“Forrest Gump” – Bức tranh trào lộng của nước Mĩ nửa sau thế kỉ XX
“Forrest Gump” – Bức tranh trào lộng của nước Mĩ nửa sau thế kỉ XX
Sinh ra với chỉ số IQ 70, trưởng thành với tấm thân cao hơn 2 mét, nặng hơn một tạ, chàng trai Forrest Gump lần lượt đi qua những năm tháng biến động của lịch sử nước Mĩ bằng một tâm hồn ngây ngô cùng tài năng thiên bẩm trên nhiều khía cạnh. Nhưng ẩn sau hình ảnh Forrest ngốc ngếch đó là sự trào lộng sâu cay của tác giả Winston Groom trong cuốn tiểu thuyết cùng tên tới thực tại nước Mĩ nửa sau thế kỉ XX, cùng ánh nhìn đầy nhân văn ông gửi đến những kiếp đời bé mọn.

Toàn cảnh nước Mĩ nửa sau thế kỉ XX

Ra đời vào năm 1986, được viết dưới dạng tự truyện của một chàng trai người Mĩ đã sống trọn ở nửa sau thế kỉ XX, có thể nói, Forrest Gump như một bức tranh toàn cảnh xã hội nước Mĩ buổi giao thời. Nhưng đó lại là bức tranh hết sức đặc biệt: mang tính chủ quan xuất phát từ sự quan sát, trải nghiệm của người đàn ông sinh ra với chỉ số thông IQ chỉ có 70, như chính anh ta tự nhận “là một thằng đần từ hồi mới đẻ kia”. Song chính bởi “là một thằng đần” mà con người đấy có thể thành thật với cảm xúc, và thành thật với chính hiện thực cuộc sống xung quanh anh ta. Từ đó, thực tại được tái hiện tựa một trường bi hài kịch, châm biếm, trào lộng mà gai góc, đắng cay.

Đó là nước Mĩ vào những năm 60, 70 thế kỉ XX với sự phân hóa giàu nghèo, phân hóa xã hội sâu sắc. Một nước Mĩ hào nhoáng bề ngoài với những trận đấu bóng bầu dục nảy lửa, những màn đấu vật nghẹt thở, những cuộc đấu cờ vua đề cao trí tuệ, những ban nhạc cuồng nhiệt hay kinh đô điện ảnh Hollywood tráng lệ. Nhưng ẩn sau đó là những khu ổ chuột, tệ nạn, cuộc sống bon chen đến mệt mỏi, sự khinh miệt và đạp lên mọi chuẩn mực đạo đức, những cuộc biểu tình kéo dài cùng những lời hứa không hẹn ngày thực hiện… Và một nước Mĩ, với những cuộc xung đột, hận thù sắc tộc vẫn luôn âm ỉ giữa các cộng đồng. Bằng bút pháp tự trào cùng ngòi bút đả kích sâu cay, tác giả Winston Groom đã dần bóc tách, giải thiêng hình ảnh của cả một nền văn hóa, một đất nước vẫn luôn tự hào là siêu cường thế giới.

Không dừng lại ở đó, sự đả kích, giải thiêng đó còn mở rộng chiều kích không gian ra ngoài lãnh thổ nước Mĩ khi Forrest được thi đấu bóng bàn ở Trung Quốc. Đặc biệt trong khoảng thời gian, anh bị bắt tòng quân, đi lính tới chiến trường Việt Nam. Vẫn tiếp tục sử dụng bút pháp trào lộng qua cái nhìn ngây ngô như đứa trẻ của Forrest, cùng sự tái hiện song song hai mảng không gian: Hoa Kỳ - Việt Nam mà tác giả Winston Groom như bóc trần bản chất cuộc chiến tranh phi nghĩa Mĩ đã theo đuổi tại Việt Nam.

Nhưng đồng thời, ẩn sau từng câu chữ dửng dưng, tưng tửng, thô một cách gai góc lại là hiện thực cuộc chiến nghiệt ngã. Thương vong, cái chết đã xảy đến như một điều tất yếu với chính người bạn thân của Forrest, khiến một gã khờ như anh cũng thấu hiểu thế nào là đau thương, mất mát. Nếu sự châm biếm giúp tác giả bóc trần bản chất cuộc chiến Mĩ theo đuổi thì nốt trầm thương đau lại giúp ông đi sâu vào bản chất chung của chiến tranh. Chiến tranh, đến cuối cùng, người chịu đau đớn nhất vẫn là những người vô tội vướng vào cuộc chiến. Họ chết đi, thậm chí còn không biết họ chết vì điều gì.

Một nước Mĩ nửa sau thế kỉ XX như thế, mang đủ những mảng màu đối chọi gay gắt qua lời tự truyện của một người đàn ông ngây ngốc ở tiểu thuyết Forrest Gump, đã tạo lên các cá nhân muôn mặt. Nhưng dẫu là kẻ ở phần thượng tầng hay một kẻ cố cùng mạt vận nhất, tất thảy đều như những hình nhân trong một vở bi hài kịch của thời đại. Tiếng cười, xuất phát từ sự tự trào của người từng trải, bởi thế càng thêm phần chua chát.

Bìa cuốn tiểu thuyết.

“Số đỏ” của một chàng ngốc

Mang hình thức một cuốn tự truyện, nhân vật trung tâm Forrest Gump xưng “tớ”, ngôi thứ nhất, tự kể lại cuộc đời bản thân. Ngoài ra, Forrest còn là một người đàn ông đặc biệt: anh không có chỉ số thông minh như bao người bình thường khác. Bởi thế, tính cá nhân, chủ quan được thể hiện rất rõ trong cuốn tiểu thuyết này.

Bằng lối kể chuyện theo trục thời gian tuyến tính, sự kiện này nối tiếp sự kiện kia mà cuộc đời người đàn ông đặc biệt Forrest dần được khắc họa rõ nét. Từ thuở thiếu thời là một cậu nhóc sống ở miền Nam nước Mĩ bị kì thị, bắt nạt, đến tuổi dậy thì và thành niên anh chơi bóng bầu dục ở trường phổ thông. Từ những ngày anh mới tập chơi acmonica dưới tầng hầm khu kí túc xá đại học tới quãng thời gian Forrest bị đưa tới chiến trường Việt Nam. Ngày Forrest trở về nước Mĩ rồi chơi trong nhóm nhạc Những quả trứng nứt đến lúc anh bay vào vũ trụ cùng thiếu tá Fritch và con đười ươi già tên Sue. 4 năm sống sâu trong rừng, nơi bộ tộc ăn thịt người ngự trị tới ngày Forrest trở thành ngôi sao làng đấu vật...

Tất cả các sự kiện đó khiến cuộc đời chàng ngốc Forrest diễn ra tựa một câu chuyện cổ tích với đủ những thăng trầm cùng mọi cung bậc lên xuống như đường đi đồ thị hình sin.

Forrest là một chàng ngốc ngờ nghệch, không biết cách nói chuyện, không biết cách xu nịnh để vừa lòng người khác. Anh chàng nhiều khi tư duy, lời nói, hành động thô thiển, ngây thơ như một đứa trẻ hoặc hành động theo lời nói kẻ khác như một cỗ máy. Song chàng “đần” chẳng “thức thời” đó lại là một chàng ngốc tài năng và cũng liên tiếp gặp nhiều may mắn. Mỗi bước ngoặt cuộc đời Forrest khi anh ở dưới đáy cùng trắng tay, tuyệt vọng, lạc lối, không biết đi đâu về đâu cũng là lúc, con người đó gặp được điều may mắn giúp anh vượt qua nghịch cảnh, thậm chí trở nên nổi tiếng và có địa vị trong xã hội. Vậy câu hỏi đặt ra, Forrest có thật là kẻ “đần” hay không? Có thật, Forrest chỉ là một chàng ngốc liên tiếp gặp “số đỏ” do thời cuộc đưa đẩy?

Quả thực, với chỉ số IQ 70, khó ai có thể nói, Forrest thông minh. Nhưng con người đó lại có khả năng cảm âm, chơi nhạc xuất sắc, khả năng toán học phi thường, khả năng chơi cờ vua như một đại kiện tướng. Không ai “đần” lại có thể làm những điều không tưởng đến thế. Mà có lẽ, chăng, giữa xã hội “ối a ba phèng” (chữ dùng của Nguyễn Tuân) của nước Mĩ buổi giao thời, tất cả đều như quay cuồng với thời cuộc thì một Forrest trong sáng, tỉnh táo lại trở thành một kẻ ngốc trong cộng đồng, tựa gã điên ở truyện ngắn Nhật ký người điên của Lỗ Tấn vậy.

Forrest, là sáng tạo nghệ thuật riêng có của nhà văn Winston Groom nhưng Forrest, cũng là một hình tượng hết sức điển hình trong một xã hội điển hình – nước Mĩ nửa sau thế kỉ XX. Xã hội đó, đã sản sinh ra những cá nhân như Forrest, tưởng điên, tưởng đần mà lại thông tuệ, tỉnh táo hơn hết thảy. Kẻ đó như đóng vai trò đôi mắt của thời đại, soi thấu đến tầng sâu nhất số phận, cuộc đời bản thân anh ta nói riêng, những kiếp đời bé mọn khác và rộng hơn, cả một dân tộc nói chung.

Những kiếp đời bé mọn, cũng có quyền khát cầu hạnh phúc

Như đã nói, Forrest Gump như bức tranh toàn cảnh những xấu xa, đồi bại, hỗn loạn của xã hội, con người Mĩ nửa sau thế kỉ XX được Winston Groom vẽ lên bằng ngôn ngữ văn chương trào phúng, châm biếm sâu cay. Nhưng nhà văn tái hiện, phê phán hiện thực, cuối cùng không nhằm hướng người đọc đến cảm xúc tiêu cực, căm ghét hay bi lụy. Mà hơn cả, đều ông gieo vào lòng độc giả sau những trang truyện, vẫn là niềm tin, hi vọng về vị trí cùng sức sống của con người giữa cuộc đời.

Cuốn tiểu thuyết như cả chặng đời mà một người đàn ông chỉ số IQ 70 đã trải qua. Con người đó chính là biểu tượng của những kẻ dưới đáy cùng xã hội, không có tất cả, có tất cả rồi lại mất đi tất cả. Và rồi khi người ấy lại nắm tất cả trong tay, cũng là lúc tự bản thân anh ta buông bỏ để sống đời phiêu du. Forrest Gump vì thế không chỉ là biểu tượng cho một lớp người mà hình tượng chàng trai đó, còn như chuyên chở triết lí rất đẹp của Phật giáo về hai chữ “vô vi” giữa dòng đời.

Hàng loạt cá nhân khác xuất hiện trên trang sách: trung úy Dan, cô gái Jenny Curran, anh bạn Bubba,... họ mang cá tính khác nhau nhưng đều gặp nhau ở một điểm: bản thân họ chỉ là một kiếp đời bé mọn nơi nước Mĩ phồn hoa. Cũng như Forrest, họ chịu đủ nghiệt ngã của dòng chảy thời cuộc. Nhưng họ vẫn yêu sự sống và cố gắng sống. Bởi dẫu mang kiếp đời bé mọn, họ vẫn là con người với một trái tim, một linh hồn và một tinh thần hướng tới ngày mai, khát cầu hạnh phúc. Để “có thể nhìn lại và nói rằng, ít nhất tớ đã không sống một đời nhàm chán.”

MỌT MỌT/Văn Nghệ Quân Đội

Tags: