Virginia Woolf - tiếng nói nữ quyền trong văn học Anh 
Virginia Woolf - tiếng nói nữ quyền trong văn học Anh 
Adeline Virginia Woolf là một nhà văn người Anh và bà được coi là một trong những tác giả theo chủ nghĩa hiện đại quan trọng nhất thế kỷ 20 và là người tiên phong trong việc sử dụng phong cách viết dòng ý thức.

 

Vài nét về Virginia Woolf

 

Virginia Woolf (1882-1941) là một nhà tiểu luận, nhà phê bình văn học và trên hết, bà được biết đến nhiều nhất với vai trò là tiểu thuyết gia. Bà là một nhân vật trung tâm trong cộng đồng văn học và nghệ thuật được gọi là Nhóm Bloomsbury, một nhóm gắn bó chặt chẽ với một số nghệ sĩ và nhà văn người Anh trong những năm đầu của thế kỷ XX.

Điều làm nên sự khác biệt trong tiểu thuyết của Virginia Woolf là những sự sáng tạo mà trong đó những hạn chế của văn xuôi có thể được thử nghiệm. Cách kể chuyện của bà khác xa với những quy ước về tiểu thuyết cuối thời Victoria và Edward. Bà từ bỏ lối kể chuyện đơn giản và sử dụng phong cách văn xuôi dòng ý thức để tập trung vào đời sống nội tâm của các nhân vật của mình.

Phong trào phê bình nữ quyền những năm 1970 tập trung vào công việc của bà và ghi nhận công lao của bà vì đã truyền cảm hứng cho chủ nghĩa nữ quyền. Các tiểu thuyết của bà đã được dịch sang hơn 50 thứ tiếng. Cuộc đời và sự nghiệp của bà đã mê hoặc nền văn học trong một thế kỷ và là chủ đề của các vở kịch, phim và tiểu thuyết. 

 

Những tác phẩm của Virginia Woolf đã được xuất bản tại Việt Nam

 

Các tác phẩm nổi tiếng nhất của Virginia Woolf bao gồm các tiểu thuyết “Bà Dalloway” (1925), “Đến ngọn hải đăng” (1927) và “Orlando” (1928).

1/ Bà Dalloway

Cuốn sách lấy bối cảnh hậu Thế chiến thứ nhất ở London, kể chi tiết một ngày trong cuộc đời của một phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu, Clarissa Dalloway. Cuốn tiểu thuyết mô tả sự chuẩn bị của Dalloway cho một bữa tiệc mà cô sẽ tổ chức vào buổi tối. Câu chuyện được kể chủ yếu thông qua suy nghĩ của nhân vật chính, điều này luôn thể hiện rõ ràng ngay cả khi cô ấy tương tác với các nhân vật khác. Câu chuyện đi ngược thời gian và đi vào trong tâm trí nhân vật để xây dựng hình ảnh về cuộc đời của Clarissa và cấu trúc xã hội giữa các cuộc chiến. Vào tháng 10 năm 2005, “Bà Dalloway” được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh hay nhất kể từ ấn bản đầu tiên của Time vào năm 1923.

2/ Đến ngọn hải đăng

Câu chuyện xoay quanh chuyến thăm của gia đình Ramsay tới Isle of Skye ở Scotland từ năm 1910 đến năm 1920. Trong cuốn tiểu thuyết này, việc xem xét nội tâm triết học quan trọng hơn cốt truyện. Có rất ít đối thoại và ít hành động trực tiếp. Phần lớn là những dòng suy nghĩ và quan sát của các nhân vật. Phong cách này đã được coi là một ví dụ điển hình của phong cách ‘đa tiêu điểm’ - cuốn tiểu thuyết gợi lên những cảm xúc thời thơ ấu và tập trung vào các mối quan hệ của người lớn. Nó có nhiều chủ đề, bao gồm bản chất của nghệ thuật, vấn đề nhận thức và nỗi đau mất mát.

Năm 1998, The Modern Library đã xếp hai cuốn tiểu thuyết “Bà Dalloway” và “Đến ngọn hải đăng” vào vị trí thứ mười lăm trong danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất thế kỷ XX. 

3/ Orlando

Đây là một cuốn tiểu thuyết châm biếm lấy cảm hứng từ bạn của Virginia Woolf, nhà thơ và tiểu thuyết gia, Vita Sackville-West. Tác phẩm này như là một cuộc dạo chơi xuyên suốt lịch sử văn học Anh. Nó mô tả cuộc phiêu lưu của một nhà thơ chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ và sống trong nhiều thế kỷ, trong thời gian đó cô gặp nhiều nhân vật văn học. Cuốn tiểu thuyết được coi là một tác phẩm kinh điển về nữ quyền và được các học giả nghiên cứu về giới và chuyển giới đặc biệt nghiên cứu. Nó đã được chuyển thể cho sân khấu và điện ảnh, đồng thời là chủ đề của hai vở opera quan trọng.

4/ Những lớp sóng

"Những lớp sóng" của Virginia Woolf là triều dâng của đời sống, triều dâng của một thứ ngôn từ nghệ thuật ngoại hạng mà dường như chỉ có một thiên tài như nàng, người tạo ra những bước sóng lạ thường trong văn chương thế kỷ hai mươi. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ 7 của Virginia Woolf. Cho tới nay, nó được đại đa số các nhà nghiên cứu phê bình và một số lượng tương đối các độc giả yêu thích tác phẩm văn chương hiện đại đánh giá rất cao. Dù không thành công về mặt thương mại nhưng “Những lớp sóng” được công nhận rộng rãi là một tuyệt phẩm văn chương hiện đại, xếp thứ 16 trong số 100 tiểu thuyết Anh hay nhất mọi thời đại.

5/ Ba đồng Ghi-nê

Đây là tập tiểu luận nổi tiếng của Virginia Woolf. Bà khởi thảo tác phẩm này vào vào khoảng năm 1932 và được NXB Harcourt, Brace and Co. xuất bản năm 1938. 

“Ghi-nê” là một đơn vị tiền tệ ảo biểu trưng cho tầng lớp thượng lưu chứ không hề thật sự tồn tại. Một ghi-nê tương đương với 21 shilling và thường được áp dụng cho các giao dịch trong tầng lớp thượng lưu Anh. 

Toàn tập tiểu luận được cấu trúc như là một lá thư phúc đáp cho một quý ông trí thức. Ông ta đã gửi một lá thư yêu cầu Virginia Woolf tham gia vào những nỗ lực của hiệp hội của mình nhằm ngăn chặn chiến tranh sắp sửa bùng nổ do sự xuất hiện của chủ nghĩa phát xít và Đức Quốc Xã. Để đáp ứng lại yêu cầu đó, Virginia lần lượt đưa ra những luận điểm với giọng văn hơi ngoa dụ, dí dỏm, đậm chất châm biếm, nhưng vô cùng logic trong lập luận.

6/ Căn phòng của Jacob

Qua lăng kính vạn hoa, Woolf bao bọc cả vũ trụ, hoặc một cách chính xác hơn: từ vô số những vũ trụ bé nhỏ đang lay động trong thành phố Luân Đôn. Jacob Flanders đi dạo trong công viên Hyde Park, viếng thăm nhà thờ Saint Paul, chợt trông thấy Nữ hoàng thoáng qua trên cỗ xe ngựa sang trọng, đến hí viện Opéra, mất hút, rồi lại tái xuất hiện giữa đám đông, kết bạn với nhiều thiếu nữ kiều diễm: Florinda, hay là Fanny Elmer làm mẫu khỏa thân cho các họa sĩ thời danh, hoặc Laurette.

Chúng ta khám phá sau đó Jacob đã mời một hai cô gái này đi dùng bữa tối. Anh đã ân ái với họ? 

Duy nhất, một điều chắc chắn: tất cả những thiếu nữ này đều bị cuốn hút bởi chàng trai quả quyết, bí ẩn, có thể là đẹp trai này, người dành rất nhiều thời gian ở thư viện của bảo tàng British Museum, nơi trông đợi những thiên tài văn chương tầm cỡ Homère và Platon của một thời.

7/ Căn phòng riêng

Cuốn sách của Virginia Woolf được xuất bản năm 1929, dựa trên hai bài giảng của bà vào năm 1928 tại Newnham College và Girton College, Cambridge. Woolf đã nói lên tình trạng của phụ nữ, và đặc biệt là các nữ nghệ sĩ, trong bài luận nổi tiếng này, bà quả quyết rằng một phụ nữ phải có tiền và một căn phòng riêng, nếu cô muốn viết văn. Woolf tôn vinh sáng tác của các nữ tác giả, bao gồm Jane Austen, George Eliot, và chị em nhà Brontes. 

Theo bà, muốn có tự do trí tuệ phải có tự do tài chính, và bà khẩn nài độc giả của mình hãy viết không chỉ văn chương hư cấu mà cả thơ, phê bình, và các công trình học thuật khác. 

 

 

Những tác phẩm của Virginia Woolf theo thể loại và thời gian

 

Tiểu thuyết:

1/ The Voyage Out (1915)

2/ Night and Day (1919)

3/ Căn phòng của Jacob (1922)

4/ Bà Dalloway (1925)

5/ Đường đến ngọn hải đăng (1927)

6/ Orlando (1928)

7/ Những lớp sóng (1931)

8/ The Years (1937)

9/ Between the Acts (1941)

 

Tác phẩm hư cấu ngắn

1/ Two Stories (1917)

2/ Monday or Tuesday (1921)

3/ A Haunted House and Other Stories (1944)

4/ Mrs Dalloway’s Party (1973)

5/ The Complete Shorter Fiction (1985)

 

Tác phẩm phi hư cấu

1/ Modern Fiction (1919)

2/ The Common Reader (1925)

3/ The London Scene (1931)

4/ The Common Reader: Second Series (1932)

5/ The Death of the Moth and Other Essays (1942)

6/ The Moment and Other Essays (1947)

7/ The Captain’s Death Bed and Other Essays (1950)

8/ Granite and Rainbow (1958

9/ Collected Essays (1967

10/ Books and Portraits (1978

11/ Women and Writing (1979)

 

- Trạm Đọc tổng hợp

Tags: