4 cuốn hồi ký đáng lưu ý của tác giả Việt
4 cuốn hồi ký đáng lưu ý của tác giả Việt
Gánh gánh... gồng gồng..., Lính bay, Đặng Thai Mai hồi ký, Hồi ký Nguyễn Hiến Lê là 4 cuốn hồi ký đáng lưu ý của tác giả Việt.

Gánh Gánh... Gồng Gồng… - Xuân Phượng

Cuốn hồi ký gồm những câu chuyện về những thăng trầm cuộc đời của bà Nguyễn Thị Xuân Phượng từ năm 1945. Vào những năm 1967, khi đang là bác sĩ công tác tại Ủy ban Liên lạc văn hóa với người nước ngoài, do giỏi tiếng Pháp, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách chăm sóc sức khỏe cho vợ chồng đạo diễn người Hà Lan Joris Ivens và Marceline Loridan khi họ làm phim tại Vĩnh Linh.

Cơ duyên này đã tạo nên bước ngoặt, khiến bà quyết định trở thành nữ đạo diễn phim tài liệu. Năm 1968, bà trở thành nữ đạo diễn, phóng viên chiến trường duy nhất ở Việt Nam làm việc tại Phòng Truyền hình, tiền thân của Đài truyền hình Việt Nam bây giờ. Bà đã thực hiện hàng loạt phim tài liệu mang tính thời sự, phản ánh những sự kiện chiến sự tại chiến trường Campuchia, biên giới phía bắc, và là một trong những phóng viên đầu tiên vào Dinh Độc lập theo trung đoàn xe tăng vào ngày 30.4.1975…

 

 

Tác phẩm Gánh Gánh... Gồng Gồng… là một tác phẩm đã chạm đến trái tim người đọc với sự ấm áp, can trường của một người phụ nữ mà cuộc đời lấp lánh từng mảnh ký ức của lịch sử dân tộc. 

Với những lời kể chân thực, thẳng thắn, không tô vẽ, không né tránh, tác giả sẵn sàng thừa nhận và chia sẻ cả những góc khuất cuộc đời mà mình muốn quên đi. Viết về số phận của một con người cụ thể, nhưng cuốn sách đồng thời phản ánh sự dữ dội của lịch sử dân tộc, từ đó làm ngời sáng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó, mạnh mẽ mà rất đỗi nhân hậu.

Lính Bay - Trung tướng Phạm Phú Thái

 

Nguồn tư liệu khổng lồ cho hai tập hồi ký “Lính Bay” là những trải nghiệm mà chính tác giả đã trải qua. Đó có thể là trận đánh ông trực tiếp tham gia, hoặc tận mắt chứng kiến. Trung tướng Phạm Phú Thái đã tái hiện lại những trận đánh của Không quân Việt Nam, trung thực, hoàn toàn không tô hồng, không “lên gân”. Trong các trang viết là ngồn ngộn những sự kiện chân thật mà bi tráng của lực lượng không quân Việt Nam non trẻ. Trong những chiến công ấy, hoàn toàn không có cảnh “đã xuất kích là chiến thắng”; đã đánh nhau là “ta thắng, địch thua” .

 

 

Nếu như ở cuốn “Lính Bay 1” là những ký ức của tác giả từ thời thơ ấu, những ngày đầu nhập ngũ, quá trình học tập tại nước bạn và những ngày đầu trở về nước, thì ở cuốn “Lính Bay 2” độc giả sẽ được cùng tác giả hiểu về rất nhiều nhiệm vụ, nhiều trận đánh quan trọng.

Trung tướng Phạm Phú Thái đã khắc họa chân thật điều kiện sống, chiến đấu của những người lính không quân nói riêng, của quân đội Việt Nam nói chung, trong những giai đoạn khó khăn của đất nước. Tác phẩm nêu bật những phẩm chất tốt đẹp của những người lính bay: tình yêu đất nước, tình đồng chí gắn bó, dũng cảm trong chiến đấu và thầm lặng hy sinh, tình cảm gia đình và tình yêu lứa đôi… Đồng thời, tá giả cũng không né tránh những khuyết điểm như có lúc nóng giận, cáu gắt,...

Hồi ký Nguyễn Hiến Lê - Nguyễn Hiến Lê

 

Nguyễn Hiến Lê (1912–1984) là một nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế,...

Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê là tập hồi ký của một học giả nghiêm túc, một nhà văn đầy lòng nhiệt huyết, được mọi người yêu mến và kính nể. Tuy là hồi ký theo dòng sự kiện với hầu hết là thông tin, nhưng dưới ngòi bút mượt mà, đậm chất văn học của tác giả, người đọc có thể cảm nhận được xã hội Việt Nam trong từng sự kiện, từng con người suốt hai cuộc kháng chiến chống xâm lược.

"...Ngòi bút của Nguyễn Hiến Lê, tâm hồn và con tim Nguyễn Hiến Lê ngay từ đầu đã thuộc về nhân dân, những người lao động, những ai cực khổ, bần hàn và bất hạnh. Niềm tự hào về dòng giống, tổ tiên và nỗi đau về dân tộc trước những cuộc ngoại xâm đã kéo Nguyễn Hiến Lê, một nhà văn luôn ỷ thức lánh xa những gì phù phiếm như chức tước, địa vị và sự giàu sang không lương thiện xích gần với Cách mạng và tự coi mình là người của Cách mạng, bởi lẽ dễ hiểu, những điều Cách mạng đang làm cũng chính là mơ ước của ông…”

Đặng Thai Mai hồi ký - Nhiều tác giả

Giáo sư Đặng Thai Mai (1902 - 1984) là giáo sư, nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình văn học Việt Nam; và nguyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam. Cuốn hồi ký như là gạch nối giữa ông và những thế hệ trẻ mai sau, như ông chia sẻ: “Tôi muốn dành riêng cho bạn đọc thanh niên ngày nay những ký ức về cuộc đời tôi, về lớp tuổi chúng tôi, về thời đại chúng tôi, để may chi, anh em rút ra được điều gì bổ ích cho cuộc đời thật là hạnh phúc của họ chăng?".

Theo dự định của giáo sư, hồi ký về cuộc đời ông sẽ gồm 3 phần. Tuy nhiên, do tuổi cao, sức yếu, tác giả chỉ viết gần xong phần thứ nhất (từ thời thơ ấu cho đến ngày tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm). Phần còn lại được tham gia đóng góp bởi nhiều tác giả.

Trạm đọc tổng hợp

Tags: