Tác giả Trần Thị Thuỳ Trang: Sống là chính mình vẫn có thể thành công
Tác giả Trần Thị Thuỳ Trang: Sống là chính mình vẫn có thể thành công
Đến với Café Sách số 15, Trạm Đọc mời bạn lắng nghe những chia sẻ giản dị từ Thùy Trang, tác giả cuốn sách vừa ra mắt: Tìm đường tuổi 20s. Sinh năm 1990, cô gái bé nhỏ Trần Thị Thùy Trang (Thùy Trang Cocktail) từng gặp gỡ Hillary Clinton, đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị doanh nhân trẻ toàn cầu 2014 – GES, dường như đã có được rất nhiều ở tuổi 27 của mình.

Giới thiệu nhân vật:

Trần Thị Thùy Trang, sinh năm 1990, hiện đang là giám đốc Domino Education (Domino English School).

Năm 2012, Thùy Trang tham dự P&G ASEAN Business Challenge (Tìm kiếm tài năng trẻ khu vực châu Á) và cùng đội mình vô địch tại Singapore. Với những thành tích nổi bật của mình, cô gái khi ấy mới 22 tuổi là thành viên trẻ nhất trong 8 cựu du học sinh ưu tú được gặp gỡ Hillary Clinton.

Tháng 11/2014, Thùy Trang trở thành một trong hai đại diện của Việt Nam tham dự Hội nghị doanh nhân trẻ toàn cầu 2014 - GES (Global Entrepreneurship Summit), được tổ chức tại thành phố Marrakech (Ma-rốc), thông qua chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI).

Khởi nghiệp với Domino Education từ năm 2013, cô gái 9x này mong muốn tạo được một môi trường giáo dục cởi mở, giúp người học không chỉ được trang bị kiến thức, kỹ năng tiếng Anh, mà được truyền cảm hứng để vươn lên và làm chủ việc học của mình.

Không chỉ là một CEO, cái tên Trần Thị Thuỳ Trang cũng quen thuộc với cộng đồng mạng xã hội Facebook vì những bài viết với #ThuyTrangCocktail, truyền cảm hứng cho rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.

Từ mong muốn tâm sự nhiều hơn với độc giả về một Thùy Trang cũng từng tự ti, lạc lối và phải không ngừng nỗ lực để có được thành công như hôm nay, Trang đã viết cuốn sách “Tìm đường tuổi 20s”, truyền cảm hứng cho các bạn còn đang hoang mang, bối rối khi đối mặt với các vấn đề tuổi trẻ của mình. Sách được phát hành vào cuối tháng 1/2017.

Bạn đã từng đọc “Tuổi 20 những năm tháng quyết định cuộc đời bạn”, “Nếu tôi biết được khi còn 20”? Nhưng có vẻ “Tìm đường tuổi 20s” đem lại điều gì đó rất khác. Và lần này cũng là một lần phỏng vấn Café Sách khác lạ nhất của Trạm từ trước đến giờ, chúng tôi thực sự không nói nhiều về sách, về niềm yêu thích sách..vậy chúng tôi nói gì?

Mời bạn cùng đến với cuộc trò chuyện giữa Trạm Đọc và Trần Thị Thùy Trang với “Tìm đường tuổi 20s”. Hy vọng bạn thấy vui và an yên khi lắng nghe những chia sẻ chân thành này trong những ngày đầu năm mới.

 

 

Muốn đọc sách hiệu quả, hãy để đầu óc mình cởi mở nhất.

 

Trong cuốn sách “Tìm đường tuổi 20s” của mình, chị nói rằng bản thân là một người hướng nội. Tôi thấy những người như vậy thường rất thích đọc sách, còn chị?

Là người hướng nội nhưng tôi hơi “ngược đời”. Thời sinh viên, tôi chủ yếu đọc sách chuyên môn, còn về đời sống hay các kiến thức xã hội thì tôi lại tiếp xúc qua các nguồn khác, ví dụ như học các khóa học online. Ngày ấy tôi cũng tham gia rất nhiều hoạt động, cũng vì thế nên tôi không có quá nhiều thời gian để đọc sách. Cho đến khi đi làm thì tôi bắt đầu làm bạn với sách thân thiết hơn.

Cách tiếp cận mỗi quyển sách của tôi khá đặc biệt. Trước khi đọc, tôi thường chủ động gạt hết những gì mình đã biết sang một bên để đọc với tâm thế cởi mở nhất. Trong tiếng Anh người ta thường gọi là “unlearn to learn”. Trong cuốn sách “Tìm đường tuổi 20s” tôi cũng đã chia sẻ về việc mình “thích làm học sinh dốt”, vì định vị là “mình dốt” nên tôi luôn tìm thấy điều có thể học hỏi được trong bất kỳ cuốn sách nào. Đối với tôi, ngay cả khi 99 trong 100 điều họ nói có thể mình đã biết, nhưng chỉ cần học được thêm 1 điều mới là đã rất giá trị rồi.

Hãy cố gắng để biết “dốt” trước khi bạn giỏi! Và kể cả khi đã giỏi rồi, đôi khi cũng cần tự làm mình “dốt” để vươn lên một tầm cao mới.

- Tìm đường tuổi 20s-

Đã từng thu nhận tri thức bằng rất nhiều cách khác nhau, chị thấy so với với những khóa học hay video trên youtube thì sách có gì khác biệt và ưu việt hơn?

 Cái hay của việc đọc sách chính là khoảng thời gian được ngẫm. Tuỳ vào tính chất của mỗi quyển sách mình sẽ tự chủ động tốc độ đọc khác nhau. Có những quyển đòi hòi mình phải đọc từ từ và ngấm dần dần.

Tôi cũng giữ kiểu xem video của mình giống như khi đọc sách. Thông thường tôi nghe một đoạn rồi dừng lại, ghi chú những gì hay và nghĩ xem cái này giúp ích cho mình như thế nào rồi mới xem tiếp. Đối với nhiều video hữu ích, nếu xem vội vàng, liền một mạch không dừng, nhiều khi mình không kịp tư duy và ngẫm nghĩ, kiến thức sẽ khó có thể đọng lại được.

Có những cuốn sách đòi hỏi chúng ta phải đọc từ từ và ngẫm nghĩ
Như vậy từ chính bản thân chị cho thấy chúng ta luôn có thể tiếp thu kiến thức từ rất nhiều nguồn khác nhau, không nhất thiết phải đọc sách. Chị có cho rằng cần thiết phải hô hào, vận động người ta đọc sách nhiều hơn không?

Thật ra tùy vào định nghĩa của mọi người về việc học. Nếu mọi người chỉ đơn thuần nghĩ học để lấy kiến thức thì đúng là có rất nhiều nguồn để học, chọn phương pháp nào để học phụ thuộc vào sự phù hợp của từng người với phương pháp đó.

Còn sách lại cho tôi nhiều điều tuyệt vời khác ngoài kiến thức, đặc biệt là giá trị tinh thần. Khi cảm thấy bế tắc hoặc chán nản, việc đọc một quyển sách hay sẽ cho mình một góc nhìn mới, để mình thấy có rất nhiều điều tuyệt vời trong cuộc sống mình chưa khám phá, để mình thấy cuộc sống thú vị hơn, đáng sống hơn.

Sách đem lại những giá trị tinh thần quý giá khác biệt
 

 

Người truyền cảm hứng…HỌC

 

Về công việc của chị, trong rất nhiều lĩnh vực khác để khởi nghiệp, tại sao chị lại chọn giáo dục?

Ngày trước tôi chỉ nghĩ đơn thuần dạy học là mang đến kiến thức. Càng lớn lên, tôi càng hiểu rằng thực ra kiến thức chỉ là một phần. Nhiệm vụ cao cả hơn của giáo viên là giúp người học có niềm tin vào bản thân, để người học nghĩ mình có thể làm được, sẵn sàng nỗ lực hết mình để tiến bộ. Kiến thức bây giờ thực sự rất dễ tìm, trên mạng có nhiều nguồn lắm, tự học hoàn toàn rất dễ. Việc giáo viên truyền động lực và giúp người học tìm ra định hướng, con đường đi quan trọng hơn rất nhiều. Khi đã có động lực, niềm tin vào bản thân, khi có một khát khao, ước mơ đủ lớn, khi nắm được con đường đi phía trước, việc có được kiến thức, kỹ năng không còn là thử thách quá khó khăn. Tất cả những điều đó là nền tảng quan trọng để người học tạo được nhiều bứt phá và thành công trong việc phát triển bản thân.

 

Thùy Trang cùng người đồng sáng lập trang Coursera - Daphne Koller

Những lớp học đầu tiên tôi mở ra vì sở thích cá nhân là chính chứ thực sự ngày đấy chưa bao giờ nghĩ sẽ đi dạy học cả. Nhưng sau những lần đầu ấy, có rất nhiều học sinh đã cảm ơn tôi vì đã giúp họ tự tin vào bản thân hơn, truyền cảm hứng học tập cho họ nhiều hơn. Dần dần, khi gặp gỡ và thấy có rất nhiều thầy cô cũng cùng chia sẻ hệ giá trị và tâm huyết với sứ mệnh truyền cảm hứng cho người học, tôi mới bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng một tổ chức với những người cùng tâm huyết, đam mê với giáo dục, để có thể mang lại nhiều giá trị đến cho người học nhất. Tôi quyết định khởi nghiệp trong giáo dục là vì lý do như vậy. Tôi tin rằng giáo dục có thể tác động một cách sâu sắc vào mỗi con người, từ đó tạo những ảnh hưởng tốt đẹp cho xã hội.

Thùy Trang hiện là CEO của Domino Education

 

Để thành công, cần bao dung và kiên nhẫn với bản thân

 

Không chỉ là một doanh nhân trẻ thành đạt, chị còn là nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ qua những chia sẻ trên mạng xã hội của mình. Lý do gì đã khiến chị quyết “nâng cấp” những bài viết với #thuytrangcocktail thành cuốn sách “Tìm đường tuổi 20s”?

Khi đọc những cuốn sách viết về tuổi trẻ, tôi thấy có rất nhiều cuốn dạy cách thành công, cách ghi dấu ấn, gây ấn tượng rồi khích lệ bạn đọc làm những điều vĩ đại. Nhưng khi tiếp xúc với nhiều học trò của mình, khi gặp gỡ các bạn trẻ quanh tôi, tôi thấy mỗi người đều có những vấn đề riêng bên trong, đặc biệt là những bất an, những nỗi sợ vô hình hoặc cảm giác hoang mang, thiếu định hướng. Nhiều bạn phải cố gắng gồng lên để có được sự tự tin bên ngoài hoặc thậm chí trở thành một con người khác khi phải đối mặt với những áp lực của xã hội, và vì thế mà đôi khi đánh mất chính bản thân mình.

Chính bản thân tôi cũng có những đặc điểm mà người bên ngoài nhìn vào từng nghĩ rằng sẽ cản trở thành công: tôi là người hướng nội, ít nói, và nhạy cảm, dễ buồn dễ khóc. Tôi cũng gặp không ít thất bại trong cuộc sống, cũng từng lạc lối, hoang mang tìm đường.

Thùy Trang (Ngoài cùng bên trái) trong lần diện kiến Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton

Tôi muốn kể câu chuyện của mình để người trẻ thấy rằng ai cũng có cả kho tiềm năng bên trong để khai phá, chỉ cần mình biết cách, mình vẫn có thể được là chính mình và vẫn có thể thành công. Mọi điểm yếu thực chất là điểm mạnh ngụy trang. Chỉ cần mình học được cách nhìn sâu vào bên trong bản thân mình, học cách chấp nhận, thấu hiểu bản thân, mình sẽ có thể nhìn ra được những thế mạnh mình có.

Cũng như tôi đã từng nghĩ việc ít nói, nhạy cảm là điểm yếu, nhưng thực chất nó chỉ là tấm vỏ bên ngoài che đi kho báu bên trong là khả năng lắng nghe, thấu hiểu, đặt mình vào vị trí của người khác. Và chính nhờ kho báu đó, tôi mới có thể tạo động lực và truyền cảm hứng được cho rất nhiều các bạn trẻ. Dần dần chính nhờ khả năng thấu hiểu và lắng nghe này, về sau tôi được chọn làm lãnh đạo của rất nhiều hoạt động, tổ chức.

Bên cạnh trăn trở về điểm yếu, điểm mạnh, các bạn trẻ còn có sức ép ngay lập tức phải tìm ra hướng đi cho mình, tìm ra lời giải, con đường mình muốn đi hay đam mê của mình. Tôi cũng từng tin mình cần phải có câu trả lời ngay lập tức như rất nhiều các bạn trẻ khác, cũng lao vào những cái xã hội đề cao, như làm ở tập đoàn nước ngoài, lương cao, vị trí hoành tráng. Thực ra cái hay, cái thú vị của tuổi trẻ lại không nằm ở con đường thẳng tắp, tưởng như dễ dàng đó.

Thời sinh viên, khi có nhiều giải thưởng, thành tích trong tay, tôi từng nghĩ rằng con đường duy nhất, phù hợp nhất cho mình là làm việc tại một tập đoàn lớn. Nhưng may mà tôi bị “tạch” khi ứng tuyển vào tập đoàn mình từng mơ ước, nên mới có cơ hội rẽ nhánh sang những con đường mới, thực ra lại thú vị và phù hợp với mình hơn rất nhiều. Lúc ấy tôi mới nhận ra nếu trước đây mình cứ gò ép bản thân ngay lập tức phải tìm ra lời giải thì có lẽ đã không có cơ hội được khám phá những mảng khác của cuộc sống, và không tìm được con đường riêng cho bản thân.

Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình để các bạn trẻ cảm thấy bình tĩnh hơn mỗi khi hoang mang, mông lung chẳng biết đi về đâu, để các bạn biết cần làm gì mỗi lần rơi vào bế tắc, và làm sao để tìm ra một hướng đi mới, phù hợp hơn cho bản thân.

Thùy Trang cùng một người bạn tại Hội nghị Doanh nhân trẻ toàn cầu 2014 - GES

Tôi có chia sẻ khá nhiều về các vấn đề tuổi trẻ trên mạng xã hội Facebook với #ThuyTrangCocktail. Nhưng tôi vẫn cảm thấy do tính chất của mạng xã hội mà những chia sẻ ấy vẫn không thể có được chiều sâu như một cuốn sách, với những câu chuyện cụ thể, chi tiết đằng sau những gì tôi chiêm nghiệm được.

Đó cũng là lí do tôi viết cuốn sách “Tìm đường tuổi 20s" về câu chuyện tuổi trẻ của mình, về những ngày tôi dò đường, lạc lối, để tìm được hướng đi, về câu chuyện tôi đã nỗ lực ra sao để vượt qua những vấn đề riêng của mình. “Tìm đường tuổi 20s” là món quà tôi dành tặng những người trẻ quanh tôi, để người trẻ có thể phần nào tìm ra lời giải cho chính mình từ những câu chuyện rất thật mà tác giả đã trải qua, và để mỗi lần người trẻ thấy nản lòng, có thể mở ra để tìm lại cảm hứng.

Sống là chính mình vẫn có thể thành công

Trạm Đọc chân thành cảm ơn Thùy Trang vì những chia sẻ cởi mở của chị.

 

Thực hiện: Hải Quỳnh - Thiên Trang/Trạm Đọc