Nguyễn Hữu Quỳnh Hương nổi bật trong cộng đồng như một gương mặt trẻ hoạt động tích cực hướng đến các vấn đề thiên nhiên môi trường, và tâm huyết với lối sống xanh. Thở giữa rừng người vốn là một tập sách đề cập đến vấn đề hiện sinh khiến tác giả vừa ưu tư, vừa đau đáu và tâm đắc nhất - môi trường thiên nhiên - được hòa quyện một cách nhẹ nhàng vào những vấn đề của con người.
Thông điệp cuốn sách mời gọi bạn đọc quay trở về với môi trường thiên nhiên, với những nguyên tố căn bản nhất: Mặt trời, nước, không khí, đất, hạt giống - là chất liệu nền cho những ưu tư, trăn trở của con người được nổi bật lên, hay ngược lại, còn tùy theo cảm nhận và góc nhìn của mỗi người đọc.
Mặt trời là lời nhắc rằng bạn luôn có thể vươn lên khỏi những vùng tối vô định; Nước chảy trôi để bạn soi mình, để gặp gỡ và yêu thương; Không khí gửi những làn gió rung cảm thiết tha với cuộc đời; Hạt giống để bạn luôn nuôi dưỡng sự tử tế bên trong mình
Phải, đó là sự bao dung, khi đối diện với môi trường tự nhiên ngày càng bị xâm phạm nghiêm trọng, một môi trường sống ngày càng có nguy cơ bị lệch trục cân bằng, chỉ có lòng thương và bao dung chân thành, như thể thương nhau trong cùng một gia đình, mới có lối tâm tình, khuyên nhủ thủ thỉ, đầy tính xây dựng và “bày lối cho đi”, nhẹ nhàng và lan tỏa. Như một đứa em, đứa con nhìn thấy những điều còn đáng suy tư trăn trở từ những anh chị em, hay người lớn trong nhà, mà kiên nhẫn bày, chỉ, hướng dẫn, nhẹ nhàng như vậy”.
Trong Thở giữa rừng người, tác giả chia sẻ: “Thiên nhiên đã làm gì cho tôi? Một cái cây đã làm gì cho tôi? Thật ra, cái cây không làm gì cho tôi cả. Điều duy nhất cái cây làm là sống đời của chính nó. Một cái cây sống xanh tốt tự khắc trở thành phước lành cho hệ sinh thái và cả những con người như tôi. Nếu ví mỗi chúng ta là một cái cây thì sứ mệnh đơn giản nhất chính là thở đều, giữ mình nguyên lành giữa rừng người chật chội.”
Khi đọc những trang sách Thở giữa rừng người, độc giả cùng tác giả nhận ra, trong mối tương tác giữa các đối tượng trên cuộc đời này, chúng ta thường tập trung vào câu hỏi: Tôi làm được gì cho đối phương? Đối phương sẽ làm gì cho tôi? Nhưng có những bất lực không lời đến từ việc chúng ta kỳ vọng quá nhiều vào người khác, song không được đáp lại. Có những ám ảnh cố hữu đến từ việc ta mong muốn cho đi, mà bên trong đã trống rỗng từ bao giờ. Có những tương tác rạn nứt, vụn vỡ vì thiếu đối thoại với nhau và với chính mình.
Đừng kìm nén hay đợi cho tất cả vấn đề được giải quyết hết. Có một việc đơn giản mà ta lại dễ quên, đó là chỉ cần học cách lắng nghe hơi thở, như một mầm cây.
Thở giữa rừng người giống như một cuốn sách ghi lại những trải nghiệm chân thực của người trẻ. Tác giả mời bạn đọc cảm nhận những câu chuyện cực kỳ nhỏ bé, nhỏ đến nỗi bạn đã và đang gặp hằng ngày nhưng quên bẵng là chúng đang tồn tại và rất chân thật giữa chúng ta: chân chất như đất, nhẹ nhàng như không khí, ấm áp như mặt trời, chảy trôi như nước, và đầy yếu tố tích cực, hướng thiện như những hạt mầm xanh.
Và từ đó, mang đến những cảm nghiệm trên hành trình biết ơn những điều bình thường tuyệt diệu mà chúng ta được ban tặng hằng ngày.
Theo Viên Thi/Sài Gòn Giải Phóng