50 sắc thái: Từ bạo dâm cổ điển đến lãng mạn hiện đại
50 sắc thái: Từ bạo dâm cổ điển đến lãng mạn hiện đại
Cách cuốn sách này được viết nhân danh tình yêu chỉ càng làm rõ sự hời hợt ru ngủ và tính giải trí xuề xòa của nó.

Điều gì trong cuốn sách “ngôn tình kiểu Mỹ” này giúp E.L.James – từ một trợ lý studio – trở thành nữ tác giả trên bục trao giải National Book của Anh ở hạng mục Tác phẩm hư cấu nổi tiếng nhất năm 2012; và cái tên 50 sắc thái trở thành đầu sách hái ra tiền và là niềm tự hào của các nhà xuất bản trên thế giới?

Tình yêu? Cuốn sách này còn “non và xanh” lắm.

Tình dục? Sách giáo dục giới tính hay ngôn tình các loại cũng có tình dục đấy.

Có thể nói hai yếu tố chính tạo nên cơn sốt 50 Sắc thái chính là: đề tài và cách thức thể hiện đề tài.

 

1. Đề tài của 50 Sắc thái có gì đặc biệt? Nó gây tranh cãi. Người mơ mộng sẽ dùng từ “đam mê”, “nóng bỏng”, người ngây thơ lại đinh ninh là “thế giới người lớn”, “thể loại khiêu dâm”, kẻ thực dụng lại coi như là công cụ “hâm nóng hôn nhân”, thậm chí cả chức năng “gia tăng dân số nước Anh”... Về cơ bản, họ tranh luận rất nhiều để bảo vệ quan điểm của mình, nhưng lại hiếm chịu tìm hiểu về bản chất đề tài quan hệ tình dục mà cuốn sách đề cập đến. Muốn phản biện về đề tài cuốn sách, trước hết phải hiểu về BDSM. 

 

BDSM là từ viết tắt của 3 cặp khái niệm BD: Bondage (câu thúc) - Discipline (trừng phạt); DS: Dominance (thống trị) - Submission (quy phục); SM: Sadism (bạo dâm) và Masochism (khổ dâm). Và trái với những từ "Biến thái", "Kinh tởm", "Thần kinh" mà người ta vẫn hay dùng để nói về BDSM, thực ra BDSM chỉ là một liệu pháp tự chữa lành tâm lý. Rất nhiều trong số những người viện tới BDSM, là bởi họ phải mang vác những tổn thương tinh thần nhất định. Dần dần trong tiềm thức họ hình thành một nhu cầu được giải tỏa tâm lý thông qua bạo lực, đặc biệt là bạo lực trong tình dục - vì đây là hoạt động có khả năng đem lại hứng khởi cao nhất cho con người. Nếu không thể giải tỏa, những ẩn ức bị áp chế sẽ quá tải và đôi khi dẫn đến những bộc phát thần kinh. 

Ở đây, ta chỉ nhắc đến S&M, vì nó được đề cập chủ đạo trong 50 Sắc Thái. Được xếp vào hàng những hành vi tình dục không bình thường, nhưng không không có nghĩa S&M là tình dục không lành mạnh. Trên quan điểm sinh học (thần kinh) và tâm lý học thì hành vi này bộc lộ những nhu cầu và khát khao kín đáo trong tâm thức mỗi người.

 

 

Đối với S (sadism-bạo dâm), thì những dấu hôn không thể bì được với những vết cắn, cào... bởi đây chính là sự “đánh dấu lãnh thổ”, công nhận quyền sở hữu và chứng minh tình yêu mãnh liệt một cách hùng hồn nhất. Qua đó, họ tìm được cảm giác thống trị, làm chủ, kiểm soát và nắm giữ quyền lực tuyệt đối. Tương tự đối với M (masochism-khổ dâm) thì khao khát bị tổn thương, dày vò thể xác và cảm giác bị làm đau bởi đối phương đem lại cho họ sự hoàn thiện, trọn vẹn, hạnh phúc hơn cả những vòng ôm dịu dàng... bởi chỉ bằng cách đó họ mới thả lỏng hoàn toàn, cảm thấy dễ chịu khi lệ thuộc, chứng minh tình yêu vô điều kiện và tình cảm tuyệt đối dành cho đối phương.

Bằng cách thức lạ lùng này, họ mới có thể thỏa mãn nhau và khỏa lấp những thiếu hụt tâm lý của mình (thường thì một người chịu ức chế bởi sự hạch sách, tra tấn bởi lối sống nghiêm khắc... sẽ có xu hướng trở thành kẻ thống trị và ngược lại). 

Mặc dù có sử dụng bạo lực nhưng được tiết chế và nhằm thõa mãn đối phương, nên BDSM không phải là bạo hành, và được thực hiện trên cơ sở đồng thuận hoàn toàn nên nó không dính dáng gì đến lạm dụng tình dục.

 

Thành thử, trong cuộc chơi này, khác xa nhận thức của đại đa số về thứ S&M kích dục, rẻ tiền và trần trụi, sex chỉ đóng vai trò thứ yếu, nhục dục vẫn được xếp sau nhu cầu khỏa lấp và hoàn thiện tinh thần cho nhau bằng một cách thức mà những người ngoài cuộc không thể hiểu nổi.

 

Nếu nhìn sex như một trò chơi, có người chỉ thích thể thao mạo hiểm, người chỉ thích trò an toàn. Và khi đã nhìn với một góc độ cởi mở như thế, ta sẽ thấy tình dục, trong muôn vàn cách thức của nó, cũng như tình yêu, trong mọi hình thức thể hiện, đều có một vẻ đẹp riêng. BDSM hoàn toàn không vi phạm bất cứ quy tắc, chuẩn mực nào về cơ sở khoa học, pháp luật và luân lý cả.

Ở khía cạnh này thì 50 Sắc thái chẳng đi vào đâu ngoài sà vào tình dục, với tình thì ít mà dục thì nhiều. Nó chưa chạm thấu cái phần chìm của tảng băng mà chỉ miêu tả cái bề nổi của thể loại quan hệ này. Qua đề tài này, tác giả chỉ khiến cho độc giả “mở rộng tầm mắt” vì tiếp xúc với một thế giới mới mẻ, lạ thường nhưng rồi lướt qua chứ không đủ sức khiến tâm tư độc giả va chạm và tiệm cận với thế giới đó, điều chỉ những tác phẩm lớn mới làm được.

Tuy không thể cho bạn một gợi ý đích xác nhưng đơn cử thì nếu bạn muốn chiêm ngưỡng tình dục dưới những tầng sâu thẳm của vẻ đẹp duy mỹ Đông phương thì có thể tìm tới “người lữ hành muôn đời tìm cái đẹp” Yasunari Kawabata với Người đẹp say ngủ, nếu bạn muốn tự vấn tình dục phương Tây trong sự đối thoại với những mảnh tối của tâm hồn thì có thể thử Lolita của Vladimir Vladimirovich Nabokov - người mang tầm vóc của một ông hoàng trong văn học, hay bạn cũng có thể thổn thức với tình dục trong hành trình du ngoạn văn hóa Đông-Tây huyễn hoặc say đắm và đong đầy xúc cảm chỉ chực bùng nổ cho tới những trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết lạ kỳ Lụa của bậc thầy kể chuyện Alessandro Baricco... 

Khác hẳn với những kiệt tác này, với một đề tài “bắt mắt” 50 Sắc thái quả là một hiện tượng, nhưng lưu ý cho, đây không phải là một hiện tượng văn học mà chỉ là một hiện tượng xã hội mà thôi.

 

----

 

2 . Nếu chỉ đơn thuần khai thác đề tài này với tất cả những tối tăm của nó, 50 Sắc thái đã không chinh phục được lượng thị hiếu đông đảo như vậy. Yếu tố thứ hai tạo nên cơn sốt chính là cách thể hiện đề tài bởi câu chuyện gai góc đã được bọc đường bằng thứ gọi là “lãng mạn”, để rồi cái cuối cùng đọng lại trong độc giả chỉ là một chút vị ngọt nhạt nhòa hư ảo ấy.

Vấn đề nhạy cảm của một đề tài nhạy cảm như BDSM được kể bằng một chuyện tình kiểu mẫu với những tán tỉnh kinh điển của một nam chính điển hình trong thể loại lãng-mạn-best-seller. Đối với loại đối tượng độc giả còn lắm mộng mơ với đời, những thứ “kiểu mẫu” bề ngoài như khuôn mặt điển trai, thân hình 6 múi, biệt thự cao cấp, xe xịn trực thăng sẽ làm họ lóa mắt, còn những cảnh quay đẹp, nóng bỏng bề nổi sẽ làm mụ mị óc phán đoán. Để rồi, cũng như cô Anna kia, chính độc giả cũng bị cuốn vào một hố đen mà không hay biết.

Nếu soi câu chuyện dưới góc độ tâm lý học hành vi, lược bỏ hết những phức tạp trong nội tâm nhân vật mà chỉ xét về mặt hành động thì nhân vật Grey này chả khác gì một kẻ cáo già với vai trò “Người chinh phục”(dominant) đang chơi trò thao túng tâm lý (psychological manipulation) có hệ thống và có chủ đích nhằm dẫn dụ một cô sinh viên trẻ ngây thơ, chơi vơi, tự ti, khép kín (mẫu người rất dễ trở thành đối tượng thao túng) trở thành "kẻ phục tùng" (submissive). Như đã nói ở trên là S&M phải trên cơ sở ý thức, tự chủ và tự nguyện hành vi, nếu vượt qua ranh giới này sẽ là lạm dụng và bạo hành, nhưng trong 50 Sắc thái thì rõ ràng nhân vật nữ này bị thao túng và vô thức bị dẫn dắt thức trở thành nạn nhân của một trò chơi tình dục mà cô chưa có nhận thức toàn diện về nó.

Tất nhiên, dưới góc độ tiểu thuyết tình cảm, tác giả sẽ ưu ái cho đứa con tinh thần của mình mà dành cho nam chính những đãi ngộ tốt đẹp về mặt phẩm chất, không sớm thì muộn. Đó chính là những gia vị nhạt nhẽo mà E.L.James đã sống sượng đưa vào để gia tăng tính kịch tính, lãng mạn và làm mủi lòng những tâm hồn ngô nghê. Nếu ta chỉ dành cho 50 Sắc thái những lời có cánh, để rồi đánh đồng tất thảy hành động của nhân vật đều nhân danh tình yêu và mỹ hóa mọi động cơ sai trái, thì chả khác gì ta đang cổ xúy cho việc bạo hành tình dục, để rồi cái đọng lại sau cùng không còn là tình yêu và đam mê mà chỉ là nỗi đau thể xác và sâu hơn chính là thương tổn tinh thần. Ở khía cạnh này, tác phẩm sẽ càng gây ảnh hưởng xấu tới những người trẻ tuổi (tuổi đời lẫn tuổi hồn), với cơ chế phòng vệ dễ bị áp đảo bởi những hào nhoáng của ngoại hình, những phù du của vật chất, và đáng sợ nhất là những ngộ nhận về tình yêu. 

 

 

Tóm lại, xét về mặt đề tài, 50 Sắc thái nêu lên một phạm vi hiện thực vốn rất có tiềm năng. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng tình dục với phong trào Tự do tình dục (Sexual Liberation) đã xuất hiện từ thập niên 60 nhưng ở Việt Nam vẫn còn là một đề tài bị giam kín sau cánh cổng phòng the, thì những cuốn sách như thế này cần được đưa ra để có thể được bàn luận cẩn trọng (chứ không phải dè dặt). Song, đáng buồn, cuốn sách mới khai thác đề tài ở bề mặt. Thay vì gợi mở câu hỏi “Tại sao?”, tác phẩm chỉ có thể trả lời câu hỏi “Như thế nào?”- thứ đã đánh đồng nó với một cuốn sách “kỹ năng” và hạ bệ nó khỏi giới văn chương nghệ thuật.

Và điều đáng buồn hơn là, tình yêu đã không được trọng dụng như một yếu tố tương hỗ hay trụ cột để khai thác chiều sâu của vấn đề. Mà ngược lại, việc nhân danh tình yêu càng làm rõ sự hời hợt ru ngủ và tính giải trí xuề xòa, để rồi tất cả những ai có nhu cầu cảm nhận văn học và thấu hiểu con người sẽ không tìm tới 50 Sắc thái - một cuốn sách không được sáng tác với mục đích đó.

 

Trạm Đọc

Theo Leona

Tham khảo: Mark Manson

Tags: