25 cuốn sách về biến đổi khí hậu hay bạn nên đọc trong năm 2024
25 cuốn sách về biến đổi khí hậu hay bạn nên đọc trong năm 2024
Sách là một trong những công cụ tốt nhất để giải mã và tiếp cận những thông tin khoa học về khí hậu. Dưới đây là danh sách những cuốn sách hay nhất về biến đổi khí hậu mà mọi người nên đọc, được tuyển chọn bởi Earth.Org. 

1/ “The New Climate War” (tạm dịch: cuộc chiến khí hậu mới) của Michael Mann 

 

Michael Mann được cho là một trong những siêu anh hùng về khí hậu. Câu chuyện của ông gợi nhớ đến một số cuộc phiêu lưu siêu anh hùng trong điện ảnh.S au khi tạo dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực khoa học khí hậu vào năm 1999 khi là đồng tác giả của biểu đồ nổi tiếng 'hockey stick',  biểu đồ này cho thấy hoạt động của con người đã góp phần làm tăng nhiệt độ trung bình của Trái Đất như thế nào, Michael Mann đã bị chỉ trích, công kích và bác bỏ bởi một hệ thống do những "kẻ phản diện" trong công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và những bộ phận vì lợi ích nhóm. Nhưng anh hùng của chúng ta không lùi bước, và tiếp tục đấu tranh để lĩnh vực khoa học khí hậu mới nổi này được công nhận.

Trong cuốn sách “The New Climate War”, Mann giải thích cách mà ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đã thay đổi thế giới, từ việc phủ nhận đến việc cản trở và chuyển trách nhiệm sang cá nhân, do đó làm trì hoãn những hành động cần thiết để thay đổi hệ thống. Cuốn sách giải mã mạng lưới thông tin sai lệch và những góc khuất mà ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đã duy trì kể từ khi biến đổi khí hậu trở thành một thực tế không thể chối cãi. 

Với sự lạc quan và thận trọng, tác giả Michael Mann cho rằng những thách thức cơ bản mà chúng ta vẫn đang đối mặt hôm nay không phải là thiếu khả năng công nghệ hay trí tuệ để tạo ra sự thay đổi, mà là do sự thiếu ý chí chính trị cần thiết để thực hiện điều đó.

 

2/ “Supercharge Me: Net Zero Faster” (tạm dịch: Siêu tăng cường: Phát thải ròng bằng 0) của Eric Lonergan và Corinne Sawers 

“Supercharge Me” (2022) xem xét cách mà chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân hành động và thảo luận về những gì đã (và chưa) hiệu quả trong việc chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu sang mức phát thải ròng bằng không. Quản lý quỹ Eric Lonergan và cố vấn về phát triển bền vững Corinne Sawers đưa ra những ý tưởng thực tiễn để thay đổi, khuyến khích mọi người nhìn nhận lại cuộc khủng hoảng khí hậu như một cơ hội, đồng thời đề xuất bổ sung các giải pháp kinh tế như định giá carbon, bằng các EPIC: các biện pháp khuyến khích tích cực để "siêu tăng cường" sự thay đổi hành vi.

 

3/ “Post Growth: Life After Capitalism” (tạm dịch: Hậu tăng trưởng: Cuộc sống sau chủ nghĩa tư bản) của Tim Jackson

Giáo sư Tim Jackson, một nhà kinh tế học sinh thái có ảnh hưởng lớn, năm 2009 đã xuất bản cuốn sách “Prosperity Without Growth” (tạm dịch: Thịnh vượng không tăng trưởng), một công trình nghiên cứu sâu về các mô hình kinh tế có thể đưa chúng ta đến một tương lai bền vững và thịnh vượng hơn.

Cuốn sách ra mắt năm 2021 của ông là một tác phẩm đầy nhiệt huyết và dễ đọc, làm sáng tỏ những vấn đề sau chủ nghĩa tư bản, cạnh tranh và lợi ích cá nhân cực đoan. Được xây dựng trên sự hiểu biết sâu sắc về kinh tế học sinh thái, “Post Growth” đưa ra một trong những lập luận thuyết phục nhất rằng nền kinh tế không hề tách rời khỏi thế giới tự nhiên, mà là một phần không thể tách rời của nó. Dưới góc nhìn này, rõ ràng rằng sự tăng trưởng kinh tế liên tục là không thể duy trì.

Dù bạn có đồng ý với những khẳng định  của Jackson về bản chất của chủ nghĩa tư bản và vai trò của nó trong một xã hội thịnh vượng hay không, thì đây vẫn là một cuốn sách mang lại cái nhìn sâu sắc về một tương lai mà việc có những người thắng cuộc không nhất thiết đồng nghĩa với việc có những kẻ thua cuộc, nơi thịnh vượng không chỉ gắn liền với của cải vật chất mà còn với sự an lành, sức khỏe và an toàn cho tất cả các thành viên trong xã hội. “Post Growth” không đưa ra các giải pháp và phương tiện kỹ thuật như “Prosperity”, nhưng nó mang đến một cách suy nghĩ về tương lai đầy hy vọng, tươi sáng và hoàn toàn có thể đạt được.

 

4/ “Dưới bầu trời trắng” của Elizabeth Kolbert (tác giả của “Đợt tuyệt chủng thứ sáu”)

Đây là cuốn sách dành cho những ai thích có những giải pháp. Trong một cuộc phiêu lưu vòng quanh thế giới, nhà báo và tác giả Elizabeth Kolbert dẫn dắt độc giả qua sự điên rồ của những 'biện pháp' mà con người đã cố gắng sử dụng để thống trị thế giới tự nhiên. Điểm mấu chốt là: chúng ta thích nghĩ rằng mình là những người giải quyết vấn đề tài ba, và thực sự là chúng ta có thể như vậy, nhưng hành động của chúng ta lại gây ra những hiệu ứng không lường trước được và tác động lên các hệ sinh thái và quần thể con người.

 “Dưới bầu trời trắng” rất dễ đọc, mô tả sinh động mọi thứ từ các vùng đầm lầy ngập nước của Louisiana đến những phát triển cực kỳ thú vị trong công nghệ biến đổi gen. Ở mỗi địa điểm mới, Kolbert đi sâu vào giải pháp công nghệ mới nhất đang được thử nghiệm, thường là để che đậy hậu quả không mong muốn từ lần 'sửa chữa' công nghệ trước mà con người đã thử. Đây là một cuốn sách vô cùng hấp dẫn, mô tả chính xác một số giải pháp tiên tiến và phức tạp nhất mà con người đã nghĩ ra để đối phó với khủng hoảng môi trường. Nhưng nó cũng là một câu chuyện cảnh báo, đưa ra viễn cảnh về việc chúng ta đã đi xa đến đâu và điều đó đã tác động đến thế giới như thế nào.

 

5/ “This Changes Everything: Capitalism Vs The Climate” (tạm dịch: Điều thay đổi mọi thứ: Chủ nghĩa tư bản và Biến đổi khí hậu) của Naomi Klein

Rob Nixon từ The New York Times gọi đây là “cuốn sách về môi trường quan trọng và gây tranh cãi nhất kể từ cuốn Silent Spring”. Nhà báo thẳng thắn Naomi Klein vạch trần những huyền thoại đang che mờ cuộc tranh luận về khí hậu, làm sáng tỏ cách mà các viện nghiên cứu tư tưởng cánh hữu và các nhóm vận động quyền lực được tài trợ mạnh mẽ, đứng sau sự phủ nhận biến đổi khí hậu.

Cuốn sách “This Changes Everything” (2014) thách thức tư tưởng hiện tại về “thị trường tự do”, mà Klein cho rằng không thể giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.

 

6/ “Regenesis: Feeding the World Without Devouring the Planet” (tạm dịch: Regenesis: Nuôi sống thế giới mà không phá hủy hành tinh) của George Monbiot 

Nền nông nghiệp truyền thống đang tàn phá hành tinh của chúng ta, giết chết động vật hoang dã, làm ô nhiễm nguồn nước và phá hủy rừng cũng như đất đai – và bất chấp tất cả những điều này, hàng triệu người vẫn phải chịu cảnh đói khát. Nhưng như nhà văn và nhà hoạt động người Anh George Monbiot đã giải thích một cách xuất sắc trong cuốn "Regenesis" (2022), vẫn có những cách để nuôi sống thế giới mà không phá hủy nó. 

Monbiot đã dành nhiều năm đi khắp các hệ sinh thái trên hành tinh và gặp gỡ những người đang khám phá ra các phương pháp cách mạng có tiềm năng cứu lấy tương lai của nhân loại, “từ những người trồng rau quả đang cách mạng hóa hiểu biết của chúng ta về khả năng sinh sản; những người lai tạo các loại ngũ cốc lâu năm, giải phóng đất đai khỏi việc cày xới và thuốc trừ sâu; đến những nhà khoa học tiên phong về các cách mới để nuôi dưỡng protein và chất béo.

 

7/ “Tinh thần sống xanh: Sức khỏe, hạnh phúc và nguồn năng lượng sáng tạo từ thiên nhiên” của Florence Williams

Từ những lùm bạch đàn ở California, những con đường mòn trong rừng ở Hàn Quốc cho đến những hòn đảo ở Phần Lan, Florence Williams nghiên cứu khoa học đằng sau những tác động tích cực của thiên nhiên lên não bộ. Đi sâu vào nghiên cứu tiên tiến, “Tinh thần sống xanh” cho thấy sức mạnh của thế giới tự nhiên trong việc cải thiện sức khỏe, củng cố các mối quan hệ của chúng ta cũng như thúc đẩy sự suy ngẫm và đổi mới. 

 

8/ “Drawdown: 99 giải pháp ngăn chặn thảm họa từ biến đổi khí hậu” của Paul Hawken

Drawdown tập hợp 99 giải pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu từ các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách hàng đầu, nếu được áp dụng, thậm chí có thể làm giảm tổng lượng khí nhà kính hiện có trong khí quyển. Tác giả Hawken xếp hạng các giải pháp tối ưu – như hạn chế sử dụng máy điều hòa không khí và tủ lạnh, hoặc áp dụng chế độ ăn giàu thực vật – theo lượng khí nhà kính tiềm ẩn mà chúng có thể tránh hoặc loại bỏ.

 

9/ “Half-Earth: Our Planet’s Fight for Life” (tạm dịch: Nửa Trái Đất: Cuộc chiến giành sự sống trên hành tinh) của Edward O. Wilson

Half Earth (2016), được viết bởi một trong những nhà tự nhiên học vĩ đại nhất thế giới và từng đoạt hai giải Pulitzer, đề xuất một kế hoạch thực tế để cứu sinh quyển đang bị đe dọa của chúng ta: dành một nửa bề mặt Trái đất cho thiên nhiên. Để ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt của các loài, trong đó có loài người, chúng ta phải hành động nhanh chóng để bảo tồn sự đa dạng sinh học trên hành tinh. Đây là một trong những cuốn sách đầy nhiệt huyết nhất của Wilson về biến đổi khí hậu cho đến nay.

 

10/ “Natural Capital: Valuing the Planet” (tạm dịch: Vốn tự nhiên: Định giá hành tinh) của Dieter Helm 

Đây là nỗ lực đầu tiên nhằm hiệu chỉnh, đo lường và định giá vốn tự nhiên từ góc độ kinh tế, cuốn sách “Natural Capital” (2015) thay đổi các tham số của cuộc tranh luận môi trường hiện tại. Dieter Helm, một nghiên cứu sinh Kinh tế tại Đại học Oxford, khẳng định rằng việc từ chối đặt giá trị kinh tế lên trên tự nhiên có nguy cơ dẫn đến thảm họa môi trường. Ông tiếp tục phác thảo một khung lý thuyết mới nhằm kết hợp tăng trưởng kinh tế với sự tôn trọng tài sản tự nhiên của chúng ta mà không cần hy sinh tăng trưởng kinh tế.

 

11/ “Nóng, phẳng, chật: Tại sao thế giới cần cách mạng xanh và làm thế nào chúng ta thay đổi được tương lai” của Thomas Friedman 

Cuốn sách xuất sắc này của tác giả đoạt giải Pulitzer Thomas L. Friedman nói về nhu cầu cấp bách của Mỹ trong việc mở rộng năng lượng tái tạo trên phạm vi toàn quốc và cách biến đổi khí hậu mang lại một cơ hội đặc biệt cho Mỹ – không chỉ để thay đổi nền kinh tế của mình, mà còn dẫn đầu thế giới trong việc đổi mới hướng tới năng lượng sạch hơn.

 

12/ “The Big Fix: 7 Practical Steps to Save Our Planet” (tạm dịch: Giải pháp lớn: 7 bước thực tiễn để cứu hành tinh của chúng ta) của Hal Harvey và Justin Gillis

Mặc dù việc trở thành người tiêu dùng có ý thức và thân thiện với môi trường là điều cần thiết, nhưng điều này sẽ không đủ để đưa lượng khí thải nhà kính của chúng ta về con số không và cứu lấy hành tinh. Như cố vấn chính sách năng lượng Hal Harvey và nhà báo lâu năm của tờ New York Times Justin Gillis lập luận trong cuốn sách “The Big Fix: 7 Practical Steps to Save Our Planet” (2022), người dân cần thúc đẩy những chính sách có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong bảy lĩnh vực chính: sản xuất điện, giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp, đô thị hóa, sử dụng đất, và đầu tư vào các công nghệ xanh mới đầy triển vọng.

 

13/ “Sustainable Nation: Urban Design Patterns for the Future” (tạm dịch: Quốc gia bền vững: Mô hình thiết kế đô thị cho tương lai) của Douglas Farr

Là một tài liệu thiết yếu dành cho các nhà thiết kế đô thị, quy hoạch và kiến trúc sư, cuốn sách “Sustainable Nation” (2018) là một lời kêu gọi hành động khẩn cấp và là một cẩm nang hướng dẫn thay đổi. Douglas Farr, một kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị, trình bày chi tiết cách thiết kế các thành phố và tòa nhà dựa trên các tiêu chí bền vững có thể giảm thiểu các cuộc khủng hoảng nhân đạo, dân số và khí hậu.

 

14/ “Địa cầu không sự sống” của David Wallace-Wells

Nếu bạn cần nhanh chóng hiểu rõ về quy mô của tình trạng khẩn cấp khí hậu, bức tranh ngắn gọn nhưng tàn khốc của nhà báo David Wallace-Wells về cuộc sống tương lai của chúng ta trên Trái Đất có thể dành cho bạn. Trong 200 trang sách, ông giải thích các khía cạnh khác nhau của tương lai dự báo, từ cái chết do nhiệt độ tăng đến bầu khí quyển ô nhiễm. Như Wallace-Wells đã nói ngay trong câu đầu tiên của cuốn sách: “Nó tồi tệ hơn, tồi tệ hơn nhiều so với bạn nghĩ.” Ngay cả đối với những người cảm thấy mình đã nắm vững vấn đề, dòng chảy bất tận của các thảm họa do sự nóng lên toàn cầu cũng sẽ lay động bạn. 

Dù cuốn sách không đưa ra giải pháp, nhưng nó làm rõ rằng chúng ta đã có tất cả các công cụ cần thiết để tránh những tác động tồi tệ nhất. Nhưng cuối cùng, “Địa cầu không sự sống” muốn nhấn mạnh sự khủng khiếp của những hậu quả đang chờ đón chúng ta. Trừ khi chúng ta chấp nhận tính cấp bách của vấn đề, làm sao có thể mong đợi tự thoát ra khỏi mớ hỗn độn này?

 

15/ “Đợt tuyệt chủng thứ sáu” của Elizabeth Kolbert

Theo cuốn sách nổi bật về khủng hoảng môi trường này, đến năm 2050 sẽ có một nửa số loài trên thế giới tuyệt chủng. Chúng ta đang ở giữa một sự kiện tuyệt chủng hàng loạt thứ sáu, dự kiến sẽ là sự kiện nhanh nhất được ghi nhận trong lịch sử.

Kolbert trình bày cách con người đã đẩy sự đa dạng sinh học đến bờ vực tuyệt chủng, hoặc gần như tuyệt chủng, từ loài ếch vàng Panama gần như bị xóa sổ hoàn toàn trong tự nhiên do một loại nấm gây bệnh, đến loài Maui đang gặp nguy hiểm do nạn phá rừng. Chúng ta đang đẩy các loài này đến tuyệt chủng bằng nhiều cách: một số liên quan đến mực nước biển dâng và nạn phá rừng, cũng như việc lan truyền các loài mang bệnh và săn bắt trái phép. Bằng cách thay đổi căn bản các hệ sinh thái cân bằng tinh tế của Trái đất, chúng ta cũng đang mạo hiểm chính tương lai của mình.

 

16/ “Losing Earth: The Decade We Could Have Stopped Climate Change” (tạm dịch: Đánh mất Trái đất: Thập kỷ chúng ta đã có thể ngăn chặn biến đổi khí hậu) của Nathaniel Rich

Chúng ta đã biết về những nguy cơ của biến đổi khí hậu từ nhiều thập kỷ trước, nhưng hầu như không có hành động nào đáng kể được thực hiện. Cuốn sách này kể lại giai đoạn từ năm 1979 đến 1989, khi chúng ta bắt đầu hiểu rõ hơn về nguyên nhân và hiểm họa của biến đổi khí hậu. 

 Tập trung chủ yếu vào phản ứng của nước Mỹ đối với cuộc khủng hoảng, cuốn sách theo chân các nhà khoa học và nhà hoạt động đã cố gắng gióng lên hồi chuông cảnh báo, và những chính trị gia theo chủ nghĩa Reagan cùng các doanh nghiệp đã làm mọi cách để không có hành động có ý nghĩa nào được thực hiện. Tác giả Nathaniel Rich ho biết thế giới đã từng tiến gần đến việc  ký kết các hiệp ước quốc tế ràng buộc nhằm giảm thiểu sự gia tăng của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên, vào đầu thập niên 90, vấn đề từng được coi là mang tính lưỡng đảng đã trở thành một vấn đề phe phái sau khi ngành công nghiệp dầu mỏ “xâm nhập và lộ rõ bản chất hung hãn”. Kể từ đó, lượng carbon thải ra khí quyển còn nhiều hơn tất cả những năm trước đó trong lịch sử của nền văn minh. “Losing Earth” là một câu chuyện cảnh tỉnh thiết yếu cho những trận chiến về khí hậu sắp tới.

 

17/ “Net Zero: How We Stop Causing Climate Change” (tạm dịch: Phát thải bằng 0: Làm thế nào để ngừng gây ra biến đổi khí hậu) của Dieter Helm

Một tác phẩm khác của Helm, “Net Zero” đề cập đến những hành động mà tất cả chúng ta cần thực hiện, dù là cá nhân, địa phương, quốc gia hay toàn cầu, nếu thực sự muốn ngừng gây ra biến đổi khí hậu.

Cuốn sách này mang đến cái nhìn có cân nhắc và cân bằng về cách chúng ta ngừng gây ra biến đổi khí hậu bằng cách áp dụng chiến lược net zero nhằm giảm lượng khí thải carbon và tăng khả năng hấp thụ carbon.  Đây là một cái nhìn hợp lý về lý do tại sao những nỗ lực trong 30 năm qua đã thất bại, và tại sao mà 30 năm tới có thể thành công. 

 

18/ “Our Final Warning: Six Degrees of Climate Emergency” (tạm dịch: Cảnh báo cuối cùng: 6 độ khẩn cấp) của Mark Lynas

Cuốn sách này cung cấp một cái nhìn về tương lai của Trái Đất và nền văn minh của chúng ta, nếu tốc độ ấm lên toàn cầu tiếp diễn. Nhưng liệu nó có thể trở nên tồi tệ hơn bao nhiêu? Chúng ta đã vượt qua điểm không thể vãn hồi chưa? Tập hợp những nghiên cứu khoa học khí hậu mới nhất, Lynas khám phá con đường mà chúng ta đang định hướng cho Trái Đất trong thế kỷ tới và xa hơn nữa. Từng độ một, ông vạch ra những tác động có thể xảy ra của sự nóng lên toàn cầu và thảm họa khí hậu kéo theo.

Ở mức một độ – thế giới mà chúng ta đang sống hiện tại – những đám cháy rừng khổng lồ thiêu đốt California và Australia, trong khi những cơn bão lớn tàn phá các thành phố ven biển. Ở mức hai độ, băng ở Bắc Cực tan chảy và các rạn san hô biến mất khỏi vùng nhiệt đới. Ở mức ba độ, thế giới bắt đầu cạn kiệt lương thực, đe dọa hàng triệu người với nạn đói. Ở mức bốn độ, nhiều khu vực trên toàn cầu trở nên quá nóng để con người có thể sinh sống, xóa sổ toàn bộ quốc gia và biến hàng tỷ người thành người tị nạn do khí hậu. Ở mức năm độ, hành tinh nóng hơn so với 55 triệu năm trước, trong khi ở mức sáu độ, một cuộc tuyệt chủng hàng loạt với quy mô chưa từng có quét qua hành tinh, đe dọa kết thúc toàn bộ sự sống trên Trái Đất.

Những hậu quả leo thang này vẫn có thể tránh được, nhưng thời gian đang dần ngắn lại. Chúng ta phải ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch trong vòng một thập kỷ. Nếu thất bại, chúng ta có nguy cơ bỏ lỡ các điểm tới hạn, đẩy sự hỗn loạn khí hậu toàn cầu ra ngoài tầm kiểm soát của nhân loại. 

 

19/ “On Fire: The (Burning) Case for a Green New Deal” (tạm dịch: Cấp bách: Lập luận “rực lửa” cho một thỏa thuận xanh mới) của Naomi Klein 

Cuốn sách này tập hợp hơn một thập kỷ các bài viết của Klein, kết hợp với những tài liệu mới về tầm quan trọng vô cùng lớn của các lựa chọn chính trị và kinh tế mà chúng ta phải đối mặt ngay lập tức.

Những bài tiểu luận dài này không chỉ điều tra cuộc khủng hoảng khí hậu như một thách thức chính trị, mà còn như một thách thức về tinh thần và trí tưởng tượng.  Với những báo cáo trải dài từ Rạn san hô Great Barrier,  bầu trời đầy khói hàng năm của vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, Puerto Rico sau bão, đến Vatican đang cố gắng thực hiện một “cuộc chuyển đổi sinh thái” chưa từng có, Klein lập luận rằng chúng ta sẽ chỉ có thể đối mặt với thách thức sinh tồn của biến đổi khí hậu nếu chúng ta sẵn sàng thay đổi các hệ thống đã gây ra cuộc khủng hoảng này.

Một cuộc khám phá rộng lớn và đa chiều, cuốn “On Fire” nhìn nhận cuộc chiến cho một thế giới xanh hơn không thể tách rời với cuộc chiến cho sự sống còn của chúng ta. Cuốn sách này nắm bắt được tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu, cũng như năng lượng bùng cháy của một phong trào chính trị đang trỗi dậy, đòi hỏi một Thỏa Thuận Xanh Mới mang tính xúc tác.

 

20/ “Climate Crisis and the Global Green New Deal: The Political Economy of Saving the Planet” (tạm dịch: Khủng hoảng khí hậu và thỏa thuận xanh mới: Kinh tế chính trị của việc cứu lấy hành tinh) của Noam Chomsky & Robert Pollin

Cuốn sách này là tác phẩm của Noam Chomsky, một trí thức hàng đầu thế giới, và Robert Pollin, một nhà kinh tế tiến bộ nổi tiếng, vạch ra những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu không được kiểm soát và đề xuất một kế hoạch thực tế để thay đổi: Thỏa thuận Xanh Mới.

Chomsky và Pollin chỉ ra các dự báo về một hành tinh nóng hơn: những khu vực rộng lớn trên Trái đất sẽ trở nên không thể sinh sống, chịu ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, mực nước biển dâng cao, và mất mùa. Họ lập luận chống lại nỗi sợ hãi về thảm họa kinh tế và thất nghiệp do quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, và cho thấy cách lo ngại vô căn cứ này khuyến khích sự phủ nhận về biến đổi khí hậu.

Các tác giả chỉ ra rằng việc ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch trong 30 năm tới là hoàn toàn khả thi. Biến đổi khí hậu là một tình trạng khẩn cấp không thể bị bỏ qua. Cuốn sách này cho thấy cách nó có thể được khắc phục cả về mặt chính trị lẫn kinh tế.

 

21/ “Ocean of Life: The Fate of Man and the Sea” (tạm dịch: Biển cả sự sống: Số phận con người và đại dương) của Callum Roberts

Cuốn sách “Ocean of Life: The Fate of Man and the Sea” (2013) của Callum Roberts theo dõi mối quan hệ giữa con người và nước. Đây là một lời cảnh báo mạnh mẽ kêu gọi chúng ta cứu lấy các đại dương trước khi quá muộn. Cuốn sách không che giấu sự thật – nó chỉ ra tác động to lớn mà việc đánh bắt quá mức, ô nhiễm và biến đổi khí hậu đã gây ra cho đời sống dưới biển.

Thay vì suy đoán về những gì có thể xảy ra trong tương lai, Roberts tập trung vào các sự kiện đã được chứng minh và các giải pháp khả thi. Điều này khiến cuốn sách của ông nổi bật so với những cuốn sách gần đây về biến đổi khí hậu và việc các tác phẩm bảo vệ môi trường không đưa ra được giải pháp cho các “kịch bản tận thế” mà họ trình bày qua hàng loạt sự kiện và thống kê. Phần cuối của cuốn sách là các  giải pháp tiềm năng mà các ngành công nghiệp, công ty, chính phủ và người dân thường có thể áp dụng.

 

22/ “All We Can Save: Truth, Courage, and Solutions for the Climate Crisis” (tạm dịch: Tất cả những gì chúng ta có thể cứu: Sự thật, lòng dũng cảm và giải pháp cho cuộc khủng hoảng khí hậu) biên soạn bởi  Ayana Johnson và Katharine K. Wilkinson

Cuốn sách này là tập hợp các bài tiểu luận và thơ của 60 nhà hoạt động khí hậu nữ hàng đầu. Nó cho thấy sức mạnh của phụ nữ trong việc tạo ra các giải pháp mà chúng ta cần để giảm thiểu khủng hoảng khí hậu.

 

23/ “Hurricane Lizards and Plastic Squid: How the Natural World is Adapting to Climate Change” (tạm dịch: Bão thằn lằn và mực nhựa: Cách thế giới tự nhiên thích ứng với biến đổi khí hậu) của Thor Hanson

Trong khi con người đấu tranh với các mục tiêu cắt giảm carbon và vấn đề "tẩy xanh", các loài sinh vật khác đã phải thích nghi với tác động của biến đổi khí hậu. Theo nhà sinh vật học người Mỹ Thor Hanson, thực vật và động vật “có rất nhiều điều để dạy chúng ta về những gì sẽ xảy ra tiếp theo, bởi vì đối với nhiều loài, và cũng đối với nhiều người trong chúng ta, thế giới đó đã đến rồi.

 

24/ “The Dolphin Among Orcas" (tạm dịch: Cá heo giữa bầy cá voi sát thủ) của Tom Meinerz 

Câu chuyện này làm sáng tỏ một vấn đề toàn cầu hiện hữu ngay trước mắt chúng ta nhưng lại vô hình với đôi mắt của chúng ta, đó là ô nhiễm đại dương và tác động của nó đối với toàn bộ sinh vật biển. Đã xảy ra một sự kiện hiếm hoi đối với đàn cá heo: hai chị em cá heo song sinh ra đời. Sau đó, một thậm chí còn hiếm hoi hơn đã xảy ra: một con cá heo non bị dị tật ra đời. Courage được sinh ra với lưng và đuôi bị biến dạng, hoặc theo cách nói khác là bị dị tật. Sự ra đời của cậu ban đầu gây tò mò, nhưng sau đó là sự chế giễu, và cậu phải chịu những khinh miệt từ đồng loại. Cậu và mẹ phải đi sau đàn, thường xuyên đơn độc. Nhưng Courage đã vượt qua những hạn chế của mình và biến chúng thành lợi thế.

Câu chuyện giải trí này giúp các độc giả thiếu nhi hiểu rõ hơn về mối đe dọa ô nhiễm toàn cầu ngày càng tồi tệ, một vấn đề mà thế hệ các em có thể sẽ tìm ra giải pháp để giải quyết. Câu chuyện cũng đề cập đến việc bắt nạt là gì và hậu quả của nó. Nó kể câu chuyện về cách những điều bị coi là khiếm khuyết có thể trở thành tài năng độc đáo, dẫn đến một cuộc sống thành công.

 

25/ “The Climate Book” (tạm dịch: Cuốn sách về môi trường) của Greta Thunberg

Cuốn sách “The Climate Book” (2022) của Greta Thunberg – nhà hoạt động vì khí hậu nổi tiếng thế giới người Thụy Điển và người sáng lập phong trào toàn cầu Fridays for Future – bao gồm các bài luận của hơn một trăm nhà tư tưởng và chuyên gia, từ các nhà hải dương học và khí tượng học đến các nhà kinh tế học và địa vật lý học, nhằm nâng cao nhận thức về cuộc khủng hoảng khí hậu và trang bị cho chúng ta kiến thức để đấu tranh chống lại thảm họa khí hậu, ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu. Thunberg cũng chia sẻ những câu chuyện cá nhân của cô về việc biểu tình và vạch trần các hành động "xanh giả tạo" trên khắp thế giới, tiết lộ rằng chúng ta đã bị che giấu sự thật đến mức nào.

- Trạm Đọc

- Theo Earth.Org

Tags: