H: Từ những gì ngươi nói, ta có thể suy ra rằng người không thể khiến một người không buông thả trở nên buông thả và mất quyền kiểm soát tâm trí của mình vào tay người bằng cách cám dỗ hay mua chuộc anh ta, có đúng không?
Đ: Điều này hoàn toàn chính xác. Ta có thể – và thực tế có thể – lôi kéo những người không buông thả vào những thứ ta dùng để mua chuộc con người, bởi đó là những thứ mà mọi con người đều khao khát một cách tự nhiên, nhưng người không buông thả giống như con cá tìm cách đớp mồi trên lưỡi câu chứ không chịu cắn câu.
Người không buông thả sẽ có được bất cứ thứ gì anh ta muốn trong cuộc sống, nhưng anh ta làm điều đó theo cách riêng của mình. Người buông thả cũng có bất cứ thứ gì anh ta muốn, nhưng anh ta làm theo cách của ta.
Có thể diễn giải điều này theo một cách khác. Chẳng hạn, ngươi cứ hình dung một người không buông thả, khi cần, sẽ vay tiền từ một ngân hàng hợp pháp và trả lãi một cách hợp pháp; còn người buông thả thì đến tiệm cầm đồ, cầm chiếc đồng hồ anh ta đeo trên tay và trả mức lãi cao chết người cho khoản vay của mình.
H: Từ những gì ngươi nói, ta có thể rút ra kết luận rằng mọi rắc rối và khổ đau của con người đều có bàn tay ngươi nhúng vào, mặc dù không ai thấy được sự hiện diện của ngươi?
Đ: Những người bất đắc dĩ làm việc cho ta lại thường là những người phục vụ ta tốt nhất. Ngươi thấy đấy, họ là những người không dễ bị mua chuộc bằng những thứ cám dỗ, mà bằng nỗi sợ hoặc một dạng khổ đau nào đó. Họ không muốn phục vụ ta nhưng không tài nào tránh được việc đó, vì họ đã vĩnh viễn bị ta trói buộc bởi thói quen buông thả của họ.
H: Ta bắt đầu hiểu thêm nhiều về xảo thuật của người rồi đấy. Ngươi mua chuộc các nạn nhân của mình thông qua những ham muốn tự nhiên của họ và đẩy họ đi lạc hướng bằng cách biến họ thành người buông thả nếu họ đáp ứng với cám dỗ đó. Nếu họ từ chối đáp ứng, ngươi sẽ gieo hạt giống sợ hãi vào tâm trí họ hoặc đưa họ vào trong thông qua một hình thức bất hạnh hay rủi ro và trói họ lại nhân lúc họ gục ngã. Phương pháp của ngươi là vậy phải không?
Đ: Đó chính xác là cách ta làm. Rất tinh vi, ngươi có nghĩ thế không?
H: Ngươi thích các nhà tuyên truyền của ngươi là người như thế nào, trẻ tuổi hay lớn tuổi?
Đ: Tất nhiên là những người trẻ rồi! So với người trưởng thành với khả năng nhận định tốt hơn, những người trẻ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi hầu hết các thứ cám dỗ. Hơn nữa, họ có thể phục vụ ta lâu dài hơn.
H: Ngươi đã cho ta một mô tả rất rõ ràng về thói buông thả, thưa Bệ hạ. Hãy nói cho ta biết những việc cần làm để đảm bảo chống lại được thói quen buông thả. Ta muốn có một công thức hoàn chỉnh mà ai cũng có thể sử dụng được.
Đ: Việc chống lại thói quen buông thả hoàn toàn nằm trong khả năng của tất cả những ai có một cơ thể và trí óc lành mạnh. Mọi người đều có thể tự bảo vệ mình bằng cách áp dụng những phương pháp đơn giản sau đây:
H: Danh sách này có vẻ ấn tượng đấy. Hãy cho ta một công thức đơn giản. Nếu phải kết hợp cả mười phương pháp trên thành một, nó sẽ là gì?
Đ: Hãy rõ ràng trong mọi việc ngươi làm và đừng bao giờ để lại những ý nghĩ dở dang trong tâm trí. Hãy tập thói quen đi đến quyết định rõ ràng trong mọi vấn đề.
H: Có thể phá vỡ thói quen buông thả không hay một khi đã hình thành, nó sẽ tồn tại vĩnh viễn?
Đ: Thói quen có thể phá vỡ nếu nạn nhân của nó có đủ sức mạnh ý chí, nhưng với điều kiện phải làm điều đó một cách kịp thời. Có một điểm giới hạn mà khi đã qua khỏi, thói quen sẽ không bao giờ bị phá vỡ được nữa. Qua khỏi giới hạn đó, nạn nhân sẽ mãi mãi thuộc về ta. Hắn sẽ giống như một con ruồi bị kẹt vào mạng nhện. Có thể hắn sẽ cố thoát ra nhưng không có cách nào thoát ra được. Càng vùng vẫy, hắn lại càng kẹt vào sâu thêm. “Mạng nhện” mà các nạn nhân của ta bị vướng vào vĩnh viễn là một quy luật tự nhiên mà các nhà khoa học vẫn chưa xác định hoặc chưa hiểu được.
- Trích: "Chiến thắng con quỷ bên trong để tự do và thành công" của Napoleon Hill