Hiện nay, các dòng sách trinh thám đang được bày bán trên kệ sách và các trang bán sách online chủ yếu của các cây bút nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh...
Theo số lượng của Hội Nhà văn Việt Nam, nước ta hiện có hơn 1.000 nhà văn. Các cây viết không sinh hoạt trong Hội, dự tính chưa đầy đủ có khoảng vài ngàn người. Hiện các nhà văn sáng tác rất nhiều các thể loại văn học, nhưng dòng truyện trinh thám và phân tích tâm lý tội phạm trong nước lại không có nhiều tác phẩm.
Nhà văn Trần Nhã Thụy, Giám đốc Chi nhánh miền Nam - NXB Hội Nhà văn, cho biết, dòng truyện trinh thám và tâm lý tội phạm không có nhiều, đơn giản là vì không dễ viết một chút nào. Văn chương, ngoài dòng hiện thực phê phán là thế mạnh, vì các nhà văn lấy vốn sống thực tế ra viết. Trái với hiện thực là dòng fantasy, tức tha hồ hư cấu bay bổng. Nhưng dòng trinh thám lại không thể hiện thực như những điều chúng ta trải nghiệm hằng ngày, cũng không bay bổng như tâm trí ta muốn như vậy. "Văn học trinh thám, cũng cần sự hư cấu, nhưng cần hơn là kiến thức về khoa học hình sự, về tâm lý tội phạm và phải thật chặt chẽ về mặt logic hành động. Như vậy, nhà văn khi viết thể loại trinh thám phải bỏ công sức nghiên cứu rất nhiều, thậm chí là phải biết ngôn ngữ của tội phạm. Thực tế, Việt Nam không có nhiều những nhà văn như vậy, cho nên có ít tác phẩm là điều hiển nhiên", tác giả của các tác phẩm "Hát", "Chàng trẻ măng ở phố treo đầu", "Triều cường, chân ngắn và rau sạch"... chia sẻ.
Khẳng định hơn về dòng truyện trinh thám tại Việt Nam, nhà văn Bùi Anh Tấn, Phó Tổng Biên tập báo Công an TPHCM, Ủy viên BCH Chi hội Nhà văn Công an, cho biết: "Thật ra từ thời ông Phạm Cao Củng (được xem là người sáng tác văn học trinh thám đầu tiên của Việt Nam từ trước 1945), quan điểm cá nhân tôi cho rằng, đến nay Việt Nam vẫn chưa có truyện trinh thám đúng nghĩa, đặc biệt là dòng truyện trinh thám hiện đại". Nhà văn Bùi Anh Tấn phân tích, những tác phẩm được xem là “trinh thám” hiện nay nhưng đường dây dẫn dắt nhân vật vẫn còn mỏng, chưa đắt, chưa có những tình tiết hấp dẫn cuốn hút bạn đọc từ trang đầu đến trang cuối, đặc biệt hời hợt về mặt phân tích tâm lý tội phạm. Không có những nhà “trinh thám” hiện đại mà có vẻ như điều tra khám phá cho đến bắt giữ luôn là hình ảnh anh công an (và rất cứng nhắc, mô phạm, đặc biệt trên phim ảnh).
Trên tinh thần khía cạnh người sáng tác, nhà văn Trần Nhã Thụy cho biết, bất kỳ nhà văn chuyên nghiệp nào cũng thích dòng văn chương trinh thám và tâm lý tội phạm. Bởi, như bất kỳ một độc giả nào, khi còn bé, mỗi chúng ta đều thích truyện trinh thám, đều là fan của thám tử Sherlock Holmes. "Bây giờ tôi vẫn thích truyện trinh thám, là fan của Higashino Keigo – tiểu thuyết gia trinh thám hàng đầu Nhật Bản. Về phim có màu sắc trinh thám, điều tra tội phạm, dường như tôi không bỏ sót phim nào. Chúng ta có thể thấy một điều rằng, trong khi văn chương hay nghệ thuật nói chung thường đề cao sứ mệnh này nọ, với những thông điệp lớn lao. Nhưng văn chương trinh thám chỉ tập trung vào câu chuyện giải trí, mang tính đấu trí, mà hấp dẫn lôi cuốn người đọc không ngừng. Nó kích thích đầu óc mình hoạt động, suy luận, phỏng đoán… Nó làm tim mình đập nhanh hơn, khiến mình phải đưa ra quyết định ngay lập tức… Nó chính là cuộc sống. Tôi nhớ có một câu thoại trong một bộ phim trinh thám rằng: “Kẻ tội phạm, dù không bị ai truy đuổi thì hắn vẫn cứ chạy trốn”. Một câu quá hay, nó khiến ta giật mình nhìn lại toàn bộ hành động của mình. Vậy thì làm sao một nhà văn lại không nghĩ không ham muốn viết truyện trinh thám? Thú thật là tôi luôn nghĩ đến truyện trinh thám, nhưng tôi cũng đồng thời hiểu là mình chưa đủ sức để bước vào cuộc chơi này", nhà văn Trần Nhã Thụy bày tỏ quan điểm.
Còn suy nghĩ của nhà văn Bùi Anh Tấn về việc này lại khác. Ông cho biết, dòng văn học trinh thám, cho đến các tiểu thuyết về tình báo, gián điệp hay rộng ra là viết về công an… có vẻ như không được giới nhà văn xem trọng, vẫn có quan điểm cho rằng đây là “văn học hạng hai”, thế nên ít nhà văn lao vào sáng tác đề tài này. "Hoặc có chăng nữa, cũng sáng tác chưa đến nơi chốn, dù có khá nhiều cuộc thi và nhiều giải thưởng được trao nhưng bị chìm nghỉm rất nhanh, tôi cho rằng đó là đáng tiếc. Với tôi, sáng tác về bất kể thể loại đề tài nào, “lớn hay bé” không quan trọng mà quan trọng bạn phải viết hay, hay để phục vụ bạn đọc, đó là điều tiên quyết với người viết văn. Nếu có thể, tôi vẫn sẵn sàng sáng tác về đề tài này, chỉ sợ lực bất tòng tâm thôi", tác giả của các tác phẩm nổi tiếng: "Một thế giới không có đàn bà", "Thám tử yêu", "Bí mật hậu cung", "Hành trình của sói"... cho biết.
Nguồn PNVN