Vì sao phương pháp dạy con của cha mẹ Nhật khiến cả thế giới “ngả mũ kính phục”: Hãy đọc 5 cuốn sách này để có được câu trả lời tháo đáo
Vì sao phương pháp dạy con của cha mẹ Nhật khiến cả thế giới “ngả mũ kính phục”: Hãy đọc 5 cuốn sách này để có được câu trả lời tháo đáo
Tất cả các bậc cha mẹ đều muốn con mình lớn lên thông minh, khỏe mạnh và có nhiều đức tính tốt. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng có cách nuôi dạy con chuẩn mực nhất mà đôi khi lại làm con hư thêm. Tại thời điểm hiện tại, phương pháp nuôi dạy con kiểu Nhật tỏ ra rất hiệu quả và được nhiều bậc phụ huynh tìm hiểu và áp dụng.

Vậy người Nhật Bản nuôi dạy con như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua những cuốn sách đang được đánh giá cao dưới đây nhé!

 

Mẹo nhỏ giúp trẻ yêu thích và tự giác học – Matsunaga Nobufumi

 

Để mở đầu cuốn sách, tác giả đã đặt ra câu hỏi “Những người có “học bạ đẹp” nhưng không hề giỏi giang có điểm gì chưa ổn?” Đây là một thực tế đáng buồn ở Nhật Bản bởi hơn một nửa số sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Tokyo danh tiếng lại là những người “chỉ có học bạ đẹp”.

Tác giả đưa ra nhận định rằng, suy nghĩ “học bạ đẹp đồng nghĩa với thu được nhiều lợi ích trong cuộc sống” là hoàn toàn ấu trĩ. Những bậc phụ huynh có suy nghĩ như vậy đều không nhận thức được mình cần nuôi dạy con theo chuẩn mực và giá trị nào.

Theo tác giả, thành công trong việc nuôi dạy con cái là tạo ra những con người tự giác phấn đấu, luôn lạc quan và tiến bộ chứ không phải lấy việc đỗ đạt ở các kỳ thi là mục tiêu. Bởi nếu lấy việc phải có thứ hạng học tập cao, học ở trường danh tiếng là đích đến mà chẳng cần biết viễn cảnh tương lai ra sao thì cách dạy như vậy hoàn toàn rời xa bản chất thực sự của giáo dục.

Trong cuốn sách dày 173 trang, Matsunaga Nobufumi sẽ dẫn dắt độc giả đến các phương pháp hiệu quả giúp trẻ tự giác học tập như làm thế nào để trẻ tự giác ngồi vào bàn học, làm bài mà không cần bố mẹ nhắc nhở; những khác biệt khi nuôi dạy con trai và con gái; nên cho trẻ chơi một loại nhạc cụ vì làm như vậy sẽ giúp trẻ tư duy tốt hơn. Ngoài ra, muốn con thông minh, giỏi giang thì cha mẹ hãy xây dựng thói quen đọc sách cho con…

 

Mẹ trẻ chăm sóc con khoẻ - Fujita Koichiro

 

Những bậc cha mẹ hiện đại thường có xu hướng quan trọng hoá các vấn đề mà con cái họ gặp phải. Chẳng hạn như, khi trẻ mới sốt nhẹ thì họ ngay lập tức cho uống kháng sinh. Họ đâu biết rằng, việc sử dụng các loại kháng sinh vô hình trung lại khiến những trực khuẩn có lợi cho trẻ cũng bị tiêu diệt. Kết quả là, hệ miễn dịch của trẻ ngày càng yếu đi.

Không những vậy, đa phần các bậc cha mẹ đều có tâm lý chiều chuộng, quan tâm hết mực đến con cái. Tuy nhiên, chính sự nuông chiều đó đã vô tình tước đi những cơ hội để trẻ nâng cao sức đề kháng hoặc làm tổn hại đến khả năng hoạt động bình thường hệ miễn dịch của trẻ.

Vậy làm thế nào để chăm sóc trẻ đúng cách, đây chính là mục đích tác giả Fujita Koichiro viết cuốn sách này. “Mẹ trẻ chăm sóc con khoẻ” liệt kê đầy đủ những phương pháp truyền thống và hiện đại mà các bậc phụ huynh Nhật Bản thường áp dụng để nâng cao sức đề kháng của trẻ.

 

Khi con dậy thì, bạn sẽ làm gì? – Naoki Ogi

 

Tuổi dậy thì là giai đoạn phát triển tự nhiên ở trẻ, đó chính là lúc chúng tách ra khỏi bố mẹ, thầy cô để trở nên độc lập hơn. Trẻ làm cho cái tôi trước đây của mình biến mất và thay vào đó là “cái tôi mới” – một con người hoàn toàn khác. Trong giai đoạn này, chúng bắt đầu có những hành động “nổi loạn” để phản ứng lại bố mẹ và người lớn. Cũng vì thế, tuổi dậy thì còn được gọi là “tuổi nổi loạn”.

Đối với các bậc phụ huynh, việc đứa con vốn ngoan ngoãn, biết vâng lời bỗng nhiên chống đối lại mình dường như là một cú sốc lớn. Những ông bố, bà mẹ đang lo lắng, không biết làm thế nào thì giải pháp dành cho họ là hãy tìm đến cuốn sách “Khi con dậy thì, bạn sẽ làm gì?” của tác giả Naoki Ogi.

Cuốn sách sẽ giúp độc giả hiểu được những lo lắng thường gặp trong suy nghĩ của tuổi teen và cách xử lý khi con cái có giai đoạn dậy thì khác thường.

Tác giả đưa ví dụ, nếu bắt buộc phải mắng trẻ thì bố mẹ không nên cùng lúc lao vào trách cứ, gay gắt với trẻ. Bởi nếu làm như vậy, bố mẹ đã dồn trẻ vào bước đường cùng. Điều nên làm là bố mẹ hãy phân chia nhiệm vụ để một người mắng và một người giải thích cho trẻ vì sao chúng lại bị mắng như vậy.

 

Mẹ Nhật truyền cảm hứng học cho con như thế nào? – Sugahara Yuko

 

Những năm gần đây, học lực của trẻ em ngày càng sa sút, vì thế, một nhu cầu bức thiết là các ông bố, bà mẹ cần phải thay đổi cách dạy trẻ truyền thống dựa trên những khuôn mẫu xưa cũ sang nền giáo dục mở. Tuy vậy, đứng trước biển thông tin quá lớn, cha mẹ thực sự cảm thấy rối trí khi không biết nên chọn lựa tài liệu nào để tham khảo và áp dụng theo.

Hiểu được nỗi băn khoăn đó, tác giả người Nhật Bản, Sugahara Yuko đã cho ra mắt cuốn sách “Mẹ Nhật truyền cảm hứng cho con như thế nào?” với mục tiêu giới thiệu đến các bậc phụ huynh những điểm cơ bản trong giáo dục con người.

Hẳn bạn sẽ đặt ra câu hỏi, động lực nội sinh (xuất phát từ bản thân mỗi người) hay ngoại sinh (do bị hoàn cảnh, ai đó áp đặt) thì tốt hơn. Tất nhiên, việc mình tự tạo ra hứng thú và động lực thì sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cuộc sống hàng ngày, tất cả những hứng thú và động lực của chúng ta không hẳn đều là do nội sinh. Với con trẻ cũng vậy. Việc của cha mẹ là phải tạo ra một môi trường có thể khơi gợi nhiều hơn những hứng thú và động lực nội sinh ở con cái.

 

Cha mẹ nên dạy gì cho con cái? – Toyama Shigenhiko 

 

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã vực dậy nền kinh tế từ đống đổ nát, trở thành cường quốc kinh tế thế giới. Thứ tài nguyên duy nhất họ có chính là trí tuệ và sức lao động của con người. Những tính cách này không tự nhiên mà có, nó là sản phẩm của quá trình khổ luyện, rèn giũa trong gia đình và trường học. Nhưng dạy gì cho trẻ là câu hỏi không dễ trả lời.

Theo quan điểm của Giáo sư Toyama Shigehiko, quá trình uốn nắn một con người giống như rèn một thanh sắt, phải rèn từ khi còn nóng, tức là phải bắt đầu từ khi trẻ vẫn còn nhỏ. Vì thế, trong cuốn sách “Cha mẹ nên dạy gì cho con cái” của mình, ông đã cố gắng giúp độc giả hình dung được phần nào về công cuộc “rèn sắt” đó. Từ cái nhìn của một nhà giáo dục sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ông đã trình bày những quan điểm hết sức khắt khe nhằm hướng đến một nền giáo dục toàn diện.

Giáo sư Toyama Shigehiko cho rằng, giáo dục không chỉ là bắt con ghi nhớ những con số, chữ cái mà còn giúp con làm quen với ngôn ngữ và giao tiếp thông qua những câu chuyện thường ngày. Giáo dục không chỉ là kể cho con nghe những tấm gương đạo đức mà chính bản thân cha mẹ phải hành xử và làm theo những điều hay lẽ phải trong sinh hoạt thường nhật.

Minh Phương

Tags: