Giải Sách Hay (tên tiếng Anh: GoodBooks Award, sau đây gọi tắt là GSH) là giải thường niên về sách do Viện IRED (một viện nghiên cứu độc lập và phi lợi nhuận) tổ chức. Đây là giải “dân lập” đầu tiên về sách của Việt Nam và cũng là giải về sách có quy mô rộng rãi nhất hiện nay do học giả (tính chuyên gia) và độc giả (tính đại chúng) bình chọn.
Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc, Giáo sư Chu Hảo, Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung là những học giả, chuyên gia uy tín được lựa chọn trờ thành Hội đồng trao giải của Giải Sách Hay năm 2016
1. Nỗi buồn chiến tranh
“Nỗi buồn chiến tranh” đã làm cho bức chân dung về con người trong văn học những năm gần đây đầy đủ hơn bằng sự diễn tả quá trình tự ý thức của con người về lịch sử, về số phận bằng việc thêm vào đó nỗi đau tinh thần, khát khao đến vô vọng về hạnh phúc và sự day dứt, trăn trở không nguôi về quá khứ. Vả lại, bản chất của văn chương là nỗi đau đời, là sự nuối tiếc không nguôi về thời gian, về thân phận, về những gì không lặp lại.
Trong ý nghĩa đó, cùng với cách viết văn tỉnh táo, giàu chất suy nghĩ, say đắm chất trữ tình, tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh xứng đáng là “thành tựu rực rỡ nhất của văn học thời đổi mới” (Nguyên Ngọc), chắc chắn sẽ còn mãi với thời gian.
2. Nghệ nhân và Margarita
...“Bi kịch của Nghệ nhân là anh không được người đương thời hiểu và đánh giá đúng. Nó cũng là bi kịch của đời riêng Bulgakov và nhiều thiên tài khác. Nhưng ở đây có điểm khác biệt giữa cuộc đời Nghệ nhân và đời thật của nhà văn: Bulgakov đã đấu tranh quyết liệt cho số phận của mình, còn Nghệ nhân thì không.
Có lẽ điều khác biệt này thể hiện lập trường của Bulgakov trong nghệ thuật. Về điều này một nhà nghiên cứu Bulgakov viết: “Nghệ nhân không phải là chiến sĩ. Nghệ nhân là nghệ sĩ. Mỗi người cần phải là chính mình. Và Nghệ nhân, hơn bất kỳ một ai khác, đã sống đúng là mình - là hiện thân vừa của sức mạnh vô biên, vừa của sự yếu đuối vô bờ của sự sáng tạo...”.
3. Sông Côn mùa lũ
Cuốn sách viết về phong trào Tây Sơn từ lúc khởi đầu đến khi vua Quang Trung băng hà, đấy là thời kỳ ngắn ngủi và bi tráng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Viết Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Mộng Giác không bị những cái lớn lấn át như chiều kích của những trận đánh lịch sử, những nhân vật anh hùng, mà ông hướng về nhân sinh, nhân thế bằng sự hiện diện sống động của các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử. Như vậy, Sông Côn mùa lũ là một cuốn tiểu thuyết mang “một quan niệm mới cả về tiểu thuyết và cả về lịch sử” (Mai Quốc Liên).
4. Trăm năm cô đơn
Trăm năm cô đơn" được đánh giá là sản phẩm tuyệt vời của hư cấu nghệ thuật. Với bút pháp "hiện thực huyền ảo", Márquez đã dựng nên một ngôi làng có tên gọi Macondo. Đó là ngôi làng không một người dân nào sống quá ba mươi tuổi và chưa có nghĩa địa, đã từng xảy ra những chuyện hoang đường như cơn mưa hoa trong một đám tang, những con người được hoài thai bởi bướm và bọ cạp, những người có đuôi, có người bay lên trời không trở lại... ở ngôi làng đó, những người con trai và con gái cùng huyết thống đã yêu nhau, lấy nhau, sinh ra những đứa con dị tật có đuôi như lợn hoặc như khỉ!
Márquez muốn nhắn nhủ một điều giản dị, nhưng sâu đậm tính nhân văn: Mọi người hãy sống đúng bản chất người - tổng hòa các mối quan hệ xã hội của mình, hãy vượt qua mọi định kiến, thành kiến cá nhân, hãy lấp bằng mọi hố ngăn cách cá nhân để cá nhân tự hòa đồng với gia đình, xã hội.
5. Biển và chim bói cá
Biển và chim bói cá lấy bối cảnh thời bao cấp. Cận hơn là không khí sống, lao động, yêu thương và bon chen quanh một xí nghiệp quốc doanh đánh cá trên biển. Truyện không có nhân vật chính, chỉ phơi ra hàng chục gương mặt của những con chim bói cá ở cả trên biển lẫn trên bờ. Thế giới của những người trực tiếp đánh giậm trên biển đầy nhọc nhằn nhưng lắm tiếng cười; nhộn nhạo nhưng rất cô đơn; khát khao yêu thương nhưng lúc nào cũng thiếu thốn. Thế giới của những kẻ ăn theo trên bờ cũng đông đúc, bon chen với đầy mưu mô và thủ đoạn.
6. Nắng tháng 8
"Nắng tháng 8" của Faulkner viết ra không phải để cho người khác đọc một cách ơ hờ, thoải mái. Nó là một cuộc thử thách, muốn độc giả trải nghiệm một cái gì đó rất riêng tư, rất thầm kín như tiếng thì thầm nức nở của nhân vật. Là phần tăm tối nhất của con người. Họ bị giằng néo trong một thế giới mà việc tồn tại nghĩa là nhận lãnh trách nhiệm và không thể thoát ra khỏi nó. Chỉ khi họ dám đương đầu, họ mới được tự do.
7. Người đi vắng
Người đi vắng, tự cái tựa đó đã nói rất nhiều. Cô đơn. Vô hình. Bí ẩn. Khoảng trống. Người đi vắng (1999) là một trong những khởi điểm của dòng chảy Nguyễn Bình Phương vào thế giới vô thức, mộng mị, hồng hoang, sẽ được tiếp nối bằng Trí nhớ suy tàn (2000) và Thoạt kỳ thuỷ (2004).
8. Bắt Trẻ Đồng Xanh
Bắt Trẻ Đồng Xanh đã mượn suy nghĩ của một chàng trai trẻ để nhìn về cuộc sống một cách hài hước và thông minh. Ngôn từ đơn giản, đôi khi rất thô tục thể hiện con người nhân vật, cuốn sách đi vào lòng người bởi những triết lý giản đơn vẫn đang hiện hữu từng ngày trong cuộc sống. Và rồi sẽ đọng lại trong lòng người đọc một ý nghĩ tưởng như đã quên mất từ lâu: Mình là chính mình.
9. Miền hoang
Nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ về cuốn sách của Sương Nguyệt Minh: "Với đời sống văn học, chiến tranh luôn là một đề tài lớn, trong đó, đề tài về cuộc chiến của người lính Việt Nam trên chiến trường Campuchia là cuộc chiến vô cùng ác liệt, phức tạp, khắc nghiệt và gay gắt. Sự sáng tạo trong bút pháp của Sương Nguyệt Minh đã góp phần giúp cho độc giả hiểu thêm về bản chất của cuộc chiến này".
10. Những đứa con của nửa đêm
Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh quá trình chuyển tiếp của Ấn Độ từ thời thuộc địa Anh sang độc lập rồi tách thành ba quốc gia độc lập Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Những đứa con của nửa đêm không phải được viết ra để đọc thật nhanh. Đồ sộ như chính nó, huyền hoặc như chính nó, với một người dẫn chuyện lơ đãng có chủ đích, một lượng từ vựng khổng lồ và vô vàn tham chiếu đến lịch sử cũng như thần thoại của một đất nước thịnh vượng bậc nhất về mặt văn hóa. Cuốn sách làm choáng ngợp ngay cả những người đọc dạn dày. Đây là sự trải nghiệm kỳ thú về tình yêu và mất mát, về những số phận trôi dạt giữa lịch sử đầy bão dông, giữa những nang lực diệu kỳ và phép thuật kỳ diệu như cổ tích.
Trạm Đọc (Read Station)
Theo Sách Hay
Thích các cuốn sách của giải Sách Hay? Tìm hiểu thêm những tựa sách được giải năm nay tại đây.