Đã qua cái thời chúng ta chỉ cần sinh ra một đứa trẻ và cứ thế, chỉ cần nuôi cho chúng ăn khoẻ, ngủ khoẻ và lớn nhanh như thổi rồi đi đánh trận như Thánh Gióng. Nuôi dạy con là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực và học tập không ngừng của cha mẹ. Làm sao để có thể nuôi dạy một đứa trẻ trưởng thành thực sự trong xã hội đầy những xáo động này?
Giữa muôn vàn lý thuyết nuôi dạy con đang dễ dàng thâm nhập vào đời sống Việt Nam khiến cha mẹ bối rối, phương pháp nuôi dạy con kiểu Nhật có nhiều điểm gần gũi và phù hợp với văn hoá Việt Nam.
Cuốn sách “36 thói quen cần tránh để trẻ thực sự trưởng thành” của tác giả Eiko Tajma chứa đựng những bí quyết hướng dẫn cha mẹ nuôi dạy con để giúp trẻ trở thành người được xã hội xem trọng, người luôn đón nhận thử thách, người dễ kết giao, người luôn nỗ lực để thành công, và người có gia đình hạnh phúc.
Theo tác giả cuốn sách thì cho dù cha mẹ áp dụng phương pháp nuôi dạy con nào, việc tìm ra và theo đuổi mục đích của việc nuôi dạy con rất quan trọng.
Theo chia sẻ của Eiko, để nuôi dạy con, đầu tiên chính là chăm lo cho con khoẻ mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, Dù đứa trẻ sinh ra hoàn toàn lành lặn hay không may có khiếm khuyết, chúng ta cũng cần phải nuôi dưỡng để con có được một cuộc sống bình thường và khoẻ mạnh nhất. Đó là nền tảng căn bản để con có thể từng bước phát triển.
Từ nền tảng xây dựng được, cha mẹ cần xác định xem nuôi dạy một đứa trẻ trưởng thành là như thế nào để không bị nhấn chìm trong những lời sáo mòn của đám đông. Chúng ta cần một đứa trẻ thành công, một đứa trẻ xuất chúng, một đứa trẻ biết theo đuổi ước mơ…. Những điều đó có phải là quá trừu tượng và xa vời hay không? Có khi nào cha mẹ chúng ta đang bỏ qua phần thân của một cái cây để chỉ ngước lên nhìn vòm lá xum xuê.
Cuốn sách rất thực tế này sẽ đưa cha mẹ trở về với những vấn đề vô cùng thực tế hàng ngày. Hãy bắt đầu công việc làm cha mẹ thật chậm rãi và cẩn thận. Chúng ta có thể tiếp cận vấn đề nuôi dạy con từ một góc độ khác. Hãy để con thực sự trưởng thành. Theo tác giả cuốn sách, việc cha mẹ cần là nuôi dưỡng và giúp con rèn luyện để con từng bước trưởng thành, làm một người có ích trong xã hội. Theo quan điểm của cuốn sách, người thực sự trưởng thành là người được xã hội xem trọng, người luôn đón nhận thử thách, người dễ kết giao, người luôn nỗ lực để thành công và có gia đình hạnh phúc. Những điều đẹp đẽ đó đều được xây từ những viên gạch nhỏ, và nó chính là những thói quen tốt được rèn luyện từ thơ bé.
36 thói quen được đưa ra trong cuốn sách là 36 thói quen rất nhiều trẻ nhỏ hay mắc phải trong quá trình tiếp thu từ cha mẹ. Để giúp con từ bỏ những thói quen xấu, chính cha mẹ cũng cần phải nhận ra và thay đổi những thói quen xấu của bản thân. Trong suốt quá trình tiếp thu, quan sát và thực hành những điều hướng dẫn từ cuốn sách, cha mẹ cần nhớ mục đích việc nuôi dạy con của mình.
Một số thói quen rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa quan trọng đã được tác giả đề cập đến trong cuốn sách của mình: Trong giờ học, dù đau bụng nhưng cố chịu đựng chứ không đi vệ sinh; Trả lời nhỏ tiếng nên giáo viên không nghe thấy; Không đánh răng vào những ngày không đi học; Để cha mẹ gọi dậy vào buổi sáng; Để cha mẹ giúp mang đồ để quên đến trường….
Tôi cho rằng, tác giả hẳn đã có một quá trình chăm sóc và quan sát rất tinh tế mới có thể nhìn ra những vấn đề nhỏ nhặt đến như vậy. Những việc mà cha mẹ thông thường sẽ hay bỏ qua, hoặc chỉ nói về nó một cách rất qua loa thì Eiko đã đặt nó thành những vấn đề và buộc cha mẹ phải giải quyết.
Không chỉ đặt ra thực trạng, một vấn đề trong cuốn sách cũng thêm phần hướng dẫn và đúc kết phương pháp giúp cha mẹ xử lý những vấn đề đó một cách khá chi tiết. Như khi trẻ cố nhịn vệ sinh trong lớp học, tác giả hướng dẫn việc cha mẹ cần làm là dạy trẻ mạnh dạn xin phép thầy cô.
Điều tuyệt vời của cuốn sách là Eiko không đưa ra những giải pháp chung chung. Bà đi vào từng chi tiết. Ví như trong vấn đề ngại xin phép đi vệ sinh của trẻ, bà hướng dẫn cha mẹ dạy trẻ cách xin phép từng bước một, để cha mẹ chỉ dẫn cho trẻ. Theo bà, đối với những đứa trẻ không mạnh dạn thì những lời khuyên chung chung của cha mẹ như “Con chỉ cần xin phép đi vệ sinh” sẽ trở nên hoàn toàn vô dụng, vì con sẽ không biết cụ thể nên làm thế nào.
Tôi tin rằng tình yêu càng lớn, chúng ta lại càng để ý đến những việc nhỏ nhặt nhất. Những việc nhỏ nhặt mỗi ngày mỗi ngày ấy chính là tiền đề của mọi thói quen trong đời sống, và bạn biết đấy, tương lai của mỗi người đều bắt đầu bằng những thói quen nhỏ đó. Hãy nỗ lực cùng con, từng bước xoá bỏ những thói quen xấu, và ươm mầm những thói quen tốt.