"Súng, vi trùng và thép": Đi tìm cội rễ của hiện thực loài người
Độc giả sẽ có được cái nhìn toàn cảnh cho sự định hình của cục diện thế giới ngày nay, và nếu mở rộng tầm suy luận, những gì Diamond đã đề cập đến cũng hoàn toàn có thể được quan sát thấy trong sự định hình của những xã hội hiện đại.

Năm 1858, đế quốc Pháp nổ súng đánh chiếm bán đảo sơn trà mở đầu cho cuộc xâm lăng vương quốc An Nam. Trong cả cuộc xâm lược này, đạo quân đến từ châu Âu chỉ với quân số chỉ bằng một phần nhỏ nhưng áp đảo tuyệt đối sự chống cự của quân bản xứ. Nhưng sự chênh lệch về ưu thế quân sự đó cũng không đáng kể gì nếu so sánh các cuộc xâm lăng của người Tây Ban Nha với các quốc gia vùng châu Mỹ hồi thế kỷ 16, khi mà chỉ với vỏn vẹn 168 chiến binh, quân đội Tây Ban Nha đã đánh bại đội quân hơn 8 vạn của người Incas và bắt sống vua của đế quốc này.

Sự áp đảo của người châu Âu so với phần còn lại của thế giới bắt đầu từ sau thế kỷ 15 và kéo dài cho đến thời điểm hiện tại, và từ lâu nó được mặc định thừa nhận. Nửa sau của thế kỷ 20, đã có không ít những nghiên cứu trên quy mô lớn nhằm lý giải cho sự áp đảo của người châu Âu, có thể kể đến một vài tác phẩm tiêu biểu như: “Tại sao phương tây vượt trội?” của Ian Morris. Hay trên quy mô lớn hơn, các học giả còn xây dựng nên cả một lý thuyết “Kinh tế học phát triển” nhằm lý giải con đường vươn lên đỉnh cao sức mạnh của các quốc gia châu Âu và dùng nó để áp dụng cho các quốc gia lạc hậu nhằm tự cải biến thành những quốc gia giàu mạnh như cách mà người châu Âu đã làm. Những lý giải cho sự áp đảo của phương Tây với phần còn lại của thế giới từ trước đến nay mặc dù có rất nhiều, những luận điểm được các nhà nghiên cứu đưa ra mặc dù cũng rất thuyết phục, nhưng người ta vẫn cảm thấy chưa thông suốt với nhau, và giữa những lý lẽ đưa ra vẫn còn có những điểm mâu thuẫn nhau.

Chỉ đến khi Jared Diamond cho ra mắt cuốn: “Súng, vi trùng và thép” vào năm 1997, những mảnh ghép lý luận rời rạc của những người đi trước mới được sắp xếp lại, ghép lại thành một bức tranh có bố cục hợp lý, giúp tất cả đều mường tượng ra được nguyên nhân cội rễ của hiện thực. Qua từng trang giấy, tác giả vẽ nên những khung cảnh xuyên suốt hàng vạn năm lịch sử loài người. Từng khung cảnh đó lại ẩn chứa những quy luật tự nhiên mà bất cứ cư dân nào, tộc người nào cũng đều buộc phải hành xử theo cùng một cách. Và chính những điều kiện tự nhiên khác nhau ấy, đã tạo ra những con đường phát triển khác nhau, tạo nên lợi thế cho một số tộc người đồng thời những hoàn cảnh tự nhiên khác lại kìm hãm các tộc người đứng trong bối cảnh đó. Chính những điều kiện tự nhiên đã tạo nên lợi thế, và lợi thế ấy lại tiếp tục được tích lũy bởi những hoàn cảnh tự nhiên và sự tăng thêm về lợi thế liên tục qua nhiều thế kỷ đã tạo nên sự áp đảo của một số tộc người so với những tộc người khác.

Cách dẫn dắt của Diamond cũng vô cùng độc đáo và đa chiều. Thay vì lối viết hàn lâm thuần túy, tác giả bắt đầu bằng những cộng đồng thiểu số vẫn còn sống sót ở ngay thời hiện đại, và từ đó điều tra lại, nghiệm lại những biến cố lịch sử từ hàng nghìn năm trước đó. Với cách diễn đạt này, lịch sử hàng vạn năm loài người dường như trở thành một phòng thí nghiệm cho những mô hình phát triển của từng tộc người với những thông số ban đầu khác nhau. Những điểm tạo nên lợi thế khi mà tất cả mọi xã hội loài người rải rác trên bề mặt trái đất tại những khu vực địa lý khác nhau được Diamond nêu ra một cách vô cùng tự nhiên, đời thường. Đó có thể là lợi thế về nguồn nước, hoặc lợi thế về các loại muông thú, cây quả trong tự nhiên. Những tộc người được ở gần nguồn nước sẽ có lợi thế để phát triển quy mô bầy đàn, và bước vào nền văn minh định canh định cư trước các tộc người khác. Các tộc người được tiếp cận với các gia súc có giá trị kinh tế tiềm năng cũng có nhiều loại lợi thế khác, và đó chính những lợi thế từ thuở sơ khai.

Súng, vi trùng và thép, đó là tên cuốn sách, và cũng chính là những yếu tố quyết định giúp cho những kẻ đầu tiên sở hữu đủ cả 3 thứ bảo bối tử thần đó tạo ra cho mình vị thế thống trị những tộc người còn lại. Súng, vi trùng và thép mang lại lợi thế cho kẻ sở hữu nó như những gì mà những lợi thế tự nhiên đã đem lại cho các tộc người được lợi thế gần nguồn nước, và có các động vật lớn có thể thuần dưỡng. Có điều, lợi thế về súng đạn là lợi thế có được khi mà những tộc người được hưởng lợi thế tự nhiên trong quá khứ biết tận dụng nó để tạo ra những lợi thế khác. Trong tác phẩm của mình, khung cảnh đầu tiên mà ưu thế của cả ba yếu tố súng, vi trùng và thép chứng minh cho ưu thế vượt trội dành cho kẻ sở hữu chúng chính là cuộc đụng độ ở Carjamarca khoảng đầu thế kỷ 16 giữa quân đội Tây Ban Nha với đế quốc Incas bản xứ, đây là trận chiến mở màn cho cuộc chinh phục và xâu xé Tân Thế Giới giữa những đế quốc thực dân châu Âu.

Những lý giải của Diamond là rất đa chiều, xuất phát từ mọi góc độ trong thế giới hiện thực. Bên cạnh những lập luận mới, tác phẩm cũng vẫn kế thừa những lý giải của nhiều tác giả khác, có thể kể đến là thuyết lan truyền văn minh theo vĩ độ và tung độ. Các nền văn minh ở cựu thế giới gồm đại lục Á-Âu sở dĩ có ưu thế trội hơn so với các nên văm minh ở tân lục địa gồm châu Mỹ và châu Phi bên dưới sa mạc Sahara. Theo đó, các nền văn minh ở cùng dải vĩ độ sẽ dễ dàng liên lạc trao đổi thông tin với nhau, do đó sự chênh lệch về công nghệ cũng sẽ dễ được khỏa lấp hơn. Đơn cử như việc người Tây Á, biết sử dụng đồ sắt thì chỉ trong khoảng thời gian ngắn sau, các tộc lân cận sẽ học tập được cách dùng đồ sắt từ dân Tây Á. Điều tương tự sẽ không xảy ra với các nền văn minh phân bố theo dải kinh độ. Nguyên nhân vì ở cùng một dải vĩ độ, thời tiết khí hậu tương đồng với nhau, và các vùng dân cư sẽ dễ dàng giao tiếp với nhau. Nhưng theo các vĩ độ khác nhau trên cùng một dải kinh độ, mặc dù về cự ly thì không khác với trường hợp phân bố theo vĩ độ, nhưng chính sự khác biệt về thời tiết khí hậu lại trở thành bức tường vô hình ngăn cản sự liên hệ giữa các nền văn minh lớn. Những lập luận trên đã giải thích cho sự phát triển trội hơn hẳn của các nền văn minh trên cựu lục địa Âu-Á so với phần còn lại, mặc dù rằng giữa những nền văn minh này cũng vẫn có những sự chênh lệch nhất định, nhưng rõ ràng khi mà người châu Âu biết sử dụng súng, thì các tộc người Á Đông cũng đã chế ra những khẩu súng ở cấp độ thấp hơn, và không có dân tộc lớn nào không bị biệt lập lại chưa biết sử dụng thép. Điều mà không hề có trong cuộc chạm trán ở Cajamarca.

Không chỉ dừng lại ở những khác biệt trong điều kiện tự nhiên tạo nên lợi thế, Jared Dimond còn quan sát trên cả góc độ phát triển xã hội học. Những điều kiện tự nhiên khác nhau sẽ phần nào tác động khác nhau lên sự hình thành và phát triển của yếu tố xã hội học của các tộc người. Theo Diamond, sự đa dạng về ngôn ngữ chính là bước khởi đầu tạo nên những ưu thế xã hội học về sau, súng và thép là những thành quả trực tiếp từ những ưu thế đó. Mặc dù sắt được tìm ra đầu tiên bởi người Tây Á, nhưng người châu Âu, người Trung Hoa lại tạo ra những loại thép tốt hơn so với các dân tộc đầu tiên tìm ra sắt. Nó đến từ thành quả giáo dục của những nền văn minh này, dấu ấn xã hội học và cả những xung đột vũ trang đã mang lại lợi thế cho một vài tộc người so với những tộc khác. Ở một góc nhìn khác, người Mông Cổ mặc dù đã có những chiến thắng vang dội trên lĩnh vực quân sự, nhưng chính vì thiếu chữ viết, và không có chiều sâu văn hóa nên dễ dàng bị đồng hóa ngược bởi những dân tộc bị chinh phục. Diamond đã lựa chọn và lý giải các quy luật này thông qua một số tộc người tiêu biểu.

Tuy vậy trong giới hạn của cuốn “Súng, vi trùng và thép”, Diamond không đề cập đến những biến động, suy thoái, phát triển, rồi sụp đổ của các nền văn minh. Những luận điểm này được gom lại và trình bày một cách có hệ thống trong ba cuốn còn lại của bộ tứ mà tác giả sẽ review sau. Cuốn sách này là cội rễ, nền tảng cho những cuốn còn lại. Độc giả sẽ có được cái nhìn toàn cảnh cho sự định hình của cục diện thế giới ngày nay, và nếu mở rộng tầm suy luận, những gì Diamond đã đề cập đến cũng hoàn toàn có thể được quan sát thấy trong sự định hình của những xã hội hiện đại.

Review của Độc giả gửi về Trạm Đọc

Tags: