3 cuốn sách về Nhật Bản của nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương
3 cuốn sách về Nhật Bản của nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương
Từng du học ở Nhật Bản, đến nay nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương đã xuất bản 3 cuốn sách liên quan chủ đề này.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương sinh năm 1982 tại Bắc Giang. 

Anh từng làm giảng viên Khoa Lịch sử - Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Sau đó, anh dành 8 năm học tập, làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản. Anh tâm huyết với các vấn đề giáo dục của nước nhà và có nhiều bài viết, dịch về các vấn đề liên quan đến giáo dục, cải cách giáo dục và so sánh giáo dục Việt Nam và Nhật Bản.

Vốn say mê sách và sinh ra trong một gia đình có truyền thống đọc, anh dành phần lớn thời gian cho công việc viết sách và dịch thuật. Những đầu sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương thường tập trung vào các lĩnh vực như lịch sử học, văn hóa đọc, giáo dục trong nhà trường. Ngoài ra, anh cũng có những tác phẩm viết về Nhật Bản nhận được sự ủng hộ và đón nhận nhiệt tình từ độc giả.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương

3000 Ngày Trên Đất Nhật 

“3000 Ngày Trên Đất Nhật” là tự truyện của tác giả Nguyễn Quốc Vương. Cuốn sách ghi lại những ấn tượng và cảm xúc của anh trong những năm tháng du học ở Nhật.

Từ những trải nghiệm cá nhân, Nguyễn Quốc Vương mang đến cho người đọc những hiểu biết về cuộc sống, văn hóa, phong tục đất nước mặt trời mọc. Câu chuyện của anh cũng khiến người ta suy ngẫm về cuộc sống của du học sinh nói riêng và cộng đồng người Việt tại Nhật Bản nói chung. Liệu cuộc sống của họ có toàn màu hồng, liệu Nhật Bản có thực sự là miền đất hứa?

“Thời gian trôi thật nhanh. Ngọt ngào mà tàn nhẫn. Bóng đêm vẫn như xưa, tiếng côn trùng vẫn thế dù có vẻ thưa hơn nhưng tôi không còn là cậu bé con hay chàng thanh niên mới lớn nữa. Tôi đã đi rất xa ra khỏi ngôi nhà ấy trong một thời gian dài và rồi trở lại. Tất cả những gì tôi đã trải qua ở nước Nhật xa xôi giờ đây giống như một giấc mộng kê vàng. Kí ức về nó vừa tươi mới vừa mỏng manh như thể là không thực. Có lúc tôi có cảm giác băn khoăn rằng thực sự thì có phải mình đã đến Nhật và sống ở Nhật trong từng ấy năm không hay đó là ảo ảnh?” - tác giả viết.

Nguyễn Quốc Vương đã phải đối diện với nhiều thử thách ở nơi đất khách quê người, nhưng anh cũng có nhiều kỷ niệm ngọt ngào ấm áp khi nhận được sự yêu thương, đùm bọc từ những người xa lạ. “3000 Ngày Trên Đất Nhật” là con đường học thuật cô đơn của kẻ độc hành, và cũng là niềm hạnh phúc khi tìm ra chân lý và hướng đi của cuộc đời.

Cuốn sách phù hợp với các bạn trẻ đang cảm thấy mông lung, vô định, muốn bước ra khỏi vùng an toàn để tự tin sải bước trên hành trình đến với thành công, đặc biệt là những ai muốn xây dựng sự nghiệp tại đất nước mặt trời mọc.

25 Nhân Vật Lịch Sử Nhật Bản

Cuốn sách “25 Nhân Vật Lịch Sử Nhật Bản” ra đời từ những ghi chép vụn vặt và những trải nghiệm thú vị trong mỗi chuyến đi của nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương trên đất Nhật. Tác giả khẳng định, đây không phải công trình nghiên cứu nên sẽ không có phát hiện gì mới về tư liệu hay đặc sắc gì trong kiến giải hoặc phương pháp. Tuy nhiên, cũng chính vì lý do đó, mà cuốn sách này không hề khô khan hay quá học thuật, giúp người đọc cảm thấy lịch sử trở nên gần gũi và thú vị hơn.

25 không phải con số ngẫu nhiên, mà nó còn chính là số tuổi của tác giả khi đặt chân đến Nhật Bản. Anh muốn ghi lại dấu ấn đó như một kỉ niệm riêng, sâu sắc trong cuộc đời.

Tác giả chia sẻ: “Cho dù ban đầu tôi viết về 25 nhân vật lịch sử này không phải để xuất bản, tôi vẫn hi vọng cuốn sách được chính thức khai sinh sau hơn 10 năm ngủ yên trong máy tính này có thể giúp bạn đọc, đặc biệt là các em học sinh một thoáng hình dung về những con người cụ thể đã làm nên lịch sử Nhật Bản, từ đó cảm nhận được sự thú vị, hữu ích của việc học tập lịch sử ở nghĩa rộng nhất thông qua đọc sách, tham quan thực tế và suy ngẫm”.

Nước Nhật Nhìn Từ Những Thứ Bình Thường

“Nước Nhật Nhìn Từ Những Thứ Bình Thường” gồm 26 bài viết ghi lại những trải nghiệm và cảm nghĩ về đất nước, con người Nhật Bản trong 8 năm tác giả sống và làm việc ở đây. 25 câu chuyện nhỏ đầy hấp dẫn với giọng kể hiện đại, sinh động giúp người đọc hiểu thêm về quốc gia này.

Không phải những điều lớn lao, to tát ở tầm vĩ mô, Nguyễn Quốc Vương khai thác góc nhìn từ những thứ bình thường ở Nhật: đường sá, nhà ga tàu điện ngầm, những cánh rừng trong thành phố, những trường mầm non thân thiện,... Từ đó chứng minh nỗ lực thay đổi từ những thứ bình thường, nhỏ bé lại chính là nguyên nhân cốt lõi giúp Nhật Bản - từ một đất nước bại trận trong chiến tranh, có thể vươn lên thần kì như ngày nay. Bên cạnh đó, tác giả còn bàn luận về trách nhiệm công dân và ý thức tự giác của mỗi người Nhật trong việc kiến tạo xã hội văn minh.

Cuốn sách cũng lý giải tại sao những hành động thường được cho là phi thường, kỳ diệu lại trở nên rất đỗi bình thường, quen thuộc tại đất nước Nhật Bản. Người Nhật không thích nói về anh hùng và ngượng ngùng khi bình luận về lòng yêu nước. Thay vào đó họ hay lo lắng về bổn phận và danh dự. Với họ, làm người nông dân bình thường nuôi trồng nên nông sản ngon và sạch, làm người lái xe coi trọng sự an toàn và lịch sự với hành khách, làm giáo viên bình thường để học sinh cảm thấy hạnh phúc trong quãng thời gian ở trường… là bổn phận được coi trọng.

Bạn đọc có mong muốn tìm hiểu về đất nước và con người Nhật Bản dưới góc nhìn chân thực, gần gũi có thể tham khảo “Nước Nhật Nhìn Từ Những Thứ Bình Thường”.

Trạm đọc tổng hợp

Tags: