4 tác phẩm về COVID-19 ĐÁNG ĐỌC của tác giả VIỆT
4 tác phẩm về COVID-19 ĐÁNG ĐỌC của tác giả VIỆT
Thời gian qua, không ít tác phẩm văn học của các tác giả người Việt trong nước và đang sinh sống ở nước ngoài viết về đại dịch Covid-19 được xuất bản ở Việt Nam.
Những tác phẩm này được viết dưới dạng nhật ký, truyện ký, tiểu thuyết, nội dung xoay quanh những mối nguy hại, tổn thất do Covid-19 gây nên, đồng thời phản ánh cách con người đối diện, chống chọi dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các tác phẩm này cũng lan tỏa tinh thần lạc quan, đem đến niềm tin con người sẽ sớm chiến thắng bệnh dịch.

1. Paris +14:

Truyện ký Paris+14 (NXB Hội Nhà văn) của TS Cù Thu Hương là những trải nghiệm của tác giả khi quyết định trở về quê hương giữa đại dịch Covid-19.

Sách Paris+14 do NXB Hội Nhà văn phát hành. Ảnh: NVCC

Đầu năm 2020, sau khi ăn Tết Nguyên đán ở Việt Nam, Cù Thu Hương trở lại Paris (Pháp) - nơi chị sinh sống và làm việc. Lúc này, dịch Covid-19 đã khởi phát ở Vũ Hán và có những diễn biến phức tạp tại châu Âu.

Ở Paris thời điểm ấy, người dân vẫn chưa ý thức được sự nguy hiểm của chủng virus mới, mặc dù số ca tử vong và tốc độ lây nhiễm liên tục tăng. Thậm chí, họ tỏ ra kỳ thị những ai đeo khẩu trang để phòng, chống dịch bệnh.

Cù Thu Hương quyết định trở về Việt Nam trên chuyến bay ngày 15/3. Sau đó, tác giả được đưa đi cách ly 14 ngày theo quy định ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội).

Từ những trải nghiệm đặc biệt của hành trình trở về, cách ly với nhiều cung bậc cảm xúc, tác giả ghi lại bằng góc nhìn cá nhân và chia sẻ trên mạng xã hội. Sau đó, cuốn Paris+14 ra đời.

Sách gồm 12 phần: Tôi không phải là virus!, Bóng tối đang dần nuốt chửng kinh đô ánh sáng, Thiên đường yêu thương, Sen bay trong mây, Đất mẹ, Ngôi nhà chung, Lực lượng 24/24, Vòng một, Paris+14 = Hà Nội… Phần cuối là những tấm hình tư liệu do tác giả chụp trong 14 ngày thực hiện cách ly ở Sơn Tây.

2. Paris 55 ngày cấm túc:

Paris 55 ngày cấm túc (NXB Tổng hợp TP.HCM) là nhật ký viết từ tâm dịch của tiến sĩ văn chương Giáng Hương, sinh sống và làm việc tại Pháp.

Tác phẩm khắc họa rõ nét những ngày tháng đặc biệt, không thể nào quên của chính tác giả khi bị cấm túc (giãn cách xã hội) tại Paris vì dịch Covid-19.

Sách Paris 55 ngày cấm túc. Ảnh: Vũ Yến.

Paris 55 ngày cấm túc bắt đầu từ “thứ sáu ngày 13 tháng ba năm 2020” cho đến “thứ sáu ngày 8 tháng năm năm 2020”. Trong những ngày này, không những "kinh đô ánh sáng" mà toàn bộ châu Âu phải gánh chịu hậu quả nặng nề của làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ ba. Số ca nhiễm và tử vong tăng một cách chóng mặt.

Cuộc sống của những ngày phong tỏa tại Paris được miêu tả: “Không ai được bước chân ra khỏi nhà, không được tiếp xúc xã hội, đến cả đi bộ một mình ngoài rừng, dạo chơi trên bãi biển cũng không được phép”.

Covid-19 gieo rắc nỗi sợ hãi, trở thành sự ám ảnh, nhưng không vì thế mà con người thôi đặt niềm tin, thôi sống tích cực.

Với tác giả Giáng Hương, những ngày cách ly đem lại cho tác giả một khoảng lặng quý giá, để chiêm nghiệm, học cách trân quý cuộc sống, cội nguồn và những hạt mầm hạnh phúc.

Tác giả luôn tin rằng đám mây mù sẽ tan đi, ánh nắng trở lại, và chị sẽ lại được về thăm quê hương với vòng tay gia đình, bạn bè và trao gửi tình yêu thương.

3. Những ngày cách ly:

Tiểu thuyết Những ngày cách ly của tác giả Bùi Quang Thắng (NXB Tổng hợp TP.HCM) được hoàn thành trong thời gian giãn cách xã hội đầu năm 2020.

Tiểu thuyết Những ngày cách ly. Ảnh: Đình Ba.

Tác phẩm là câu chuyện xoay quanh gia đình ông bà Trương và tiểu thư Hoàng Cúc. Họ phải đối mặt đại dịch và trải qua quãng thời gian đặc biệt trong cuộc đời mình.

Theo tác giả Bùi Quang Thắng đa phần nhân vật, tình tiết trong Những ngày cách ly đều có cảm hứng từ ngay những con người, sự kiện có thật xảy ra hàng ngày trong thời gian dịch bệnh hoành hành.

Vì thế, tác phẩm gần gũi với hiện thực cuộc sống, mang tính thời sự, với những con người như Hoàng Cúc, Tony hay Tuấn, ông bà Trương, những tình huống như trốn cách ly, thái độ bi quan trước đại dịch... ai cũng có thể bắt gặp đâu đó quanh mình.

4. Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái:

Lấy bối cảnh toàn thế giới đang đối đầu với đại dịch Covid-19, và thông qua nhân vật hư cấu là y tá Mia, tiểu thuyết Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái - Nhật ký y tá thời Covid-19 (NXB Văn hóa - Văn nghệ) không chỉ nói về cuộc chiến chống Covid-19 ở Australia, mà còn là những câu chuyện buồn vui của Iris Lê sau 6 năm gắn bó với nghề y.

Sách Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái. Ảnh: Q.M.

Tác giả dẫn dắt người đọc đến với bức tranh toàn cảnh y tế Australia khi Covid-19 bùng phát và mô tả tương đối chi tiết cuộc chiến đấu dịch bệnh của các y bác sĩ ở nơi đây.

Tác giả cũng cho biết những khó khăn mà mỗi nhân viên y viên phải đối mặt, đó là gánh trên vai nhiều áp lực với chuỗi ngày làm việc quá tải, người bệnh nhập viện với số lượng lớn, đồ bảo hộ thiếu thốn, phải sử dụng một chiếc khẩu trang trong suốt ca trực… Nhưng đau đớn nhất vẫn là sự kỳ thị của cộng đồng và nỗi lo sợ lây bệnh cho người thân…

Bên cạnh những mảng màu trầm buồn, cuốn sách vẫn có những điểm sáng ấm lòng. Ðó là những khách sạn tài trợ chỗ ở miễn phí cho các y bác sĩ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19, hay những chiến dịch tiếp sức nhân viên y tế của nhiều nhà hảo tâm…

Sau những nỗi buồn, Mia tiếp tục sứ mệnh của mình. Cô gieo mầm nhân ái bằng cách làm việc thật tốt, giúp đỡ bệnh nhân vượt qua giai đoạn cam go nhất.

Theo Zing News

Tags: