4 tiểu thuyết lãng mạn nhất mọi thời đại: Chưa đọc một trong những cuốn này xem như bạn chưa đọc gì về tình yêu
4 tiểu thuyết lãng mạn nhất mọi thời đại: Chưa đọc một trong những cuốn này xem như bạn chưa đọc gì về tình yêu
Đôi khi chúng ta cần thay đổi thói quen và tìm đến những điểm hẹn của trí tưởng tượng. Dù bạn đang yêu hay vẫn đang tìm kiếm “nửa kia” của đời mình thì đây đều là những cuốn sách đáng đọc.

 

Tiếng chim hót trong bụi mận gai – Colleen McCullough

 

Tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai xuất bản vào mùa xuân 1977 cùng một lúc ở New York, San Francisco, London, Sydney - Ít lâu sau đã được dịch ra bảy thứ tiếng, được bạn đọc nhiệt liệt hoan nghênh và giới phê bình đánh giá cao. Suốt mấy năm là tác phẩm ăn khách nhất ở phương Tây. Đây là tác phẩm đặc sắc, có giá trị trong văn học thế giới hiện đại.

 

Colleen McCulough không phải là nhà văn chuyên nghiệp, trước đó hầu như không ai biết tiếng. Khi tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai đem lại vinh dự cho tác giả thì McCulough vẫn chỉ là một nhân viên y tế bình thường. Bà sinh ở Úc, bang New South Wales, trong gia đình công nhân xây dựng xuất thân từ Ireland. Thời thanh xuân McCulough ở Sydney, đã từng học trường của nhà thờ công giáo, từ bé – bà mơ ước trở thành bác sĩ, nhưng không có điều kiện để qua đại học y.

Bà đã thử làm một số nghề - làm báo, công tác thư viện, dạy học rồi trở lại nghề y, qua lớp đào tạo chuyên môn về sinh lý học thần kinh. Sau đó, bà đã làm việc bà đã làm việc tại các bệnh viện ở Sydney, London, Birmingham, rồi sang Mỹ, làm việc tại một trường y thuộc trường đại học Yale. Năm 1974 bà viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên, không có tiếng vang gì. Tiếng chim hót trong bụi mận gai được thai nghén trong ngót bốn năm, rồi đầu mùa hè 1975, bà bắt tay vào viết liền một mạch trong mười tháng. Suốt thời gian ấy, bà vẫn bận túi bụi công việc ở bệnh viện, chỉ viết tác phẩm vào ban đêm và ngày chủ nhật.

 

 

Nhân vật trung tâm trong tác phẩm chính là Meggie – người phụ nữ cố gắng vượt lên số phận, vượt mặt Chúa trời để giành lấy tình yêu, giành lấy hạnh phúc. Chuyện tình của cô với cha Ralph được ví như bài ca của chú chim hót hay nhất thế gian, cả hai đều phải đánh đổi cả cuộc đời để có được điều mình muốn. “Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại”.

Trót yêu một người không cùng giai cấp, địa vị đã là đau khổ nhưng trót yêu một người với lời thề không bao giờ kết hôn lại càng đau khổ hơn. Nhưng Meggie nào có cam chịu. Nàng đã chống trả để quên đi mối tình này khi kết hôn với một công nhân trong trang trại, thậm chí sinh hạ một đứa con gái nhưng những gì nàng cảm nhận không phải là tình yêu. Dám gạt bỏ cuộc hôn nhân đầy chán chường này, Meggie trở về Drogheda và đấu tranh cho một tình yêu mà lẽ ra nàng đáng có. Dù không thắng được định mệnh nhưng những gì Meggie đã đấu tranh khiến độc giả phải khâm phục. Đâu đó trong thời hiện đại này vẫn còn nhiều người phụ nữ như Meggie và chính lẽ đó, nàng dễ dàng chiếm được tình cảm của phần lớn độc giả nữ.

 

Tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim cùng tên và giành giải Quả cầu vàng năm 1983 với sự diễn xuất tinh tế của Richard Chamberlaid (Cha Ralph), Rachel Keily (Meggie), đồng thời nhận hai giải Quả cầu vàng cho diễn xuất của nam chính và diễn viên phụ.

 

Tác giả Colleen McCullough đã vô cùng xuất sắc trong việc khắc họa ba nhân vật đại diện cho ba thế hệ khác nhau. Phải chăng công việc y tá đã giúp bà có cái nhìn rõ nét nhất về con người khi tiếp xúc với các tầng lớp. Cách bà mô tả, xây dựng tâm lý nhân vật không hề khoa trương mà trái lại rất gần gũi với công chúng. Xuyên suốt tác phẩm, độc giả có thể tìm thấy bản thân trong nhân vật này hay nhân vật kia. Cách những nhân vật ứng xử với thiên nhiên, với hạnh phúc, với những biến cố trong cuộc đời với nghị lực phi thường làm cho ta có một sự đồng cảm sâu sắc.

Giản dị và gần gũi, Tiếng chim hót trong bụi mận gai đưa người đọc đến từng cung bậc cảm xúc khác nhau. Tuy bối cảnh được diễn ra phần lớn tại vùng Drogheda khắc nghiệt nhưng câu chuyện không hề nhàm chán nhờ những xung đột nội tâm của nhân vật. Thấp thoáng trong tác phẩm là bóng dáng của những đóa hồng xinh đẹp và kiêu hãnh. Khép lại những trang sách, độc giả không thể nào quên được nàng Meggie trong bộ váy màu hồng tro cùng mối tình say đắm không dứt. Phải chăng những món ngon nhất lại là thứ độc hại nhất?

Bên cạnh việc được dịch ra nhiều thứ tiếng, tác phẩm Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai còn được chuyển thể thành thành series phim truyền hình gồm 6 tập và đoạt 3 giải Emmy trongnhững năm 1980.

 

 

Gọi em bằng tên anh – André Aciman (2007)

 

 

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn người Mỹ André Aciman “Gọi em bằng tên anh” gây ấn tượng với độc giả bởi câu chuyện tình yêu nồng nhiệt, đắm say nhưng cuối cùng không đi tới đâu giữa Elio và Oliver. Mối tình đồng tính nên thơ ấy đã được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên và bộ phim này cũng vinh dự giành Tượng vàng ở hạng mục Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất trong lễ trao giải Oscar lần thứ 90 (năm 2018) vào tối chủ nhật (4/3) theo giờ địa phương, tại nhà hát Dolby, Hollywood (Mỹ).

 

Ngay từ những trang đầu, nhân vật Elio đã trải lòng kể về câu chuyện của một thời đã xa: “Tôi nhắm mắt lại và trở lại nước Ý vào nhiều năm trước, bước dọc con lộ rợp bóng cây, nhìn anh xuống xe taxi, áo sơ-mi xanh dương thùng thình, cổ áo rộng phanh ra, kính râm, mũ rơm, chỗ nào cũng thấy da… Có thể câu chuyện đã bắt đầu ở ngay nơi đó, ngay lúc đó”. Đương nhiên, đọc những dòng này, chúng ta có thể hiểu, “Giờ đây, tôi không sống ở Ý, tôi không còn là một chàng trai trẻ tuổi và điều tôi sắp kể ra đây đã xảy ra từ rất lâu”.

Câu chuyện hư cấu bắt đầu khi Oliver, một giảng viên 24 tuổi ở Columbia (Mỹ) đến dinh thự của nhà cậu Elio tại Ý trong 6 tuần để sửa lại bản thảo cho cuốn tiểu thuyết sắp xuất bản của mình. Mối tình lãng mạn nhưng đầy khắc khoải giữa con trai chủ nhà - chàng thiếu niên 17 tuổi, nhạy cảm, yêu âm nhạc Elio với vị khách trọ, hơn cậu tới 7 tuổi, Oliver dần nảy nở giữa khung cảnh mùa hè nước Ý tràn ngập ánh nắng ấm áp, cổ kính và rất đỗi nên thơ với hồ nước trong xanh, thảm cỏ rộng lớn, hay khu vườn đầy trái đào, mơ chín ửng và những triền đồi ngập hướng dương.

Tác giả André Aciman cố gắng xây dựng nhân vật Elio với vẻ thông minh, ngây thơ còn Oliver lại là người có vẻ ngoài điển trai, bình thản, tỉnh bơ, đầy lôi cuốn. Dù cuộc tình của họ chỉ kéo dài vỏn vẹn trong 6 tuần ngắn ngủi nhưng dư vị của những cảm xúc mãnh liệt, thăng hoa giữa hai người sẽ theo họ mãi về sau.

Chẳng hiểu vì sao mùa hè cũng dài như mùa đông nhưng người ta cứ luôn cho rằng, mùa đông thì dài lê thê còn mùa hè thì thật ngắn ngủi. Và có lẽ vì thế, cuộc tình giữa mùa hè của Oliver và Elio diễn ra thật vội vã, gấp gáp. Họ sốt sắng lao vào nhau, như con thiêu thân bay vào biển lửa, mê đắm trong những cảm xúc dâng trào như thể đây mới là tình đầu của họ, yêu như chưa từng được yêu.

Và người đọc cảm nhận rằng, dường như, tình yêu của tuổi trẻ là phải thế: dạt dào, điên cuồng và thẳm sâu. Họ cùng nhau ngồi bên chiếc bàn gỗ, dưới chiếc ô không che nổi cái nắng chói chang của miền Nam Âu, cùng đi câu cá, đạp xe, tranh luận về những nhà soạn nhạc, trao nhau những nụ hôn nồng say, ngây ngất trong cái đêm “anh trở thành tôi và tôi trở thành anh”, gọi tên người mình yêu bằng chính tên mình, nằm dài trên giường và mở toang cửa sổ tràn đầy ánh sáng.

Elio từng thổn thức rằng: “Tôi muốn anh đi khỏi nhà chúng tôi để mà dứt tình với anh. Tôi cũng muốn anh chết là vì nếu tôi đã không thể dừng tương tư anh và lo lắng chuyện khi nào tôi mới lại gặp anh thì ít ra cái chết của anh sẽ chấm dứt điều này. Thậm chí tôi những muốn chính tay giết anh để cho anh biết sự hiện hữu của anh làm phiền tôi thế nào… Nếu tôi không giết anh thì tôi sẽ khiến anh tàn tật cả đời, để anh ở lại với chúng tôi trên chiếc xe lăn và không bao giờ về Mỹ nữa. Nếu anh ngồi xe lăn, tôi sẽ luôn biết anh ở đâu và dễ tìm anh". Nhưng Oliver sẽ ra đi, để rồi “những hẹn hò từ nay khép lại”. Chuyện tình giữa họ hoá ra cũng chẳng khác nào giấc mộng đêm hè.

 

 

Anna Karenina – Leo Tolstoy (1877)

 

 

Cuốn tiểu thuyết "Anna Karenina" của đại văn hào Nga Lev Tolstoy (1828-1910) đã được xếp thứ nhất trong bảng danh sách 10 tác phẩm văn học vĩ đại nhất mọi thời đại do tạp chí Time bình chọn vào năm 2007, trên cả các kiệt tác của những cây bút huyền thoại khác như William Shakespeare, hay Mark Twain…

 

Ngay từ khi được khởi đăng trích đoạn trên nguyệt san Russkiy vestnik (Người đưa tin) kể từ số mở đầu năm mới 1875, "Anna Karenina" đã tạo ra một cơn sốt trong giới độc giả yêu văn học. Mọi người đặc biệt lưu tâm tới số phận của các nhân vật trong tiểu thuyết, nóng lòng chờ đợi phần kế tiếp, thậm chí nhiều mệnh phụ phu nhân còn bắt chước sao cho giống đúc từ lối phục sức, đến kiểu tóc của nữ nhân vật chính Anna Karenina, được mô tả qua ngòi bút đặc sắc của vị văn hào lỗi lạc.

Cảm hứng sáng tác Anna Karenina được vợ nhà văn kể lại như sau: "Tối qua anh ấy nói với tôi rằng anh ấy đã hình dung ra một người đàn bà có chồng thuộc xã hội thượng lưu, nhưng bị sa ngã. Anh ấy nói rằng nhiệm vụ của anh ấy là phải làm sao cho mọi người thấy người đàn bà ấy chỉ đáng thương mà không đáng tội và khi anh vừa hình dung được ra như thế, thì tất cả những nhân vật, những loại đàn ông mà anh hình dung trước kia đều tìm được vị trí của họ và tập trung quanh người đàn bà ấy"

Gia đình người anh trai của Anna có sự bất hòa và Anna - vợ của một quan chức cao cấp của triều đình ở Sankt-Peterburg, đã đi tàu đến Moskva để giúp anh trai và chị dâu hòa giải. Nàng đi cùng toa với bá tước phu nhân Vroskaya. Đến Moskva, anh trai của Anna đón ở ga và con trai của bá tước phu nhân là Alexei Vronsky cũng ra đón mẹ. Lúc này, mọi người chưa kịp xuống tàu thì xảy một tai nạn khủng khiếp: một người công nhân bị tàu cán chết. Sự kiện này làm mọi người hết sức kinh hoàng.

Cùng thời gian này, Levin, một điền chủ hầu như quanh năm chỉ sống ở nông thôn, cũng đến Moskva với mục đích cầu hôn với cô con gái út của gia đình Cherbatsky là Kitty - người mà đã để ý và có tình cảm từ lâu. Kitty mới 18 tuổi vừa bắt đầu gia nhập cuộc sống giao tế của giới thượng lưu và được nhiều người để mắt đến trong đó có Vronsky. Chàng là người tuấn tú, giàu có, quý phái và có tương lai xán lạn ở triều đình và trong quân đội. Nên mặc dù Kitty cảm thấy mình quý mến và tin cậy Levin, song tâm hồn của cô gái trẻ này lại hướng về Vronsky nhiều hơn, nên nàng đã từ chối lời cầu hôn của Levin.

Anna nhanh chóng giải quyết mối mâu thuẫn cho vợ chồng người anh. Vẻ xinh đẹp và khả ái của Anna đã hấp dẫn mọi người xung quanh kể cả Kitty (em gái của Dolly - chị dâu của Anna). Trong buổi khiêu vũ tổ chức tại nhà người quen ít lâu sau, cả Kitty và Anna đều đến. Kitty hạnh phúc và mong chờ được nhảy cùng Vronsky, nhưng khi nàng thấy vẻ mặt của Vronsky khi nhảy cùng Anna, nàng bất ngờ nhận ra rằng Vronsky đã say mê Anna, điều đó khiến Kitty vô cùng đau khổ.

Anna đón nhận tình cảm của Vronsky và xao xuyến vì tình cảm đó nên nàng cảm thấy có lỗi. Nàng đã vội vã rời Moskva nhưng trên chuyến tàu trở về Sankt-Peterburg. Vronsky đã đi theo "để có mặt nơi nào nàng có".

Chồng của Anna là Alexei Karenin, lớn hơn nàng nhiều tuổi, là một con người có tâm hồn khô khan, cằn cỗi, khuôn sáo và có lối sống tẻ nhạt. Anna lấy Karenin là do sự sắp đặt của người cô ham tiền và ham địa vị. Vì vậy, sau bao năm chung sống với chồng, nàng không hề có tình yêu với một con người như thế nên nàng đã dồn mọi tình cảm cho đứa con trai. Sự xuất hiện của Vronsky cùng với tình cảm nồng nhiệt của chàng đã đánh thức những khát khao yêu đương trong Anna. Ban đầu nàng cố gắng đấu tranh, song cuối cùng nàng không kháng cự nổi và đã lao vào cuộc tình với Vrosky.

Cuộc tình vụng trộm đó không giấu được lâu nhưng thật bất ngờ chồng Anna biết nhưng không ghen tuông mà còn lo lắng cho danh dự và tiếng tăm của ông ta lẫn Anna. Nàng có thai với Vronsky và suýt chết trong khi sinh nở. Karenin đã cao thượng tha thứ cho nàng, chăm sóc nàng cùng đứa bé gái mới sinh khiến Anna cảm động ăn năn và Vronsky thì thấy nhục nhã định tự tử nhưng không chết. Tuy nhiên, sự cao thượng của Karenin chỉ tách Anna ra khỏi Vronsky trong thời gian ngắn mà không dập tắt nổi ngọn lửa tình yêu giữa hai người. Nó tạm lắng xuống rồi lại bùng lên rừng rực, mạnh mẽ. Họ không thể sống thiếu nhau, Anna quyết định bỏ nhà, chia tay với đứa con trai mà nàng yêu quý, để cùng Vronsky và đứa con gái nhỏ ra nước ngoài.

Levin sau khi bị Kitty từ chối "lời cầu hôn" liền rời Moskva quay trở về với nông thôn. Chàng trở lại với công việc quản lý điền trang và tìm thấy sự an ủi trong công việc, trong sự hòa nhập với thiên nhiên và cuộc sống của những người lao động. Chàng biết được việc của Kitty (sau khi bị Vronsky từ chối nàng đã rất đau khổ và bệnh nặng) phải ra nước ngoài dưỡng bệnh. Một lần tình cờ sau buổi làm việc ngoài đồng, trên đường về Levin nhìn thấy cỗ xe ngựa chở Kitty chạy qua (nàng đang trên đường từ nước ngoài trở về).

Chàng chợt nhận ra rằng tình cảm của mình dành cho nàng vẫn còn nguyên vẹn, bèn quyết định đi Moskva để cầu hôn lần nữa. Lần này, chàng đã thành công. Họ nhanh chóng chuẩn bị đám cưới và sau đám cưới, Levin đưa ngay vợ về nông thôn. Kitty lập tức thích ứng với vai trò người vợ của mình khiến cho Levin nhiều bất ngờ và ngạc nhiên. Giữa hai vợ chồng cũng xảy những cuộc cãi cọ, hiểu lầm nho nhỏ, song cuộc sống của gia đình họ rất hạnh phúc.

Trong khi đó hạnh phúc của Anna và Vronsky thật không dễ dàng, nó phải đổi bằng những hy sinh: Vronsky phải từ bỏ con đường danh vọng, Anna phải rời xa đứa con trai (mà nàng rất yêu quý và luôn nhớ thương con - nỗi nhớ ấy luôn ám ảnh và dằn vặt nàng) và chịu những lời chê trách gièm pha. Họ cũng không thể sống mãi ở nước ngoài nên một thời gian sau họ trở về Nga. Vronsky dù yêu Anna, song cũng đã mệt mỏi vì cuộc sống không chính thức của hai người, trong khi đó Anna vẫn không giải quyết được việc ly hôn với chồng vì vướng bận chuyện con trai. Karenin không cho nàng nhận con nếu ly hôn, bởi vậy nàng không thể hợp thức hóa cuộc sống lứa đôi với Vronsky.

 

Những khó khăn đó cộng với sức ép của dư luận, của những người quen thuộc xung quanh làm cho quan hệ tình cảm giữa hai người càng lúc càng trở nên căng thẳng: Vronsky bực bội, mệt mỏi, còn Anna thì đau khổ ghen tuông, nghi ngờ về tình yêu của chàng dành cho mình. Sau một lần xích mích, Vronsky bỏ về nhà mẹ. Anna đau khổ với những ý nghĩ bi quan, tuyệt vọng vì nghĩ Vronsky đã hết yêu mình. Nàng định đi tìm chàng, nhưng lúc đến nhà ga, Anna chợt nhớ đến cái chết của người công nhân xe lửa và nàng đã quyết định bắt Vronsky phải hối hận nên đã giải thoát cho mình bằng cách lao đầu vào xe lửa.

Sau khi Anna chết, Vronsky vô cùng đau khổ. Chàng xin gia nhập vào quân đội tình nguyện giúp người Serbia trong cuộc chiến tranh chống Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Levin và Kitty vẫn tiếp tục cuộc sống gia đình hạnh phúc ở nông thôn và sinh được một cậu con trai.

 

 

Outlander – Diana Gabbaldon (1991)

 

 

Độc giả Việt Nam có thể còn hơi lạ lẫm với bộ tiểu thuyết tình cảm xuyên không nổi tiếng này của Diana Gabaldon nhưng những người hâm mộ thế giới đã theo đuổi bộ sách này kể từ năm 1991. 

Outlander kể về cuộc du hành thời gian của một nữ y tá Claire trong một lần đi nghỉ trăng mật với chồng tại vùng Scotland đã vô tình bị kéo ngược trở lại quá khứ trở về Scotland thế kỷ 17. Nơi đây cô bị mắc kẹt trong những âm mưu ngấm ngầm giữa các lãnh chúa và chìm đắm trong tình yêu với một chiến binh trẻ tên là Jamie Fraser.

Có một giai thoại thú vị về một nữ nhà văn Mỹ đã nhận được rất nhiều bức thư được gửi từ những người lính Mỹ đang thực hiện nghĩa vụ ở Iraq và Afghanistan. Họ dành phần lớn thời gian nghỉ ngơi của mình để đọc sách và một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất được truyền tay nhau là Outlander của Diana Gabaldon.

Nhân vật Jamie Fraserlà người đàn ông gánh trên vai trách nhiệm với dòng tộc, từng trải qua biết bao nỗi đau đớn về thể xác, ngẩng cao đầu dù chịu ảnh tù đày, tra tấn dã man nhưng lại lặng lẽ thú nhận mình không đủ sức chịu đựng cảnh người phụ nữ mình yêu bất chấp tính mạng để sinh con. Ấy là khi Jamie chứng kiến chị gái trải qua giây phút vượt cạn nguy hiểm, anh vỗ về Claire khi ấy nghĩ rằng mình không thể mang thai: "Có lẽ như thế cũng tốt…việc em không sinh được con…Lúc đầu anh cũng hơi tiếc... bây giờ anh lại thấy mừng; anh không muốn em phải trải qua một chuyện như vậy đâu... Anh có thể chịu đựng nỗi đau đớn của chính mình… nhưng anh không thể chịu đựng nỗi đau đớn của em. Anh không đủ sức".

Đó không phải là sự yếu mềm mà là tình yêu đủ lớn để Jamie thà ích kỷ sống cuộc sống đơn giản chỉ với hai vợ chồng còn hơn để vợ mình liều lĩnh sinh con - điều có thể gây ra cái chết cho người phụ nữ anh yêu.

Trong đêm tân hôn, Claire đã thành thật hỏi Jamie: “Anh có bận lòng không nếu em không phải một trinh nữ?” “Ồ không, miễn là em không bận lòng vì anh là trai tân.”

Liệu có một người đàn ông nào thật lòng hơn thế nữa không? Jamie chưa từng được nếm trải việc làm tình với một người phụ nữ, nhưng không vì thế mà anh e ngại khi được trải nghiệm cảm giác đó cùng Claire. Thô bạo hay nhẹ nhàng, tất cả theo lời chỉ dẫn của Claire mà Jamie từ từ tận hưởng khoái cảm đó. Trong tình yêu, họ công bằng. Trong hôn nhân, họ được tự do lựa chọn.

Outlander với lối viết đầy tinh tế của Diana Gabaldon đã tự trở thành cuốn sách ăn khách, series 8 tập đến nay đã bán được hơn 25 triệu bản trên toàn thế giới. Ban đầu, nó chỉ là một cuốn sách truyền miệng, người này đọc chỉ vì bạn bè họ khuyên họ nên đọc cuốn đó. Và giờ thì nó trở sách cuốn sách trải dài khắp các lục địa với nhiều thế hệ cùng đọc.

Trạm Đọc tổng hợp

Tags: