Lev Tolstoy đôi mắt và đôi tay người nghệ sĩ
Lev Tolstoy đôi mắt và đôi tay người nghệ sĩ
Nhìn vào chân dung của Tolstoy, cái gây ấn tượng đầu tiên và mạnh mẽ hơn cả là đôi mắt: một đôi mắt sâu, ẩn sau vầng trán mênh mông và đôi mày rậm cau có, từ đó luôn loé lên một ánh nhìn làm cho vầng trán thêm sáng rộng hơn, cặp lông mày bớt dữ tợn hơn, và cả khuôn mặt trở nên linh hoạt, đầy sức sống

Những thiên tài luôn khác thường kể cả ở bề ngoài. Thế không có nghĩa là phải kỳ hình dị tướng. Tolstoy cũng vậy. Sinh thời, ông là người khoẻ mạnh cường tráng, không đẹp nhưng cũng không xấu lắm, từng có khi ăn diện đúng theo kiểu cách của những người quý tộc, và cũng nhiều khi xuềnh xoàng giản dị như một lão nông chính cống. Thế nhưng đôi mắt, hay đúng hơn, cái thần của đôi mắt ông đã khiến người ta nhận ra ông không phải là con người bình thường. Ông mang tên của một loài thú dữ (Lev trong tiếng Nga có nghĩa là sư tử). Đôi mắt của ông cũng khiến người ta nghĩ đến những con thú. Nhà văn Nga Ivan Turgenev cho rằng Tolstoy quan sát con người và sự vật “giống như con chim hay con thú”. Một nhà văn Nga khác, Ivan Bunin, nói Tolstoy có “đôi mắt chó sói làm mọi người sợ bởi sự kỳ lạ của chúng: chúng không có vẻ tấn công mà thận trọng như mắt của giống thú hoang dã”. Người ta còn ví mắt Tolstoy giống như mắt của những loài côn trùng bao gồm hàng trăm ngàn mắt cộng lại và có thể nhìn thấy những gì mà mắt người thường không thể thấy được. Maxim Gorky đã nói đến “ngàn cái nhìn của Tolstoy”. Tuy mang vẻ hoang dã, đôi mắt Tolstoy lại tỏa ra ánh sáng của trí tuệ, một trí tuệ minh triết, từng thấu tỏ bao sự vật, từ những cái nhỏ nhoi tinh vi trong cuộc sống đời thường đến những  cái lớn lao, vĩ đại lay chuyển cả lịch sử loài người, và phát hiện ra nhiều mối quan hệ giữa những cái nhỏ nhoi và những cái vĩ đại đó. Có thể nói ánh mắt Tolstoy biểu hiện tâm hồn của một kẻ đã đạt đến đỉnh cao của sự thông tuệ và lại quay trở về vẻ giản dị, hoang sơ.

Đôi mắt Tolstoy ai cũng có thể nhận thấy ngay trong hầu hết những bức chân dung của nhà văn còn lưu lại. Nhưng ngoài ra, Tolstoy còn còn có đôi bàn tay rất đặc biệt mà các họa sĩ và những người thợ chụp ảnh có lẽ đã không chú ý đến. Maxim Gorky, người biết Tolstoy những năm tuổi già, đã viết về đôi bàn tay của văn hào: “Ông có đôi bàn tay kỳ diệu – chúng không đẹp, gồ ghề những đường gân máu lớn, nhưng đầy sức biểu cảm và năng lực sáng tạo. Có lẽ Leonardo da Vinci cũng có đôi bàn tay như thế. Với đôi tay đó người ta có thể làm được bất cứ điều gì”. Tolstoy là người có thể thể hiện tình cảm và suy nghĩ bằng đôi bàn tay. Gorky nhớ Tolstoy lúc chơi bài (một thú đam mê của văn hào): “Ông chơi nghiêm túc và hăng hái. Đôi tay ông  trở nên bị kích động khi nhặt những lá bài lên, hệt như ông đang giữ giữa các ngón tay những con chim sống động chứ không phải là những mảnh bìa vô tri vô giác”. Còn đôi khi, lúc Tolstoy nói, “ông đụng đậy những ngón tay, dần dần gom lại thành nắm đấm, rồi bỗng nhiên xòe chúng ra, đồng thời thốt ra một câu rất hay và đầy trọng lượng”. Người ta hay nhắc đến giai thoại về cuộc tỏ tình và cầu hôn đặc biệt của nhà văn với vợ, bà Sofya Behrs, chính Tolstoy cũng kể về nó qua hai nhân vật Levin và Kitty trong tiểu thuyết “Anna Karenina”: Tolstoy đã viết bằng phấn lên tấm thảm trải bàn câu bày tỏ tình cảm rất dài và phức tạp, nhưng mỗi tiếng trong câu chỉ viết mỗi chữ đầu, thế mà Sofya đã đoán được một cách nhanh chóng và chính xác. Mọi người, cũng như chính bản thân Tolstoy đã kinh ngạc, khâm phục trí thông minh và tài đoán chữ của Sofya. Tuy nhiên, cũng có thể nghĩ là Sofya trong trường hợp này không hẳn phải thông minh lắm, sở dĩ  bà đoán được là bởi đôi bàn tay Tolstoy có thể nói được, thể hiện được tình cảm, nhất là những tình cảm yêu thương và đam mê. Đôi tay đầy sức biểu cảm đó là đôi tay có thể làm nên nghệ thuật chân chính, như Chekhov từng nói với Gorky: “Anh có những cảm xúc tuyệt diệu, anh thật tinh tế, nghĩa là khi anh mô tả cái gì, anh thấy và cảm nhận nó bằng đôi bàn tay của mình. Đó là nghệ thuật đích thực”.

Đại văn hào Nga Lev Tolstoy

Lev Nikolayevich Tolstoy sinh ngày 28 tháng 8 năm 1828 tại điền trang Yasnaya Polyana thuộc tỉnh Tula trong một gia đình đại quý tộc Nga. Sớm mất mẹ và cha, nhà văn lớn lên trong sự nuôi dường, chăm sóc của những người họ hàng. Tolstoy đã viết về Thời thơ ấu của mình: “Tôi hoàn toàn không nhớ mẹ tôi. Bà mất khi tôi mới một tuổi rưỡi. Thật tình cờ đến kỳ lạ là không còn giữ lại được một tấm hình nào của bà, thành ra tôi không thể tưởng tượng ra bà như một thể xác hiện hữu. Tôi có phần mừng vui vì điều đó, bởi trong trí tưởng tượng của tôi, bà chỉ là một hình ảnh tinh thần, và tất cả những gì tôi biết về bà đều rất đẹp đẽ, và tôi nghĩ rằng, đó không phải chỉ vì  mọi người khi nói với tôi về mẹ đều cố chỉ nói những điều tốt đẹp, mà thực sự ở bà có rất nhiều điều tốt đẹp. Hơn nữa, không chỉ mẹ tôi, mà tất cả những người xung quanh tôi, từ cha tôi cho đến những anh đánh xe, đều hết sức tốt đẹp trong mắt tôi. Có lẽ, tình cảm yêu thương trong trắng nơi tôi, như ánh sáng, đã giúp tôi nhìn thấy ở mọi người những phẩm chất tốt đẹp nhất của họ. Và việc tất cả mọi con người đó đối với tôi đều hết sức tốt đẹp là một sự thật lớn hơn rất nhiều so với khi tôi chỉ nhìn thấy những khiếm khuyết nơi họ”. Tình yêu trong sáng và niềm tin vào sự tốt đẹp của con người, cũng như niềm hy vọng sẽ tìm được vật kỳ diệu có thể làm cho mọi người hòa thuận và hạnh phúc – một “cây gậy xanh” được chôn bên bờ con suối nhỏ trong khu rừng Stary Zakaz – là những ấn tượng sâu sắc nhất của Tolstoy về tuổi thơ. Những ấn tượng đó đã đi theo nhà văn suốt cuộc đời. Dù đi đâu về đâu, dù trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, dù đạt đến tột đỉnh vinh quang, ông vẫn luôn mong ước quay trở lại với tuổi thơ trong sáng đó.

Việc học tập của Tolstoy được săn sóc rất kỹ lưỡng. Những gia sư người nước ngoài được thuê về để dạy dỗ khi cậu bé Tolstoy còn bé. Lớn chút nữa thì cậu được gửi lên Moskva để học trung học. Ngay từ nhỏ, Tolstoy đã thích suy nghĩ về tính khí của bản thân mình, về thân phận con người, về sự bất diệt của linh hồn, … và luôn băn khoăn kiếm tìm cho mình một lối sống tốt đẹp.

Từ 1844 đến 1847, Tolstoy học ở Đại học Tổng hợp Kazan, ban đầu theo học ngữ văn Phương Đông, sau chuyển sang học Luật, song bỏ dở cả hai. Mười chín tuổi, Tolstoy nhận phần chia gia tài mẹ cha để lại, trở thành ông chủ điền trang Yasnaya Polyana với hơn 1200 mẫu đất và 330 nông nô. Cuộc sống của người trang chủ trẻ về sau được nhà văn thể hiện trong tác phẩm “Buổi sáng của một trang chủ”. Năm 1851, Tolstoy gia nhập quân đội, phục vụ ở vùng Kavkaz. Đó cũng là thời gian ông bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình với  tác phẩm “Thời thơ ấu” (cuốn mở đầu cho bộ ba tiểu thuyết “Thời thơ ấu”, “Tuổi niên thiếu”, “Tuổi trẻ”). Nhà phê bình văn học Nga nổi tiếng Chernyshevsky trong bài báo viết về những sáng tác đầu tay của Tolstoy đã chỉ ra hai yếu tố chủ yếu nhất của tài năng trẻ này là “sự hiểu biết sâu sắc những vận động bí ẩn của đời sống tâm lý và sự trong sáng hồn nhiên của tình cảm đạo đức”.

Chàng sĩ quan quý tộc Tolstoy đã sống một cuộc sống phóng túng trong quân ngũ (dấu ấn của cuộc sống phóng túng đó còn lưu lại trong “Chiến tranh và hòa bình”, “Phục sinh” và một số tác phẩm khác). Tolstoy lúc này, và về sau cũng vậy, luôn là con người ham sống và dễ bị cám dỗ bởi những thú vui của cuộc sống, nhất là khi ông lại sinh trưởng trong môi trường vốn đủ đầy và xa hoa của giới quý tộc. Con người đầy sinh lực, đầy ham mê với cuộc sống và cũng dễ sa ngã đã tìm thấy sự phản ánh của mình trong các tác phẩm tiêu biểu của Tolstoy. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong Tolstoy lại thường xuyên tồn tại một con người nữa luôn ý thức được những đúng sai xung quanh mình và trong chính mình, luôn khát khao thoát ly khỏi những ham muốn, những dục vọng tội lỗi nơi trần thế để vươn tới một cuộc sống tinh thần thanh khiết, trong sáng và cao cả. Hai con người đó – một của trần thế một của cao xanh; một ham mê bám lấy đời, một khát khao thoát tục; một sa ngã lầm lạc, một sáng suốt thánh thiện;… – luôn đấu tranh, giằng kéo nhau trong Tolstoy suốt cả cuộc đời, và có lẽ, chính nhờ thế mà ông đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt diệu về con người, tạo nên “phép biện chứng tâm hồn” nổi tiếng.

Tolstoy phục vụ trong quân đội 4 năm. Khi cuộc chiến tranh Nga – Thổ diễn ra (1853-1856), Tolstoy là người chứng kiến và trực tiếp tham gia vào trận chiến bảo vệ thành phố Sevastopol. Điều quan trọng nhất Tolstoy rút ra được từ cuộc chiến tranh này là “sức mạnh tinh thần của nhân dân Nga vĩ đại”. Sức mạnh đó được ông mô tả phần nào trong “Những truyện Sevastopol”(1855) và sau này được thể hiện đầy đủ hơn trong bộ tiểu thuyết sử thi “Chiến tranh và hòa bình”(1863-1869).

Năm 1855, Tolstoy giải ngũ. Trong vài năm, mùa hè ông sống ở Yasnaya Polyana, mùa đông khi thì đến Petersburg, khi thì đến Moskva. Đây cũng là dịp Tolstoy tiếp xúc với nhiều nhà hoạt động văn học nổi tiếng thời bấy giờ. Tolstoy thử sức mình ở nhiều thể loại khác nhau, và mọi người đã nhận thấy ở nhà văn trẻ này một thiên tài tương lai. Tolstoy còn có nhiều mối quan tâm ngoài văn chương: ông bận rộn với vấn đề nông nô và việc giải phóng nông nô, ông  quan tâm đến việc giáo dục trẻ em nông dân, mở trường học, biên soạn sách giáo khoa, xuất bản tờ tạp chí giáo dục “Yasnaya Polyana”. Tolstoy hai lần ra nước ngoài, đi qua các nước Pháp, Thụy Sĩ, Ý, Đức, Bỉ, Anh, những ấn tượng về các chuyến đi, về châu Âu tư sản tự do chủ yếu là buồn và thất vọng.

Mùa thu năm 1862, Tolstoy kết hôn với Sofya Behrs, đưa bà về sống ở Yasnaya Polyana. Cuộc hôn nhân lúc đầu đã đem lại cho Tolstoy nhiều hạnh phúc. Sofya khi lấy Tolstoy còn rất trẻ (bà kém ông 16 tuổi), nhưng đã rất nhanh chóng thích ứng với vai trò của một người phụ nữ trong gia đình: bà trở thành một người vợ, người mẹ hết lòng vì chồng con, đảm đang quán xuyến việc quản lý gia đình và tài sản gia đình, và đồng thời còn là người thư ký tận tụy của ông. Bóng dáng của bà phảng phất trong các nhân vật Natasha (“Chiến tranh và hòa bình”), Kitty (“Anna Karenina”).

Năm 1863, Tolstoy bắt tay vào viết tác phẩm “Chiến tranh và hòa bình”. Sáu năm lao động cật lực không nghỉ đã mang lại kết quả: một bộ tiểu thuyết sử thi vĩ đại nhất trong lịch sử văn học nước Nga ra đời.

Bốn năm sau khi hoàn thành “Chiến tranh và hòa bình”, năm 1873, Tolstoy bắt đầu sáng tác “Anna Karenina”. Trong bức thư gửi cho em gái ngày 19 và 20 tháng 3 năm 1873, Sofya viết: “Hôm qua Lyovochka (tên gọi thân mật của Tolstoy – PP) bỗng nhiên bắt đầu viết một tiểu thuyết lấy từ cuộc sống hiện đại. Một câu chuyện về một người đàn bà không chung thủy và tất cả bi kịch bắt nguồn từ đó”. Đầu năm 1878, toàn bộ tác phẩm ra mắt bạn đọc và cũng gây tiếng vang không kém “Chiến tranh và hòa hình”. Tuy không kỳ vĩ, hoành tráng như “Chiến tranh và hòa bình”, song “Anna Karenina” lại có vẻ già dặn hơn, nhất là trong nghệ thuật mô tả, phân tích tâm lý con người.

Hai bộ tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” và “Anna Karenina” đã đem lại cho Tolstoy cả danh tiếng lẫn tiền tài (tác quyền của hai tác phẩm này hàng năm đem lại cho ông và gia đình số tiền rất lớn). Tuy nhiên, từ cuối thập niên 70 – đầu thập niên 80 Tolstoy bắt đầu trải qua cuộc khủng hoảng sâu sắc trong đời sống nội tâm. Năm 1879-1880 ông viết “Tự thú”, trong đó nói tỉ mỉ về những thay đổi trong quan niệm sống của mình. Ông cho rằng tầng lớp thượng lưu – giới quý tộc và tư sản – là những kẻ ăn bám, sự tồn tại của tầng lớp này là vô ý nghĩa. Ông ân hận vì cuộc sống phóng túng thời trẻ, vì những tội lỗi của mình, vì cuộc sống xa hoa do bóc lột nông dân mà mình đang hưởng,… Do vậy, ông tuyên bố từ bỏ giai cấp của mình và quyết định sống cuộc sống của một người lao động: “Tôi từ bỏ cuộc sống của giới chúng ta (tức giới quý tộc thượng lưu – PP) vì nhận thấy rằng đó không phải là cuộc sống, mà chỉ là cái gì đó giống như cuộc sống mà thôi, rằng những điều kiện sung túc trong đó chúng ta đang sống đã làm chúng ta mất đi khả năng hiểu được cuộc sống, và rằng để có thể hiểu được cuộc sống, tôi phải hiểu cuộc sống không phải của những ngoại lệ, không phải của chúng ta, những kẻ sống bám vào cuộc sống, mà là cuộc sống của nhân dân lao động, những người làm ra cuộc sống, và hiểu ý nghĩa mà họ đã mang lại cho cuộc sống”.

Tolstoy chối bỏ cuộc sống quý tộc của mình, nhưng đồng thời cũng chối bỏ cả những sáng tạo nghệ thuật do chính ông đã tạo nên trước đó, vì theo ông chúng cũng chỉ là những trò giải trí phục vụ cho bọn quý tộc. Mọi người đã lo sợ ông từ bỏ viết văn. Ivan Turgenev trước khi qua đời (năm 1883) đã viết cho Tolstoy những lời trăng trối: “Tôi viết riêng cho Anh để nói với Anh rằng tôi rất vui sướng được làm người cùng thời với Anh, – và để trình bày với Anh lời đề nghị cuối cùng, rất chân thành của tôi. Bạn thân mến ơi, hãy quay về với hoạt động văn học đi!”. Bảy năm trời Tolstoy không sáng tác, mà học làm những công việc của nông dân như đóng giày, cày ruộng, gặt lúa; ông học thêm ngoại ngữ, nghiên cứu triết học, tôn giáo,… Thế rồi đến năm 1886, ông lại quay trở về với văn chương với những cảm hứng và ý tưởng mới. Ông viết những tác phẩm “Cái chết của Ivan Ilich” (1886), “Bản xô nát Kreutzer” (1887-1889), “Đức cha Sergius” (1896), “Phục sinh” (1889-1899), “Hadji Murat”(1896-1904) và nhiều tác phẩm khác. Chủ đề của những tác phẩm sáng tác trong hơn hai mươi năm cuối đời của Tolstoy là con người trong sự đối mặt với cái chết, đau khổ sám hối vì những tội lỗi của mình và ước muốn vươn tới sự hoàn thiện đạo đức để có thể phục sinh.

Tolstoy trong những thập niên cuối đời nổi tiếng không chỉ như một nhà văn thiên tài, mà còn như một nhà đạo đức học, một người sáng lập ra một tôn giáo mới với chủ trương không dùng bạo lực chống lại cái ác và tự hoàn thiện bản thân. Có rất nhiều người tin theo chủ thuyết của Tolstoy (trong đó có cả những nhân vật nổi tiếng như lãnh tụ phong trào giải phóng của Ấn Độ Mahatma Gandhi), song cũng có nhiều người, nhất là những người trong giới văn sĩ, không thích thấy Tolstoy trong vai trò của vị giáo chủ. Dù gì đi nữa, uy tín và ảnh hưởng của Tolstoy những thập niên cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cũng đã làm cho chính quyền Nga hoàng và Giáo hội chính thống Nga lo ngại.

1901. Suvorin, một nhân vật nổi tiếng trong giới báo chí Nga thời bấy giờ đã viết: “Chúng ta có hai Nga hoàng – Nikolai đệ Nhị và Lev Tolstoy. Ai trong số hai người mạnh hơn? Nikolai đệ Nhị không thể làm gì với Tolstoy được, không thể lay chuyển ngai vàng của Tolstoy, trong khi Tolstoy chắc chắn làm lung lay ngai vàng của Nikolai và triều đình của ông ta”. Suvorin viết những dòng này vào năm 1901. Năm đó, Tolstoy bị Giáo hội Nga rút phép thông công. Việc này có liên quan tới sự ra đời của tiểu thuyết “Phục sinh” (Tolstoy bán bản quyền tác phẩm này cho nhà xuất bản để lấy tiền giúp những tín đồ của giáo phái Dukhobor – một giáo phái có thái độ chống lại chính quyền, chống chiến tranh, khi họ bị Nga hoàng trục xuất khỏi Nga). Sự kiện này không những không làm giảm sút uy tín của Tolstoy, mà ngược lại, danh tiếng của ông lại càng vang lừng hơn: nhiều nhân vật nổi tiếng của nước Nga, của Tây Âu, của Mỹ muốn đến gặp ông, trò chuyện cùng ông, báo chí thường xuyên viết về ông, người ta vẽ chân dung, chụp ảnh ông, các nhà văn thuộc  nhiều thế hệ và trường phái khác nhau, trong đó có Chekhov và Gorky, tìm đến ông để học hỏi và ngưỡng mộ.

Tuy thế, trong ngôi nhà ở Yasnaya Polyana của ông vẫn đầy không khí bất đồng và xung đột. Bất đồng trong thái độ của người Nga đối với ông: không ai có thể phủ nhận ông như một nghệ sĩ vĩ đại, song triết lý đạo đức của ông thì không phải tất cả đều đồng tình. Bất đồng trong quan hệ vợ chồng, cha con: ông muốn sống một cuộc sống đúng theo khuôn mẫu triết lý mình đưa ra, song con cái của ông không ai theo ông cả; Sofya, người vợ đã từng đem lại cho ông tình yêu và hạnh phúc, cũng càng lúc càng không hiểu ông và bất hòa với ông. Tolstoy khổ sở, xấu hổ vì thấy gia đình và chính bản thân ông sống trong sự sung túc, xa hoa trong khi nhân dân thì đói rách, nghèo khổ. Những ngày tháng cuối đời, Tolstoy luôn bị ám ảnh bởi ý muốn từ bỏ gia đình. 4 giờ sáng ngày 28 tháng 10 năm 1910, ông bí mật rời Yasnaya Polyana để lên tàu ra đi, sau khi để lại cho Sofya bức thư: ” … Chuyến đi của anh sẽ làm em đau khổ. Anh xin lỗi vì điều đó… Anh không thể làm khác được … Ngoài tất cả những chuyện khác ra, anh không thể sống lâu thêm trong cảnh xa hoa này. Anh đang và sẽ làm những gì mà những ông già ở tuổi anh thường làm: từ bỏ thế giới này để sống những ngày cuối đời trong yên bình và cô đơn…”. Trên đường đi, ông bị cảm lạnh và viêm phổi, được đưa vào ga xép Astapovo thuộc tỉnh Ryazan và mất ở đó ngày 7 tháng 11 năm 1910, thọ 82 tuổi.

Cái chết của Tolstoy làm chấn động cả nước Nga, đám tang ông biến thành cuộc diễu hành lớn. Thi hài ông được đưa về chôn cất tại Yasnaya Polyana, trong cánh rừng bên bờ suối, nơi thuở ấu thơ ông đã cùng anh em mình đi tìm “cây gậy xanh” hạnh phúc.

 PGS-TS TRẦN THỊ PHƯƠNG PHƯƠNG - Van.vn

Tags: