TÔI ĐỌC GÌ ? Tủ sách truyền cảm hứng
Nguyễn Phong Việt
Đọc đầy đủNguyễn Phong Việt là một nhà báo, nhà thơ đã có 5 tập thơ được xuất bản: Đi qua thương nhớ, Từ yêu đến thương, Sinh ra để cô đơn, Sống một cuộc đời bình thường và Về đâu những vết thương. Các tập thơ của anh đã tạo nên những hiện tượng xuất bản ở Việt Nam khi đã bán được hàng chục ngàn bản in, một điều rất hiếm thấy đối với thơ Việt Nam trong hàng thập kỷ trước đó.
Nói về phong cách sáng tác của mình, nhà thơ chia sẻ: "Với tôi, viết là cảm xúc. Và cũng bởi vì quá phụ thuộc vào cảm xúc nên tôi viết khá chậm. Có thể ai đó sẽ cho rằng tác phẩm của Nguyễn Phong Việt đơn điệu, đều man mác buồn. Nhưng tôi lại nghĩ mình chỉ viết tốt nhất khi nói về nỗi buồn, và cái "một màu" ấy chính là điều mà tôi muốn giữ lại để không lẫn mình vào một ai khác trong thế giới vốn dĩ có rất nhiều tài năng về viết lách như thế này!".
Suy nghĩ của tôi về việc đọc sách:
Mỗi người chắc chắn sẽ có một gu đọc sách khác nhau vì bối cảnh lớn lên, tính cách, sở thích của chúng ta đều khác mọi người. Khi bắt đầu đọc một cuốn sách, bạn không thể biết được liệu mình sẽ thích quyển sách trên tay ít hay nhiều, nhưng tôi tin rằng đọc sách không bao giờ là việc lãng phí thời gian, đặc biệt là những cuốn sách hay.
Đọc toàn bộ chia sẻ của nhân vật tại ĐÂY
Ploy Ngọc Bích
Đọc đầy đủTrần Lê Ngọc Bích (bút danh Ploy) là một nhà văn trẻ được độc giả trẻ rất yêu mến qua nhiều cuốn sách như: Phía sau một cô gái, Trái đất tròn, không gì là không thể, Dạ khúc. RUM, Bánh bèo phiêu lưu ký. Những tác phẩm của chị chủ yếu viết về tình yêu, tuổi trẻ và đam mê một cách vừa nữ tính vừa cá tính, sắc sảo rất riêng đã trở thành thương hiệu Ploy.
Không chỉ viết sách, Ploy Ngọc Bích còn từng là copywriter cho một công ty quảng cáo lớn. Sau đó, chị làm việc cho các công ty lớn ở Thái Lan, rồi chuyển qua Unilever. Chị từng giữ vị trí Digtal Brand Manager cho Nestle Vietnam và thực hiện một số chiến dịch quảng cáo thành công như “Bánh bèo vô địch” cho nhãn hàng Diana. Hiện tại, chị là Marketing Manager của Ngân hàng UOB tại Singapore.
Chia sẻ của chị về sách:
1- Đừng ngại đọc những cuốn sách “quá tầm” với mình. Đọc một lần không hiểu thì đọc lần hai sẽ hiểu. Nếu đọc sách mà chỉ chăm chăm đọc những cuốn trong “khả năng” thì mãi mãi chẳng thể tự nâng cao năng lực của mình.
2- Mỗi tác giả có một style viết. Mỗi độc giả có một style đọc. Một cuốn sách best-selling nhưng cách kể chuyện, dẫn dắt không hợp style đọc của ta thì cũng đừng gò ép bản thân phải căng mắt nuốt từng chữ đến trang cuối cùng. Hãy đầu tư thời gian cho một cuốn sách khác. O ép quá dễ khiến bản thân ngấy những cuốn sách, rồi dần lơ là việc đọc sách.
3- Đọc sách là một trong những cách hữu ích nhất để luyện trí tưởng tượng.
4- Sách là con đường dễ dàng, đơn giản nhất để được kết nối với những bộ óc vĩ đại - những tác giả đã sống cách đây hàng thế kỷ, mấy mươi năm, hoặc ở một đất nước xa lạ. Những con người ưu việt ấy, ta không cách chi gặp được nhưng qua những trang sách lại có thể tiếp cận đến phần tinh tuý nhất của con người họ - đó là những câu chuyện, những suy nghĩ, ý kiến, cảm nhận.
5- (Rất riêng tư) Tôi yêu những cuốn sách cũ. Từng trang sách, từng con chữ ám mùi của thời gian, mùi của cốc cà phê trong lần đọc đầu tiên, mùi của miếng bánh vừa ăn vừa đọc, mùi của những suy nghĩ nảy nở ra theo từng cú lật giấy, và mùi của những ngón tay tôi thơm mùi kem bơ hạnh nhân…
6- (Rất riêng tư) Tôi không thích cho mượn sách. Vì sách là kho báu của tôi. Đã từng có bạn bè mượn và không trả sách, từ đó tôi cũng ít giao du với họ hơn. Những người không trân trọng sách của tôi, không có trách nhiệm với đồ họ mượn thì tôi chẳng tiếc. Tôi chỉ tiếc cuốn sách và những kỷ niệm đã vĩnh viễn mất đi, chỉ vì tôi tin sai người.
Đọc toàn bộ chia sẻ của nhân vật tại ĐÂY
Hamlet Trương
Đọc đầy đủHamlet Trương là một nghệ sĩ đa tài hoạt động ở nhiều lĩnh vực: ca sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, MC Radio và VJ Talk-show trên truyền hình. Ở lĩnh vực sáng tác văn học, Hamlet Trương có nhiều tác phẩm đạt Best-Sellers tại Việt Nam và là một trong những cây bút nhận được nhiều cảm tình nhất của giới trẻ. Những cuốn sách nổi bật nhất của anh có thể kể đến: Thương nhau để đó, Yêu đi rồi khóc, Ai rồi cũng khác, 12 cách yêu,...
Kỷ niệm với những cuốn sách
Mình từng mém thi rớt tốt nghiệp chỉ vì... mê game. Sau đó bố bắt mình phải đọc sách, dần dà mình mê sách hơn mê game vì thấy sách đã làm thay đổi cuộc đời của mình. Trong 6 năm theo nghiệp viết lách, mình tin là mình cũng đã trở thành người bạn của nhiều người trẻ khác trong những lúc họ cô đơn nhất, giúp họ sống vui vẻ hơn, chiêm nghiệm cuộc sống sâu sắc hơn và cũng trở thành người bạn đồng hành với mình. Đó là điều mình tự hào về công việc và những cuốn sách.
Đọc toàn bộ chia sẻ của nhân vật tại ĐÂY
Rosie Nguyễn
Đọc đầy đủRosie Nguyễn tên thật là Nguyễn Hoàng Nguyên, là một tác giả sách, blogger về văn hóa - du lịch. Cô là tác giả của “Ta ba lô trên đất Á” - cuốn sách hướng dẫn du lịch bụi đầu tiên tại Việt Nam và “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” viết về kinh nghiệm của mình trong việc tận dụng tốt nhất thời gian tuổi 20s quý giá của bản thân. Cả hai cuốn sách của cô đều được đông đảo độc giả tìm đọc, và đã trở thành cảm hứng khám phá, học tập và trải nghiệm của rất nhiều bạn trẻ.
Ngoài công việc viết blog và viết sách, Rosie còn là giảng viên lớp học kỹ năng, huấn luyện viên yoga và diễn giả quen thuộc của nhiều diễn đàn dành cho các bạn trẻ. Cô tự nhận mình là một người tự học, một ta ba lô, một kẻ mộng mơ và tràn đầy tình yêu cuộc sống.
Chia sẻ của cô về việc đọc sách:
Hằng ngày tôi thức dậy sớm để đọc sách, biến việc đọc thành một thói quen, sở thích của bản thân. Càng đọc sách, tôi càng có nhiều kiến thức để trau dồi, bồi đắp bản thân, để học hỏi và trưởng thành. Càng đọc tôi càng thấy mình phát triển đến gần với những tiềm năng bên trong của mình hơn. Và càng đọc nhiều, tôi lại càng được truyền cảm hứng để có được quyển sách mang tên mình. Việc đọc sách khơi gợi lại đam mê viết lách từ thuở bé của tôi, tạo động lực để tôi thực hiện ước mơ. Và đến một thời điểm thích hợp, tôi đã có cơ hội xuất bản được quyển sách đầu tiên của mình.
Việc đọc sách hay bất kỳ việc gì trong cuộc sống cũng vậy, vấn đề không phải là số lượng mà là chất lượng. Không phải là ta đọc bao nhiêu mà là ta rút ra được những gì, học hỏi được những gì từ những quyển sách mình đã đọc. Tuy vậy, nếu không đủ lượng thì sẽ không có sự biến đổi về chất. Nếu lựa chọn chỉ đọc những quyển sách thật hay, và đọc thật kỹ, nhưng chỉ đọc mỗi năm vài ba quyển thì cũng không tận dụng được hết lợi ích của việc đọc. Do vậy, đối với tôi mỗi tuần cần đọc tối thiểu một quyển sách để duy trì được thói quen đọc sách cũng như có thể liên tục học hỏi được nhiều điều mới và hay từ sách.
Đọc toàn bộ chia sẻ của nhân vật tại ĐÂY