Leo Tolstoy: Bàn về việc tìm kiếm ý nghĩa trong một thế giới vô nghĩa
Leo Tolstoy: Bàn về việc tìm kiếm ý nghĩa trong một thế giới vô nghĩa
Trên bờ vực của cuộc khủng hoảng ấy, ông đã tìm được ánh sáng cuối cùng giữa bóng tối của sự tồn tại của mình, hướng về những truyền thống tôn giáo và triết học vĩ đại của thế giới để tìm câu trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống từ ngàn xưa.

Không lâu sau khi bước sang tuổi 50, Leo Tolstoy (9/9/1828 - 10/11/1910) đã gặp một cuộc khủng hoảng tinh thần sâu sắc. Với những kiệt tác đã có, ông nhận thấy ý thức về mục đích sống của mình ngày càng suy giảm khi sự nổi tiếng và sự ca ngợi của công chúng ngày càng dâng cao. Ông chìm vào trạng thái u sầu dù có một khối tài sản lớn, sức khỏe tốt so với tuổi, một người vợ đã sinh cho ông mười bốn đứa con và danh tiếng hứa hẹn. Trên bờ vực của cuộc khủng hoảng ấy, ông đã tìm được ánh sáng cuối cùng giữa bóng tối của sự tồn tại của mình, hướng về những truyền thống tôn giáo và triết học vĩ đại của thế giới để tìm câu trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống từ ngàn xưa. 

Năm 1879, một thập kỷ sau “Chiến tranh và Hòa bình” và hai năm sau “Anna Karenina”, và một thập kỷ trước khi bắt đầu tổng hợp những phát hiện triết học này trong “Calendar of Wisdom” (tạm dịch: Lịch minh triết), Tolstoy đã chuyển tải khủng hoảng hiện sinh trong đời sống nội tâm của mình vào tác phẩm “A Confession” (tạm dịch: Sự đời tôi) - một cuốn hồi ký thẳng thắn và mãnh liệt những cảm xúc phi thường, cho chúng ta thấy những suy ngẫm sâu sắc của Tolstoy về tiền bạc, danh tiếng và việc viết lách vì những lý do sai lầm.

Ông ví sự tiến triển của chứng trầm cảm của mình với một căn bệnh thể chất nghiêm trọng. Tolstoy viết:

“Sau đó, mọi người mắc một căn bệnh nội tại nguy hiểm. Lúc đầu, những dấu hiệu bình thường xuất hiện mà  người bệnh không chú ý đến; sau đó những dấu hiệu này lại xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn và hòa vào một thời kỳ đau khổ liên miên. Sự đau khổ ngày càng tăng, và trước khi người bệnh có thể nhìn ra, điều mà anh ta coi là sự bất ổn đã trở nên quan trọng hơn bất kì điều gì khác trên đời - đó là cái chết!”

Các triệu chứng kinh điển của trầm cảm nhấn chìm ông. Ông mất đi niềm đam mê với công việc và coi sự nổi tiếng vĩnh cửu mà ông từng ao ước là vô nghĩa. Ông thậm chí còn ngừng dùng súng của mình vì sợ rằng sẽ tự kết liễu. Dù ông không thừa nhận một “ai đó” theo nghĩa của một đấng sáng tạo, nhưng ông cảm thấy rằng cuộc sống của mình là một trò chơi khăm của ai đó, một trò đùa thậm chí còn nghiệt ngã hơn nhận thức của chúng ta về vô thường, và tất cả những điều đó càng làm ông tuyệt vọng:

“Hôm nay hoặc ngày mai bệnh tật và cái chết sẽ đến (chúng đã đến rồi) với những người tôi yêu thương hoặc với tôi; sẽ chẳng còn lại gì ngoài mùi hôi thối và đám dòi bọ. Dù có là gì, sớm hay muộn, những chuyện của tôi cũng bị lãng quên, và tôi sẽ không tồn tại. Thế tại sao vẫn cứ tiếp tục nỗ lực?... Làm sao để con người không thấy được điều này? Và làm thế nào để tiếp tục sống? Ngạc nhiên thay! Người ta chỉ có thể sống khi say mê cuộc sống; khi tỉnh táo thì không thể thấy rằng tất cả chỉ là một trò đùa và một trò lừa đảo ngu xuẩn! Sự thực thì chẳng có gì hài hước hay hóm hỉnh cả, chỉ toàn là tàn nhẫn và xuẩn ngốc.

[…]

Nếu tôi hiểu đơn giản rằng cuộc sống không có ý nghĩa thì tôi đã có thể chịu đựng nó một cách lặng lẽ, biết rằng đó là số phận của tôi. Nhưng tôi không thể thỏa mãn bản thân với điều đó. Nếu tôi giống như một người sống trong rừng mà không biết đến lối ra thì anh ta vẫn có thể sống; nhưng tôi giống như một người lạc trong rừng, sợ bị lạc đường, vội vã chạy đi tìm đường. Mỗi bước đi của người lạc càng trở nên bối rối nhưng anh ta không thể không vội vã. Nó thực sự khủng khiếp. Và để thoát khỏi nỗi kinh hoàng, tôi đã muốn tự sát.”

Tuy nhiên, ông nhận ra rằng việc tìm hiểu cốt lõi căn bệnh tinh thần không phải là duy nhất và cũng không phức tạp: 

“Câu hỏi của tôi… là câu hỏi đơn giản nhất, nằm trong tâm hồn mỗi người từ đứa trẻ ngây dại đến người lớn tuổi khôn ngoan nhất, đó là câu hỏi mà không có câu trả lời thì người ta không sống nổi, như tôi đã nhận ra bằng kinh nghiệm. Rằng: “Điều gì sẽ xảy ra với những gì tôi đang làm hôm nay hoặc sẽ làm vào ngày mai? Điều gì sẽ xảy ra trong suốt cuộc đời tôi?” Hay hiểu theo cách khác, câu hỏi ấy là: “Tại sao tôi phải sống, tại sao lại cứ mong ước hay phải làm bất cứ điều gì?” Nó cũng có thể diễn đạt như thế này: “Có chăng một ý nghĩa nào đó tồn tại trong cuộc đời tôi mà không bị phá hủy bởi cái chết tất yếu đang chờ tôi phía trước?”

Để tìm cách trả lời câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng sâu sắc đến mức khiến người ta tê liệt này, Tolstoy lần đầu tiên tìm hiểu khoa học, nhưng nhận thấy rằng thay vì nhận ra và trả lời câu hỏi, khoa học đã phá vỡ nó và thay vào đó đặt ra những câu hỏi của chính nó, rồi trả lời những câu hỏi đó. Trên hết, ông nhận thấy khoa học không có khả năng soi sáng cái vô hạn, thay vào đó, nó biến những câu hỏi và câu trả lời của nó thành hữu hạn. Ông viết: 

“Toàn là những từ sáo rỗng, vì trong cái vô hạn không có phức tạp hay đơn giản, không tiến cũng không lùi, không tốt hơn hay tệ hơn.

[…]

Người chân thành hỏi mình phải sống như thế nào thì không thể hài lòng với câu trả lời: “Hãy nghiên cứu trong không gian vô tận những biến đổi, vô tận về thời gian và độ phức tạp của vô số nguyên tử, rồi bạn sẽ hiểu được cuộc sống của mình.” Do đó, một người chân thành cũng không thể hài lòng với đáp án: “Hãy nghiên cứu toàn bộ cuộc sống của nhân loại mà chúng ta không thể biết được dù chỉ là một chút về khởi đầu hay kết thúc, và khi đó bạn sẽ hiểu được cuộc sống của chính mình.”

Một thế kỷ rưỡi trước khi Alan Lightman đấu tranh với cùng một nghịch lý, Tolstoy đã nắm bắt được tình huống Catch-22 (Bẫy 22):

“Vấn đề của khoa học thực nghiệm là trình tự nhân quả trong các hiện tượng vật chất.  

Khoa học thực nghiệm chỉ cần đưa ra câu hỏi về nguyên nhân cuối cùng khiến nó trở nên vô nghĩa. Vấn đề của khoa học trừu tượng là sự thừa nhận bản chất nguyên thủy của sự sống. Chỉ cần đưa vào nghiên cứu các hiện tượng mang tính hệ quả (chẳng hạn như các hiện tượng xã hội, lịch sử) thì cũng trở nên vô nghĩa. Khi đó, khoa học thực nghiệm chỉ mang lại những kiến ​​thức tích cực và thể hiện sự vĩ đại của trí tuệ con người khi nó không đưa vào nghiên cứu của mình câu hỏi về nguyên nhân cuối cùng. Và ngược lại, khoa học trừu tượng chỉ là khoa học và thể hiện sự vĩ đại của trí tuệ con người khi nó loại bỏ hết những  câu hỏi liên quan đến nguyên nhân hệ quả của các hiện tượng và chỉ coi con người trong mối quan hệ với nguyên nhân cuối cùng.”

Sau đó, ông chuyển hướng sang triết học nhưng cũng vỡ mộng: 

“Triết học không những không trả lời mà bản thân nó còn đặt ra thêm câu hỏi. Và nếu đó là triết học thực sự thì tất cả giá trị của nó chỉ nằm ở việc cố gắng đặt câu hỏi một cách rõ ràng.”

Thay vì câu trả lời, ông tìm thấy trong triết học “những câu hỏi tương tự, nhưng phức tạp hơn.” Ông than phiền về sự bất lực của khoa học hoặc triết học trong việc đưa ra câu trả lời thực sự:

“Một loại thì không không có câu trả lời cho câu hỏi của cuộc sống, loại kia thì trả lời bằng cách trực tiếp xác nhận sự tuyệt vọng của tôi, không chỉ ra rằng kết quả mà tôi đạt được là kết quả của sai lầm hay trạng thái tâm trí bệnh hoạn của tôi, nhưng trái lại tôi đã suy nghĩ đúng, và suy nghĩ của tôi trùng hợp với kết luận của những bộ óc mạnh mẽ nhất của con người.”  

Thất vọng, Tolstoy trả lời câu hỏi của chính mình:

“Tại sao mọi thứ tồn tại và tại sao tôi tồn tại?” Bởi vì đó là sự tồn tại.” 

Một thế kỷ sau, John Cage cũng ủng hộ (“Không có lý do gì cả. Chỉ  có ngay tại đây.”) và George Lucas cũng sẽ lặp lại (“Không có lý do tại sao. Chúng ta tồn tại. Cuộc sống vượt xa lý trí.”) - một mệnh đề gần nhất truyền thống tâm linh của Phật giáo. Và, thực sự, trong một nỗ lực cuối cùng, Tolstoy hướng đến tâm linh để tìm ra câu trả lời bằng cách khảo sát cách những người trong vòng kết nối xã hội của ông. Từ đó, ông tìm thấy bốn chiến lược để quản lý khủng hoảng hiện sinh, nhưng không chiến lược nào có thể triệt tiêu hoàn toàn nó:

“Tôi nhận thấy rằng đối với những người trong vòng kết nối của tôi, có bốn cách để thoát khỏi tình thế khủng khiếp mà tất cả chúng ta đang rơi vào. Đầu tiên đó là sự thiếu hiểu biết.Nó bao gồm việc không biết, không hiểu rằng cuộc sống là một điều xấu xa và phi lý. Tôi không có gì để học được từ những người kiểu này, người ta không thể ngừng biết những gì người ta biết.

Lối thoát thứ hai là chủ nghĩa hưởng thụ. Nó bao gồm việc biết tận dụng những thuận lợi mà mình có, mặc kệ những thứ không liên quan và hưởng thụ những gì tốt nhất trong tầm tay theo cách tốt nhất… Đó là cách mà phần lớn mọi người trong vòng tròn của chúng tôi tạo dựng cuộc sống cho chính họ. Hoàn cảnh của họ mang lại cho họ nhiều phúc lợi hơn là khó khăn, và sự đần độn về mặt đạo đức khiến họ có thể quên rằng lợi thế về vị trí của họ chỉ là ăn may… và rằng hôm nay tôi tình cờ trở thành Solomon nhưng ngày mai lại là nô lệ của Solomon. Hiểu biết hạn hẹp của những người này khiến họ quên đi những điều đã khiến Đức Phật không được bình an: sự không thể tránh khỏi của bệnh tật, tuổi già và cái chết, mà hôm nay hoặc ngày mai sẽ tiêu diệt tất cả những thú vui này.

Lối thoát thứ ba là sức mạnh và năng lượng. Nó bao gồm việc hủy diệt sự sống khi người ta cho rằng đó là một thứ xấu xa và phi lý. Một số ít người đặc biệt mạnh mẽ và kiên định lại hành động như vậy. Họ hiểu được sự ngu xuẩn của trò đùa đã bày ra với họ, và hiểu rằng thà chết còn hơn sống, và tốt nhất là họ đừng tồn tại, họ hành động thức thời và nhanh chóng để kết thúc trò đùa ngu ngốc này vì họ có những phương tiện như: một sợi dây thắt cổ, dòng nước, một con dao găm vào tim hoặc những đoàn tàu trên đường ray; và số người trong vòng tròn của chúng ta hành động theo cách này ngày càng nhiều hơn, và phần lớn họ hành động như vậy vào thời điểm tốt nhất của cuộc đời, khi sức mạnh của tâm trí đang phát triển mạnh mẽ và một số thói quen làm suy thoái tâm trí thậm chí vẫn chưa hình thành…

Lối thoát thứ tư là sự yếu đuối. Cách này là dù nhìn thấy sự thật của hoàn cảnh nhưng vẫn bám víu vào cuộc sống và biết trước rằng sẽ chẳng đạt được gì. Những người thuộc kiểu này biết rằng cái chết tốt hơn sự sống, nhưng không đủ sức mạnh để hành động,  để nhanh chóng chấm dứt sự lừa dối và tự sát, họ dường như đang chờ đợi một điều gì đó. Đây là lối thoát hình thành từ sự yếu đuối, vì nếu tôi biết điều gì là tốt nhất và nó nằm trong khả năng của tôi thì tại sao lại không nắm lấy cái tốt nhất đấy?... Cách này là sống như Solomon và Schopenhauer - biết rằng cuộc sống là một trò đùa ngu ngốc đang trêu đùa chúng ta nhưng vẫn tiếp tục sống, tắm rửa, mặc quần áo, ăn tối, nói chuyện và thậm chí viết sách. Đối với tôi, cách này thật tệ và nó dày vò tôi, nhưng tôi vẫn ở trong nó.”

Nhận thấy mình thuộc kiểu thứ tư, Tolstoy bắt đầu đặt câu hỏi tại sao ông không tự sát. Đột nhiên, ông nhận ra rằng một phần trong ông đang đặt câu hỏi về tính xác thực của những suy nghĩ trầm cảm của mình, đưa ra “một nghi ngờ mơ hồ” về tính chắc chắn trong kết luận của mình về sự vô nghĩa của cuộc sống. Khiêm nhường trước nhận thức rằng tâm trí vừa là con rối vừa là người điều khiển con rối, ông viết:

‘“Nó là như thế này: Tôi, lý trí của tôi, đã thừa nhận rằng cuộc sống thật vô nghĩa. Nếu không có gì cao hơn lý trí (và không gì có thể chứng minh là có), thì đối với tôi, lý trí tạo ra cuộc sống. Nếu lý trí không tồn tại thì đối với tôi sẽ không có cuộc sống. Làm sao lý trí có thể phủ nhận cuộc sống khi nó tạo ra cuộc sống? Hay nói cách khác: nếu không có cuộc sống thì lý trí của tôi sẽ không tồn tại; do đó lý trí là đứa con của cuộc sống. Cuộc sống là tất cả. Lý trí là kết quả của nó nhưng lý trí lại chối bỏ chính cuộc sống! Tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn ở đây.”

Và ông khám phá ra giải pháp không phải ở khoa học hay triết học hay cuộc sống theo chủ nghĩa khoái lạc, mà ở những cuộc sống ở dạng đơn giản và thuần khiết nhất của nó: 

“Lý lẽ cho thấy rằng sự phù phiếm của cuộc sống từ lâu đã quen thuộc với những người giản dị nhất; vậy mà họ đã sống và vẫn sống. Làm sao mà họ sống mà không bao giờ nghĩ tới việc nghi ngờ tính hợp lý của cuộc sống? 

Hiểu biết của tôi, đã được xác nhận bởi trí tuệ của các nhà hiền triết, đã cho tôi thấy rằng mọi thứ trên trái đất, hữu cơ và vô cơ, đều được sắp xếp một cách khéo léo nhất nhưng riêng chỉ vị trí của riêng tôi là ngu ngốc. Và một số lượng lớn những kẻ ngốc ấy không biết gì về cách mọi thứ hữu cơ và vô cơ trên thế giới được sắp xếp; nhưng họ sống, và dường như cuộc sống của họ lại được sắp xếp rất khôn ngoan!

Và tôi chợt nghĩ: “Nhưng nếu có điều gì đó tôi chưa biết thì sao? Và đó là sự thiếu hiểu biết. Sự thiếu hiểu biết luôn nói đúng những gì tôi đang nói. Khi không biết điều gì đó thì đó là sự ngu ngốc. Quả thực, dường như có cả một nhân loại đã sống và sống như thể hiểu được ý nghĩa cuộc sống của mình, vì nếu không hiểu thì không thể sống được; nhưng tôi nói rằng cả cuộc đời này thật vô nghĩa và tôi không thể sống được.”

Nhận thức được điều mà Stuart Firestein gọi là “sự ngu dốt hoàn toàn có ý thức” vào khoảng 130 năm sau, Tolstoy nhìn thấy sự mù quáng của chính mình bằng góc nhìn mới:

“Trong sự ảo tưởng về niềm tự hào về trí tuệ của mình, đối với tôi, dường như không thể nghi ngờ rằng tôi, Solomon và Schopenhauer đã đặt ra câu hỏi một cách trung thực và chính xác đến mức không thể làm được điều gì khác. Nhưng dường như cả triệu người vẫn chưa hiểu được toàn bộ ý nghĩa sâu sắc của câu hỏi. Và tôi đã tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời mình mà không một lần chợt hỏi: “Hàng triệu người bình thường đang sống và đã sống trên thế giới sống với ý nghĩa nào trong cuộc sống của họ?”

Tôi đã sống trong tình trạng mất trí này từ lâu, mà trên thực tế nếu không nói bằng lời thì đây là đặc điểm đặc biệt của những người rất phóng khoáng và có học thức như chúng tôi. Nhưng hoặc nhờ vào tình cảm thân xác kỳ lạ mà tôi dành cho những người lao động thực sự, điều đó đã thôi thúc tôi hiểu họ và thấy rằng họ không ngu ngốc như chúng ta tưởng; hoặc nhờ vào niềm tin chân thành rằng tôi không thể biết gì ngoài sự thật rằng điều tốt nhất tôi có thể làm là treo cổ tự tử, dù sao đi nữa, theo bản năng, tôi cảm thấy nếu tôi muốn sống và hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, tôi phải tìm kiếm ý nghĩa này không phải ở những người đã đánh mất nó và muốn tự tử, mà là ở hàng tỷ người trong quá khứ và hiện tại, những người tạo nên cuộc sống và những người chịu gánh nặng cuộc đời của chính họ và của cả chúng ta nữa. Và khi tôi xem xét số lượng khổng lồ những con người đơn thuần, ít học và nghèo khổ đã và đang sống, tôi thấy một điều gì đó khác biệt. Tôi thấy rằng, ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, tất cả hàng tỷ người đã và đang sống đều không phù hợp với sự phân chia của tôi, và rằng tôi không thể xếp họ vào kiểu không hiểu câu hỏi, chính họ đã nói ra và trả lời nó rõ ràng một cách lạ thường. Tôi cũng không thể coi họ là những kẻ hưởng lạc, vì cuộc sống của họ không có những thú vui, mà chỉ toàn là thiếu thốn và đau khổ. Tôi càng không thể coi họ là những kẻ đang duy trì sự tồn tại vô nghĩa một cách phi lý, bởi vì mọi hành động trong cuộc sống của họ, cũng như chính cái chết, đều do họ định nghĩa. Họ coi tự sát là tội ác lớn nhất. Có vẻ như cả nhân loại đều có chung một sự hiểu biết về ý nghĩa cuộc sống mà tôi không thừa nhận và không đánh giá cao. Có vẻ như tri thức duy lý không mang lại ý nghĩa cho cuộc sống mà loại trừ cuộc sống: trong khi ý nghĩa của cuộc sống được hàng triệu người của toàn thể nhân loại gán cho cuộc sống, lại dựa trên một số ngụy biện.”

Ông xem xét sự phi lý cần tiết của đức tin và suy ngẫm về yêu cầu từ bỏ lý trí một cách bất công của nó:

“Tri thức duy lý được trình bởi những người có học thức và khôn ngoan phủ nhận ý nghĩa của cuộc sống, nhưng đại đa số loài người lại tiếp nhận ý nghĩa đó một cách phi lý trí. Và tri thức duy lý đó chính là đức tin, đó là điều tôi không thể không bác bỏ chừng nào tôi còn tỉnh táo. 

Chỗ đứng của tôi thật tệ. Tôi biết trên con đường của tri thức duy lý, tôi sẽ không tìm thấy gì ngoại trừ sự phủ nhận cuộc sống; và ở đó - trong đức tin - không có gì khác hơn là sự phủ nhận lý trí, điều đó đối với tôi còn khó hơn cả sự phủ nhận cuộc sống. Từ những tri thức duy lý, có vẻ như cuộc sống là một tội ác, con người biết điều này và họ có quyền kết thúc cuộc sống; vậy mà họ đã sống và vẫn sống, tôi cũng sống dù từ lâu tôi đã biết rằng cuộc sống là vô nghĩa và xấu xa. Để hiểu về ý nghĩa cuộc sống thông qua đức tin, tôi phải từ bỏ lý trí của mình, chính điều mà chỉ riêng nó thôi đã cần có ý nghĩa…

Từ hai lối thoát đó, mâu thuẫn nảy sinh. Hoặc cái mà tôi gọi là lý trí lại không quá lý trí như tôi trưởng, hoặc cái mà đối với tôi có vẻ phi lý thì lại không phi lý như tôi tưởng.”

Và ở đó, ông tìm ra sai sót trong những lý luận trước đây của mình về sự vô nghĩa của cuộc sống: 

“Kiểm chứng dòng lập luận của tri thức duy lý tôi thấy khá đúng. Kết luận rằng cuộc sống không có gì là không thể tránh khỏi; nhưng tôi nhận thấy một sai lầm. Sai lầm nằm ở chỗ lý luận của tôi không phù hợp với câu hỏi tôi đã đặt ra. Câu hỏi là: “Tại sao tôi phải sống, nghĩa là, cuộc sống phù du ảo tưởng của tôi sẽ tạo ra kết quả thực sự và vĩnh viễn gì - sự tồn tại hữu hạn của tôi trong thế giới vô tận này có ý nghĩa gì?”

Và để trả lời câu hỏi đó tôi đã nghiên cứu cuộc sống.

Giải pháp cho tất cả các câu hỏi khả thi của cuộc sống rõ ràng không thể làm tôi thỏa mãn, vì câu hỏi của tôi, đơn giản như lúc đầu nó xuất hiện, bao gồm yêu cầu giải thích cái hữu hạn theo cái vô hạn và ngược lại. 

Tôi hỏi: “Ý nghĩa cuộc đời tôi, vượt ra ngoài thời gian, sự kiện và không gian là gì?” và tôi đã trả lời một câu hỏi hoàn toàn khác: “Ý nghĩa cuộc sống của tôi trong thời gian, sự kiện và và không gian là gì?” Kết quả là sau một thời gian dài đắn đo suy nghĩ, câu trả lời tôi đạt được là: “Không gì cả”. 

Trong lý luận của mình, tôi liên tục so sánh (tôi cũng không thể làm khác) cái hữu hạn với cái hữu hạn, cái vô hạn với cái vô hạn; nhưng vì lý do đó mà tôi nhận được kết quả tất yếu: sức mạnh là sức mạnh, vật chất là vật chất, ý chí là ý chí, vô hạn là vô hạn, không có gì là không có gì - và đó là tất cả những kết quả có thể nhận được.”

[...]

Triết học không phủ nhận điều gì mà chỉ đưa ra câu trả lời rằng  rằng nó không thể giải quyết được vấn đề - rằng đối với nó, không có giải pháp cố định.

Sau khi hiểu điều này, tôi hiểu rằng không thể tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi của tôi trong tri thức duy lý, và rằng câu trả lời được đưa ra bởi tri thức duy lý chỉ là một dấu hiệu cho thấy câu trả lời nhận được chỉ là một phát biểu khác đi của câu hỏi, và chỉ khi mối quan hệ giữa cái hữu hạn và cái vô hạn được đưa vào câu hỏi. Và tôi hiểu rằng, cho dù những câu trả lời do đức tin đưa ra có phi lý và méo mó đến đâu đi nữa, chúng vẫn có lợi thế là chúng đưa vào mỗi câu trả lời một mối quan hệ giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, nếu không có thì không thể có giải pháp.

Vì vậy, bên cạnh tri thức duy lý, mà đối với tôi dường như là tri thức duy nhất, tôi chắc chắn phải thừa nhận rằng toàn bộ nhân loại đang sống còn có một tri thức phi lý khác - đức tin. Đối với tôi, đức tin vẫn phi lý như trước, nhưng tôi không thể không thừa nhận rằng chỉ có nó mới mang lại cho nhân loại câu trả lời cho những câu hỏi của cuộc sống, và do đó, nó khiến cuộc sống trở nên khả thi.”

Tolstoy lưu ý rằng, dù đức tin có là gì đi nữa, nó cũng “mang lại cho sự tồn tại hữu hạn của con người một ý nghĩa vô hạn, một ý nghĩa không bị phá hủy bởi đau khổ, thiếu thốn hay cái chết”, tuy nhiên ông vẫn cẩn thận không gắn đức tin với một tôn giáo cụ thể. Giống như Flannery O’Connor, người đã phân biệt rất rõ ràng giữa tôn giáo và đức tin, Tolstoy viết:

“Tôi hiểu rằng đức tin không chỉ đơn thuần là “bằng chứng của những điều vô hình”, v.v., và không phải là một sự mặc khải (chỉ xác định một trong những dấu hiệu của đức tin, không phải là mối quan hệ của con người với Thiên Chúa: người ta trước tiên phải định nghĩa đức tin rồi mới đến Thiên Chúa, chứ không phải định nghĩa đức tin thông qua Thiên Chúa); nó không chỉ là những gì đã được nói với cá nhân (như đức tin thường được cho là như vậy), mà đức tin còn là sự hiểu biết về ý nghĩa của cuộc sống con người, nhờ đó con người không tự hủy diệt mình mà sống. Đức tin là sức mạnh của cuộc sống. Nếu một người sống, anh ta tin vào điều gì đó. Nếu anh ta không tin rằng người ta phải sống vì điều gì đó thì anh ta sẽ không sống. Nếu không thấy và nhận ra bản chất huyễn ảo của hữu hạn thì tin vào hữu hạn; nếu hiểu được bản chất hão huyền của hữu hạn thì phải tin vào vô hạn. Không có đức tin thì anh không thể sống được…Để có thể sống, đừng nhìn vào cái vô hạn, hoặc phải có cách giải thích về ý nghĩa của cuộc sống để kết nối cái hữu hạn với cái vô hạn.”

Tuy nhiên, càng xem xét kỹ hơn về đức tin, ông càng nhận thấy sự không liên quan giữa nó và tôn giáo. Một lần nữa, ông trở lại với những bần nông như một hình mẫu của sự cứu rỗi tinh thần, của sự kết nối cái hữu hạn với cái vô hạn, và một lần nữa sử dụng góc nhìn của họ để thấy một đặc tính gần giống nhất với triết lý chấp nhận của Phật giáo:

“Trái ngược với những gì tôi đã thấy trong vòng tròn quan hệ của mình, nơi cuộc sống trôi qua trong sự nhàn rỗi, thích thú và bất mãn, tôi thấy rằng cuộc đời của những người này là những tháng này lao động nặng nhọc và họ hài lòng với cuộc sống. Những người này chấp nhận bệnh tật và đau khổ mà không hề bối rối hay kháng cự, thầm lặng và tin rằng rằng tất cả đều ổn; khác với những người trong vòng tròn luôn chống lại số phận, phàn nàn về những thiếu thốn và đau khổ của cuộc sống. Càng khôn ngoan thì chúng ta càng ít hiểu ý nghĩa của cuộc sống, và thực tế trớ trêu là chúng ta đau khổ và chết đi; còn những người này sống và chịu đựng đau khổ, họ đón nhận cái chết và sự đau khổ một cách thanh thản, và hầu hết họ đều thấy hài lòng…

[...]

Tôi hiểu rằng nếu tôi muốn hiểu cuộc sống và ý nghĩa của nó, tôi không được sống cuộc sống của một kẻ ăn bám, mà phải sống một cuộc sống thực sự. Đón nhận ý nghĩa cuộc sống được ban cho bởi những con người thực sự và hòa mình vào cuộc sống đó, rồi tôi sẽ tìm ra được một cuộc sống thực sự.” 

 

- Trạm Đọc

- Bài viết gốc: themarrginalian 

 

Tags: