Cuộc đời bạn như cái quần què: Giá trị thật sự của một con người là gì
Cuộc đời bạn như cái quần què: Giá trị thật sự của một con người là gì
Chưa bao giờ tình yêu và hạnh phúc dễ kiếm như bây giờ, ra chợ mua thôi.ahaha.
Vào thời kỳ xa xưa, khi con người còn ăn lông ở lỗ. Mục tiêu cao nhất của họ là tồn tại và di truyền được ADN của mình cho đời sau. Khi một cá thể ở vào vị thế thấp kém, cá thể đó sẽ không có được chú ý trong đàn, nó sẽ có thể bị bỏ rơi, bị bỏ đói hoặc không có được cơ hội chọn hoặc được chọn để giao phối, sinh sản di trì nòi giống. Do vậy, khi một cá thể trong đàn so sánh bản thân mình với những cá thể khác và cảm thấy rằng mình ở vào vị trí yếu thế thì cảm giác về sự thua kém sẽ xuất hiện. Một phản xạ mang tính bản năng của sự sinh tồn.


Cảm giác yếu thế này sẽ tạo một nguồn động lực, sẽ thôi thúc cá thể đó "làm một điều gì đó" để lấy lại vị thế của mình nhằm đảm bảo cuộc sống của bản thân. Có thể là đánh nhau với một cá thể khác ở vị trí cao hơn để lấy lại cảm giác về vị trí của mình. Hoặc làm một điều gì đó để chứng tỏ giá trị của bản thân. Ok, có thể bạn đã nhận ra, chuyện này chẳng liên quan gì đến cái quần què hết. Cái tiêu đề như vậy là vì tôi muốn gọi tên cái cảm giác kia là "Cảm giác về cuộc đời quần què" [và cái tiêu đề còn để câu view nữa, hiệu quả lắm]. Ngày nay, cái cảm giác quần què cổ xưa này vẫn còn nằm lại trong con người hiện đại. Và đang được các nhà marketing khai thác triệt để cho công việc quảng cáo và bán hàng. Marketing tiềm thức.



Lịch sử đã có ba lần đánh thẳng vào lòng kiêu hãnh của nhân loại; Khi Cô-péc-ních tuyên bố trái đất và con người không phải trung tâm của vũ trụ với thuyết nhật tâm. Khi Darwin tuyên bố con người chỉ là một sản phẩm chọn lọc của tiến hóa tự nhiên không phải được tạo ra từ các vị thần thánh nào đó. Và Sigmund Freud với phân tâm học của ông tuyên bố con người chẳng thể nào tự chủ bằng lý trí, họ bị điều khiển bởi những thứ sâu thẳm trong vô thức. Cảm giác thấp kém của con người được nói đến trong bài này chính là thứ tiềm thức thuộc về phân tâm học. Nó tồn tại trong sâu thẳm tâm thức. Nó hiếm khi được lý trí chấp nhận rằng nó có-tồn-tại. Thay vào đó, con người hiện đại có vẻ lúc nào cũng mạnh mẽ, lý trí, tỉnh táo, thông mình. À và để rồi bị cái tiềm thức này điều khiển như những con rối khi bị những kẻ cao tay hơn kích hoạt nó trỗi dậy.


Trong văn hóa hiện đại, marketing thường là những thông điệp từ những kẻ cao tay. Và đa số các thông điệp này sẽ gởi đến cho bạn để gợi nên một cảm giác về sự thấp kém. Nó sẽ kích hoạt cái hệ thống mà hàng triệu năm nay vẫn còn nằm trong tiềm thức con người. Những nhà marketing đại tài là những người kích hoạt được cảm giác này giỏi nhất, họ dễ dàng khiến cho bạn cảm thấy cuộc đời mình như là cái quần què vậy và bạn cần phải làm gì đó để bù đắp lại và thay đổi nó.



Con người hiện đại không thể tự do đánh nhau với kẻ khác để lấy lại vị thế như cách mà tổ tiên đã làm. Thay vào đó họ tìm kiếm một thứ gì đó bên ngoài để làm cho bản thân có giá trị hơn.
Và cách dễ nhất là bỏ tiền ra mua sắm để bù đắp vào cảm giác thấp kém. Việc sở hữu một thứ gì đó sẽ dễ làm họ có cảm giác bù đắp lại vị thế của mình. Và cũng từ đây con người bị điều khiển bởi những thông điệp quảng cáo. Và các nhà marketing đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của họ.

 

Họ sẽ chỉ cho bạn một loại kem đánh răng, nước súc miệng thơm tho để bạn trị cái mồm thối. Và con bạn cần uống loại sữa của họ ngay khi nó chưa lọt lòng để thoát khỏi kiếp ngu đần và còi xương...

 



Để bán được hàng, các nhà quảng cáo sẽ tuyên bố và nhồi nhét vào trí óc của chúng ta các thông điệp về sự thấp kém. [Bọn họ cứ lặp đi lặp lại hàng trăm lần trên tivi] Nào là bồn cầu nhà bạn đầy vi khuẩn, tóc bạn rụng suốt ngày, răng của bạn vàng vẩu và hơi thở của bạn hôi thối không chịu được, con bạn lớn lên sẽ là lũ đần độn và còi cọc,... Nói tóm lại, họ sẽ cố làm cho bạn cảm thấy mọi thứ mà bạn đang có thật tồi tệ [mà thực ra nó vẫn xịn], và cuộc đời bạn đúng y như là một cái quần què luôn. Và cách để bạn khỏa lấp được những sự tự ti, xóa đi những sự tồi tệ trên là mua lấy mấy sản phẩm của bọn họ.

Bạn chỉ cần mua một bình nước diệt khuẩn là phòng vệ sinh nhà bạn sạch sẽ thơm tho, chỉ cần một bình dầu gội để duỗi mấy sợi tóc rối của mình. Họ sẽ chỉ cho bạn một loại kem đánh răng, nước súc miệng thơm tho để bạn trị cái mồm thối. Và con bạn cần uống loại sữa của họ ngay khi nó chưa lọt lòng để thoát khỏi kiếp ngu đần và còi xương...


Chúng ta sẽ không phủ nhận lợi ích mang lại từ những sản phẩm đang bán ngoài chợ kia. Nhưng hãy nói về cái cách mà họ giới thiệu sản phẩm. Cái thời kỳ mà sản phẩm có gì, chất lượng như thế nào thì sẽ được nói ra y như thế trong các mẩu quảng cáo đã qua rồi, thời kỳ đó đã qua rất lâu rồi. Bây giờ, để bán được sản phẩm người ta không thể làm bằng cách nói chân thật như thế nữa. Họ phải thổi phồng chất lượng nó lên hơn thế và phải vượt trội hơn thế và phải so sánh với cái bạn đang có. Phải cho bạn thấy là cái bạn đang có là đồ dỏm chính hiệu. Và thế là họ lại bán được thêm nhiều sản phẩm hơn.

Bạn cho rằng việc thổi phồng chất lượng như thế đã là ghê gớm. Nhưng nhiêu đó là chưa đủ. Sau khi đẩy cái cảm giác quần què vào người bạn, họ sẽ tiếp tục bán các sản phẩm đi kèm với chúng là các tính cách và năng lực mà chỉ có ở con người. Đấy mới là đỉnh cao của marketing hiện đại. Nhiều bạn sẽ ngạc nhiên khi nghe điều này. Xạo vãi ra, làm gì có cái hàng hóa nào mà bán kèm tính cách con người. Hôm trước vào giờ ăn trưa tôi có nghe được câu này: "Cuốn sách đổi đời, bên những ly cafe đổi đời".

Với cái cảm giác về cuộc đời bạn đang như một cái quần què, hẳn là bạn sẽ muốn đổi đời. Thế thì dễ thôi, mua cafe của chúng tôi mà uống đi, vì sách này bọn tôi phát miễn phí rồi. Câu đó nghĩa là thế đấy. Tuy câu đó không thực sự nêu rõ về tính cách và năng lực đi kèm sản phẩm, nhưng nó cũng đã có một phần trong câu nói.

Và theo cách này, hàng loạt sản phẩm hàng hóa được quảng cáo đi kèm trong nó là thứ mà chỉ có thể có được ở con người. Nhưng đồ vật đâu thể chứa đựng tính cánh và năng lực của con người. Thế mà chẳng ai lấy làm ngạc nhiên với cách mà họ quảng cáo. Bạn có ngạc nhiên không? Bạn vẫn chấp nhận cho họ lặp đi lặp lại trên tivi rằng "bạn là thằng nhãi nhát gan, loại dầu gội này mang đến sự mạnh mẽ của nam giới cho bạn", "bạn không có năng lực? cafe của chúng tôi mang đến sự sáng tạo cho các bạn", "bạn rụt rè sợ sệt? hãy tự tin, năng động lại với loại X", "loại nước này là phần tinh khiết nhất của đời bạn, hãy uống nó vào đi",...

 

Chưa bao giờ tình yêu và hạnh phúc dễ kiếm như bây giờ, ra chợ mua thôi.ahaha.

 


Khi cảm thấy cuộc đời bạn tồi tệ như cái quần què, chính những mẩu quảng cáo này sẽ là thứ cứu vớt cuộc đời bạn. Nó sẽ giúp bạn tìm mua được những tính cách và năng lực mà bạn muốn có, thật dễ dàng làm sao. Chưa dừng lại ở đó. Ghê gớm hơn là họ còn bán sản phẩm kèm với những giá trị trừu tượng vô hình như hạnh phúc, yêu thương, sự chân thành... Một loại bánh mang đến sự hạnh phúc, một gói bột cho vào nồi canh mang đến tình yêu thương cho tất cả những ai ăn nồi canh đó... Chưa bao giờ tình yêu và hạnh phúc dễ kiếm như bây giờ, ra chợ mua thôi.ahaha.

Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng những câu nói trong quảng cáo ấy chỉ mang tính ẩn dụ, và tôi đây chỉ hơi quá cứng nhắc và khô khan. Nhưng tôi thì không cho là như vậy. Theo cách này, những nhà marketing rất thành công trong việc bán hàng, đồng thời cũng phá hủy đi những giá trị thực sự quan trọng đối với con người. Họ quy đồng và gán những thứ không thể gán vào đồ vật. Họ phá hủy cái nghĩa đúng phải-là của những giá trị thực sự như sự mạnh mẽ, cá tính, sáng tạo, năng động, tự tin, hạnh phúc, yêu thương,... Họ đào sâu vào sự tự ti của con người, và khiến con người khát khao bù đắp những khoảng trắng ấy bằng vài loại sản phẩm. Và để rồi, sau khi có thể sở hữu mọi thứ, con người ta vẫn thấy mình tồi tệ. Cũng dễ hiểu thôi, một sản phẩm được quảng cáo là mang đến đẳng cấp, sự quý phái, và rồi được một tên trộm mang nó lên người. Nó sẽ không biến tên trộm thành một con người quý phái đâu, và không bao giờ làm được.

Bạn có phải trả thêm tiền để cho một nhãn hiệu nào đó in logo của họ lên quần áo của bạn không? Chắc chắn là có luôn. Trong khi thực ra phải ngược lại, bọn họ phải trả tiền cho bạn vì bạn đã mang logo của họ đi quảng cáo khắp nơi. Họ phải trả tiền cho bạn vì công việc quảng cáo ấy, giống như khi họ trả tiền cho việc in logo đó vào một tờ rơi và dán nó lên cột điện vậy. Khi một sản phẩm được sản xuất, giá bán của nó có thể sẽ bi đẩy lên gấp 3 lần sau khi dán lên đó một cái logo bé tẹo. Vậy thì, nếu một sản phẩm bạn đang sử dụng và việc lột bỏ cái nhãn hiệu không ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ và công dụng của sản phẩm. Thì bạn có sẵn sàng để lột bỏ cái nhãn hiệu đó đi không? Nếu câu trả lời là bạn không sẵn sàn làm điều này thì bạn nên làm tiếp bước bên dưới.

Hãy bước vào phòng tắm, lột sạch đồ ra. Nhìn vào gương và ngẫm nghĩ, trên và bên trong người bạn đang có những thứ gì giá trị không? Nếu bạn không thấy gì giá trị từ cái thân thể trần truồng ấy thì quả thực cuộc đời bạn đang như là cái quần què thực sự. Hãy tìm cách bù đắp lại nó theo một cách khác, không phải cách của các nhà marketing muốn chúng ta làm. 

Thanh CJ

Bài viết thể hiện quan điểm của một độc giả gửi Trạm Đọc.

Tags: