Ta yêu người hay chỉ yêu những kỳ vọng của mình về họ?
Ta yêu người hay chỉ yêu những kỳ vọng của mình về họ?
Ngày hôm nay, tôi đã quyết định sẽ chính thức buông tay người thương của mình. Trong một sự thanh nhẹ và bình yên đến lạ.
Sống Như Bông Pháo Hoa: Hành Trình Khám Phá Điều Quý Giá Nhất Cuộc Đời
(17 lượt)
Tôi bừng nhận ra rằng ta thực lòng yêu thương một ai đó hay ta chỉ yêu việc những kỳ vọng của mình được đáp ứng? Ta lấp đầy mối quan hệ của mình bằng những kỳ vọng đến mức không còn chỗ cho tình yêu! Nếu là người thương thì khi ta bệnh phải hỏi hạn quan tâm. Nếu là người thương thì khi ta cần nhất định phải có mặt ở bên ta. Nếu thực sự thương ta thì ta phải là ưu tiên số một với người.

 

Vậy là ta đang yêu những kỳ vọng của mình đấy chứ?

 

Người kia chỉ là phương tiện để thực hiện những kỳ vọng trong của ta mà thôi. Và dĩ nhiên khi những kỳ vọng này không được đáp ứng, ta muốn chấm dứt mối quan hệ. Ta tổn thương. Ta nghĩ họ đổi thay. Ta cho rằng họ không yêu thương ta.

Hoá ra ta đang tạo ra những chiếc lồng ngột ngạt của việc “phải là” và nhốt người thương của mình trong đó. Và ta cũng đang giam hãm chính mình trong một mối quan hệ độc tài. Ta đánh cắp đi tự do của cả hai nhân danh “tình yêu”.

Tôi nhận ra mình tàn nhẫn quá. Ích kỷ quá! Tôi thấy mình cần trả lại tự do cho người mình thương. Người ấy không phải vì thương ta mà cần là thế này, phải là thế kia. Người ấy đâu phải vì thương ta mà từ bỏ chính mình? Người ấy có quyền tự do được là chính họ chứ. Người ấy có quyền được biểu hiện như họ vốn là và theo đuổi một cuộc đời quan trọng với họ chứ. Ta ở bên nhau để hiểu nhau, chấp nhận nhau, dõi theo nhau, ủng hộ nhau trên một hành trình ta đi chung có tên “cuộc đời”. Có như vậy ta sẽ tự do tan trong nhau và chẳng bao giờ mất nhau. 

[...]Khi ta nghĩ ta mất một ai đó, thực chất là ta mất đi hình tượng ta đang kỳ vọng về người đó. Ta muốn có một người chồng tốt. Và khi người ấy thất bại trong việc đóng vai một người chồng tốt theo ý ta, ta nghĩ ta đã đánh mất họ. Nhưng thực chất, họ vẫn ở đây, vẫn trong cuộc đời này. Ta có bao giờ thuộc về ai? Vì không thuộc về nên sẽ chẳng bao giờ đánh mất. Ta là ta và họ là họ, bước đi bên nhau trong cuộc đời này mà thôi.

[...] Khi ta nghĩ ai đó thay lòng đổi dạ, thực chất chỉ là họ không giống như hình tượng kỳ vọng của ta mà thôi. Còn họ vẫn là họ. Chính kỳ vọng rằng mọi thứ vẫn mãi nguyên xưa mới làm ta đau khổ, chứ không phải một ai khác có thể đánh cắp an vui của ta. Hóa ra con người chúng ta không sống với nhau một cách chân thật mà ta xây dựng một mối quan hệ giữa hai hình tượng. Ta vẽ lên một hình tượng ta mong muốn người kia cần phải là. Và chắc hẳn họ cũng làm điều tương tự với ta. Thế là hai con người ấy đối đãi với nhau như hai hình tượng chưa bao giờ tồn tại ngoài đời thực. Kỳ vọng chồng lên kỳ vọng. Giả tưởng nối tiếp giả tưởng. Chúng chẳng khác nào những sợi dây siết nghẹt lấy tự do.

Tình thương chân thực là cho nhau tự do. Tự do được là mình. Tự do được là họ. Nhìn ngắm họ trong sự tự do tự tại và nâng đỡ bước chân nhau trên hành trình của mỗi người. Ấy mới là thứ yêu thương vô điều kiện.

[...] Khi này không chỉ ta trao trả tự do cho người ta thương mà ta cũng cho chính mình tự do. Không phải chẳng có trách nhiệm gì với nhau mà là không có nhu cầu phải sở hữu nhau. Ở đâu có sự sở hữu, ở đó không còn tự do.

 

Làm sao có được thứ tình yêu không sở hữu đây?

 

Câu trả lời rất giản đơn: Thay vì sở hữu, hãy hiện hữu. Hiện hữu trong cuộc đời này, trong từng khoảnh khắc và trân quý những gì ta đang có. Cho phép những thứ ta yêu được hiện hữu như chúng đang là. Trân quý từng khoảnh khắc thay vì phải có bằng được để mọi thứ là “của ta”. Chỉ có thông qua một tình thương vô điều kiện, không sở hữu như vậy, con người mới có thể chạm tới sự an vui và tự do đích thực.

Nhiều người định nghĩa “tự do” là có thể làm mọi thứ theo ý mình. Đây không phải tự do, mà là tùy tiện và lộn xộn. Thử hỏi ai cũng tìm kiếm tự do theo cách này thì thế giới sẽ trở thành một nơi như thế nào? Tự do đích thực là một trạng thái khi ta không còn bị lệ thuộc, chi phối bởi những tác nhân xung quanh và cả những suy nghĩ trong chính ta. Nói cách khác, nó chính là bình thản trước mọi biến động.

 

Làm sao để có được sự tự do này?

 

Tự do bắt nguồn từ sự thấy biết sáng rõ. Để tự do, ta cần trí tuệ. Để tự do, con người nhất thiết cần có trách nhiệm. Tự do và trách nhiệm vốn là hai mặt của một đồng xu. Nhưng thường thì người ta chỉ muốn chọn tự do và chối bỏ trách nhiệm. Người ta khao khát tự do, nhưng lại xem nhẹ trí tuệ.

Ta sẽ quay trở lại câu chuyện về tình yêu. Trong cuộc đời, ta có thể sẽ gặp người ta yêu. Và khi ta tìm được một người yêu thương mình như vậy, ta ngập tràn hạnh phúc. Một cách rất nhanh chóng, ta giao hạnh phúc của mình vào tay người khác và tin rằng họ sẽ đáp ứng mọi khao khát của mình. Nhưng thực chất, khi làm vậy ta đang giam chính mình vào một “nhà tù”. 

Tại sao lại là nhà tù? Giả sử nếu họ gặp gỡ một người khác giới, ta có ghen không? Giả sử họ không đối xử với ta theo cách ta kỳ vọng, ta có giận không? Giả sử họ không còn ở bên ta nữa, ta có đau khổ tuyệt vọng không? Chúng ta quá thiếu hiểu biết về chính mình mà chỉ liên tục đổ lỗi và trút bỏ toàn bộ trách nhiệm về sự an vui của mình cho người kia. Khi làm vậy ta cũng đang giam giữ họ trong “nhà tù của những kỳ vọng”. Và thế là hai con người hoàn toàn đánh mất tự do nhân danh tình yêu.

Bài viết được trích lược từ cuốn Sống như bông pháo hoa của tác giả Ruby Nguyễn. Cuốn sách mở ra câu trả lời cho những câu hỏi bạn cần nhất và giúp bạn khám phá ĐIỀU QUÝ GIÁ NHẤT CUỘC ĐỜI. Bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc thêm về cuốn sách tại đây.
Tags: