Châu Phi nghèo dù nó là lục địa lớn thứ hai, với diện tích gấp 5 lần châu Âu. Nhưng bờ biển châu Phi hiếm những cảng tự nhiên tốt, ngoại trừ các hải cảng ở Đông Phi. Rất ít các dòng sông ở đây có thể dùng cho giao thông thủy hướng từ biển vào, vì vậy chúng khiến phần nội địa của châu Phi bị cô lập đặc biệt với vùng duyên hải. Sa mạc Sahara trong suốt nhiều thế kỷ đã gây cản trở cho sự tiếp xúc của con người từ phía Bắc xuống … Thế giới tự nhiên đã tạo ra nhiều thứ cản trở châu Phi trên hành trình đi tới hiện đại.
Trung Quốc quan trọng hơn Brazil, vì dù giả dụ có cùng mức độ tăng trưởng kinh tế và cùng cỡ về dân số, Brazil không bao quát được những tuyến giao thông chủ chốt trên biển nối các đại dương và châu lục như Trung Quốc. Brazil nằm cô lập ở Nam Mỹ, về mặt địa lý bị đẩy xa khỏi những khối lục địa khác, cũng như xa các cường quốc lớn khác.
Chính điều kiện địa lý đã giúp Hoa Kỳ duy trì sự thịnh vượng của mình, và có lẽ nó cũng đã tạo ra chủ nghĩa vị tha mang tính toàn nhân loại của nước Mỹ. “Họ (Mỹ và Anh) bênh vực cho tự do chỉ vì họ được những đường biên giới biển bảo vệ khỏi những “kẻ thù của tự do” từ phía đất liền. Chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa thực dụng của châu Âu suốt nửa đầu thế kỷ 20 là kết quả của một hoàn cảnh địa lý, chứ không phải vì tính cách bẩm sinh. Các quốc gia châu Âu không thể rút lui qua một đại dương trong trường hợp xảy ra một tính toán sai lầm về quân sự”.
Cuốn sách “Sự minh định của địa lý” viết bởi Robert D.Kaplan giải thích những câu hỏi trên dưới góc nhìn của một chuyên gia về địa chính trị. Là giáo sư tại Học viện hải quân Annapolis và thành viên Ủy ban chính sách quốc phòng của Lầu Năm Góc từ 2009 – 2011, ông có cách tiếp cận riêng của mình khi nhìn nhận tình hình chính trị toàn cầu.
“Sự minh định của địa lý” trình bày một cái nhìn tương đối toàn cảnh về bối cảnh chung của nền chính trị toàn cầu cận đại và tới hiện nay trong mối tương quan với biên giới địa lý.
Xuất phát từ các vấn đề địa chính trị trong thế kỷ trước đã tạo nên những cuộc chiến tranh quy mô vùng (chương “Từ Bosnia tới Baghdad”) cho tới những cuộc chiến toàn cầu (chương “Địa chính trị phục vụ Đức quốc xã”) – tác giả cũng đề cập tới “Sự ra đời của quyền lực Mỹ” và các cuộc tranh giành ảnh hưởng trên biển nhiều thập kỷ qua.
Trong phần 1 của cuốn sách: “Những người nhìn xa trông rộng”, tác giả cho rằng “trong mớ bòng bong của những diễn biến đảo lộn xã hội và của một thế giới dường như ngày càng khó quản lý, địa lý cho ta vũ khí để định một hướng đi”.
Phần thứ 2 của cuốn sách: “Bản đồ thời kỳ đầu thế kỷ 21”, R.Kaplan tập trung về phân tích địa lý các bộ phận của châu Âu; về bối cảnh địa lý đã ảnh hưởng tới dân tộc Nga và nước Nga như thế nào. Qua đó, ông cũng suy ngẫm về việc tại sao nước Nga lại có những bước đi quân sự và chiến lược như vậy.
Cũng trong phần 2, các vấn đề như “Hoàn cảnh địa lý của sức mạnh Trung Hoa” – hay tại sao Trung Quốc lại luôn luôn là một cường quốc – được tác giả lý giải dưới góc nhìn vị trí địa lý. Kế ngay bên Trung Quốc là một cường quốc khác: Ấn Độ - thì lại đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn hơn nhiều. Kaplan đánh giá Ấn Độ là “đất nước bị kẹt giữa hai thế giới”.
Ông viết: “Khi Hoa Kỳ và Trung Quốc trở thành những đối thủ lớn về quyền lực thì hướng đi mà Ấn Độ lựa chọn có thể quyết định diễn biến địa chính trị tại đại lục Á Âu trong thế kỷ 21”. Tác giả phân tích tỉ mỉ vị thế của đất nước đông dân thứ nhì thế giới này trong bối cảnh của một tiểu lục địa bị kẹt trong tam giác quyền lực với các nước đầy tham vọng xung quanh.
Phần cuối cùng của cuốn sách đề cập tới vai trò của Mỹ trong một thế giới mới mà các lợi thế về địa lý không còn là lợi thế hoàn toàn nữa, khi sức mạnh của các loại vũ khí tối tân đã vượt qua cả tầm cản trở của đại dương. Nước Mỹ sẽ tiếp tục vai trò của một cường quốc lãnh đạo thế giới như thế nào?
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, thì mọi vấn đề trên thế giới đều có ảnh hưởng tới chúng ta. Việt Nam nằm trên một vị trí địa lý đặc biệt: tuy rất thuận lợi nhờ đường biển dài, ngay cửa ngõ của nhiều chặng giao thương quốc tế - nhưng lại sát ngay cạnh một người láng giềng khổng lồ đang bành trướng sức mạnh. Tham vọng và lợi thế địa lý của Trung Quốc được tác giả đề cập khá rõ trong cuốn sách này.
Thông qua phân tích những xung đột suốt nhiều thế kỷ, cuốn “Sự minh định của địa lý” đã chứng tỏ tính cách vĩnh cửu của chủ nghĩa xung đột. Tác giả cho rằng các quốc gia đều kiên định đường lỗi duy trì hoặc mở rộng bờ cõi của mình. Cuốn sách này viết ra trong thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, khi trào lưu dân tộc chủ nghĩa xuất hiện khắp nơi, đặc biệt ngay ở những quốc gia có truyền thống dân chủ lâu đời như châu Âu và Mỹ, dưới cái cớ là chống lại khủng bố và nhập cư.
Vì vậy, cuốn sách này có hữu ích hay không, có lẽ nếu ta quan tâm tới chính trị thì không nên bỏ qua.