6 cuốn sách định hình triết học Nhật Bản
6 cuốn sách định hình triết học Nhật Bản
Một số văn bản quan trọng nhất trong lịch sử triết học Nhật Bản thực ra không phải là những tác phẩm triết học. Các truyền thống chính trong triết học Nhật Bản là Phật giáo, Nho giáo, Võ sĩ đạo và triết học châu Âu thế kỷ 20. Điều thống nhất tất cả là cách người Nhật không từ chối những kiến thức du nhập, thay vào đó, họ điều chỉnh chúng phù hợp với những triết lý mà họ đã có.

Chọn ra một vài cuốn sách đề đại diện cho toàn bộ cho một nền trí tuệ là một điều khó khăn. Theo quan điểm của tôi, lịch sử không được điều khiển bởi các “vĩ nhân” như nhà sử học thế kỷ 19 Thomas Carlyle đã nghĩ. Ngược lại, lịch sử là sản phẩm của nhiều yếu tố xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, môi trường, và quân sự, cũng như những yếu tố hoàn toàn ngẫu nhiên mà khó có thể phân loại. Điều này cũng đúng với lịch sử trí tuệ: Đôi khi, chúng ta có thể xác định một số tác phẩm có ảnh hưởng đặc biệt lớn, như Kinh thánh ở phương Tây hay Luận ngữ Nho giáo ở phương Đông, nhưng thật ngớ ngẩn nếu nói rằng chúng hoàn toàn định hình lịch sử trí tuệ của một khu vực thế giới.

Vấn đề khác khi xác định một số cuốn sách đã định hình tư tưởng Nhật Bản là trước tiên, phải xác định hình thái tư tưởng Nhật Bản. Một số người cho rằng không có cái gọi là triết học Nhật Bản, một phần vì phần lớn nó được du nhập từ Trung Quốc. Thực tế, ít nhất 3/5 danh sách của Scotty Hendricks về những cuốn sách định hình tư tưởng Trung Quốc có thể được đưa vào danh sách dưới đây của tôi.

Nhiều người nghĩ rằng “triết học Nhật Bản” đặc biệt ở tính dung hợp, tức là các lý thuyết đối lập được kết hợp thay vì bác bỏ lẫn nhau. Những cuốn sách được chọn dưới đây định hình tư tưởng Nhật Bản đều mang tính đặc trưng này. Chúng cũng là những văn bản nền tảng của các truyền thống khác nhau trong lịch sử trí tuệ Nhật Bản, chẳng hạn như Phật giáo và Võ sĩ đạo. 

 

1/ Hiến pháp mười bảy điều của Hoàng tử Shotoku (năm 604)

 

Hiến pháp của Hoàng tử Shotoku không thực sự là một tác phẩm về “triết học”, và nó cũng không hẳn là “hiến pháp”. Như nhà sử học thế kỷ 20 James Murdoch đã mô tả trong cuốn lịch sử Nhật Bản của ông, nó “chẳng là gì ngoài một mớ hỗn độn của những quan điểm đạo đức cũ kỹ và lỗi thời”.

Lý do tôi đặt nó ở đầu danh sách giống với lý do mà các nhà sử học trí tuệ như Thomas P. Kasulis, James W. Heisig, John C. Maraldo, H. Gene Blocker và Christopher L. Starling đưa nó vào đầu lịch sử triết học Nhật Bản: Đây không chỉ là tài liệu viết đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản mà còn là ví dụ đầu tiên về chủ nghĩa hỗn hợp. 

Hiến pháp Shotoku được cho là được viết vào thời điểm Nhật Bản vừa trải qua một cuộc nội chiến, khi Phật giáo va chạm với tín ngưỡng bản địa gọi là Thần đạo (Shinto). Thay vì đứng về một trong hai tôn giáo này, Hiến pháp Shotoku kết hợp cả hai, khẳng định tầm quan trọng của Phật giáo và sự tôn trọng các nguyên tắc của Thần đạo. Nó được coi là nền tảng cho sự kết hợp giữa Thần đạo và Phật giáo (shinbutsu-shugo) mà sau này trở thành một khía cạnh cốt lõi của văn hóa Nhật Bản.

 

2/ “Kojiki” (Cổ sự ký) (năm 712) và “Nihon Shoki” (Nhật Bản thư kỷ) (năm 720)

 

Mặc dù là hai văn bản khác nhau nhưng “Kojiki” (Ghi chép về những vấn đề cổ xưa) và “Nihon Shoki” (Biên niên sử Nhật Bản) phần lớn kể về cùng một câu chuyện. Cả hai tác phẩm lịch sử này đều bắt đầu với câu chuyện về sự tạo lập quần đảo Nhật Bản được gọi là "thần thoại ki-ki" và tiếp tục ghi lại lịch sử Nhật Bản từ khoảng thế kỷ 7 TCN đến thế kỷ 8 SCN, ngày càng trở nên chính xác về mặt lịch sử (tức là ít mang tính thần thoại hơn) trong các ghi chép về những thế kỷ sau.

Vào thời điểm biên soạn trong thế kỷ thứ 8, các văn bản này thực sự không có nhiều ý nghĩa triết học, ít nhất là vì chúng không phải là những tác phẩm triết học (thậm chí Hiến pháp Shotoku còn được chép lại trong “Nihon Shoki”) Tuy nhiên, một ngàn năm sau, vào đầu thế kỷ 18, một phong trào gọi là Nghiên cứu Bản địa đã mang lại cho các văn bản này, đặc biệt là thần thoại ki-ki, một tầm quan trọng mới - lần này là về mặt triết học.

Các học giả như Kada no Azumamaro, Kamo no Mabuchi, Motoori Norinaga, và Hirata Atsutane - "Bốn Vĩ Nhân của Nghiên cứu Bản địa" - đã hồi sinh hai tác phẩm này. Họ tin rằng Nhật Bản đã trở nên quá giống Trung Hoa và họ hoàn toàn không thích điều đó. Chính trong các văn bản nền tảng này mà họ tìm thấy "linh hồn Nhật Bản."

Những văn bản này đã có thêm một chiều kích triết học khác vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 với sự thành lập Thần đạo Quốc gia (tinh thần biến thành tư tưởng của Đế quốc Nhật Bản) vì chính thần thoại ki-ki đã chứng minh rằng hoàng gia Nhật Bản là hậu duệ của các vị thần - Amaterasu, nữ thần mặt trời, là tổ mẫu của dòng dõi hoàng gia. Thần thoại ki-ki cũng được coi là bằng chứng về quyền lực tối cao của Nhật Bản, cho đến khi Nhật Bản thất bại trong Thế chiến II và Nhật hoàng Hirohito bị buộc phải ký Hiến pháp Nhật Bản, trong đó điều khoản đầu tiên đã khẳng định rằng quyền lực của hoàng đế không đến từ sự ban phát của thần thánh mà "từ quyền làm chủ của nhân dân".

 

3/ “Luận về Mạn Đà La Và Mật Đồ Mười Trạng Thái Tâm Thức” của nhà sư Kukai (Không Hải ) (năm 830)

 

Vào đầu thế kỷ thứ 9, Giai đoạn Phật giáo trong lịch sử trí tuệ Nhật Bản vừa mới bắt đầu, hai nhà sư Saicho (Tối Trừng) và Kukai (Không Hải) trở về từ Trung Quốc, mang theo hai trường phái Phật giáo Tendai (Thiên Thai) và Shingon (Chơn Ngôn).

Phật giáo không phải là điều mới mẻ đối với Nhật Bản. Tôn giáo này đến du nhập từ Hàn Quốc và đã bám rễ vững chắc ở Nhật Bản vào thời Nara (710-194). Trong thời kỳ này, Phật giáo Nhật Bản được đặc trưng bởi Sáu Trường Phái Nara, và trung tâm là thủ đô Nara, có mối liên hệ chặt chẽ với tầng lớp quý tộc và hoạt động giống như một học viện tôn giáo, trí tuệ và văn học. Tuy nhiên, điều đáng nói là Shingon và Tendai không thuộc trong 6 trường phái ấy, mà hai trường phái này bị loại bỏ. 

Lý do một phần là vì Tendai và Shingon có điểm chung khiến hai trường phái này khác biệt hoàn toàn với Sáu Trường Phái Nara: cả hai đều là trường phái của Phật giáo mật tông, trong khi học viện đã thành lập hoàn toàn là công truyền (hướng tới công chúng). Sự khác biệt chủ yếu nằm ở cách mà người tu hành hướng tới sự giác ngộ: công truyền thường liên quan đến thực hành trí tuệ như nghiên cứu văn học; mật giáo liên quan đến các thực hành 'tinh thần' hơn như tụng chú. Theo quan điểm của Kukai, mật tông tiếp cận gần đến chân lý và thực tại hơn công truyền. 

Trong “Luận về Mạn Đà La Và Mật Đồ Mười Trạng Thái Tâm Thức”, Kukai xếp hạng mười tâm thức tương ứng với các triết lý khác nhau, với Nho giáo ở cuối cùng, Phật giáo cao hơn và Phật giáo mật tông ở vị trí cao nhất. Dù Kukai đã đặt trường phái Shingon của mình ở đầu danh sách của mình, nhưng sau đó, trường phái này ít phổ biến hơn so với Tendai của Saicho - trường phái sẽ thống trị đời sống trí tuệ và thậm chí có ảnh hưởng lớn đến chính trị trong nhiều thế kỷ sau đó. Giống như Shingon, Tendai là mật tông và vì ảnh hưởng của trường phái này, Phật giáo Nhật Bản trong hàng nghìn năm tiếp theo là mật tông.

 

4/ “Võ sĩ đạo - Linh hồn của Nhật Bản” của Inazo Nitobe (1899)

 

Chính trong Thời kỳ Sengoku (1467-1615) mà Bushido, hãy “võ sĩ đạo”, đã được hệ thống hóa dù vẫn còn tranh cãi về việc nó thực sự có phải là một hệ thống hay một bộ quy tắc tư tưởng đúng nghĩa hay không, và các nhà sử học như Michael Wert đã truy nguyên kiểu tư tưởng đặc trưng của Bushido từ Chiến tranh Genpei (1180-1185). Trong suốt thời kỳ Tokugawa (1603-1868), nhiều văn bản mang tính nền tảng hơn đã được xuất bản, chẳng hạn như “Gorin no Sho” (Ngũ luân thư) của Miyamoto Musashi (1645) hay “Hagakure” (Diệp ẩn) của Yamamoto Tsunetomo (1716), nhưng mọi người đều nhất trí rằng chính Inazo Nitobe là người đã chính thức hóa Bushido - cái mà ông gọi là “linh hồn Nhật Bản”, 

Nitobe liên kết Bushido bảy đức tính: chính trực, dũng cảm, nhân từ, lịch sự, chân thành, danh dự và trung thành. Ông so sánh nó với các giá trị Homeric (các giá trị theo quan điểm của tác giả Hy Lạp cổ đại - Homer) và tinh thần hiệp sĩ thời trung cổ, mà ông gọi là Bushido ở châu Âu. Ý tưởng của Nitobe chỉ là một giai thoại, không đại diện cho các hoạt động thực tế của samurai thời tiền hiện đại, nhưng chính ý tưởng lãng mạn hóa của ông về Bushido (đôi khi được gọi là “Bushido thời Minh Trị”) thấm sâu vào xã hội Nhật Bản vào thế kỷ 20 và được Quân đội Đế quốc Nhật Bản chấp nhận.

 

5/ “Inquiry into the Good” (tạm dịch: Mong cầu về cái tốt) của Kitaro Nishida (1911)

 

Nhật Bản thế kỷ 20 tồn tại một mâu thuẫn lớn. Một mặt, họ có tinh thần dân tộc quyết liệt, bài xích những thứ ngoại lai. Mặt khác lại cử các học giả sang châu Âu để học tập, sau đó mang về kiến ​​thức và công nghệ hiện đại của phương Tây. Triết học là một trong những thứ mà người Nhật mang về và dường như được chấp nhận một cách cởi mở. 

Kitaro Nishida là cha đẻ của triết học Nhật Bản hiện đại bằng cách Nhật Bản hóa những kiến thwucs mới: Là một Thiền sư Phật giáo, ông đã kết hợp triết học châu Âu (đặc biệt là chủ nghĩa duy tâm Đức) với Thiền. Kết quả chính là khái niệm “vô ngã tuyệt đối” và chính xung quanh khái niệm này mà Trường phái Kyoto - đóng góp nổi bật nhất của Nhật Bản cho triết học thế giới - đã được hình thành.

Nishida không thích các phép nhị nguyên (phân tách) của thế giới: nóng và lạnh, trái và phải, trên và dưới, tôi và bạn, tồn tại và không tồn tại. Như một Phật tử (Đại thừa) chân chính, ông cho rằng về cơ bản, mọi thứ là một. Vô ngã tuyệt đối có trước các phép nhị nguyên đó là thế giới thực sự như nó vốn là, vừa tồn tại vừa không tồn tại, vừa hiện thực vừa tiềm năng. Bằng cách suy nghĩ - tức là tri thức hóa - chúng ta phân nhỏ vô ngã tuyệt đối thành các mảnh vụn để tạo ra thế giới nhị nguyên, mà không phải là cách thế giới vốn là.  Làm thế nào để đạt được trạng thái vô ngã tuyệt đối là một trong những câu hỏi chính mà triết học Nhật Bản hiện đại đặt ra.

- Trạm Đọc

- Theo Big Think 

 

Tags: