Miền non cao xứ Bồ Đào: Chúa Trời, Con người và Loài vật - khúc tam tấu tình yêu từ những số phận lạ kì
Miền non cao xứ Bồ Đào: Chúa Trời, Con người và Loài vật - khúc tam tấu tình yêu từ những số phận lạ kì
Một người đàn ông đi giật lùi, một cuộc khám nghiệm tử thi kinh hoàng, một người đàn ông sống cùng vượn… Một khúc tam tấu về những khổ đau, hạnh phúc; về gia đình, người thân; về tôn giáo và niềm tin được Yann Martel trải bày qua những số phận lạ kì. Liệu Chúa có tồn tại không? Chúa khác gì con người? Và con người thì hơn gì loài vật?
Miền non cao xứ Bồ Đào trong tiểu thuyết của Yann Martel hóa ra chỉ là những vùng đất cao chứ chẳng phải những ngọn núi, và cuốn sách hóa ra là ba câu chuyện chứ không phải một cuốn tiểu thuyết. Những câu chuyện đan cài vào nhau chặt chẽ và khéo léo và thể hiện cùng một lúc nhiều kĩ năng của tác giả. Nếu hai phần đầu tiên của cuốn sách tạo một cảm giác mơ hồ, thậm chí là gây ức chế cho người đọc, tôi có lúc đã muốn gấp sách lại ngay ở chương đầu tiên, thì đến chương thứ 3, màu sắc cuốn sách như đổi khác. Đối nghịch với cái dồn nén, bí bách, đặc quánh và u tối như căn phòng ẩm mốc ngập khói thuốc ở hơn 200 trang sách đầu tiên, chương 3 của cuốn sách mở ra giống như khi ta đạp tung cửa sổ, không khí tươi mới tràn vào phòng và ta có thể thỏa thích hít căng bầu ngực.

 

Trong “Cuộc đời của Pi”, tác giả đã chia sẻ rằng ông tới Ấn Độ với ý định viết một cuốn tiểu thuyết về Bồ Đào Nha. Nhưng sau khi gặp một người Ấn kể ông nghe câu chuyện về Pi, xứ Bồ Đào đã bị lãng quên. Chi tiết này đã được gợi nhắc ở ngay đầu tác phẩm: “Gã rời Rue São Miguel, rẽ sang Largo São Miguel, đến Rua de São João da Praça trước khi rẽ vào Arco de Jesus.” Những con phố ngược xuôi của Lisbon có thể chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng nó trở nên có ý nghĩa bởi Tomas đang đi giật lùi, như cách anh vẫn di chuyển từ sau khi mất đi cả vợ, con trai và cha mình, bởi “...khi đi giật lùi, quay lưng lại với thế giới, quay lưng với Chúa, Tomás không phải đang khóc tang. Mà gã đang "phản kháng". Bởi lẽ khi mọi thứ ta trân quý trong đời đều bị tước đi, ta còn làm được gì hơn là phản kháng?”

 

Có bao nhiêu thứ đáng tin cậy từ phần đầu câu truyện trừ tên các địa danh? Việc hoài nghi khi tiếp cận một cuốn tiểu thuyết là điều nên tránh, bởi càng nhiều câu hỏi đặt ra về độ tin cậy của tác phẩm thì việc ta có thể đọc và cảm được câu chuyện đó càng trở nên khó khăn. Thiếu hụt đi thực tế và sự tin tưởng nơi độc giả thật sự có thể đẩy cuốn sách đến thất bại.

Thế nhưng, tiểu thuyết thì đầy những điều phi thực tế và độc giả có thể chấp nhận nó như một phần của văn học. Khi ta chấp nhận nó thì Tomas cũng có thể dễ dàng đi giật lùi, dễ dàng giữ được công việc ở bảo tàng, dễ dàng tìm thấy những tư liệu về vật báu bị thất lạc từ cuốn nhật kí ở thế kỉ 17 của vị linh mục không biết mặt biết tên rằng một tác phẩm điêu khắc nhất định được tìm thấy trên một hòn đảo ở Vịnh Guinea, thứ "chí ít cũng sẽ làm đảo điên Thiên Chúa Giáo". Mặc dù Tomas chẳng biết tác phẩm đó là gì, ở đâu, nhưng anh vẫn quyết định đi giật lùi để tìm kiếm nó, may mắn thay được cho mượn chiếc ô tô 14 mã lực, và dĩ nhiên, không biết lái.

Anh lái chiếc xe một cách khó khăn qua những vùng đất trải dài xứ Bồ Đào Nha để tìm kiếm báu vật, và lái qua cả những trang tiểu thuyết có phần lố bịch một cách thú vị của Yann Martel nữa.

Và chúa, cũng rất có thể không có hình dạng của một con người, mà mang hình dáng của một con vượn.

 

Phần thứ hai của cuốn sách diễn ra tại Lisbon 30 năm sau, vào năm 1938. Cuốn sách đổi dòng với câu chuyện về một bác sĩ pháp y phá bỏ luật lệ để khám nghiệm cho một xác chết. Càng về cuối, chủ nghĩa siêu thực càng trở lên chiếm ưu thế hoàn toàn với hình ảnh một người phụ nữ còn sống chui vào bên trong cơ thể của người chồng đã chết rồi được khâu lại cùng với một con tinh tinh và một chú gấu con. Các yếu tố về tôn giáo, nỗi đau và động vật được lồng ghép trong câu chuyện giải phẫu tưởng chường như không liên quan này hóa ra lại chính là mắt xích kết nối ba phần của cuốn tiểu thuyết, khiến ba phần rời rạc chắp nối trở thành khúc tam tấu ngân vang xuyên suốt.

Kết quả hình ảnh cho man and chimpanzee

 

Câu chuyện thứ ba, cũng là phần cuối của cuốn tiểu thuyết, chính là phần đã đưa cuốn sách lên một tầm cao hơn và nhân văn hơn. Mặc dù vẫn đầy rẫy những tình tiết ngẫu nhiên đến mức vô lý, cuốn sách đã đánh thẳng vào tâm lý mong muốn những phép màu xảy ra của độc giả, kết nối những cảm xúc và hi vọng, tạo nên một niềm tin và hợp lý từ chính những điều vô lý. Bối cảnh cuốn sách trở nên thật hơn, không còn xoay quanh những câu chuyện nực cười hay siêu thực nữa. Ở phân đoạn này, mối quan hệ của con người và động vật, giữa Peter và Odo được xoáy sâu và khai thác triệt để, thể hiện chính xác thế mạnh của Yann Martel như những gì ông đã đạt được với “Cuộc đời của Pi”. Có thể nói, ở chủ đề này, Martel thực sự là một cây bút tài năng, kỳ lạ và tinh tế.

Hình ảnh có liên quan

 

Sự đổi mạch của cuốn sách đã đưa người đọc đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác. Mối tương quan giữa người và thú, giữa hiện thực và Chúa Trời qua ngòi bút của Yann Martel trở nên dễ chịu và hạnh phúc hơn. Những chi tiết mang tính siêu thực và ngớ ngẩn trong cuốn sách cũng trở thành môi trường thú vị để khám phá và suy ngẫm về những điều hiển nhiên và nghịch lý, những ý nghĩa đạo đức và tinh thần.

Vượt lên trên mọi khoảng cách giữa tôn giáo, giống loài là tình yêu chân phương nhất, thuần khiết nhất, nguyên bản nhất.

Phanh.

Trạm Đọc.

Tags: