Sống trong đời sống, cần có một ... tấm bằng? Một tuyên ngôn chống lại sự thành công vô nghĩa
Sống trong đời sống, cần có một ... tấm bằng? Một tuyên ngôn chống lại sự thành công vô nghĩa
Ta đi tình nguyện, ta đi thực tập, ta học thật giỏi, ta năng động...phải chăng chỉ để cho vào trong CV? Duy nhất trên Trạm: Trích dẫn Lời mở đầu cuốn sách Best-seller "The Road To Character"

 

Giới thiệu: Adam 2

 

Gần đây tôi đã suy nghĩ về sự khác biệt giữa đức tính lí lịch và đức tính nhân văn. Đức tính lí lịch là những đức tính mà bạn liệt kê trong hồ sơ xin việc của bạn, những kĩ năng mà bạn sử dụng trong thị trường việc làm và giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp. Đức tính nhân văn là một thứ sâu sắc hơn. Đây là những đức tính được mọi người ca ngợi trong lễ tang của bạn, những thứ tồn tại như cái hồn của con người bạn-bạn tốt bụng, dũng cảm, thật thà hay chân thành hay được nhiều quý mến.

Hầu hết chúng ta sẽ nói rằng những đức tính nhân văn quan trọng hơn những đức tính lí lịch, nhưng tôi phải thú nhận rằng hầu hết cả đời mình tôi đã dành thời gian suy nghĩ về cái sau hơn là cái trước. Hệ thống giáo dục của chúng ta chắc chắc được định hướng xoay quanh đức tính lí lịch hơn là đức tính nhân văn. Những gì người ta nói ngoài đời cũng thế, giống như các bí quyết đầy mùi "đa cấp" trên các tạp chí, những cuốn sách dạy kĩ năng, kinh doanh, tâm lý...bán chạy nhất trên thị trường. Đa số chúng ta có các chiến lược rõ ràng để có thể thành công trong sự nghiệp hơn là những chiến lược để có thể rèn luyện một nhân cách tuyệt vời.

Một cuốn sách đã giúp tôi suy nghĩ sâu hơn về hai loại đức tính trên là cuốn “Lonely Man of Faith”, được viết bởi Rabbi Joseph Soloveitchik năm 1965. Soloveitchik ghi rằng có hai câu chuyện tạo hóa của loài người trong sách Sáng Thế và cho rằng chúng đại diện cho hai mặt đối lập về bản chất tự nhiên con người, cái mà ông gọi là Adam 1 và Adam 2.

Hiện đại hóa phân loại của Soloveichik một chút, chúng ta có thể nói rằng Adam 1 là những người định hướng nghề nghiệp, đại diện cho bản chất tham vọng. Adam 1 là một Adam hướng ngoại, tập trung vào xây dựng bản lý lịch. Adam 1 muốn gây dưng, sáng lập, tạo lập cơ đồ, khám phá mọi thứ. Anh ta muốn có một địa vị cao và giành được những chiến thắng.

Adam 2 là Adam hướng nội. Adam 2 muốn là hiện thân của những phẩm chất đạo đức. Adam 2 muốn có một nhân cách chân thật, một sự phân biện nhẹ nhàng nhưng rõ ràng giữa đúng và sai-không chỉ muốn làm một việc tốt, mà là một người tốt. Adam 2 muốn yêu chân thành, muốn hi sinh cái tôi để phục vụ cái ta, muốn sống tuân theo những chân lí siêu việt, muốn có một tâm hồn gắn kết, tôn vinh sự sáng tạo và những khả năng của chính bản thân mình.

Trong khi Adam 1 muốn chinh phục thế giới, Adam 2 muốn tuân theo tiếng gọi bên trong để phục vụ thế giới. Trong khi Adam 1 gây dựng và hưởng thụ những thành quả của mình, Adam 2 đôi khi lại lên án thành công và địa vị trần tục để hướng về một vài mục đích cao cả hơn. Trong khi Adam 1 hỏi cái này hoạt động như thế nào, Adam 2 hỏi tại sao cái này lại tồn tại và và chúng ta sống trên thế giới này rốt cuộc để làm gì. Trong khi Adam 1 muốn mạo hiểm khắp nơi, Adam 2 muốn trở về bản ngã của mình và tận hưởng bữa cơm gia đình đầm ấm. Trong khi triết lí của Adam 1 là “Thành công,” Adam 2 trải nghiệm cuộc sống như một hành trình đạo đức. Triết lí của Adam 2 là “Bác ái, yêu thương và cứu thế.”

Soloveitchik cho rằng chúng ta sống trong sự giằng co giữa 2 Adam. Adam hướng ngoại, uy nghiêm và Adam hướng nội, khiêm tốn, không thể hòa hợp với nhau hoàn toàn. Chúng ta sẽ mãi mãi bị cuốn trong sự tự đối đầu. Mọi người kêu gọi chúng ta phải sống sao cho thỏa mãn cả hai nhân cách, và phải nắm được nghệ thuật sống trong sự đối nghịch vĩnh viễn giữa hai bản chất tự nhiên này.

Cái khó của sự đối đầu này, tôi cho rằng, là Adam 1 và Adam 2 sống bởi những nguyên lí khác nhau. Adam 1- người luôn muốn gây dựng, sáng lập, khám phá- sống bởi nguyên lí lợi ích. Nó là nguyên lí của kinh tế học. Đầu vào dẫn tới đầu ra. Nỗ lực dẫn đến phần thưởng. Luyện tập dẫn đến hoàn hảo. Theo đuổi lợi ích cá nhân. Tối đa hóa lợi ích của bạn. Để lại thanh danh trên cuộc đời.

Adam 2 sống bằng nguyên lý ngược lại. Nó là nguyên lí đạo đức, không phải nguyên lí kinh tế. Bạn phải cho đi để nhận lại. Bạn phải đầu hàng những thứ ngoài tầm kiểm soát để có được sức mạnh bên trong bản thân. Bạn phải kiềm chế những ham muốn của mình để đạt được thứ bạn ao ước. Thành công dẫn đến sự thất bại lớn nhất, đó chính là tự phụ. Thất bại dẫn đến sự thành công lớn nhất, đó là sự khiêm nhường và luôn học hỏi. Để có thể thỏa mãn bản thân mình, bạn phải quên đi cái tôi. Để có thể tìm được chính mình, bạn phải đánh mất chính mình.

Để nuôi dưỡng được Adam 1 sự nghiệp, việc rèn luyện sức mạnh của bạn là một điều hợp lí. Để nuôi dưỡng Adam 2 đạo đức, việc đối đầu với điểm yếu của bạn là một điều cần thiết.

 

 

Loài động vật khôn ngoan

 

Chúng ta sống trong một nền văn hóa nuôi dưỡng Adam 1, Adam hướng ngoại và lờ đi Adam 2. Chúng ta sống trong một xã hội khuyến khích mọi người suy nghĩ về việc làm sao để có một sự nghiệp lớn, nhưng mơ hồ trong việc làm sao để phát triển cuộc sống tinh thần tốt đẹp. Cuộc cạnh tranh để thành công và đạt được sự ngưỡng mộ khốc liệt tới mức nó chiếm toàn bộ thời gian của chúng ta. Nền kinh tế thị trường khuyến khích chúng ta sống bằng những tính toán lợi ích, thỏa mãn những ham muốn và bỏ quên vai trò của đạo đức trong những quyết định thường ngày. Sự ồn ào của những cuộc giao tiếp vội vàng và nông cạn làm chúng ta khó nghe thấy những thanh âm trầm lắng hơn, toát ra từ sâu thẳm bên trong. Chúng ta sống trong một nền văn hóa dạy chúng ta lăng xê và quảng cáo chính mình, nắm vững những kĩ năng cần cho sự thành công, nhưng lại ít khuyến khích sự khiêm tôn, sự thương cảm, và sự tự đối mặt chân thành với bản thân, những việc mà rất quan trọng trong việc xây dựng nhân cách.

Nếu bạn chỉ là Adam 1, bạn sẽ biến thành một động vật khôn ngoan, một sinh vật khôn khéo, chỉ quan tâm đến sự sinh tồn của mình, những kẻ thành thạo trong những cuộc chơi và những kẻ biến mọi thứ thành một trò chơi. Nếu đó là tất cả những gì bạn có, bạn sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian vào việc rèn luyện những kĩ năng nghề nghiệp, nhưng bạn sẽ không có một ý niệm rõ ràng về ý nghĩa của cuộc đời, vì vậy bạn sẽ không biết bạn nên tập trung những kĩ năng của mình vào đâu, con đường sự nghiệp nào sẽ là tốt nhất.

Năm tháng trôi qua và những phần sâu thẳm nhất trong bạn vẫn không được khám phá và trở nên lộn xộn. Bạn rất bận rộn, nhưng trong bạn lại có một sự lo lắng thoang thoảng rằng cuộc đời của bạn vẫn chưa đạt được ý nghĩa và giá trị tột cùng của nó. Bạn sống với một sự tẻ nhạt vô thức, không thực sự yêu, không thực sự gắn bó với những giá trị đạo đức mà đem lại cái đáng sống của cuộc đời này.

Bạn thiếu một tiêu chuẩn nội tại để đưa ra những cam kết không bao giờ lung lay. Bạn không bao giờ phát triển được sự tĩnh tại nội tậm, sự thống nhất mà có thể chống chọi lại sự bất đồng của số đông hay một phản kháng mạnh mẽ. Bạn thấy mình làm những thứ mà người khác đồng ý, dù những thứ đó có đúng với bạn hay không. Bạn khờ dại đánh giá những người khác bằng khả năng của họ, không phải bởi giá trị của họ. Bạn không có một chiến lược để xây dựng tính cách, và không có điều đó, không chỉ đời sống tinh thần của bạn mà đời sống bên ngoài của bạn một ngày sẽ sụp đổ.

Đây là cuốn sách về Adam 2. Nó viết về cách một số người đã tôi luyện một nhân cách mạnh mẽ. Nó viết về một tư tưởng mà con người trong suốt các thế kỉ đã tập cách rèn luyện cái lõi thép của mình và hình thành một tâm hồn sáng suốt. Tôi viết về chúng là để cứu rỗi tâm hồn của chính mình, thành thật mà nói.

Tôi được sinh ra vốn đã hời hợt, nông cạn. Bây giờ, tôi làm việc với vai trò như một học giả và một người chuyên giữ mục góc nhìn cho tờ New York Times, Tôi được trả tiền để trở thành một kẻ ái kỉ, yêu thương những ý kiến của mình quá mức, giả bộ tư tin hơn bản chất thật của mình, trở nên thông minh hơn thực tế, ra vẻ quyền lực hơn mình có. Tôi phải làm việc chăm chỉ hơn hầu hết mọi người để tránh một cuộc sống hời hợt, tự thỏa mãn. Tôi cũng ngày càng ý thức được điều đó, giống như rất nhiều người ngày này, tôi đã sống với cảm hứng sống đẹp mơ hồ- mơ hồ trong việc muốn trở thành người tốt, mơ hồ trong việc muốn phụng sự cho một sứ mệnh lớn lao hơn, trong khi lại thiếu vốn từ đạo đức rõ ràng, một sự am hiểu làm sao để có một cuộc sống tinh thần giàu có, hay thâm chí thiếu cả những hiểu biết về cách phát triển những tính cách và sống có chiều sâu.

Tôi khám phá ra rằng nếu không có một sự tập trung quyết liệt vào Adam 2 của mình, tôi sẽ rất dễ trở thành một kẻ có đạo đức tầm thường nhưng lại tự thỏa mãn. Bạn sẽ tự lừa phỉnh mình rằng sống thế này là đạo đức lắm rồi. Bạn để ham muốn của mình đưa mình đến bất cứ đâu nó muốn, và bạn tự cho phép bạn thân mình chấp nhận thói xấu này, miễn là bạn không làm hại ai. Bạn khám phá ra rằng nếu những người xung quanh bạn có vẻ thích bạn, bạn hẳn phải người tốt rồi. Cứ thế, dần dần bạn biến mình thành thứ một gì đó kém ấn tượng hơn những gì bạn đã hi vọng ban đầu. Một khoảng trống bẽ bàng mở ra giữa con người hiện tại của bạn và con người bạn khao khát muốn trở thành. Bạn nhận ra sự lớn tiếng của Adam 1 nhưng tiếng nói của Adam 2 lại bị bóp nghẹt; kế hoạch cuộc đời của Adam 1 rất rõ ràng, nhưng của Adam 2 là mơ hồ; Adam 1 tỉnh giấc còn Adam 2 thì như mộng du.

Tôi viết cuốn sách này không chắc rằng tôi có thế theo đuổi con đường tới đức hạnh, nhưng ít ra tôi muốn biết con đường đó trông như thế nào và những người khác đã từng bước trên chúng ra sao.

Đọc thêm: Tuyên ngôn chống lại việc theo đuổi hạnh phúc và lối sống "để làm đẹp lý lịch cá nhân"

Trạm Đọc (Read Station)