6 cuốn sách kinh điển giúp bạn hiểu về nền văn minh Hy–La cổ đại
6 cuốn sách kinh điển giúp bạn hiểu về nền văn minh Hy–La cổ đại
Đắm mình vào trong cái nôi của nền văn minh nhân loại để hiểu về thế giới mà chúng ta đang sống
Bộ Combo Kinh Điển Hy La 6 cuốn sẽ được giảm giá 35% tại Hội sách Công Viên Thống Nhất diễn ra từ ngày 23 Tháng 8 – 27 Tháng 8. Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm tại đường link sau: https://goo.gl/VYmDTB

 

1. Cộng hòa 

 

Ralph Waldo Emerson đã viết về Plato như thế này: “Plato chính là triết học, triết học chính là Plato. Ông không vợ, không con nhưng tất cả các nhà tư tưởng của tất cả các dân tộc văn minh đều là hậu duệ của ông. Biết bao nhiêu con người vĩ đại Tự nhiên đang không ngừng sản sinh ra đều là môn đệ của ông - những người theo chủ nghĩa Plato.”

Cộng Hòa là tác phẩm nổi tiếng nhất của Plato và là một trong những tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất lên sự phát triển tư duy của triết học và học thuyết chính trị. Tác phẩm bàn về nhiều lĩnh vực: thần học, đạo đức học, siêu hình học, tâm lý học, giáo dục học, chính trị học, và lý thuyết về nghệ thuật. Những vấn đề của triết học hiện đại đều được đặt ra tại đây. Nhân vật chính trong tác phẩm là Socrates cùng với nhiều học giả Athen và các nơi thảo luận về ý nghĩa của công lý. Đây cũng là một tác phẩm mà Plato viết để tôn vinh người thầy đã quá cố của mình - Socrates.

Cộng Hòa của Plato được xem là cột mốc lớn của triết học phương Tây. Mặc dù chủ đề chính là về một nhà nước lý tưởng nhưng nó xoay quanh giáo dục, tâm lý, đạo đức và chính trị. Trong những mục chính của “Cộng hòa”, Plato sử dụng những huyền thoại để khám phá bản chất tự nhiên của thực tế, truyền đạt cái nhìn về sự tiên đoán của con người và vai trò của triết học trong việc thiết lập tự do. Ông tưởng tượng ra một cái hang mà những con người bị xiềng xích từ khi mới sinh ra, chỉ làm bạn với cái bóng của chính mình. Vai trò của triết học là đưa con người thoát ra khỏi cái bóng, và hướng bản thân họ đến với thực tế. Đây chính là bản chất của việc theo đuổi sự khôn ngoan mà không một nhà nước lý tưởng nào không làm.

Cộng Hòa là tác phẩm có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của tư duy triết học và học thuyết chính trị suốt hơn hai ngàn năm qua. Có người đã cho rằng, nếu đem tất cả sách vở trên thế giới ra đốt hết thì cũng không hề hấn gì, ngoại trừ cuốn Cộng hòa của Plato.

 

 

2. Chính trị luận

 

Aristotle viết tác phẩm Chính trị luận năm 350 TCN. Cuốn sách này được xem là căn bản cho Chính trị học Tây phương và ảnh hưởng sâu rộng tới các tư tưởng gia đời sau như Cicero, St. Augustine, Aquinas, và các lý thuyết gia khác thời Trung Cổ. Các lý thuyết gia hiện đại như Machiavelli, Hobbes, và các nhà tư tưởng thời Khai Sáng đều dựa trên nền tảng này mà phê phán lý thuyết và mô hình chính trị kiểu Aristotle. Nhờ vậy, họ đã phát triển nên các hệ tư tưởng mới. Vì thế, dù chúng ta có đồng ý hay không với lập luận và lý thuyết của Aristotle, hiểu rõ các nguyên lý căn bản mà Aristotle đã đề ra vẫn là điều cần thiết để có thể hiểu được các nhà tư tưởng thời Khai sáng và Hậu hiện đại.

Trong Chính trị luận, Aristotle đã dùng phương pháp luận lý quy nạp, đi từ đơn vị xã hội nhỏ nhất là gia đình tới xã hội và cuối cùng là quốc gia, để tìm ra những đặc tính thiết yếu mà nhà nước phải có để trở thành một nhà nước lý tưởng. Ngoài phương pháp quy nạp, Aristotle cũng dùng phương pháp so sánh giữa mô hình nhà nước "lý tưởng" và mô hình nhà nước trong thực tế và đưa ra những nguyên lý xây dựng một nền chính trị mang lại "điều tốt nhất" cho con người.

Một số vấn đề được đề cập đến trong Chính trị luận:

- Aristotle tán thành ý kiến của Plato là con người không thể không có quốc gia và mục đích căn bản của chính khách là xây dựng một quốc gia “tốt nhất” - chứ không phải một quốc gia “lý tưởng”;

- Aristotle chú trọng vào sự cải tổ quốc gia đương thời thay vì xây dựng một quốc gia mới hoàn toàn. Theo ông, quốc gia cung cấp cho con người nhiều ích lợi về mặt vật chất nhưng, quan trọng hơn hết, là về mặt luân lý, đạo đức. Ông tin là nhân loại lúc nào cũng cố gắng tìm kiếm những gì tốt đẹp cho nên tổ chức quốc gia có khả năng giúp cho nhân loại tiến bộ;

- Aristotle chú trọng vào vai trò của Hiến pháp và chính thể pháp trị. Hiến pháp là bộ luật căn bản quy định sự phân quyền và tưởng thưởng trong một quốc gia. Sự thành công của một quốc gia lệ thuộc vào khả năng phân chia quyền lợi đồng đều trong xã hội. Quốc gia sẽ đạt được công lý nếu sự tưởng thưởng được chia sẻ và quyền lực chính trị được sử dụng trên căn bản đóng góp cho sự ích lợi của xã hội;

- Theo Aristotle, xã hội dân chủ thực dụng và tốt nhất bao gồm đa số nhân dân lo cày cấy và cho phép các chính khách có khả năng quản trị quốc sự. Quyền lực chính trị tối thượng nằm trong tay của công dân và họ chỉ sử dụng để thay đổi những chính khách vô tài hay phạm lỗi. Chính thể dân chủ do Aristotle đề nghị là chính thể dân chủ đại diện (hay gián tiếp) mà công dân giao trọng trách quản trị quốc gia cho các vị đại diện có khả năng;

- Khi bàn về vấn đề nô lệ, Aristotle quan niệm theo cái nhìn của dân Athens vào thời đó. Sự khác biệt về khả năng và tài đức khiến con người bị phân chia thành chủ nhân và nô lệ. Mặc dù công nhận sự thực một số nô lệ có khả năng và tài đức hơn chủ nhân mà vẫn phải sống đời sống nô lệ là không đúng, Aristotle vẫn tin là một số người sinh ra làm chủ nhân và một số người khác phải làm nô lệ. Ông chỉ khuyên là chủ nhân nên đối xử với nô lệ một cách nhân từ...

 

3. Lịch Sử Chiến Tranh Peloponnese

 

Hy Lạp là cái nôi của nền văn minh phương Tây và là nơi biết bao cuộc chiến tranh đã đi vào huyền thoại. Thần thoại Hy Lạp cũng như Sử thi Iliad và Odyssey của Homer đã trở thành kiến thức chung của nhân loại từ lâu, nhưng có lẽ nhiều người Việt Nam chúng ta chưa biết đến cuộc Chiến tranh Peloponnese, cuộc chiến tranh được coi là lớn nhất tính từ thời Hy Lạp sơ khai cho đến thế kỷ V trước CN, thậm chí còn lớn hơn cả cuộc Chiến tranh thành Troy.

Đây là cuộc nội chiến kéo dài hơn một phần tư thế kỷ giữa hai thế lực hùng mạnh nhất Hy Lạp là Athens và Sparta cùng các đồng minh của mỗi bên, cuộc chiến tranh mà Thucydides đã chép vào sử sách.

Hy Lạp vào thời cuộc chiến tranh này (431-404 trước CN) là một quốc gia cường thịnh, đã thuộc địa hóa hầu như toàn bộ vùng bờ biển Ionia của Tiểu Á, phần lớn Sicily, miền nam Italy, một số thành bang khác ở châu Âu và Bắc Phi, và vừa chiến thắng cuộc xâm lược kéo dài 50 năm của Ba Tư (năm 499-449 trước CN, thường được gọi là Chiến tranh Ba Tư).

Athens sau Chiến tranh Ba Tư nổi lên như một thế lực hải quân hùng hậu nhất Hy Lạp, mặc dù là thành bang có thể chế dân chủ đầu tiên trên thế giới (508 trước CN) và vẫn duy trì dân chủ đến giai đoạn này nhưng thực chất Athens đã trở thành đế quốc và bắt đầu can thiệp quân sự vào các mâu thuẫn giữa các thành bang Hy Lạp nhằm tranh giành bá quyền với Sparta, mở màn cho cuộc chiến tranh này.

Sparta, trái lại, đã được các thành bang khác công nhận bá quyền trong Chiến tranh Ba Tư, và mặc dù có thể chế oligarchy (thể chế quyền lực tập trung trong tay hai vị vua và hội đồng các đại pháp quan) nhưng có đường lối chính trị ôn hòa, đã phải tham chiến để bảo vệ các đồng minh và bá quyền của mình. Cuộc chiến tranh đã mở rộng sang cả các thuộc địa của Hy Lạp ở Tiểu Á, Sicily và Italy.

Có rất ít thông tin về Thucydides, tác giả của cuốn sử ký này, những gì mà lịch sử còn để lại cho chúng ta là ông sinh khoảng năm 460 trước CN trong một gia đình giàu có ở Athens, và mất khoảng năm 400 trước CN. Ông sở hữu một số mỏ vàng ở Thasos – một hải đảo ngoài khơi xứ Thrace; năm 424 trước CN, ông được phong làm một vị tướng của Athens và được cử đến Thasos trong thời gian tướng quân Brasidas của Sparta tiến hành cuộc viễn chinh thôn tính Thrace;

Thucydides đã đem quân đi cứu Amphipolis, một thành có tầm chiến lược quan trọng hàng đầu ở Thrace, khi thành này bị Brasidas tấn công, nhưng không đến kịp để ngăn Amphipolis đầu hàng Brasidas; vì thất bại này, ông đã phải lưu vong 20 năm trời và ông đã dành quãng thời gian lưu vong đó để ghi vào sử sách hầu như toàn bộ các sự kiện quan trọng nhất của cuộc chiến tranh dài hơn một phần tư thế kỷ mà ông là chứng nhân, như ông đã thuật lại.

Với sự khiêm nhường của một nhà hiền triết, Thucydides đề cập rất ít đến vai trò của chính mình trong cuộc chiến tranh này, nhưng ông lại phác họa sống động đến từng chi tiết bức tranh Hy Lạp từ thời sơ khai cho đến cuộc chiến tranh này; ông không thi vị hóa cũng không cường điệu hóa các sự kiện lịch sử, mà mô tả chúng một cách chân thực và đầy đủ nhất, tái hiện toàn cảnh các xứ ở Hy Lạp trong cuộc chiến, gồm các thành bang độc lập với những thể chế và phong tục tập quán riêng, bị cuốn vào cuộc chiến tranh này hoặc đứng về phía Sparta hoặc về phía Athens; các chiến lược, cách thức và phương tiện chiến tranh của từng thành bang, các cuộc hòa đàm và đàm phán ngoại giao, các phong tục và lễ hội, luật pháp chung và riêng của từng xứ sở...

Cuốn "Lịch sử Chiến tranh Peloponnese" của Thucydides được đánh giá rất cao về tính chân xác của các sự kiện và tính triết học, các sử gia Hy Lạp thế hệ sau ông như Ctesias, Diodorus, Strabo, Polybius và Plutarch coi tác phẩm của ông là khuôn mẫu của lịch sử đích thực.

 

4. Bàn về chính quyền

 

Bàn về chính quyền là một trong những nền tảng tư tưởng của Phương Tây của triết gia vĩ đại Cicero

Thuật cầm quyền có vai trò thiết yếu đối với cuộc sống của chúng ta, và là thứ nghệ thuật cực kỳ phức tạp. Chúng ta sẽ nhận ra độ phức tạp của nó khi xem xét những sai lầm kinh hoàng của những nhà cai trị xuyên suốt các thời đại, và vẫn còn tiếp diễn đến ngày nay. Vì vậy họ cần phải biết rõ hơn về công việc mà họ đang nỗ lực thực hiện, cũng như về thành tựu và sai sót nổi bật trong sự nghiệp của những chính quyền khác trong quá khứ. Về mặt này, chính quyền La Mã cổ đại hết sức phù hợp và không ai ngoài Cicero có thể bàn về nó.

Cicero sinh ra tại Arpinium trong một gia đình bản xứ sung túc. Ông được đưa đến Rome để học tập theo định hướng sự nghiệp công, và vào năm 70 TCN ông đã vươn đến địa vị trạng sư hàng đầu ở Rome, nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng và đóng vai trò nổi bật trong chính quyền Cộng hòa La Mã. Trong khối lượng tác phẩm đồ sộ của ông, Bàn về chính quyền là cuốn sách chọn lọc những gì tinh túy nhất bàn về chính khách và chính quyền. 

Bảy tác phẩm được tập hợp trong cuốn sách này diễn giải lòng tin đầy đam mê của ông trong việc hòa hợp quốc gia, chúng thể hiện trọn vẹn quyền lực vững mạnh của ông trong vai trò một biện giả và một tác giả. 

Các tác phẩm được trình bày dưới hình thức diễn văn và những cuộc thảo luận giả định. Với những hình thức này Cicero có thể thể hiện trọn vẹn trí tuệ, kiến thức và kỹ năng lập luận sắc sảo của mình. Những cuộc thảo luận giả định đầy thú vị xen những câu chuyện có phần châm biếm, hài hước cũng rất cuốn hút và giúp độc giả dễ hình dung, theo dõi.

Các công trình của Cicero cũng chính là cuộc đời ông, là những gì mà ông đã sống, chiến đấu và hy sinh để bảo vệ. Đó chính là cội nguồn của giá trị và sức lay động của tác phẩm này.

 

5. Những Cuộc Chinh Phạt Của Alexander Đại Đế

 

Cuốn sách này thực sự là một tuyệt tác của Arrian, một sự đảm bảo vĩnh viễn cho danh tiếng của ông. Arrian đã nói rõ về tầm quan trọng của cuốn sách này đối với ông.

"Tôi không cần tuyên bố danh tính của mình - mặc dù nó chưa từng được ai biết tới; không ần ghi rõ quê hương tôi và gia đình tôi, hoặc bất kỳ chức vụ hành chính nào mà tôi đã từng nắm giữ. Tôi chỉ muốn nói điều này: rằng cuốn sách này, từ khi tôi còn trẻ, đã quý giá hơn quê hương, dòng họ và sự thăng tiến - quả thực, đối với tôi, nó chính là tất cả những điều đó."

Arrian đã nắm bắt được một đề tài hấp dẫn, và một cơ hội huy hoàng. Không một ai đã từng viết về Alexamder Đại đế nhiều hơn ông. Không một ai, một nhà thơ hoặc nhà văn nào, có được sự công minh như ông. Chừng nào những tác phẩm của những tác giả trước đó (viết về Alexamder) còn chứa những sai lầm hiển nhiên, chừng đó một Alexamder thực sự còn bị che giấu dưới vô vàn những tuyên bố mâu thuẫn. Cuốn cách của Arrian quả thực đã chấm dứt tình trạng này. Tầm quan trọng của Alexamder Đại đế to lớn đến mức Arrian không ngần ngại thách thức cả những sứ giả Hy lạp vĩ đại.

 

6. Iliad

 

Iliad là bản trường ca Hy lạp cổ nhất và có lẽ hay nhất trong văn học Tây phương. Qua chuỗi dài lịch sử đã tạo cảm hứng cho vô vàn tác phẩm nghệ thuật, từ hội họa, kiến trúc, thi ca cho đến tiểu thuyết, kịch nghệ, âm nhạc.

Tác phẩm tất cả gồm hai mươi bốn khúc, khúc nào cũng lôi cuốn khiến người nghe ngây ngất, phần vì ý phần vì lời. Kể một giai đoạn ngắn năm mươi ngày trong năm thứ mười cuộc chiến tranh thành Troie, với câu chuyện xoay quanh về mối bất hòa giữa vị tướng kiệt xuất Achilleus của Hy Lạp và thống soái Agamemnon, cùng với nỗi phẫn nộ Achilleus cực chẳng đã phải mang trong lòng.

Chiến trận rền vang, chàng lui về trại không tham dự, lực lượng Achaian vì thế suy yếu trầm trọng. Mãi tới lúc bạn chí thiết Patroklos tử trận, chàng mới rời trại ra chiến trường giao chiến và giết chết Hektor. Không những thế nhân giao chiến, mà cả thần linh cũng xung đột sâu sắc, và cuộc chiến vì thế trở nên kéo dài và vô cùng đẫm máu. Phần cuối trường ca kể về lễ hỏa táng Hektor.

Tác phẩm là biểu tượng miêu tả số phận nhân loại hoàn toàn do định mệnh đưa đẩy.Đời sống xã hội Hy Lạp cổ đại cũng được phản ánh một cách chân thực trong tác phẩm, trong đó có thể thấy quá trình diễn biến từ chế độ thị tộc đến sự hình thành thành bang của chế độ nô lệ, đồng thời ca ngợi các nhân vật anh hùng kiệt xuất của phía Hy Lạp như Achille, của phía Troie như Hektor. Kết hợp chuyện truyền khẩu với chuyện thần thoại để đúc kết, tác phẩm được các thi sĩ ca công ngâm vịnh, phô diễn trước quần chúng qua nhiều thế hệ trước khi được ghi lại thành văn vào thế kỷ VIII trước công nguyên.

Trạm Đọc tổng hợp 

Tags: