12 tiểu thuyết kinh điển được viết bởi các nữ tác giả mà phái nữ nên đọc
12 tiểu thuyết kinh điển được viết bởi các nữ tác giả mà phái nữ nên đọc
Mặc dù những câu chuyện kinh điển này đã khác xa với ngày nay, nhưng chúng vẫn mang tính phổ quát khi đề cập đến các vấn đề: quê hương, gia đình, tình yêu. Những cuốn sách này viết về cuộc sống của phụ nữ, thể hiện thế giới quan xuất sắc của tác giả. Mặc dù có rất nhiều tiểu thuyết khác có thể được đưa vào danh sách này, nhưng đây là 12 tiểu thuyết kinh điển mà phái nữ nên đọc.

1/ “Kiêu hãnh và Định kiến” của Jane Austen

Elizabeth Bennet có bốn chị em gái, một người mẹ muốn gả hết họ đi, một người cha nhốt mình trong phòng làm việc và một chàng trai đến cầu hôn không mấy quyến rũ. “Kiêu hãnh và Định kiến” không chỉ là câu chuyện về một cô gái gặp một chàng trai, mà còn là về việc tình yêu có thể nảy nở như thế nào ở thời điểm, ở những nơi ta không thể ngờ tới nhất. Không những thế, câu chuyện còn truyền tải thông điệp về những ấn tượng đầu tiên có thể khiến ta dễ đánh giá sai lầm ra sao. 

 

2/ “Middlemarch” của George Eliot

Đây là một câu chuyện về những mối quan hệ phức tạp, khi Dorothea Brooke kết hôn với Casaubon khốn khổ và trở thành góa phụ. Sau đó, người em họ của Casaubon là Will Ladislaw đã nảy sinh tình cảm với Dorothea. Với dàn nhân vật xuất sắc, “Middlemarch” là câu chuyện về cuộc sống ở một thị trấn nhỏ và những ước mơ lớn lao ẩn chứa bên trong nó.

 

3/ “Những người phụ nữ bé nhỏ” của Louisa May Alcott

Bốn chị em gái - Meg, Jo, Beth và Amy - sống trong cảnh nghèo khó và kết bạn với một chàng trai giàu có, Laurie, trong khi Nội chiến đang diễn ra. Tổ ấm và gia đình là chủ đề trung tâm trong “Những người phụ nữ bé nhỏ”. Đây là câu chuyện về quá trình lớn lên của những cô gái, họ phải đối mặt với tình yêu, sự mất mát và những thực tế khác của tuổi trưởng thành. 

 

4/ “Jane Eyre” của Charlotte Brontë

Jane Eyre là cuốn tiểu thuyết kể về những trải nghiệm của nhân vật nữ chính cùng tên, bao gồm cả quá trình trưởng thành cũng như tình yêu của cô dành cho Rochester, chủ nhân của lâu đài Thornfield. Câu chuyện mang âm hưởng gothic với những bước ngoặt bi thảm, tập trung vào sự phát triển tinh thần và đạo đức của nhân vật chính. 

 

5/ “Đồi gió hú” của Emily Brontë

Heathcliff được nhận làm con nuôi trong gia đình Catherine, và cả hai trở nên không thể tách rời cho đến khi Catherine kết hôn với người anh họ của mình, gây ra mối thù oán trong một mạng lưới mối quan hệ phức tạp và làm tan nát những trái tim. Emily Brontë là em gái của Charlotte Brontë, và câu chuyện này có thể khiến bạn thích hoặc ghét, nhưng nó là câu chuyện đáng đọc. 

 

6/ “Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh’’ của L.M. Montgomery

Anne Shirley tóc đỏ là một cô bé mồ côi lanh lợi, tinh nghịch khiến gia đình mới cũng như hàng xóm của cô ở Đảo Hoàng tử Edward vừa khó chịu, vừa thích thú. Nắm bắt vẻ đẹp thơ mộng của cuộc sống đời thường, “Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh’ đã vẽ nên bức tranh về những nỗi vui buồn của tuổi thơ.

 

7/ “North and South” (tạm dịch: Hai chiều Nam Bắc) của Elizabeth Cleghorn Gaskell

Lấy bối cảnh vào giữa thế kỷ 19 và được viết từ trải nghiệm trực tiếp của tác giả, “North and South” kể về hành trình của nhân vật Margaret Hale từ  những con đường yên tĩnh nhưng suy tàn của miền nam nước Anh đến miền bắc đầy sức sống nhưng hỗn loạn. Cách kể chuyện khéo léo của Elizabeth Gaskell sử dụng một câu chuyện tình yêu khác thường để cho thấy cuộc sống cá nhân và cộng đồng gắn kết với nhau như thế nào trong một xã hội công nghiệp mới.

 

8/ “Công chúa nhỏ” của Frances Hodgson Burnett

Cô bé Sara Crewe mồ côi mẹ được gửi từ Ấn Độ về nhà để theo học tại trường Miss Minchin's. Cha của cô vô cùng giàu có và cô trở thành một cô công chúa nhỏ tại ngôi trường. Sau đó, cha cô qua đời và tài sản của ông biến mất, Sara phải học cách đương đầu với hoàn cảnh đã thay đổi của mình. Tính cách mạnh mẽ đã giúp Sara chiến thắng tình cảnh nghèo đói và sự khinh miệt của người xung quanh. 

 

9/ “Tỉnh thức” của Kate Chopin

Cuốn tiểu thuyết xuất bản lần đầu vào năm 1899. Bối cảnh được đặt ở New Orleans và bờ biển phía Nam bang Louisiana vào cuối thế kỷ XIX, cốt truyện tập trung vào Edna Pontellier và cuộc đấu tranh của nàng về bản năng nữ tính và làm mẹ khi thái độ xã hội hiện hành ngày càng không theo truyền thống ở Nam Mỹ vào thời điểm đó. “Tỉnh Thức” là một trong những tiểu thuyết Mỹ sớm nhất tập trung vào các vấn đề của phụ nữ không cam chịu. Nó cũng được coi như là một công việc mang tính bước ngoặt đầu tiên của chủ nghĩa nữ quyền, tạo ra phản ứng trái chiều và những lời chỉ trích cay nghiệt từ độc giả đương đại.

 

10/ “The House of Mirth” của Edith Wharton

“The House of Mirth” kể về câu chuyện của Lily Bart, 29 tuổi, xinh đẹp, nghèo khó và cần một người chồng giàu có để bảo vệ vị trí của cô trong giới thượng lưu xã hội, đồng thời hỗ trợ những thói quen đắt tiền của cô - quần áo, tổ chức từ thiện và cờ bạc. Không muốn kết hôn mà không có cả tình yêu và tiền bạc, Lily trở nên dễ bị tổn thương bởi những lời đàm tiếu và vu khống gắn liền với một cô gái đã tham gia thị trường hôn nhân quá lâu.

Khi Wharton tạo nên hành trình của Lily, bà cũng đã phác họa một bức tranh toàn cảnh về một xã hội đang trong quá trình chuyển đổi, một New York đang thay đổi nhanh chóng, nơi những cách cư xử, đạo đức và gia đình kiểu cũ đã biến mất, và cá nhân trở thành một thứ hàng hóa có thể trao đổi được. 

 

11/ “Khu vườn bí mật” của Frances Hodgson Burnett

Cô bé Mary Lennox tinh nghịch được gửi đến sống với người chú ẩn dật của mình tại Trang viên Misselthwaite trên vùng đồng hoang Yorkshire của Anh sau cái chết của cha mẹ cô. Ở đó, cô gặp một người quản gia nhiệt tình, một người làm vườn nghiêm khắc, một chú chim cổ đỏ vui vẻ và người anh họ ốm yếu Master Colin - người mà cô đã nghe thấy tiếng than khóc vang vọng khắp ngôi nhà vào ban đêm. Với sự giúp đỡ của chú chim cổ đỏ, Mary tìm được cánh cửa dẫn đến một khu vườn bí mật bị bỏ quên trong nhiều năm. Khi cô quyết định bí mật khôi phục lại khu vườn, câu chuyện trở thành hành trình khám phá những ngóc ngách trong trái tim, nơi niềm tin mang lại sức khỏe, những bông hoa làm tươi mới tinh thần và phép lạ của khu vườn đã khiến nó sống lại một lần nữa, mang lại sức khỏe cho Colin và niềm vui cho Mary. 

 

12/ “Thuyết phục” của Jane Austen

Anne Elliot, con gái của Ngài Walter Elliot hợm hĩnh, là một cô gái có nét duyên dáng trầm lặng. Khi 19 tuổi, cô yêu và đính hôn với một sĩ quan hải quân Wentworth dũng cảm và cứng đầu. Nhưng chàng trai trẻ không có tài sản, và Anne đã bị thuyết phục và từ bỏ anh. 

8 năm sau, Wentworth đã trở lại. Anh đã trở thành một người đàn ông giàu có và vẫn chưa có vợ. Lúc này, tình yêu của của Anne bị niềm kiêu hãnh của cô bóp nghẹt, còn anh thì lạnh lùng và thờ ơ. 

Liệu cuộc tình của họ có được nối lại, hay Anne sẽ bị thuyết phục để trở thành phu nhân của một Tòng nam tước? 

 “Thuyết phục” là cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh cuối cùng của Jane Austen và là một câu chuyện đáng suy ngẫm về cơ hội thứ hai, là một trong những câu chuyện lãng mạn nhất trong văn học. 

 

- Trạm Đọc tổng hợp

Tags: