Có một số loại sách chúng tôi không chọn lựa để đưa vào, ví dụ như tâm lý học (do chưa có nhiều kiểm nghiệm khoa học), sách nhân học và dân tộc học (do tính chất quá chuyên sâu và không tác động lớn đến nhận thức), sách chính trị chuyên sâu như quản trị hay chính sách hay pháp luật (do quá chuyên sâu và còn cần nhiều kiểm định…). Một số cuốn sách khác có thể được nhiều người đánh giá là xuất sắc hay cần thiết nhưng vì chúng không còn cần thiết với nhận thức xã hội ngày nay nữa hoặc cùng chủ đề đã có quyển khác xuất sắc hơn nên chúng tôi cũng không đưa vào.
Và đặc biệt, còn rất nhiều sách hay nhưng do các hạn chế về dịch thuật (bản dịch kém hoặc chưa được dịch) nên chúng tôi cũng chưa thể đưa vào danh sách.
I – Lịch sử – Văn hóa
Trong số tất cả những thể loại sách, các sách về Lịch sử – Văn hóa đóng một vai trò gần như là căn bản nhất, bởi chúng xây dựng cho chúng ta tư duy tiến trình và giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể, tránh những phán xét định kiến do môi trường sống bên ngoài tác động. Tuy nhiên, việc chọn sách Lịch sử – Văn hóa không dễ, bởi chúng viết về một thời đã qua đi, chưa chắc các tư liệu còn được giữ lại, và chưa chắc tư liệu được lưu giữ đã chuẩn xác. Thế nên, những quyển được chọn lọc là những quyển dựa trên việc tác giả khảo sát nhiều nguồn tư liệu, đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau cho một vấn đề, và không đưa ra các phán xét cá nhân không có cơ sở.
“Dân ta phải biết sử ta”, điều đó hiển nhiên không sai. “Biết sử ta” để biết được cái “ta” ngày nay là kết quả của điều gì trong quá khứ nhiều nghìn năm lịch sử. Chúng ta không hiểu được cặn kẽ từng sự kiện, từng nhân vật, nhưng cũng nên hiểu tổng thể tiến trình của lịch sử Việt Nam. Có nhiều sử gia viết về Lịch sử Việt Nam, nhưng họ thường bị định kiến hoặc cố thích nghi với các thời đại dẫn đến tác phẩm có vài khía cạnh cực đoan. Thế nên, cho dù dữ liệu có nhiều, cũng vì vài viên sạn ấy mà bị ảnh hưởng. “Lịch sử Việt Nam” của Lê Thành Khôi là một cuốn sách dễ đọc về lịch sử Việt Nam, dữ liệu được xử lý khách quan và không bị các yếu tố chính trị chi phối.
Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn các dữ liệu khi đọc, các bạn nên tra Wikipedia các thông tin về sự kiện và nhân vật. Và đọc lịch sử mà đọc qua loa, không ghi chú lại các sự kiện thì cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Hãy tập thói quen vừa đọc vừa ghi chép.
Tác phẩm “Văn minh Việt Nam” ghi chép lại các phong tục tập quán và đời sống của người dân Việt Nam trước thời Pháp thuộc. Cuốn sách được viết rất dễ hiểu, thông tin chừng mừng và đầy đủ về đời sống người Việt. Đọc cuốn sách này sẽ giúp ta hiểu hơn về lối sống của người Việt và hiểu được tại sao người Việt lại như ngày nay. Cuốn sách ghi chép lại các thiết chế, các thói quen theo đơn vị đời sống như chủng tộc, đất nước, làng xã, gia đình, tôn giáo, kinh tế…v…v…
Tương tự như “Văn minh Việt Nam”, “Việt Nam văn hóa sử cương” cũng giúp chúng ta hiểu hơn về phong tục tập quán của dân Việt. Tuy nhiên, “Viết Nam Văn hóa sử cương” có cách chia tổng quát hơn và tập trung vào ghi chép các biểu hiện của sự sinh hoạt.
Cổ tích cho chúng ta biết những giấc mơ, niềm tin, trạng thái tâm lý của người xưa. Cổ tích dần dần trở thành dụ ngôn dẫn dắt nhận thức của chúng ta một cách vô hình. Ví dụ như ẩn sau câu chuyện “Tấm Cám” là các nhận thức rằng: ở hiền gặp lành, chỉ cần tử tế sẽ được trời giúp dù cho không có hiểu biết hay khả năng tồn tại… tất cả những điều ấy hình thành nên nếp sống ỉ lại của người Việt trong một thời gian dài. Ông Nguyễn Đổng Chi đã tập hợp ghi chép đầy đủ các dị bản, chú thích rõ ràng những câu chuyện cổ của các vùng miền.
Ca dao, tục ngữ, dân ca Việt Nam là những trải nghiệm ngôn ngữ mà chúng ta nên biết để làm giàu có và phong phú cho vốn từ vựng của chúng ta. Một người làm công việc viết lách mà không biết dăm câu ca dao, tục ngữ, dân ca thì người đó sẽ bị nghèo nàn trong ngôn ngữ và các cách thức diễn đạt. Tuyển tập của Vũ Ngọc Phan khá đầy đủ và được phân loại khá rõ ràng. Tuy nhiên, hiện nay, nhờ công nghệ, các nhóm trẻ đã đưa các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ lên website cùng với chú giải rõ ràng trên trang cadao.me
« Lịch sử châu Âu » là một cuốn sách mô tả tổng quan bức tranh Châu Âu từ thời cổ đại đến hiện đại. Sách không quá khó đọc và cho ta hình dung được cái diện mạo và tinh thần đã được chuyển biến qua dòng lịch sử.
« Sử ký » của Tư Mã Thiên là tác phẩm kinh điển về chép sử của Trung Hoa cổ đại. Đọc « Sử ký », ta không chỉ đọc các sự kiện và nhân vật lịch sử mà qua đó thấy được thái độ đánh giá các sự việc và con người điển hình theo tinh thần Nho giáo. Ai đó muốn tìm hiểu về văn hóa tư tưởng của Trung Hoa và Việt Nam thời phong kiến mà không đọc « Sử ký » thì khó có thể hiểu hết được. Hiện có 2 bản dịch được đánh giá cao nhất là bản dịch của Phan Ngọc và của Trần Quang Đức. Tuy nhiên, bản dịch của Trần Quang Đức gặp khá nhiều lỗi trong khi dịch nhưng cũng đáng để tham khảo về độ chính xác.
« Thần, người và đất Việt » là tác phẩm khảo lược và nghiên cứu về các nguồn gốc thần thánh ở Việt Nam. Tác phẩm so sánh từ nhiều nguồn tư liệu, từ những ghi chép hiện đại đến những nghiên cứu dân tộc học và các tài liệu cổ xưa. « Thần, người và đất Việt » sẽ cho bạn một cái nhìn khác, tổng quan hơn để tiếp cận tín ngưỡng bản địa ở Việt Nam.
Mặc dù nhiều cuốn sách tranh mới được xuất bản, nhưng « Thần thoại Hy Lạp » của Nguyễn Văn Khỏa có thể được coi là cuốn sách đầy đủ nhất về các vị thần Hy Lạp với sự khảo sát rộng về nguồn gốc và nghi lễ thờ thần của người Hy Lạp xưa, đồng thời cũng đưa ra các lý giải về từ nguyên và sự ảnh hưởng tới văn hóa phương Tây.
« Việt Nam Phật giáo sử luận » là cuốn sách nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam, từ quá trình du nhập, mở rộng, phân tách. Qua cuốn sách, ta có thể thấy được quá trình tiếp nhận và vận động của Phật giáo, cách Phật giáo tác động đến chính trị, văn hóa và xã hội Việt Nam. Cuốn sách này chúng tôi không đưa vào phần Tôn giáo – Triết học mà đưa vào phần lịch sử sở dĩ bởi xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi Phật giáo khá sâu đậm, và tìm hiểu lịch sử Phật giáo trên đất nước ta tức là tìm hiểu một phần rất quan trọng của văn hóa.
II – Tôn giáo – Triết học
Các sách Tôn giáo – Triết học cho ta thấy một cái nhìn về nhân sinh quan, thế giới quan đại diện cho các nền văn minh, các xu hướng lịch sử. Đọc sách Tôn giáo – Triết học không phải để tìm niềm tin cho mình mà để học cách tư duy lý giải thế giới, lý giải xã hội và hiện tượng con người.
«Thiền Uyển tập anh » là tập ghi chép lại các hệ thống tư tưởng của các tông phái Thiền học, các sự tích Phật giáo ở nước ta từ thời Bắc thuộc đến thời Đinh, Lê, Lý và đầu thời Trần. Đây là tài liệu cổ nhất về Phật giáo mà Việt Nam từng có, đồng thời cũng đại diện cho sự phát triển của học thuật đầu thời Trần. Hiện nay, tác giả của « Thiền Uyển tập anh » chưa được tìm thấy. « Thiền Uyển tập anh » với những bản ghi chép và các câu tự biện, đối thoại của các Thiền giả, có thể nói rằng không hề thua kém Upanishad về tầm cỡ triết học.
Đọc hiểu « Kinh Thánh » là một trong các nền tảng căn bản để hiểu được văn hóa và cách hành xử của người phương Tây, đặc biệt là người Châu Âu. Các điển tích văn chương, các lối hành văn, các chuẩn mực đạo đức, các quan điểm triết học về thiện – ác, sinh – diệt… của người Châu Âu từ sau công nguyên đều dựa trên « Kinh Thánh ». Bởi thế, bạn nên đọc « Kinh Thánh ». Nếu cách diễn đạt của « Kinh Thánh » của phức tạp, bạn hoàn toàn có thể tham khảo cuốn « Những câu chuyện kể Kinh Thánh » thường được bán trong các hiệu sách.
“Đạo Đức Kinh” của Lão Tử là văn bản nền tảng cho các trường phái Đạo giáo và tu tiên tại Trung Quốc. Cuốn sách thể hiện cho cách giải thích vũ trụ và cách hành xử của người Trung Quốc theo trường phái vô vi.
Nhiều người cho rằng “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử là tiếp bước của “Đạo Đức Kinh” nhưng cách hiểu này là sai lầm. “Nam Hoa Kinh” là một chuỗi đối thoại và biện luận triết học được viết bằng thứ ngôn từ đẹp đẽ, thể hiện cho tư tưởng sống tiêu diêu, tự tại hợp với bản tính của mình, không thể cưỡng cầu. Bản dịch và chú giải tốt nhất của của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, tuy nhiên bản dịch của Nguyễn Tôn Nhan cũng rất đáng tham khảo. Bản dịch của Nhượng Tống có phần thô trong sử dụng ngôn từ.
“Lời dạy của Rumi” là tập hợp những bài thơ của Rumi, bậc thầy Sufi vĩ đại trong Kỷ nguyên vàng Islam. Rumi có ảnh hưởng lớn đến văn chương phương Tây và đến các xu hướng tâm linh thế kỷ 20 khi Osho tỏ lòng kính ngưỡng đối với ông. Rumi cho ta thấy một tình yêu với Thượng Đế, với cuộc đời vừa say đắm lại vừa sâu sắc mà ta hiếm khi thấy được trong các sáng tác Kito giáo hay Phật giáo.
Kinh Gita là một phần của Sử thi MahaBharata. Kinh Gita ghi lại những tri kiến nền tảng nhất và vũ trụ luận và nhân sinh quan của nền văn hóa Ấn Độ, mà sau này đã trở thành nền tảng cho các tôn giáo như Hindu giáo, Phật giáo và Jaina giáo…
Hegel là nhà triết học quan trọng nhất của Triết học phương Tây Cận đại và Hiện đại, ông được coi là người sáng lập ra chủ nghĩa duy tâm Đức. “Bách khoa thư Khoa học Triết học” là tác phẩm đồ sộ mang tính hệ thống các khái niệm triết học phương Tây do Hegel luận giải. Hiện nay chỉ có cuốn 1 trong bộ Bách khoa này, nội dung bàn về logic, đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam.
“Phê phán lý tính thuần túy” là tác phẩm triết học quan trọng nhất của Kant, là nền tảng của triết học cổ điển Đức. Tác phẩm đánh dấu một bước chuyển của triết học phương Tây bằng việc phê phán các quan điểm siêu hình trước đó và đề cao lý tính con người. Vậy nên tầm ảnh hưởng của cuốn sách không chỉ ở triết học mà còn có sức ảnh hưởng đến Triết học phương Tây.
“Zarathustra đã nói như thế” là một cú shock với triết học phương Tây. Cuốn sách thay vì sa đà vào các khái niệm lại quay về với tự biện. Những tự biện luận giải về các phẩm tính của con người, đưa ra chủ nghĩa siêu nhân và hướng tới những giá trị cao hơn của tinh thần. “Zarathustra đã nói như thế” là một sự kết hợp giữa các tư tưởng phương Tây và tư tưởng phương Đông, gợi nhớ đến thời đại của các nhà hiền triết thời cổ đại.
“Khóa Hư Lục” là tác phẩm căn bản về Phật học thời nhà Trần, có tác động lớn đến Thiền phái Trúc Lâm nói riêng và Thiền học Việt Nam nói chung. Cuốn sách bàn về lẽ sinh tồn của vạn vật và con người. Những tư tưởng này được bàn bởi một giọng văn chương bay bướm thể hiện cho hình mẫu bậc tu hành đại đạo ở cõi Nam, có thể kết hợp được lý lẽ của ba nhà Nho – Phật – Lão. Bản dịch tốt nhất là của Thiều Chửu nhưng bản dịch này hiện rất khó tìm.
Phật giáo có thể được coi là tôn giáo có nhiều kinh điển và tông phái nhất trên thế giới. Điều này dẫn đến việc người đọc rất khó để tiếp cận các nguyên lý căn bản trong Phật giáo, dẫn đến những diễn giải sai lầm. « Phật học tinh hoa » của Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Cuốn sách cho ta thấy sự bao quát của lịch sử cũng như các khái niệm Phật giáo. Từ cuốn sách này, bạn có thể dễ dàng nắm bắt các khái niệm cũng như hiểu hơn các tư tưởng căn bản, làm nền tảng cho các bước đi xa hơn.
Ở Việt Nam có nhiều sách luận giải về Nho giáo nhưng bộ “Nho giáo Trung Quốc” của Nguyễn Tôn Nhan là bộ sách đồ sộ cho ta thấy nguồn gốc và tiến trình ảnh hưởng, biến đổi về tư tưởng của các dòng Nho giáo.
“Câu chuyện vô hình” là một phần của cuốn sách “Câu chuyện vô hình và Đảo” của Hamvas Béla. “Câu chuyện vô hình” nối tiếp dòng triết học của Nietzsche về sự hướng thượng của tinh thần, nhưng lại kết hợp với các truyền thống cổ trong thần thoại và các tôn giáo cổ ở phương Tây. “Câu chuyện vô hình” còn đưa ra những luận giải về sự thay đổi của phẩm tính con người và xã hội trong thời đại có nhiều biến chuyển từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai về sau.
“Zorba Phật” là tập hợp bài giảng của Osho về con người mới trong một thời đại mới. Trong cuốn sách này, Osho đưa ra một quan điểm xây dựng con người tâm linh là sự kết hợp giữa tôn giáo và khoa học, giữa tu hành và đời sống.
“Bàn về Sự Thật” là bài giảng của Krishnamurti luận về khả năng nhận thức sự thật của con người. Trong cuốn sách này, Krishnamurti khẳng định rằng sự thật không thể nhận thức bằng biện luận qua khái niệm mà bằng sự chiêm nghiệm.
III. Chính trị – Kinh tế
Các sách chính trị và kinh tế là một phần quan trọng trong nhận thức xã hội. Mặc dù chúng ta đang ở trong xã hội hiện đại nhưng để hiểu về các mô hình xã hội cổ xưa, để từ đó tự lý giải cho mình cách vận hành ngày nay là cách nhận thức thực tại giúp ta hiểu được những gì mà xã hội chi phối chúng ta.
Không nên coi “Tôn Tử binh pháp” gói gọn trong 36 kế. 36 kế Tôn Tử là do người đời sau đúc rút nên. “Tôn Tử binh pháp” chủ yếu bàn về quy trình quản lý quân đội, cách thiết quân luật, và cacs kinh nghiệm xử lý chiến trường. Ngày nay, ở Trung Quốc, người ta còn ứng dụng binh pháp này vào kinh doanh và công nghệ thông tin. Các bản Tôn Tử binh pháp đều có thể search ở trên mạng, và có thể tham khảo thêm bản bình điểm của các nhà quân sự cổ đại Trung Quốc mới được xuất bản gần đây.
Hàn Phi Tử là nhà chính trị xu hướng Pháp gia của Trung Quốc, người đầu tiên hệ thống hóa các vấn đề pháp quyền thành sách – vấn đề mà Thương Ưởng, Quản Trọng đã đề cập trước đó. Đọc “Hàn Phi Tử” ta có thể hiểu hơn về cách mà nền chính trị Trung Quốc vaf các nước chịu ảnh hưởng đã vận hành.
Lã Thị Xuân Thu do Lã Bất Vi cùng nhóm học giả trong phủ của ông viết nên. Sách bàn về thuaạt trị nước, không phải chỉ ở quyền mưu hay luật pháp mà còn bàn về đạo làm vua, về các lễ điển và lý do tại sao cần sử dụng các lễ điển ấy. Đọc “Lã thị Xuân Thu” sẽ cho ta một cái nhìn rất khác về chính trị Trung Quốc.
“Cộng hòa” là một tác phẩm lý thuyết chính trị của triết gia Hy Lạp cổ đại Plato viết nên. Cuốn sách bàn về bản chất của con người và cố đưa ra mô hình cai trị lý tưởng. Cuốn sách là nền tảng của các hệ thống chính trị từ Công giáo cho đến ngày nay ở phương Tây.
“Chính trị luận” do học trò của Plato, triết gia Aristotle viết nên, thế nhưng xét về mặt chính trị thì cuốn sách này có tính khoa học hơn và thực tiễn hơn. “Chính trị luận” không bàn luận nhiều mà khảo sát các mô hình chính trị đương thời của ông, đưa ra đánh giá và phân tích các mô hình. Chính ông cũng phê phán mô hình của thầy ông là không mang tính thực tiễn và nếu có chỉ có thể gây ra toàn trị.
“Tâm lý học đám đông” của Le Bon là một tác phẩm quan trọng cảnh báo chúng ta về các tác hại của đám đông khi để đám đông nắm quyền điền khiển. Từ thực tiễn tại Cách mạng tư sản Pháp và trong suốt chiều dài lịch sử, Le Bon đã chứng minh cho ta thấy rằng đám đông luôn phá hoại các giá trị văn minh bằng cách này hoặc cách khác.
“Xã hội diễn cảnh” là một tác phẩm chính trị xuất sắc trong việc diễn giải các quan hệ xã hội giữa những con người, qua sự trung gian của hình ảnh. Tác phẩm khá trừu tượng và khó đọc nhưng giúp chúng ta nhận thức được thế giới quan về xã hội một cách rất rõ ràng.
Nếu bạn muốn hiểu về vai trò của nền tài chính tác động đến xã hội chính trị như thế nào trong dòng lịch sử thì cuốn sách “Khi đồng tiền lên ngôi” rất đáng để tham khảo. Thông qua sự nghiệp của các nhà tài phiệt lừng lấy, ta có thể mường tượng được cách nền tài chính vận hành và sụp đổ.
IV – Sách nền tảng khoa học
Tư duy khoa học là yếu tố căn bản để ta có thể thoát khỏi các ảo giác và sự mông muội. Tuy nhiên, thế nào là “tư duy khoa học”? Tư duy khoa học không phải chỉ là chủ nghĩa duy vật như chúng ta vẫn hiểu lầm, tư duy khoa học bản chất là trí hoài nghi tò mò và các phương pháp thực nghiệm, suy luận để ta hiểu được bản chất của thực tại. Dưới đây là những tác phẩm nền tảng mà các bạn có thể đọc:
Đây là cuốn sách nền tảng của nền khoa học và thời kỳ phục hưng tại Anh. Cuốn sách không chỉ là tác phẩm quan trọng với ngành khoa học mà còn cả với ngành triết học.
Cuốn này giúp chúng ta hiểu được các mô hình tư duy khoa học – kỹ thuật. Những người đọc qua cuốn sách này sẽ học được phương pháp nhìn lịch sử theo các mô hình phát triển của nhận thức.
Cuốn sách này cho chúng ta thấy những giới hạn của khoa học trong việc khám phá thế giới. Ông đã khám phá những điều bất khả trong thực tế, ví dụ như tính hữu hạn của thời gian, không gian; câu hỏi vũ trụ hữu hạn hay vô hạn hay liệu có thể truyền thông tin nhanh hơn tốc độ của ánh sáng không… Cuối cùng, Barrow tìm hiểu xem liệu những giới hạn về nhận thức có phải là những giới hạn mà chúng ta nên áp đặt cho chính bản thân mình hay không.
Trong cuốn sách này, Einstein mô tả quá trình phát triển của ngành vật lý học, mà xa hơn thế là tiến trình nhận thức về thực tại của các nhà khoa học.
Mặc dù các sách của Neil Bohr – ông tổ của Vật lý lượng tử chưa được dịch sang tiếng Việt nhưng một nhà vật lý lượng tử khác với nghiên cứu về vũ trụ toàn ảnh là David Bohm lại được các nhà xuất bản Việt Nam ưu ái. Tác phẩm xuất sắc nhất của ông được dịch ra tiếng Việt là “Cái toàn thể và trật tự ẩn”.
Giáo sư Cao Chi, một giáo sư tâm huyết với Vật lý hiện đại đã dành không ít công sức để viết lại những lý thuyết vật lý từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Sách đặc biệt cập nhật các khám phá mới nhất của Vật lý lý thuyết trên thế giới.
V – Văn chương – Nghệ thuật
Văn chương và Nghệ thuật được gán cho nhiều chức năng, từ thấp nhất (như giải trí) đến cao nhất (như cứu rỗi nhân loại), nhưng Văn chương Nghệ thuật có vai trò quan trọng nhất đó là mở rộng nhận thức của con người. Tuy nhiên, do Văn chương Nghệ thuật vốn dĩ phức tạp và đa chiều hơn các loại hình nghệ thuật khác nên phần giới thiệu các sách, chúng tôi buộc phải viết ngắn gọn nhất có thể, bởi vì càng viết dài lại càng thấy không đủ.
A – Lý thuyết
40. Thi ca – Aristotle
Đây là cuốn sách nền tảng về các loại hình văn chương thời Hy Lạp cổ đại và các lý thuyết nghệ thuật do nhà triết học Aristotle tổng kết và đặt nền móng chuẩn mực.
“Mỹ học” của Hegel là một tác phẩm nền tảng về lý thuyết nghệ thuật phương Tây. Nếu bạn muốn hiểu về nghệ thuật kinh viện phương Tây thì cuốn sách này sẽ cung cấp cho bạn các nguyên tắc và hệ thống tư tưởng chi phối nền nghệ thuật ấy.
Đây là một cuốn sách khá dễ đọc và dễ tiếp cận, điển hình cho quan điểm thẩm mỹ của thế giới hiện đại phương Tây.
Cuốn sách cho bạn thấy một lịch sử chuyển biến của toàn bộ văn học phương Tây một cách đầy đủ và hệ thống.
“Văn tâm điêu long” là một cuốn sách khó đọc nhưng sau khi đọc rồi ta sẽ hiểu được toàn bộ triết thuyết của nền văn học Trung Quốc cổ – trung đại. Bạn không thể cảm nhận được văn học Trung Quốc cổ – trung đại nếu không hiểu được nguyên lý của nó, và nguyên lý ấy được ghi lại trong “Văn tâm điêu long”.
B – Phương Đông
45. Thủy Hử & Hậu Thủy Hử – Thi Nại Am
Đây là cuốn tiểu thuyết chương hồi căn bản nhất của văn học Trung Quốc trung đại, điển hình cho bút pháp tiểu thuyết và tư tưởng triết học cũng như quan điểm chính trị. Cuốn sách kể về cuộc khởi nghĩa Lương Sơn Bạc chống lại tham quan vào cuối thời Tống.
Người ta vốn chỉ biết đến “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung như một bộ tiểu thuyết lịch sử kinh điển của văn học Trung Quốc. Thế nhưng, do “Tam quốc diễn nghĩa” có nhiều chi tiết sai lệch lịch sử, cho nên ta vẫn cần tham khảo “Tam quốc chí” của Trần Thọ như một đối chiếu lịch sử.
Đây là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Trung Quốc cho thấy quan điểm tôn giáo kết hợp giữa Phật và Đạo trong văn hóa Trung Hoa.
“Hồng Lâu Mộng” là cuốn tiểu thuyết trung đại có bút pháp phức tạp và gần với lối tiểu thuyết hiện đại nhất. Bên cạnh những chuyện tình lãng mạn, những triết thuyết về Phật giáo và Đạo giáo, tác phẩm còn phản ánh hiện thực xã hội Trung Quốc trong giai đoạn suy tàn của một triều đại.
“Liêu trai chí dị” điển hình cho thể loại truyện chí dị vốn đã có từ thời nhà Đường nhưng kết hợp với bút pháp văn chương. Thông qua các câu chuyện thần tiên, ma quỷ, Bồ Tùng Linh thể hiện các quan điểm Nho giáo và Đạo giáo của mình.
Đọc thơ cổ phong Trung Quốc không thể bỏ qua “Ly Tao” và “Sở Từ” của Khuất Nguyên. Bút pháp và tư tưởng của Khuất Nguyên đã trở thành nền tảng cho thi ca Trung Quốc cổ và trung đại.
Đây là một tập hợp 300 bài thơ Đường hay nhất thường được trích dẫn và sử dụng như các điển cố.
Các bài thơ của Tagore điển hình cho tư tưởng và bút pháp của thơ ca Ấn Độ. Ông cũng là nhà thơ được giải Nobel văn chương.
“Ngôn sứ” là tác phẩm hiện đại nhưng được viết bằng lối chiêm nghiệp của các bậc “ngôn sứ” hay còn gọi là “đấng tiên tri” thuở xưa. Tác phẩm không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn cả tư tưởng triết học và tôn giáo. Hiện có hai bản dịch, một là của Châu Diên, hai là của Nguyễn Ước. Các bạn nên chọn bản dịch của Nguyễn Ước để hiểu hơn về tinh thần của tác phẩm.
Omar Khayyam là nhà thơ điển hình của văn học Islam thời Kỷ nguyên vàng. Ông có ảnh hưởng lớn đến các nhà thơ Sufi như Rumi và Hafiz. Bản dịch thơ Omar Khayyam của Thái Bá Tân quá thô lậu, không thể hiện được tinh thần của ông. Các bạn nên đọc bản dịch thơ của Nguyễn Viết Thắng.
Mặc dù không được giải Nobel văn chương nhưng Kim Dung vẫn là nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất Trung Quốc hiện đại cũng như đương đại. Tác phẩm của ông không những có cấu trúc phức tạp và vĩ mô mà còn thể hiện đậm nét cho văn hóa Trung Quốc cổ truyền với sự dung hòa tư tưởng Nho – Phật- Lão kết hợp với tinh thần tự do của phương Tây hiện đại. Trong đó, “Tiếu ngạo giang hồ” xứng đáng để chúng ta bỏ thời gian để đọc và suy ngẫm hơn bất cứ cuốn tiểu thuyết Trung Quốc hiện đại nào khác được vinh danh.
C – Phương Tây
56. Iliad và Odyssey – Homer
Đây là hai tác phẩm sử thi căn bản của văn chương Hy Lạp cổ đại, đồng thời là nền tảng văn học của phương Tây.
William Shakespeare là nhà văn có công lớn nhất trong việc phục hồi các giá trị văn chương và kịch nghệ của Hy Lạp cổ đại, đồng thời là điểm khởi đầu cho nền văn chương phương Tây mà chúng ta đã biết hiện nay. Trong số các tác phẩm, “Hamlet” là điển hình nhất cho bút pháp và tư tưởng của ông cũng như của thời đại ông sống.
“Faust” là kịch thơ triết học của thiên tài J.W.Goethe. Tác phẩm điển hình cho văn học Đức với những phức tạp trong đối thoại triết lý của nền văn hóa này.
“Ivanhoe” là tác phẩm đầu tiên của dòng tiểu thuyết hiệp sĩ mà sau này Alexandre Dumas đã rất nổi tiếng. “Ivanhoe” cũng rất điển hình cho tinh thần và bút pháp của tiểu thuyết Anh.
“Bá tước Monte Cristo” có thể nói là tác phẩm xuất sắc nhất của Alexandre Dumas, kết hợp giữa tinh thần lãng mạn, vẻ đẹp ngôn từ và hiện thức lịch sử.
Tác phẩm mang tính biểu tượng và đại diện cho nền văn học Pháp nhất chính là “Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà”. Tác phẩm phản ánh các xung đột về tôn giáo, nghệ thuật, chính trị, đức tin, đạo đức và các mâu thuẫn tâm lý cá nhân phức tạp.
Đây là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn đại diện cho chủ nghĩa hiện thực của Pháp. Mặc dù mang tính hiện thực nhưng tác giả đã kết hợp với các yếu tố huyền ảo. Dòng văn chương hiện thực huyền ảo sau này tiếp thu bút pháp của Balzac trong “Miếng da lừa”.
Nếu bạn muốn hiểu về tinh thần quý tộc Nga và vẻ đẹp của thiên nhiên Nga thì bạn nên đọc thơ Puskin.
Cuốn sách này luôn được xếp vào danh sách những cuốn tiểu thuyết kinh điển nhất của nước Nga cũng như của thế giới.
Đây là tập truyện ngắn của Oscar Wilde. Tập truyện ngắn không xuất sắc bằng cuốn tiểu thuyết “Bức chân dung Dorian Gray” của ông, tuy nhiên do bản dịch cuốn tiểu thuyết quá tệ nên chúng tôi buộc phải đưa tập truyện ngắn vào danh sách để thay thế. Oscar Wilde là nhà văn cơ bản nhất đại diện cho vẻ đẹp của ngôn ngữ Anh. Văn của ông luôn được đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông ở Anh – Mỹ.
“Người Dublin” là tác phẩm hiện thực xuất sắc nhất của văn chương Anh với sự sống động trong mô tả và cái nhìn trực diện vào bản chất con người.
Đây là tác phẩm xuất sắc nhất và mang tính sử thi nhất của nền văn chương Liên Xô. Tác phẩm mặc dù phản ánh đời sống thảo nguyên thời Xô Viết nhưng rất bay bổng, nhân văn và tự do.
“Lâu đài” là một cuốn tiểu thuyết phi lý và kỳ dị, điển hình cho nghệ thuật tiểu thuyết Đức hiện đại. Tác phẩm đi sâu và những dằn vặt của kiếp người chỉ trong khoảng thời gian 6 ngày mà một người phải chịu đựng.
So với Jean Paul Sartre, Albert Camus điển hình hơn cho tinh thần hiện sinh Pháp. Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông chính là “Người lạ”.
Khó để phân định được rằng “Walden, một mình sống trong rừng” là tiểu luận triết học hay văn chương. Thế nhưng, cuốn sách vẫn xứng đáng được xếp vào danh sách các cuốn sách văn chương bởi vẻ đẹp ngôn từ và những trải nghiệm tinh thần của tác giả.
Đây là cuốn tiểu thuyết phức tạp, đồng hiện nhiều thực tại thời gian, xen lẫn giữa hiện thực – lịch sử- thần thoại, tất cả để phản ánh tinh thần tự do và tình yêu của người nghệ sĩ trong xã hội với nhiều tầng áp bức.
“1984” là tác phẩm đại diện cho dòng tiểu thuyết chính trị Dystopia. Tác phẩm phơi bày một cách rõ rệt tương lai của một xã hội toàn trị sẽ bóp nghẹt nhân phẩm con người. Các bạn có thể tìm đọc thêm một tác phẩm khác của Orwell dễ tiếp nhận hơn là “Trại súc vật”.
Tác phẩm không có cấu trúc phức tạp nhưng được viết bằng một văn phong đẹp đẽ và những tri thức dày đặc về các mâu thuẫn triết học và thực trạng đời sống trong giáo hội thời Trung cổ. Qua đó, Umberto Eco đưa ra các quan điểm của mình về dòng chảy của tri thức và những tự vấn về tư tưởng trong xã hội hiện đại.
Link sách: http://www.hangcao.info/san-pham/ten-cua-doa-hong/
Bài hát chính tôi là tác phẩm đại diện cho phong cách và tư tưởng của thơ ca Mỹ.
Thơ Allen Ginsberg đánh dấu một sự thay đổi trong nền thơ ca Mỹ và tư tưởng xã hội Mỹ những năm giữa thế kỷ 20. Ông có sức ảnh hưởng lớn tới giới trẻ Mỹ và đặc biệt là phong trào New Age.
Milan Kundera là nhà văn tiểu thuyết hiện đại đã tạo ra phương thức tiểu thuyết mới, kết hợp giữa tuyến truyện tiểu thuyết và các tiểu luận triết học. Trong số các tác phẩm, “Đời nhẹ khôn kham” là tác phẩm xuất sắc nhất của ông.
“Hoàng tử bé” là tác phẩm kỳ dị và nhiều biểu tượng ẩn chứa nhiều triết lý cuộc đời sâu sắc, được viết bằng một ngôn ngữ giàu tính thơ. Có nhiều bản dịch “Hoàng tử bé” như của Bùi Giáng, Dương Từ, Phạm Toàn, Trần Thiện Đạo… v…v… nhưng bản dịch chuẩn xác và xuất sắc nhất phải kể đến bản dịch của Vĩnh Lạc.
Mặc dù không được giới hàn lâm thừa nhận nhưng “Nhà giả kim” là tiểu thuyết mang tính biểu tượng tâm linh của thời đại mới có sức ảnh hưởng nhất trên thế giới. Tác phẩm là cuốn sách bán chạy thứ hai trên thế giới, chỉ sau Kinh Thánh.
Cuốn sách điển hình cho văn phong giả tưởng của văn chương Anh. Tác phẩm được viết giàu chất thơ, với rất nhiều biểu tượng tôn giáo nhưng được kể bằng một giọng thân thiện như kể truyện cổ tích.
“Chúa nhẫn” là tác phẩm sử thi giả tưởng hiện đại điển hình nhất cho văn chương Anh nói riêng và phương Tây nói chung. Tác phẩm làm sống dậy phong cách hiệp sĩ xưa kia trên nền văn hóa cổ châu Âu với các triết lý nhân sinh, ẩn dụ chính trị được đan cài qua hệ thống biểu tượng.
Link sách:
D – Văn chương Việt Nam
81. Thơ Trần Nhân Tông
Nếu muốn hiểu về bút pháp và tư tưởng thơ Thiền thời Lý Trần, các bạn có thể tìm hiểu qua thơ của Trần Nhân Tông. Thơ thiền Trần Nhân Tông đã đạt tới cảnh giới cao trong chứng ngộ và nghệ thuật.
“Quốc âm thi tập” là tập hợp những bài thơ do Nguyễn Trãi sáng tác, đại diện cho bút pháp thơ Trung đại Việt Nam thời nhà Lê.
Tác phẩm tập hợp những truyện thần tiên ma quỷ, tương truyền do Lê Thánh Tông sáng tác. Tác phẩm được viết bằng một ngôn ngữ đẹp và kỳ ảo, kết hợp giữa lối kể dân gian và các yếu tố Đạo giáo.
“Truyền kỳ mạn lục” cũng tập hợp nhiều truyện thần tiên ma quỷ do Nguyễn Dữ viết nhưng văn phong và tư tưởng thuần Nho giáo.
“Chinh phụ ngâm khúc” là tác phẩm thơ xuất sắc nhất bằng chữ Hán của thơ ca trung đại Việt Nam do Đặng Trần Côn sáng tác. Bản dịch của Đoàn Thị Điểm sang thể song thất lục bát cũng đạt đến độ tuyệt hảo của ngôn từ như một sáng tạo độc đáo. Thế nên, đây là văn bản chúng ta nên đọc của tiếng Hán và bản dịch.
Đã là người Việt Nam, ai chẳng biết vài câu Kiều. Thế nên “Truyện Kiều” là tác phẩm thơ Nôm điển hình nhất giai đoạn cuối nền văn học Trung đại.
Thơ Nôm Hồ Xuân Hương là một sáng tạo gây shock không chỉ với xã hội phong kiến mà với cả chúng ta ngày nay. Thơ bà là sự kết hợp cho tính dân gian, quan niệm phồn thực và những thủ pháp nghệ thuật tinh vi.
“Cung oán ngâm khúc” là tác phẩm xuất sắc nhất của thể thơ song thất lục bát trong văn học trung đại Việt Nam với nhiều ẩn dụ chính trị thông qua lời than của nàng cung nữ thất thế trong cung cấm.
Tản Đà là gạch nối của thơ trung đại và thơ hiện đại, của tư tưởng Nho giáo và tư tưởng phương Tây hiện đại. Thơ ông điển hình cho giai đoạn chuyển giao xã hội vào những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thời kỷ 20.
“Thi nhân Việt Nam” là một tập hợp các bài phê bình của Hoài Thanh, Hoài Chân và tuyển chọn rất nhiều các bài thơ hay nhất của thời đại vàng thơ ca Việt Nam những năm 1930-1945. Chỉ cần đọc tập thơ này, bạn có thể mường tượng được thời đại văn chương ấy.
Một điều đáng tiếc là “Mê hồn ca”, tác phẩm xuất sắc nhất thời 30-45, sánh ngang với “Lửa thiêng” của Huy Cận, lại không có mặt trong “Thi nhân Việt Nam”. Có thể vì Đinh Hùng quá độc đáo, quá kỳ dị và không phù hợp với tâm thức thời đại ấy chăng? Thế nhưng “Mê hồn ca” ngày càng được các nhà phê bình đương đại đánh giá cao, thậm chí cao hơn đa số các nhà thơ được đưa vào “Thi nhân Việt Nam”, sánh ngang tầm với Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Bích Khê, Hàn Mặc Tử…
“Vang bóng một thời” là tập truyện ngắn xuất sắc nhất thời 30-45, thể hiện tinh thần hoài cổ với những giá trị đẹp đẽ cổ xưa đã bị mai một.
Đây là cuốn tiểu thuyết châm biếm hiện thực xuất sắc nhất của Vũ Trọng Phụng và của văn chương thời 30-45.
Tác phẩm phản ánh được hiện thực xã hội và thân phận và các ước vọng của trí thức thời 30-45
Tác phẩm đại diện cho phong cách lãng mạn của Tự Lực Văn Đoàn với văn phong đẹp đẽ và những mâu thuẫn tinh tế giữa những ràng buộc trong lề luật tôn giáo và tình yêu đôi lứa.
Bướm trắng là tác phẩm tự sự đại diện cho Tự Lực Văn Đoàn với những thang bậc tâm lý từ tuyệt vọng đến hy vọng, đại diện cho tầng lớp trí thức thời 30-45.
“Gió đầu mùa” là tập truyện ngắn xuất sắc của Thạch Lam với những mẩu chuyện dung dị nhưng được viết bằng một văn phong đẹp, nhẹ nhàng và chi tiết trong miêu tả. Tác phẩm đạt đến chuẩn mực của ngôn từ Việt hiện đại.
Đây là tác phẩm tản văn xuất sắc nhất của văn chương Việt Nam hiện đại với sự đồng hiện của hiện thực và quá khứ.
Nguyễn Huy Tưởng là người đi đầu trong sáng tác tiểu thuyết lịch sử bằng bút pháp hiện đại. Tác phẩm xuất sắc nhất của ông chính là “Đêm hội Long Trì”, kể về những cuộc tranh giành quyền lực cuối thời Lê Trịnh.
“Hồ Qúy Ly” là cuốn tiểu thuyết lịch sử xuất sắc nhất với cấu trúc tiểu thuyết đặc sắc, kết hợp giữa tư liệu lịch sử về cuộc biến pháp thời cuối Trần đầu Hồ, các quan điểm chính trị, tư tưởng Tam giáo đồng nguyên Nho – Phật -Lão và văn hóa dân gian Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết, có thể nói là tác phẩm đáng đọc nhất của văn học đương đại.
Theo Book Hunter