Tuy nhiên đối với Jobs, đây không hoàn toàn là một thành công vì Apple II là kiệt tác của Wozniak chứ không phải của riêng ông.
Jobs muốn tạo ra một cỗ máy mà theo như lời ông “sẽ tạo ra vết lõm trong vũ trụ”. Với hoài bão to lớn, ông đã bắt đầu làm việc trên máy Macintosh – chiếc máy này là tiếp nối thành công của Apple II trong ngành công nghiệp máy tính cá nhân và giúp ông trở thành một biểu tượng công nghệ.
Nhưng Macintosh không phải là phát minh của riêng Jobs mà thực tế ông đã đánh cắp dự án Macintosh từ cha đẻ của nó là Jef Raskin– một chuyên gia về giao diện người – máy tính. Jobs đã bòn rút ý tưởng và tạo ra một chiếc máy tính có bộ vi xử lý mạnh mẽ, tích hợp các giao diện tinh tế và được điều khiển bằng con chuột.
Máy tính Macintosh đã đem lại thành công tuyệt vời, một phần là nhờ chiến dịch quảng cáo rầm rộ, trong đó có một quảng cáo thương mại làm náo động dư luận – mà nay được biết đến là quảng cáo “1984” – do nhà làm phim Holywood Ridley Scott sản xuất. Gắn liền với đó, sự ra đời của Macintosh còn đem lại một loạt các hiệu ứng cộng đồng cho Jobs cũng như sản phẩm của ông.
Khôn ngoan hơn bao giờ hết, Jobs đã tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn cấp cao với nhiều tạp chí nổi tiếng bằng cách thao túng các nhà báo, khiến họ nghĩ rằng buổi phỏng vấn này là một buổi phỏng vấn “độc quyền”.
Và chiến lược này đã giúp Jobs trở nên giàu có và nổi tiếng. Rất nhiều người nổi tiếng biết đến ông, chẳng hạn, tại sinh nhật lần thứ 30, ca sỹ Ella Fitzgerald đã đến chung vui cùng ông và hát mừng.
Tuy nhiên, tính cách đặc biệt này của ông vừa giúp việc ra mắt Macintosh thành công nhưng cũng khiến ông bị sa thải.
Chủ nghĩa cầu toàn và hành vi áp bức nhân viên tại Apple vẫn liên tục tiếp diễn. Nếu có ai không quan tâm đến sự hoàn hảo của ông, ông sẽ thẳng thừng gọi họ là “đồ khốn”.
Tính cách kỳ quặc của Jobs đã làm dấy lên một cuộc tranh luận trong công ty. Và vào năm 1985, Ban giám đốc Apple đã ra quyết định sa thải ông.