Huyền thoại #1: Chúng ta đang sống trong một thời kỳ tự do không giống bất kỳ thế hệ nào trước đây
Hầu hết chúng ta nghĩ về chính mình như là một sự tự do về bản chất, tự do theo những kiểu mà tổ tiên chúng ta không có được. Sau khi phương Tây thoát ly xã hội cũ vào thế kỷ 19, chúng ta cuối cùng đã có khả năng tự quyết định cách tổ chức thế giới. Suốt hai thế kỷ sau đó, chúng ta vật lộn với các hệ tư tưởng cạnh tranh nhau: chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản dân chủ.
Và khi tất cả các tư tưởng đó, trừ một, đã gần như bị mất tín nhiệm, thì chúng ta cuối cùng đã đi đến “tận cùng của lịch sử”. Với sự sụp đổ của Bức Tường Berlin vào năm 1989, chủ nghĩa tân tự do dường như đã trở thành con đường đúng đắn duy nhất để cấu trúc thế giới – con đường thích hợp nhất giúp cho loài người trở nên thịnh vượng và phồn vinh.
Nhưng khi đó chúng ta làm gì với những nỗi bất hạnh, rối loạn nhân cách ái kỷ và những nỗi lo âu đang tràn dâng trong thế giới phát triển này? Chúng ta được bảo rằng cứ làm việc chăm chỉ sẽ dẫn đến thành công, nhưng khoảng cách giàu nghèo vẫn gia tăng khủng khiếp, còn mức dịch chuyển xã hội [1] lại trên đà suy tàn.
Chúng ta được trang bị tất cả các loại thiết bị hấp dẫn và ấn tượng, chúng ta đã đạt được những tiến bộ y tế chưa từng có, nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng môi trường và nhân đạo ở quy mô đáng sợ. Vài thập niên gần đây, chủ nghĩa lạc quan vĩ đại của chúng ta đã biến mất. Chúng ta không còn tự tin rằng mình đang đi đúng đường để tạo dựng nên thế giới của mình.
Vậy, chúng ta đã hiểu được bao nhiêu? Các nhà sử học sau này liệu có nhìn nhận thời đại chúng ta là một thời kỳ thịnh vượng, bình đẳng, tự do và hạnh phúc? Hay thay vào đó, họ sẽ xem giai đoạn đầu thế kỷ 21 là một thời đại tự mãn: một thời kỳ con người không có được hạnh phúc và sự mãn nguyện; khi họ phải chứng kiến những cuộc khủng hoảng ngày càng tăng nhưng không thể nào phản ứng lại và cảm thấy không có con đường thay thế nào là khả dĩ?
Các tác phẩm triết học Trung Quốc được nói đến trong sách này sẽ cung cấp những con đường thay thế cho Thời đại Tự mãn này của chúng ta. Nhưng chúng không phải là những hệ tư tưởng chặt chẽ có thể thay thế cho, ví dụ, chế độ dân chủ. Đúng hơn là, chúng là những quan niệm khác thường về cái tôi và vị trí của cái tôi trong thế giới này. Nhiều quan niệm trong số ấy đã thực sự được phát triển trong sự đối lập với quan niệm sống theo bất kỳ hệ thống tư tưởng phổ quát nào.
Từ khoảng năm 600 đến năm 200 trước Công nguyên, một cơn bùng nổ các trào lưu triết học và tôn giáo trên khắp lục địa Á – Âu đã mở rộng tầm nhìn về sự phồn thịnh của con người. Trong giai đoạn được gọi là Thời đại Trục [2] này, nhiều tư tưởng sinh ra ở Hy Lạp cũng xuất hiện ở Trung Quốc và ngược lại. Thật ra, như chúng ta sẽ thấy, một số niềm tin khởi sinh ở Trung Quốc rất giống với những niềm tin phổ biến ở phương Tây ngày nay. Nhưng ở Trung Quốc, những quan điểm như thế đã thoái trào, trong khi những tư tưởng khác nổi lên theo chiều đối lập, đưa ra tranh luận về một con đường rất khác để đi đến cuộc đời tốt đẹp.
Không nên coi bất cứ quan điểm nào chúng ta đang xem xét là quan điểm “của người Trung Quốc” đối lập với quan điểm “của người phương Tây”, giống như chúng ta không nên coi những tư tưởng truyền thống như là một sự đối lập với những tư tưởng hiện đại vậy. Khi tìm hiểu những quan niệm này, chúng ta sẽ thấy rằng từ rất lâu trước thời kỳ hiện đại, người ta không chỉ đã tranh luận xem đâu là cách tốt nhất để tổ chức thế giới, mà họ còn đã nghĩ ra những phương án lựa chọn chân chính về việc sống sao cho tốt.
Huyền thoại #2: Chúng ta biết cách xác định phương hướng cho đời mình
Ở phương Tây, khi bắt đầu lập kế hoạch cho hạnh phúc và thịnh vượng, chúng ta được dạy phải dựa vào lý trí, phải tự tin rằng ta có thể đạt đến một giải pháp nếu tính toán cẩn thận. Đối mặt với sự bất định của cuộc sống, chúng ta vẫn thoải mái tin rằng bằng cách vượt qua được cảm xúc và thiên kiến, đồng thời biến kinh nghiệm thành dữ liệu đo lường được, thì chúng ta có thể nắm lấy cơ hội và thách thức số phận. Cứ xem cách tiếp cận phổ biến nhất của chúng ta với những tình huống tiến thoái lưỡng nan liên quan đến đạo đức và luân lý: Đặt ra một tình huống giả định điển hình, rồi xử lý nó một cách hợp lý.
Trong thí nghiệm xe goòng nổi tiếng, chúng ta được bảo rằng hãy tưởng tượng mình đang ở một sân ga, nhìn thấy một chiếc xe goòng đang chạy theo đường ray. Chúng ta thấy nó sắp tông vào năm người đang ở trên đường ray phía trước. Nhưng nếu bẻ ghi, chúng ta có thể chuyển hướng chiếc xe sang một đường ray khác, nơi chỉ có một người đang nằm thôi. Chúng ta có để cho chiếc xe lao vào năm người đó không, hay bẻ ghi để cứu họ, và chủ động chọn cách giết một người đang nằm đó?
Làm sao mới đúng?
Câu hỏi này đã làm vướng bận các triết gia và các nhà đạo đức suốt cả đời. Vô số bài tiểu luận, thậm chí có một, hai cuốn sách gì đó, đã được viết ra về những ẩn ý trong thí nghiệm này. Kịch bản cho phép chúng ta tối giản việc ra quyết định xuống thành một tập hợp các dữ liệu đơn giản và một lựa chọn duy nhất. Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng đó là cách mà các quyết định được đưa ra.
Ở Trung Quốc cổ đại, người ta cũng từng thử thực hiện những thí nghiệm tư duy như vậy. Nhưng các nhà tư tưởng Trung Quốc không vận động ngầm. Họ xác định đây là một trò chơi trí tuệ tinh vi, bạn có thể chơi những trò chơi này cả ngày mà không ảnh hưởng gì đến cách sống hằng ngày. Không gì cả.
Cách chúng ta nghĩ mình đang sống thật ra không phải là cách ta sống. Cách chúng ta nghĩ mình đưa ra quyết định không phải là cách ta ra quyết định. Ngay cả nếu một ngày nào đó bạn đứng ở sân ga thật và thấy ai đó sắp bị giết bởi một chiếc xe goòng đang lao tới, thì phản ứng của bạn cũng chẳng liên quan gì đến việc tính toán lý trí. Trong những tình huống ấy, cảm xúc và bản năng của chúng ta sẽ tiếp quản và chúng cũng dẫn dắt các quyết định ít tự phát hơn của chúng ta, ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng mình đang rất thận trọng và lý trí: Tôi nên ăn tối món gì? Tôi nên sống ở đâu? Tôi nên kết hôn với ai?
Nhìn thấy những hạn chế của cách tiếp cận này, các triết gia Trung Quốc đã tìm kiếm những cách thay thế. Đối với họ, câu trả lời nằm ở việc mài giũa bản năng của chúng ta, rèn luyện cảm xúc và dấn thân vào một quá trình tự tu tự dưỡng không ngừng để cuối cùng, trong những khoảnh khắc vừa mang tính quyết định vừa trần tục, chúng ta sẽ phản ứng theo cách đúng đắn và hợp đạo đức đối với từng tình huống cụ thể.
Thông qua những phản ứng đúng đắn đó, chúng ta gợi nên những phản ứng tích cực ở những người quanh ta. Theo cách này, những nhà tư tưởng này truyền đạt rằng mọi cuộc gặp gỡ và trải nghiệm đều có khả năng mang đến một cơ hội để linh hoạt kiến tạo một thế giới mới mẻ và tốt đẹp hơn.
Huyền thoại #3: Sự thật về việc chúng ta là ai nằm trong chính chúng ta
Sự sụp đổ của các tổ chức tôn giáo quý tộc cũ đã khiến người Thời đại Trục phải đi tìm những nguồn chân lý và ý nghĩa mới. Tương tự, trong thời đại của chính chúng ta, chúng ta cảm thấy mình đã được giải phóng khỏi những lối suy nghĩ cũ kỹ, hạn hẹp và đang tìm kiếm những nguồn ý nghĩa mới. Càng ngày chúng ta càng được yêu cầu phải tìm kiếm sự thật cao hơn bên trong bản thân. Hiện nay, mục tiêu mà một người cần tự thực hiện là tìm ra chính mình và sống cuộc đời mình một cách “chân chính”, theo một sự thật bên trong.
Sự nguy hiểm của điều này nằm ở niềm tin rằng tất cả chúng ta sẽ biết được “sự thật” của mình ngay khi nhìn thấy nó, và rồi giới hạn cuộc sống của chúng ta theo sự thật đó. Với tất cả sự đầu tư này trong việc tự định nghĩa bản thân, chúng ta có nguy cơ xây dựng tương lai của mình theo một ý nghĩa rất hạn hẹp của việc chúng ta là ai, tức chúng ta thấy đâu là điểm mạnh và điểm yếu của mình, điều gì chúng ta thích và không thích.
Nhiều nhà tư tưởng Trung Quốc có thể nói rằng khi chúng ta làm vậy, chúng ta chỉ nhìn thấy một phần nhỏ tiềm năng của bản thân. Chúng ta trải qua một lượng giới hạn những khuynh hướng cảm xúc của mình trong một thời điểm và nơi chốn nhất định, rồi cho phép những khuynh hướng đó định nghĩa con người chúng ta mãi mãi. Với việc nghĩ về bản chất con người như là một sự bất biến, chúng ta đã lập tức hạn chế tiềm năng của mình.
Nhưng nhiều nhà tư tưởng Trung Quốc sẽ tranh luận rằng bạn không phải và không nên nghĩ mình là con người trước sau như một. Thử ví dụ, bạn nghĩ mình là một người có tính khí nóng nảy; một người dễ nổi giận. Các nhà tư tưởng mà chúng ta sắp gặp gỡ đây sẽ cãi lý rằng bạn không nên nói: “Ờ, tôi là thế đó” và cứ khăng khăng với bản thân về việc mình là ai. Như chúng ta sẽ thấy, có khi bạn vốn dĩ không phải là một người nóng nảy. Có lẽ bạn chỉ đơn giản là rơi vào đường mòn – những mô thức hành vi – mà bạn cho phép định nghĩa con người bạn nghĩ chính là mình. Sự thật là bạn cũng có tiềm năng để, chẳng hạn như, dịu dàng hoặc tha thứ, tương đương với khả năng nổi giận.
Những triết gia ấy sẽ thôi thúc chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta đều phức tạp và thay đổi liên tục. Mỗi người có nhiều khuynh hướng cảm xúc, mong muốn, cách phản ứng với thế giới khác nhau và thường mâu thuẫn nhau. Các khuynh hướng cảm xúc của chúng ta phát triển bằng cách nhìn ra bên ngoài, chứ không phải nhìn vào nội tâm. Chúng không được luyện thành khi bạn lui về ẩn dật khỏi thế giới để thiền định hoặc nghỉ dưỡng.
Trong thực tiễn, chúng được hình thành thông qua những gì bạn làm trong cuộc sống hàng ngày: cách bạn tương tác với người khác và các hoạt động bạn theo đuổi. Nói cách khác, chúng ta không chỉ là chúng ta – chúng ta có thể chủ động biến mình thành một người tốt hơn bất kỳ lúc nào.
Tất nhiên, đây không phải là nhiệm vụ đơn giản. Nó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ về lực của chính mình và về việc làm thế nào sự thay đổi thực sự diễn ra. Nó cũng không phải là một quá trình nhanh chóng: Thay đổi sẽ tăng dần dần thông qua sự kiên trì. Xuất phát từ việc tự rèn luyện bản thân để mở rộng tầm nhìn, chúng ta mới có thể nắm bắt được các yếu tố phức tạp (các mối quan hệ chúng ta đang có, bạn bè của chúng ta, công việc chúng ta đang làm và các hoàn cảnh sống khác) tạo nên bất kỳ tình huống cụ thể nào và dần biến đổi cách chúng ta tương tác với mọi thứ xung quanh. Tầm nhìn rộng lớn này cho phép chúng ta hành xử theo những đường lối dần dần mang lại sự thay đổi đích thực.
Mặc dù người ta bảo rằng tự do thực sự chỉ xuất phát từ việc khám phá ra bản chất chúng ta là ai, nhưng “khám phá” đó chính là cái đã đánh bẫy rất nhiều người trong Thời đại Tự mãn. Chúng ta chính là người đang cản đường bản thân mình.
Nhập mã MGG5FN giảm thêm 5% khi mua sách Minh Đạo Nhân Sinh tại: https://bit.ly/minhdaonhansinh-fhs. Thời gian sử dụng đến ngày: 15/8/2020.
Trạm Đọc trích đăng | Nguồn ảnh: Sưu tầm
[1] Social mobility, còn gọi là di động xã hội, cơ động xã hội, là khái niệm xã hội học dùng để chỉ sự chuyển động của những cá nhân, gia đình, nhóm xã hội trong cơ cấu xã hội và hệ thống xã hội. Di động xã hội liên quan đến sự vận động của con người từ một vị trí xã hội này đến một vị trí xã hội khác trong hệ thống phân tầng xã hội.
[2] Axial Age, Thời đại Trục, là một thuật ngữ triết học được đặt ra bởi triết gia người Đức Kark Jaspers (1883 – 1969), có nghĩa là thời đại chủ chốt, dùng để mô tả giai đoạn từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 2 TCN. Đi ngược lại truyền thống châu Âu vốn lấy sự ra đời của Chúa Jesus làm “trục” của lịch sử thế giới, Jaspers cho rằng giai đoạn sáu thế kỷ này đã xuất hiện sự đột phá về ý thức lịch sử tại ba thế giới cổ đại là phương Tây, Ấn Độ và Trung Hoa, tạo nên khuôn khổ chung cho con người ngày nay. Jaspers dẫn chứng cho thời đại này với sự ra đời của vô số các triết gia, các nhà tu hành lỗi lạc ở cả ba thế giới cổ đại, với đặc điểm chung là con người có ý thức về sự tồn tại, về chính mình và về các giới hạn, biết đặt ra câu hỏi triệt để, hướng tới giải phóng và giải thoát.