Điều nhà văn trẻ cần nhất?
Điều nhà văn trẻ cần nhất?
Đội ngũ người viết văn trẻ nước ta hiện nay nếu tính về số lượng thì không hề ít. Cứ nghĩ ở thời hậu hiện đại, công nghệ tiên tiến, có quá nhiều thứ để người làm ăn, giải trí, người viết và đọc văn, tự nhiên ít dần.

Nào đâu có phải, như ở Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội (Hội Nhà văn Hà Nội) mới ra đời, có rất nhiều cây bút “tay ngang”. Đó là cô nàng cử nhân quy hoạch đô thị đã xuất bản được tập thơ thuộc hàng sách bán chạy. Đó còn là anh chàng chuyên gia tư vấn kinh tế từng đoạt giải thưởng tiểu thuyết dành cho lứa tuổi 20… Ở hội, nhóm văn chương các địa phương và cơ quan, vẫn thường thấy những người trẻ trao cho nhau cuốn sách mới in, bàn tán rôm rả chuyện văn chương... Nhìn thôi cũng thấy ấm lòng, dâng lên niềm tin tốt lành cho văn chương nước nhà mai sau.

Dẫu biết, tác phẩm văn chương không phải là da giày, không thể “đều hàng”, không có quy luật xuất hiện tác phẩm, tác giả nổi trội thường xuyên; nhưng cũng lâu lắm rồi văn học Việt Nam chưa xuất hiện những tài năng văn chương trẻ để dư luận cả nước chú ý như trước đây từng có Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Dương Phương Vinh, Nguyễn Ngọc Tư... Có ý kiến của vài người sốt sắng thái quá kêu ca, phê bình chuyện các tổ chức, cơ quan, ban, ngành thiếu hỗ trợ nhà văn trẻ. Sự thực không phải vậy, chỉ riêng Nhà xuất bản Trẻ hay Nhà xuất bản Kim Đồng, hễ cây bút nào trẻ tuổi có bản thảo đầu tay chất lượng lập tức được biên tập, in ấn. Nhiều cây bút trẻ, như: Đinh Phương, Cấn Vân Khánh, Hoàng My, Hiền Trang, Nhật Phi… đã in ấn những tác phẩm đầu tay không khó khăn như các thế hệ trước như hai tác giả đứng chung một tập thơ, tập truyện. Nhiều cơ chế khác như mở trại viết, lớp bồi dưỡng, hội nghị tập huấn chuyên môn, đầu tư sáng tác… đều ưu ái mời các nhà văn trẻ tham gia góp mặt. Người viết văn trẻ đâu bị bỏ rơi! Điều cốt lõi là tự thân cá nhân cây bút có thể lột xác làm cuộc bứt phá để thành công trong nghiệp viết.

Nói như vậy không có nghĩa nhà văn trẻ cứ viết mà không cần bất cứ sự giúp đỡ nào. Có điều vật chất, tiền bạc không phải là quan trọng nhất, khi mà thị trường xuất bản đã có sự góp mặt của nhiều đơn vị làm sách tư nhân. Nhiều nhà văn trẻ, như: Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Thiên Ngân, Hamlet Trương, Huyền Thư, Lương Đình Khoa, Hà Mạnh Luân… công bố tác phẩm trên mạng xã hội, được người đọc đón nhận. Ngay lập tức, các đơn vị làm sách nhảy vào cuộc, tranh nhau ký hợp đồng xuất bản. Đã có một số nhà văn có thể tự tin sống được bằng nghề, bằng tiền bản quyền, tiền giải thưởng theo đúng xu hướng tiên tiến trên thế giới.

Vậy, cuối cùng, điều các nhà văn trẻ cần nhất hiện nay vẫn là sự cảm thông, thấu hiểu. Thẳng thắn mà nói, trong văn giới vẫn có tình trạng bảo thủ, áp đặt suy nghĩ của các bậc cha chú “tiên chỉ văn chương” với lớp người viết trẻ. Ngoài chuyện tâm lý phổ biến “văn mình vợ người”, dường như sâu xa hơn có một lối nghĩ cho rằng tuổi trẻ thì viết được gì, bao giờ lớn tuổi trải nghiệm đầy mình mới mong có thành tựu để đời. Cách nghĩ tiêu cực này cần dùng đến văn hóa học để cắt nghĩa, đó là nguồn gốc sâu xa từ ảnh hưởng văn hóa Nho giáo, thói đố kỵ không thể tránh khỏi của văn hóa làng xã.

Người ta thường nói “tài không đợi tuổi”, điều đó đúng trong văn chương. Không xét những trường hợp đặc biệt như thần đồng Trần Đăng Khoa, mà chỉ kể ra tên tuổi của Chế Lan Viên, Tô Hoài, Nguyên Hồng… thành danh khi còn rất trẻ thì rõ ràng tuổi tác không phải là vấn đề quyết định chất lượng tác phẩm.

Văn chương có nhiều đặc thù, một trong số đó là sự phong phú của đề tài và lối viết; cho nên người ta nói văn chương và rộng ra là nghệ thuật không có sự hơn kém mà quan trọng là sự khác biệt. Văn chương là một hình thái luôn vận động, luôn tìm cách phủ định cái cũ, tạo ra cái mới. Điều thú vị của văn chương nghệ thuật là cái cũ bị phủ định không mất giá trị mà sẽ trở thành giá trị cổ điển. Như thời nay các nhà thơ ít khi làm thơ theo niêm luật, theo vần điệu chặt chẽ như thế hệ Thơ mới danh tiếng lừng lẫy trước năm 1945; thay vào đó được tự do tuyệt đối về mặt câu chữ. Riêng tính nhạc trong thơ được tạo ra bởi cấu trúc âm thanh ngữ nghĩa được chọn lọc và kết hợp chứ không phải do vần điệu. Điểm yếu của thơ thời nay là khó đọc, khó thuộc, nhưng thực tế vẫn có nhiều bài thơ hay, cái hay nằm ở ý tứ và cách diễn đạt tự do. Thơ hiện nay khác biệt Thơ mới nhưng điều đó không có nghĩa Thơ mới không còn giá trị mà Thơ mới sau hơn 70 năm đạt đến đỉnh cao đã trở thành giá trị cổ điển. Người làm thơ hiện nay không đọc Thơ mới thì tất nhiên không thể hiểu cha ông đã đạt được thành tựu nghệ thuật đến mức độ nào; cần phải làm gì để viết tiếp, làm mới thơ ca không giẫm lên chân tiền bối.

Một khi tác phẩm của nhà văn trẻ với tư duy mới mẻ, thủ pháp văn chương độc đáo chắc chắc sẽ bị… ghét. Không hẳn các bậc cha chú, cô bác làng văn có ác ý gì nhưng đơn giản là tầm thưởng thức, lối viết của những người đi trước đôi khi không bắt kịp những cái mới. Xin nhắc lại ở đây là chuyện thích ứng cái mới, chuyện hay/dở thì thời gian mới có thể trả lời.

Nhà văn trẻ hiện nay rất muốn các cây bút đi trước và cả bạn đọc gần xa, chấp nhận khác biệt. Chỉ có vậy văn chương nước nhà mới phong phú, mới đa nội dung, giọng điệu, hình thức… Từ diện rộng mới xây được môi trường lành mạnh, kích thích sáng tạo. Đó là cơ hội để tác phẩm đỉnh cao ra đời!

Nguồn QĐND

Tags: