Jobs đã thành lập công ty NeXT với mục đích bán những chiếc máy tính cho trường học.
Dự án NeXT đã cho ông cơ hội thoả sức với niềm đam mê thiết kế. Ông đã trả 100.000 đô la để thuê người thiết kế logo và nhấn mạnh rằng các mặt của chiếc vỏ máy tính NeXT cần phải tạo thành khối vuông hoàn hảo.
Nhưng chính sự cầu toàn của ông khiến cho việc thiết kế và sản xuất gặp nhiều khó khăn. Các mặt có hình khối vuông của chiếc vỏ máy tính cần phải sản xuất riêng rẽ và chi phí cho các khuôn cần thiết cho vỏ máy lên đến 650.000 đô la.
Tính cầu toàn kiên quyết của Jobs đã rung lên hồi chuông báo tử cho NeXT. NeXT đã phải đối mặt với tình trạng tài chính khánh kiệt, ngày ra mắt bị đẩy lùi trong suốt vài năm và giá thành máy quá đắt. Với giá thành cao mà thư viện phần mềm nhỏ, NeXT đã hầu như không tạo được bước chuyển nào trong ngành công nghiệp máy tính.
Cùng thời gian đó, Jobs đã dùng tiền mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất của công ty Pixar. Trên cương vị là một người chủ tịch, Jobs luôn cho rằng công nghệ và nghệ thuật là một sự giao thoa hoàn hảo.
Vào năm 1988, Jobs đã ném gần 50 triệu đô vào Pixar, và cùng thời điểm đó ông cũng bị mất một số lượng tiền lớn tại NeXT.
Sau nhiều năm chật vật về tài chính, công ty đã cho ra đời bộ phim Tin Toy. Bộ phim giới thiệu về tầm nhìn độc nhất của Pixar về hoạt hình máy tính. Tin Toy đã chiến thắng Oscar năm 1988 với giải thưởng bộ phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất.
Do đó, Jobs nhận thấy rằng ông nên chuyển trọng tâm từ các sản phẩm phần cứng và phần mềm sang Pixar – một công ty chuyên sản xuất các bộ phim hoạt hình thú vị và có khả năng sinh lời.
Sau đó, Pixar đã hợp tác với Disney sản xuất bộ phim truyện đầu tiên mang tên Toy Story. Bộ phim được ra mắt vào năm 1996 và trở thành bộ phim có doanh thu hàng đầu trong năm.
Khi Pixar đi vào hoạt động công khai, 80% cổ phần của công ty do Jobs nắm giữ đã có giá trị gấp 20 lần so với vốn đầu tư ban đầu, tương đương với con số khổng lồ 1,2 tỷ đô.