Bài giảng cuối cùng của Giáo sư Randy Pausch: Cuốn sách mà bạn trẻ nào cũng nên đọc một lần trong đời
Bài giảng cuối cùng của Giáo sư Randy Pausch: Cuốn sách mà bạn trẻ nào cũng nên đọc một lần trong đời
“Bài giảng cuối cùng” là một dự án của trường Đại học Carnegie Mellon, dành cho những giáo sư, tiến sĩ trước khi về hưu hoặc chấm dứt sự nghiệp giảng dạy của mình. Và đây không phải là buổi giảng trong một lớp học 30-40 sinh viên mà là dành cho hàng trăm người tham dự. Vì lý do sức khoẻ, Giáo sư Randy Pausch đã thực hiện “Bài giảng cuối cùng” vào ngày 18/9/2007 khi ông 47 tuổi.

Bài giảng kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, không chỉ thu hút sự chăm chú lắng nghe của hơn 500 người trong hội trường ngày hôm ấy mà còn được ghi hình và đăng tải rộng rãi trên trang Youtube. Tính đến nay, video clip này đã có hơn 19 triệu lượt xem.


Thầy Pausch được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tuỵ giai đoạn cuối. Vì thế, ông chỉ có một thời gian ngắn ngủi để chuẩn bị cho bài giảng đầy tâm huyết của mình. Với chủ đề “Thực sự đạt được giấc mơ”, bài giảng của ông Randy Pausch đã đưa người theo dõi chìm đắm qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ cảm giác thú vị, vui mừng đến những giây phút xúc động, không thể kìm nổi nước mắt. Điều đặc biệt trong bài giảng cuối cùng của Giáo sư Randy Pausch nằm ở chỗ, thay vì nói về cái chết, ông đã quyết định nói về sự sống: một sự sống đầy ắp những ước mơ, niềm tin, sự hứng khởi và tình yêu mãnh liệt dành cho những gì mà một người thật sự đam mê, thật sự quý trọng cuộc đời.

Vài tháng sau buổi giảng đáng nhớ đó (cuối tháng 7-2008), Giáo sư Randy Pausch đã vĩnh viễn rời xa thế giới này. Trước khi qua đời, ông đã làm việc cật lực cùng Jeffrey Zaslow để tổng hợp những bài học kinh nghiệm từ cuộc sống của bản thân nhằm truyền lại cho thế hệ sau. Cuốn sách đã được hoàn thành gấp gáp trong thời gian kỷ lục bởi lý do mà ai cũng hiểu. “Bài giảng cuối cùng” thậm chí còn được xem là tác phẩm mà sinh viên năm thứ nhất nào ở Mỹ cũng cần phải đọc.

 

 

Một số thông điệp ý nghĩa trong cuốn sách

 

 

Không có việc gì là không xứng với bạn

Từ thực tế, nhiều sinh viên ra trường cho rằng, họ phải được nhận làm những công việc tốt vì khả năng sáng tạo xuất sắc của mình. Họ thực sự cảm thấy bất hạnh khi phải bắt đầu từ bậc thang dưới đáy.

Lời khuyên của Giáo sư Randy Pausch dành cho họ là: “Đáng lẽ bạn phải vui mừng vì bạn được nhận một công việc ở phòng xếp thư. Khi đến đó, điều bạn cần làm là: hãy chứng tỏ bản thân thật giỏi trong công việc sắp xếp các lá thư”.

Không ai cần nghe một người nói: “Tôi không giỏi sắp xếp thư, bởi việc này không xứng với tôi”. Không có việc nào là không xứng với chúng ta. Nếu bạn không thể (hoặc không muốn) sắp xếp thư thì lấy gì để chứng minh bạn có thể làm được bất kỳ công việc nào khác?

 

Hãy nói sự thật

Giáo sư Pausch cho rằng, nếu ông chỉ được dùng ba từ để khuyên thì ba từ đó là: “nói sự thật”. Nếu được thêm ba từ nữa, ông sẽ bổ sung: “trong mọi lúc”. Trung thực không những chỉ đúng về mặt đạo đức mà còn có hiệu quả. Trong một nền văn hoá mà ai cũng nói sự thực thì bạn sẽ tiết kiệm được khối thời gian phí phạm cho việc kiểm chứng.

Người ta nói dối vì rất nhiều nguyên nhân, thông thường vì đó là cách để đạt được điều họ mong muốn với ít công sức hơn. Nhưng cũng giống như nhiều chiến lược ngắn hạn, nó không có hiệu quả về lâu dài. Sau này, bạn run rủi gặp lại mọi người và họ nhớ là bạn đã nói dối họ. Tất nhiên họ sẽ nói với rất nhiều người khác về việc ấy. Đó là điều khiến tôi thấy ngạc nhiên về việc nói dối. Hầu hết những người nói dối đều nghĩ họ sẽ thoát được lời nói dối… nhưng thực chất họ không thoát nổi.

 

Không than vãn, hãy làm việc tích cực hơn

Trong cuộc sống, nhiều người hay than vãn về đủ loại vấn đề. Nếu như họ dành một phần năng lượng ấy vào việc giải quyết các nhiệm vụ cần làm thì họ sẽ ngạc nhiên biết chừng nào khi nhìn thấy kết quả.

Giáo sư Randy đã kể câu chuyện về ông Sandy Blatt, chủ nhà trọ hồi ông Randy đang học cao học. Sau tai nạn bị xe tải đâm trong lúc đang đứng xếp dỡ các thùng vào hầm chứa của một toà nhà, ông Sandy đã vĩnh viễn mất đi cả hai tay lẫn hai chân.

Chuyện không may đó xảy đến đúng vào thời điểm cuộc sống của ông Sandy tràn đầy những hứa hẹn: ông là một vận động viên có tương lai xán lạn, đã đính hôn và chuẩn bị cưới vợ. Sau vụ tai nạn, ông không muốn trở thành gánh nặng cho vị hôn thê nên đã mở lời rằng: “Em không hề cam kết với hoàn cảnh như thế này. Anh sẽ hiểu, nếu em muốn rút lui. Em có thể an tâm ra đi”. Và cô gái ấy đã làm như vậy.

"Chúng ta không đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó" - Randy Pausch

Ông Sandy không bao giờ than vãn về hoàn cảnh của mình. Không những vậy, ông luôn làm việc chăm chỉ và cuối cùng đã được cấp giấy phép hành nghề tư vấn hôn nhân. Hiện tại, ông đã kết hôn và nhận con nuôi.

Từ câu chuyện của ông Sandy, Giáo sư Randy muốn nhắn nhủ các bạn trẻ rằng: Than vãn chẳng ích gì, hãy làm việc tích cực. Tất cả chúng ta đều chỉ có thời gian và năng lượng hữu hạn. Thời gian chúng ta dành để than vãn chẳng hề giúp ta đạt được các mục đích trong đời và hẳn không làm cho ta thấy hạnh phúc hơn.

 

 

Dành cho Jai

 

 

Ở những phần trước của cuốn sách, đâu đó, người đọc vẫn thấy Giáo sư Randy nhắc đến vợ ông, bà Jai. Từ buổi đầu gặp gỡ, bà Jai khiến ông Randy không thể rời mắt vì “nàng rất xinh, sở hữu mái tóc dài tuyệt đẹp và nụ cười hiển lộ cả sự nồng hậu lẫn tinh quái”. Không những vậy, trong chuỗi ngày cùng chồng chiến đấu với căn bệnh ung thư, bà Jai luôn tỏ ra mạnh mẽ và tự nhủ rằng, bà không muốn ai than vãn hay thương xót cho bà. Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi ngay từ đầu cuốn sách, ông Randy đã phải thốt lên rằng, “Tôi kết hôn với một người phụ nữ lý tưởng”.

Độc giả không khỏi xúc động khi đọc đến những dòng viết đầy tiếc nuối của ông: “Thật buồn khi chúng tôi không thể trải nghiệm mảng màu phong phú của hôn nhân trong ba mươi hay bốn mươi năm kế tiếp… Chúng tôi đã cùng khóc trên giường, thiếp vào giấc ngủ, rồi thức dậy, đầm đìa nước mắt… Chúng tôi không được suy sụp, buông bỏ. Chúng tôi cần phải ngủ, bởi hôm sau, một trong hai chúng tôi phải thức dậy cho các con ăn sáng. Người đó hầu như luôn luôn là Jai”.

Khoảnh khắc cảm động nhất trong bài giảng là khi ông Pausch mang ra chiếc bánh sinh nhật và thông báo hôm ấy là ngày sinh nhật của vợ ông. Giáo sư Pausch cùng hơn 500 người đã hát vang bài “Chúc mừng sinh nhật” khi vợ ông thổi nến.

 

Biên tập viên Zaslow của tờ The Wall Street Journal từng nhận xét rằng: “Đó là một khoảnh khắc đầy cảm xúc. Tôi đã xem lại giây phút ấy cả trăm lần và tôi chưa bao giờ thấy thế là đủ. Đó là một hành động thật ngọt ngào và lãng mạn mà Giáo sư Pausch đã dành cho vợ mình, bà Jai”. Trong cuốn sách của mình, ông Pausch đã kể lại khá kỹ về giây phút đáng nhớ ấy như sau:

“Tôi thật sự không hiểu mình sẽ làm gì sau khi cử toạ hát “Chúc mừng sinh nhật” cho Jai. Nhưng khi tôi giục Jai lên bục giảng và nàng bước đến gần, một phản xạ tự nhiên đã chế ngự tôi, tôi đoán nàng cũng vậy. Chúng tôi ôm và hôn nhau, đầu tiên là hôn môi, rồi tôi hôn má nàng. Mọi người vỗ tay tán thưởng. Chúng tôi nghe thấy tiếng họ nhưng tưởng như họ ở xa vạn dặm.

Lúc chúng tôi ôm chầm lấy nhau như vậy, Jai thì thầm vào tai tôi: “Xin anh đừng bỏ đi”.

Câu nói thật giống như lời thoại trong phim Hollywood. Nhưng đó đúng là những gì nàng nói. Tôi chỉ biết ôm Jai chặt hơn”.

Giáo sư Pausch kết thúc bài giảng với lời giải thích rằng: “Thứ nhất, bài giảng của tôi không thực sự nói về việc phải làm thế nào để đạt được ước mơ. Nó chỉ đơn giản nói về cách bạn nên sống ra sao thôi. Nếu bạn dẫn dắt cuộc đời mình theo đúng hướng, bạn sẽ nhận được những trái ngọt và nhiều ước mơ sẽ tự đến với bạn”. Thứ hai, để kết thúc bài thuyết trình của mình, Giáo sư Pausch phát biểu rằng: “Bài thuyết trình này không chỉ dành cho các bạn mà nó còn dành cho 3 đứa con của tôi”.

Tạp chí Time đã vinh danh Tiến sĩ Pausch là một trong 100 người có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới. Tờ báo ABC từng công bố, ông là một trong ba người đạt danh hiệu “Nhân vật của năm” vào năm 2007.

Minh Phương

Tags: