Ông nhận xét rằng “thường thì những người rối loạn nhân cách gây ra nhiều rắc rối và nhìn chung họ có khuynh hướng khiến mọi người bất hòa với nhau... Đối với họ, đó là một trò chơi và họ không bận tâm chuyện vi phạm đạo đức. Họ chỉ quan tâm đến việc đạt được vị trí họ muốn trong công ty và có quyền thống trị những người khác”.
Theo kinh nghiệm của tôi, những người sếp tồi thường không đủ năng lực để đảm nhận vai trò lãnh đạo và họ phải chật vật xoay xở trong một môi trường làm việc tệ hại khiến họ không thể phát huy hết khả năng.
Vậy nên trước khi vội vàng phán xét và kết tội sếp của mình, bạn nên tìm hiểu xem điều gì khiến họ cư xử và hành động như vậy.
Trong cuộc đời đi làm, tôi đã kinh qua bốn kiểu sếp. Tôi nhận thấy cách lãnh đạo của những người sếp này thường dựa trên mức độ họ tự nhận thức về tác động họ tạo ra và mức độ họ quan tâm đến tác động đó.
Kẻ hám lợi
Kiểu sếp này sống trong thế giới của riêng họ vì họ rất ít hoặc hoàn toàn không nhận thức được tác động họ gây ra cho người khác và căn bản họ chỉ quan tâm đến chính mình. Họ tự cho bản thân là người quyền lực và thông minh hơn người. Họ nghĩ mọi việc đều xoay quanh họ, họ chẳng máy may quan tâm đến người khác, và họ cũng không màng cải thiện bản thân vì họ tin rằng mình là một nhà lãnh đạo quá tuyệt vời.
Châm ngôn của họ: “Đừng cản trở thành công của tôi”.
Làm việc cho một người sếp kiểu này có thể là một trải nghiệm cực kỳ thách thức, bởi vì bạn phải cắm đầu làm việc và tránh các xung đột trong khi không được phép tỏ ra yếu đuối.
Những người sếp như vậy xem sự yếu đuối là một khuyết điểm về tính cách và họ sẽ dùng nó để chống lại bạn. Họ không hoan nghênh các phản hồi nên hãy cẩn thận với bất cứ lời nhận xét nào có vẻ làm suy yếu vị thế bề trên của họ. nhưng cũng hãy mạnh mẽ và tự tin khi tương tác với họ.
Người mù quáng
Kiểu sếp này không phải kẻ xấu mà chỉ là một người lãnh đạo kém hiệu quả. Vì không giỏi tự nhận thức về bản thân nên họ gần như mù tịt về tác động tiêu cực mà họ có thể gây ra. Trên thực tế, họ thường cho rằng họ đang lãnh đạo rất tốt vì họ thật lòng quan tâm đến đội nhóm của mình và cố gắng đặt đội nhóm lên hàng đầu.
Châm ngôn của họ: “Hãy thích tôi và hãy vui vẻ”.
Làm việc cho một người sếp kiểu này có thể là cơ hội để bạn phát triển, chỉ cần bạn tìm ra cách khắc phục những hạn chế của họ. Hãy cố hiểu họ và tìm những cách khéo léo để hợp tác tốt với họ. Họ thường rất cởi mở đón nhận phản hồi nên bạn có thể thảo luận với họ để tìm ra cách giúp cả hai làm việc cùng nhau hiệu quả hơn.
Kẻ giả tạo
Kiểu sếp này nhận thức rất rõ về tác động họ gây ra cho người khác nhưng lại chủ yếu quan tâm đến bản thân họ. Ở nhiều khía cạnh, họ còn tệ hơn kiểu sếp hám lợi, bởi vì họ nhận thức được tác động của mình nhưng không quan tâm hoặc đơn giản là không thể tìm ra cách thay đổi phương pháp lãnh đạo. Họ rất giỏi làm việc với cấp trên và họ cũng khéo lấy lòng bạn, mặc dù khi mọi thứ hỏng bét thì bạn vẫn luôn là bia đỡ đạn cho họ.
Châm ngôn của họ: “Làm đẹp mặt tôi đi nào”.
Bạn càng “làm đẹp mặt” họ, họ sẽ càng muốn giữ bạn bên cạnh. Điều này có thể tốt cho sự phát triển của bạn và giúp bạn nhận được nhiều cơ hội tốt, nhưng đừng quên kiểu sếp này chẳng hề để ý đến sự vô tâm của họ nên họ chỉ ưu ái bạn trong lúc bạn còn giá trị lợi dụng mà thôi. Cũng giống như kiểu sếp hám lợi, họ không tiếp thu phản hồi, nên hãy cẩn thận với những lời nhận xét làm suy yếu vị thế bề trên của họ. Thay vào đó, hãy hỏi họ về cách để bạn hỗ trợ họ tốt hơn, nhưng cũng hãy nhớ quan tâm đến các nhu cầu của chính bạn.
Người khai phóng
Với nhận thức sâu sắc về tác động của mình đối với người khác và một thái độ cực kỳ quan tâm, kiểu sếp này luôn đặt đội nhóm lên hàng đầu. Đây chính là kiểu sếp lý tưởng nhất không có nghĩa là lúc nào họ cũng hoàn hảo, bởi vì đó là một và thật may là trên đời có rất nhiều vị sếp như vậy. Điều này kỳ vọng rất phi thực tế, nhưng họ thật sự quan tâm đến nhân viên của mình và họ có khả năng tự nhận thức cao.
Vì vậy, họ sẽ chịu trách nhiệm nếu họ phạm sai làm và mắc lỗi. Họ sẽ giúp đỡ bạn và ủng hộ những khát khao nghề nghiệp của bạn. Vì quan tâm đến bạn nên họ sẽ không tỏ ra dễ tính và nói những điều bạn muốn nghe, thay vào đó họ sẽ thúc đẩy bạn làm tốt hơn và dành cho bạn những lời nhận xét tích cực, đầy tính xây dựng.
Châm ngôn của họ: “Hãy cùng nhau làm việc thật hiệu quả”.
Làm việc cho những người sếp kiểu này chính là cơ hội để bạn phát huy hết khả năng của bạn. Họ cũng rất cởi mở đón nhận phản hồi và các cuộc trò chuyện nên bạn sẽ học được rất nhiều điều từ họ.
Bạn nghĩ sếp của bạn thể hiện phong cách lãnh đạo nào?
- Trích sách "Sếp tồi" của tác giả Michelle Gibbings