Bạn là nhân vật nào trong cơn sốt “Harvard 4 rưỡi sáng “? Là người cha mẹ sửng sốt rồi quay sang phê phán con mình chẳng được như con nhà người ta? Hay là một học sinh bình thường vừa ngưỡng mộ rồi nhìn lại thấy bản thân mình sao mà yếu kém?
Là một người có bề dày kinh nghiệm vào vai “con nhà người ta”, tôi thấy đồng cảm với những con người dù chẳng hề quen nhưng ai cũng biết qua cái mác – học đến 4 rưỡi sáng. Động lực cầm bút thâu đêm, phần ít xuất phát từ ý chí nội tại, phần nhiều đến từ việc có cả xã hội đang chờ (và mặc nhiên) là chúng tôi sẽ làm điều đó.
Hình dung của xã hội về một hình tượng hoàn hảo khiến chính tôi dần bị đóng khung trong khuôn khổ của thành công theo kiểu tất yếu: tôi thực sự tin rằng mình sinh ra với những tài năng thiên bẩm hơn người, rằng bản thân phải luôn xuất sắc như lẽ hiển nhiên. Tôi khép mình hơn với những lĩnh vực mới vì sợ phải trả giá đắt cho sự mạo hiểm, sợ dáng dấp của thất bại và sai lầm sẽ phủ nhận danh tính ưu tú vốn có của mình.
Đó cũng là lúc tôi gắn chặt hơn với “tư duy cố định” – hệ thống tư duy ngăn cản tôi chinh phục đỉnh cao đúng nghĩa. Là nhà tâm lý học dành vài thập kỷ nghiên cứu về cuộc đảo chiều của thành công để truy lùng xem liệu đâu mới là nhân tố cốt lõi quyết định thành công trong cuộc sống, tác giả Carol Dweck chỉ ra hai hệ thống tư duy đang chi phối hành động và từ đó giải thích cho vạch đích khác nhau của mỗi người.
Tư duy cố định là niềm tin cho rằng tài năng và phẩm chất của mỗi cá nhân là hằng số bất biến, tức bạn chắc chắn sẽ thành công ở những lĩnh vực bạn làm chủ, và chắc chắn sẽ thất bại nếu bạn không được sinh ra để làm điều đó. Thế giới của những người có tư duy cố định luôn tồn tại đẳng thức khả năng bằng tài năng, đừng “cố quá” vì thành bại dù gì cũng đã được an bài.
Ngược lại, những người có tư duy phát triển nhìn nhận khả năng của bản thân như một dòng chảy và có thể phát huy hơn nữa thông qua rèn luyện, đúc kết trải nghiệm, ý chí học hỏi và thay đổi. Nếu những người có tư duy cố định chỉ đồng ý dấn thân dựa trên những gì họ sẵn có, thì những người có tư duy phát triển lại quyết định thử nghiệm dựa vào những gì họ có thể có.
Tại sao Tư duy cố định lại độc hại?
Trong tư duy cố định, các thiên tài không cần nỗ lực vì nỗ lực làm hạ thấp năng lực của họ. Nỗ lực chỉ dành cho những ai yếu kém chứ với những ai “giỏi từ trong trứng”, đó là sự thừa thãi xúc phạm. Những người tin tưởng vào các phẩm chất cổ định thường không chỉ muốn mà rất cần thành công để chứng minh sự ưu việt vốn có của mình.
Con người sinh ra đều có sẵn lòng ham học hỏi nhưng tư duy cố định dập tắt sự ham thích đó. Thật khó để cưỡng lại mong muốn tạo ra một thế giới trong đó bản thân mình là người hoàn hảo và không tì vết lịch sử thất bại. Bạn từ bỏ trước khi thực sự thử sức, chỉ bởi những suy luận chóng vánh trong tưởng tượng. Chính bạn đã khước từ cơ hội để có trải nghiệm mới và cơ hội để kiểm nghiệm tính phù hợp ở những gì mình tin mình đang làm tốt.
Khi đổi mặt với thất bại, những người có tư duy cố định thường tìm cách sửa chữa lòng tự tôn của mình. Chẳng hạn, họ có thể tìm kiếm những người thua kém mình thay vì phân tích thấu đáo nguyên nhân thất bại và đúc kết bài học. Quán tính luôn loại trừ bản thân khỏi căn nguyên thất bại ngăn cản chúng ta xem xét cải thiện khả năng của mình.
Nhưng nếu không thể tìm được lý do để biện minh cho thất bại thì sao? Đó là lúc những người có tư duy cố định quay sang tàn phá chính mình. Một bài báo đăng trên tạp chí New York Times nhận xét rằng từ “thất bại” đã chuyển từ ý nghĩa chỉ một hành động (tôi đã thất bại) sang thành một đặc tính nhận dạng (tôi là kẻ thất bại). Vấp ngã là điều cấm kỵ vì nó trái với lời mách bảo của phẩm chất cố định mình hằng đinh ninh.
Tại sao giải pháp đến từ tư duy phát triển?
Tư duy phát triển hoạt động dựa trên niềm tin vào sự thay đổi. Niềm tin là chìa khóa cốt lõi - Nghe có vẻ như một lời tư vấn thừa thãi nhưng thông thường con người không nhận thức được chuỗi hành động của họ bị chi phối bởi nền tảng tư duy và tư duy lại được quyết định bởi niềm tin. Chúng ta muốn chữa bệnh nhưng lại bắt sai bệnh: chúng ta tập trung sửa chữa hành động nhưng lại quên kiểm tra gốc rễ của nó – đó là sự dẫn đường của “máy chủ” tư duy.
Tại sao phải phí thời gian chỉ để chứng tỏ là bạn xuất sắc tới đâu khi mà bạn có thể làm tốt hơn thế nữa? Tại sao lại phải che giấu những khuyết điểm của mình mà không tìm cách vượt qua chúng ? Tại sao lại tìm kiếm những người giúp củng cố lòng tự tôn của bạn mà không tìm đến những người thách thức bạn tiến lên?
Trong tư duy cố định, mọi thứ đều phải quy về kết quả. Nếu bạn thất bại hoặc không phải là người giỏi nhất, thì mọi nhem nhóm trước đó chẳng có nghĩa lý gì hết. Tư duy phát triển cho phép con người đánh giá cao việc làm của mình bất luận kết quả ra sao. Họ sẵn sàng dấn thân vào khó khăn, lên kế hoạch cho các chương trình mới, thực hiện những nhiệm vụ quan trọng.
Có phải cứ muốn là thay đổi được?
Theo tác giả, hai hệ thống tư duy nói trên không phải là thiết lập cố định theo bạn tới cuối đời mà xoay chuyển theo sự uốn nắn và tiếp nhận từ môi trường. Vì vậy, tuy sinh ra với tư duy phát triển, nhưng nếu con trẻ bị cha mẹ định hướng phải giỏi toán vì “gene nhà mình xưa nay thế”, hay nhập tâm những thông điệp dán nhãn như chỉ những ai sôi nổi xởi lởi mới có tướng làm lãnh đạo sẽ khiến chúng dần chuyển sang tư duy cố định, tự động giới hạn nỗ lực ở những lĩnh vực “được cho” là nhất định làm xuất sắc.
Với tư duy đúng đắn, cha mẹ có thể khích lệ con cái, mỗi người có thể khích lệ bản thân phát triển và thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực hơn. Thay vì phán xét hành động quá khứ, hãy nhìn qua lăng kính của tư duy phát triển – hãy suy nghĩ về sự học hỏi, thách thức, và nghiêm túc chuẩn bị đối mặt với những trở ngại. Nếu bạn sẵn sàng để tư duy phát triển dẫn lối, sẽ chẳng có "con nhà mình" hay "con nhà người ta" mà chỉ có phiên bản tốt hơn của chính mỗi người mà thôi!
H.D