Nguyễn Nhật Ánh hẳn không còn là cái tên xa lạ đối với độc giả Việt Nam. Chất lôi cuốn của Nguyễn Nhật Ánh nằm ở lối kể chuyện dí dỏm, cốt truyện tươi mới mà gần gũi, lời văn chân phương, giản dị, đượm dáng vẻ văn học Việt Nam. Nhiều lời viết của Nguyễn Nhật Ánh được các thế hệ độc giả thuộc nằm lòng, tới nỗi khi nào cũng có thể sẵn sàng tự mình đọc lại.
Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ là câu chuyện giản đơn mà đẹp đẽ về một tình bạn vượt khỏi những nguyên tắc thông thường giữa một con mèo nhà (Gấu) và một con chuột nhắt tên Tí Hon trong cộng đồng chuột tại "lâu đài nhà vua", xuất phát từ sự đồng cảm mãnh liệt và sâu sắc về tình yêu. Đan cài trong cuốn truyện là cuộc kiếm tìm nàng mèo Áo Hoa, thương yêu của Mèo Gấu, đã bị bắt đi từ lâu lắm...
Trong cuốn truyện của Nguyễn Nhật Ánh, Mèo Gấu cũng vào vai một thi sĩ đỏm dáng với những vần thơ tình ngọt ngào:
1.
Bé yêu yêu đã ngủ chưa?
Anh yêu yêu cũng mới vừa ngủ xong
Nến yêu yêu cháy trong phòng
Tình yêu yêu chảy trong lòng yêu yêu...
2.
Gọi tên em là gió
Em bay lên đại ngàn
Gọi tên em là suối
Em xuôi về đại dương
Gọi tên em là nhớ
Em càng thêm cách xa
Gọi tên em là đợi
Biết bao lâu về nhà
Thôi thì anh sẽ gọi
Tên em là Áo Hoa
Để ngày nào cũng thấy
Em đi vào đi ra..
Là một trong những cuốn sách xuất sắc nhất của Nguyễn Nhật Ánh, Tôi là Bêtô được kể từ ngôi kể của một chú chó tên Bêtô trong một gia đình ba người. Cuốn sách là bài ca sống động về tình yêu thương và tình bạn, là vẻ đẹp màu nhiệm từ những điều giản đơn nhất trên thế giới, là cả bài học sau những mất mát không thể tránh khỏi. Qua Bêtô, những triết lý sống được thể hiện một cách giản đơn, nhẹ bẫng mà đầy tự nhiên và sâu sắc.
3.
Khóc, đôi khi là một kiểu cười. Và ngược lại.
4.
Càng lớn tuổi, con người ta càng nói ít đi. Họ nghĩ nhiều hơn.
5.
Khi bạn không làm được điều bạn muốn làm, có lẽ bạn cũng cảm thấy tự do bị tước đoạt.
6.
Gặp một chú lùn ước mơ lớn lên sẽ chơi bóng rổ hay một chú bé dị tật ở chân nuôi mộng sau này trở thành ngôi sao bóng đá thì đó không phải là điều mà bạn nên chế nhạo.
Một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra ý nghĩa của ước mơ không phải ở chỗ nó có phù hợp với khả năng thực tế hay không. Điều quan trọng là nó cho phép bạn sống thêm một cuộc đời nữa với cảm xúc của riêng bạn, trong một thế giới mà bạn có thể hóa thân một cách hồn nhiên nhất vào đấng toàn năng.
Như vậy, ước mơ không chỉ là chiếc bàn là tinh thần giúp bạn ủi phẳng những nếp nhăn của số phận mà còn là cách để bạn bắt gặp hình ảnh của Thượng Đế trong bản thân mình.
7.
Tôi chưa bao giờ tự gọi tên tôi. Hôm nay là lần đầu và tôi ngạc nhiên nhận ra mình tự gọi tên mình rồi lim dim mắt lắng nghe cái âm thanh vừa thân thiết vừa bổng nhiên lạ lẫm đó ngân nga trong tai là một điều vô cùng thú vị.
Nếu không tin bạn hãy thử gọi tên bạn một lần đi, bạn sẽ thấy lòng bạn nayy mầm một cảm xúc gì đó như là sự trìu mến, nỗi hân hoan và niềm kiêu hãnh – cùng một lúc.
Đó cũng là một trong vô vàn những điều thú vị mà cuộc sống cố tình giấu kín ở ngóc ngách nào đó trong tâm hồn của mỗi chúng ta theo cái cách các bậc cha mẹ vẫn giấu quà tặng con cái ở những nơi bất ngờ nhất trong nhà.
Khám phá những điều thú vị đó, hay tìm thấy những món quà đó, chính là làm giàu thêm ý nghĩa của cuộc sống và bổ sung thêm lý do để cuộc sống trở nên đáng sống.
Là cuốn truyện đồng hành với bao thế hệ, được yêu thích bởi mọi độ tuổi, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là hành trình ngược dòng ký ức về với những kỷ niệm "chẳng giống ai" thời thơ ấu của nhân vật chính, cùng những người bạn từ tấm bé của mình. Những câu chuyện về thời ấu thơ hẳn luôn có sức truyền cảm mạnh mẽ, bởi nó gợi lên một phần con trẻ nghịch ngợm, sống động và vui tươi trong mỗi ngừi, một phần tâm hồn không thể bị bào mòn bởi tháng năm.
8.
Nhiều người sợ nỗi buồn. Nhưng tôi không sợ. Tôi chỉ sợ một cuộc sống không buồn không vui, nói chung là nhạt nhẽo. Đôi khi chúng ta cũng cần có nỗi buồn làm bạn, nhất là lúc cuộc sống bỗng dưng trống trải và cảm giác cô độc xâm chiếm ta từng phút.
9.
Đêm nay tôi bước vội khỏi nhà.
Đến ga, xếp hàng mua vé:
Lần đầu tiên trong nghìn năm.
Có lẽ.
Cho tôi xin một vé đi Tuổi thơ.
Vé hạng trung
– Người bán vé hững hờ
Khe khẽ đáp:
Hôm nay vé hết!
– Biết làm sao!
Vé hết, biết làm sao!
Đường tới Tuổi Thơ còn biết hỏi nơi nào?
Câu chuyện tình đẹp mà buồn của Mắt biếc là một trong những ký ức sâu sắc nhất của người đọc sách Nguyễn Nhật Ánh. Ai cũng tìm thấy một phần mình trong câu chuyện ấy, một thời yêu đầy tinh khôi và cũng nhiều đau khổ hằn in lên trái tim non trẻ.
10.
Tôi đủ lớn để hiểu rằng, mỗi năm thế giới mỗi đổi thay và lòng người cũng khác. Tuổi ấu thơ chỉ có một con đường để cùng nhau chung bước. Khi lớn lên, trước mắt ta có lắm nẻo đường đời, bao nhiêu số phận là bấy nhiêu ngã rẽ, làm sao người chẳng quên người.
11.
Tôi gửi tình yêu cho mùa hè, nhưng mùa hè không giữ nổi. Mùa hè chỉ biết ra hoa, phượng đỏ sân trường và tiếng ve nỉ non trong lá. Mùa hè ngây ngô, giống như tôi vậy. Nó chẳng làm được những điều tôi kí thác. Nó để Hà Lan đốt tôi, đốt rụi. Trái tim tôi cháy thành tro, rơi vãi trên đường về.
12.
Điều đáng ngán nhất trong tình yêu là khi mình yêu ai, mình không biết họ có biết điều đó hay không. Điều đáng chán thứ nhì là khi mình biết họ biết điều đó rồi thì mình lại không biết học có yêu lại mình hay không. Cả hai điều nhất nhì đó, tôi đều gom đủ. Vì vậy, tôi càng chán tợn. Tôi chẳng biết làm sao thoát ra khỏi nỗi buồn.
Có thể khẳng định rằng, đóng góp của Nguyễn Nhật Ánh tới văn học Việt Nam là không thể phủ nhận. Nhà văn ấy đã "'rung những quả chuông tâm hồn" của từng dân tộc bằng văn chương, làm cho tiếng chuông reo ấy trong trẻo mãi.