Bây giờ, khi bạn đã biết cách chuyển những ý tưởng trừu tượng thành những dạng dễ ghi nhớ, bạn cần biết cách lưu trữ chúng một cách đúng đắn và có thể lấy ra được bất cứ lúc nào. Đây là nơi mà cung điện bộ nhớ (memory palace) của bạn được tham gia vào quá trình.
Cung điện bộ nhớ, hay phương pháp nơi chốn theo cách gọi của người La Mã sẽ chỉ định mỗi hình ảnh với một vị trí dọc theo một tuyến đường hay địa điểm nào nào đó nổi bật trong tâm trí của bạn. Bởi vì não bộ của chúng ta đặc biệt giỏi trong việc ghi nhớ nơi chốn nên đây là một kỹ thuật rất hiệu quả.
Để sử dụng phương pháp nơi chốn, bạn có thể chọn bất kỳ tòa nhà hay tuyến đường nào quen thuộc với bạn. Ví dụ như ngôi nhà thời thơ ấu của bạn. Bạn có thể tưởng tượng mình đang đứng trước căn nhà đó, và mở cách cửa chính. Có thể bạn sẽ bước vào bếp, rồi rẽ trái, và cứ tiếp tục như vậy.
Mấu chốt của phương pháp này là mường tượng trong đầu vị trí của những vật bạn cần ghi nhớ tại những điểm cụ thể trên tuyến đường bạn đã chọn hay trong một căn phòng đặc biệt nào đó. Bạn có thể mường tượng đặt một ổ bánh mì và một túi cà chua từ danh sách những thứ cần mua ở trên cái bàn trong nhà bếp. Như vậy, khi bạn cần nhớ lại danh sách, bạn đơn giản chỉ cần đi theo hành trình này và tái hiện lại những hình ảnh bạn đã đặt ở đó.
Bạn cũng có thể dùng những chỗ cụ thể trong phòng để lưu trữ những thông tin liên quan tới nhau hay thuộc một lĩnh vực chuyên môn nào đó. Nếu bạn đang tham gia nhiều khóa học, bạn có thể dùng một phòng cho môn sinh học, một phòng cho môn lịch sử, và cứ như vậy.
Dĩ nhiên là bạn có thể dùng nhiều cung điện bộ nhớ khác nhau, như là quãng đường đi làm hay đoạn đường đi dạo ưa thích quanh hồ của bạn. Miễn là bạn biết rõ con đường hay địa điểm đó một cách chi tiết thì cách này sẽ rất hiệu quả