,” nào “bệnh điên rất dễ lây lan,” nào “Clevinger nghĩ Yossarian điên,” “McWatt bị điên,” “Nately cũng điên không kém,” “Orr cũng là một trong mấy gã điên,” “Hungry Joe bị điên,” “Dubar bị điên,” “thượng sĩ White Halfoat nghĩ bác sĩ Daneeka bị điên.” Họ lần lượt vu cho nhau điên, thuyết phục nhau rằng mày điên, tao không điên. Nhưng họ vẫn lần lượt bay, hoàn thành 25 chuyến, bị đẩy lên 30, bay luôn 30 chuyến, đẩy lên 40, bay 40 chuyến. Một sự phục tùng không phản đối bí hiểm đến khó hiểu.
Bẫy-22 chính vì thế là một trò đùa dai đầy chết chóc và phi lý, với một loạt nhân vật sắc nét, điên rồ, với những đối thoại luẩn quẩn, phi logic mà lại đầy có lý. Bẫy-22 là một cú tấn công vào sự quan liêu, vào bộ máy thiết chế, vào những phi lý thường trực trong chiến tranh cũng như trong đời sống con người. Ở một khía cạnh nào đó, việc nâng số lần bay lên ở Bẫy-22 mang đầy không khí thần thoại. Nó khắc họa thật tỉ mỉ sự quẫn bách của Yossarian, khi gần đạt tới được số lần bay quy định để được về nhà, thì lại ngay lập tức bị lưu đày tiếp tục. Nó như một công cuộc đẩy hòn đá lên đỉnh núi của Sisyphus. Yossarian và đồng đội y hệt như vị vua Tantalus bị các vị thần trừng phạt bằng cách cho đứng ở một hồ nước ngập đến cằm nhưng mỗi lần khát định uống thì nước rút đi, trên đầu là hoa quả trĩu cành mỗi lần đói định ăn thì mọi thứ biến mất. Nó là một trạng thái trêu ngươi kéo dài, là một sự trừng phạt không lối thoát, mà trong quá trình trừng phạt đó, hẳn nhiên là tan xác trong lúc bay ra trận. Yossarian không chịu đợi tới chuông nguyện hồn mình, như Groden, McWatt, Nately, Clevinger…
Trong thời gian ngắn ngủi từ đầu 1944 đến cuối năm, 12 tháng, Yossarian lần lượt tìm mọi cách để chống trả lại thiết chế, bằng cách trốn vào bệnh viện, giả đau gan, giả vàng da, trần truồng từ chối không chịu bay, cầu xin được tuyên bố là điên nhưng chính vào lúc cầu xin là lúc cho thấy anh tỉnh táo hơn hết thảy và ngay lập tức phải bay tiếp. Dẫu có trốn đi Rome, có yêu gái điếm, có lạy bốn phương giời, lạy mười phương phật, thì cái thiết chế phải bay ấy, Yossarian cũng không thoát nổi. Chính vì thế, có thể nói Bẫy-22 là một tiểu thuyết trào lộng về cảnh huống bi kịch đầy những nan đề của con người. Trong một bài trả lời lại một tấn công vào cuốn tiểu thuyết của mình, Heller tuyên bố, khi nhà phê bình chê Bẫy-22 dám chế giễu chiến tranh:
Thực tế thì chuyện “chế giễu” chiến tranh là việc bất khả, cũng giống như không thể nào chế giễu mùa đông hay cơn đói. Tôi rất xấu hổ phải chỉ ra rằng đối tượng của chế giễu, trong gần như mọi tiểu thuyết và kịch, theo lẽ thường là con người và hành vi con người, và một trong những ý tưởng mà tôi muốn phát triển là hành vi của một số người và nhóm xã hội nhất định trong thời bình chẳng khác gì với hành vi của cũng những con người và nhóm xã hội đó trong thời chiến.[2]
Với hàng loạt đối thoại như thể lệch kênh giao tiếp, với các sự kiện và chết chóc trùng trùng điệp điệp xáo xào trộn lẫn vào nhau, với một hệ thống các nhân vật với những câu nói và đặc điểm riêng được nhào nặn cực đặc biệt, Bẫy-22 tạo ra một thế giới bi đát mà đẫm hài hước, nơi điên loạn ngự trị, nơi một cá nhân, bằng những nỗ lực phi thường, liên tục tấn công vào hệ thống và các thiết chế, bởi chúng chính là một sự đè ép đến ngạt thở cái gọi là lương thức thông thường.
Zét Nguyễn
[1]https://archive.nytimes.com/www.nytimes.com/books/98/02/15/home/heller-catch.html?mcubz=3
[2] Trong bài “Joseph Heller replies”: http://www.ep.tc/realist/50/30.html
(Bài viết thuộc Zzz Review số 1+2, 18-7-2018)