Vì sao ta cần sống hiện sinh: Tình yêu (P.3)
Vì sao ta cần sống hiện sinh: Tình yêu (P.3)
Chúng tôi xin giới thiệu phần 3 của loạt bài "Vì sao ta cần sống hiện sinh" của Cameron Shingleton – Tiến sĩ Triết học tốt nghiệp tại Đại học Melbourne. Trong 6 năm sống ở TP.HCM, Cameron đã học tiếng Việt và tìm hiểu sự khác biệt trong văn hóa Đông - Tây. Anh là tác giả của cuốn sách "Những điều bạn chưa biết về trai Tây" (NXB Trẻ 2017) được viết bằng tiếng Việt và là một cộng tác viên thân thiết của Trạm Đọc.

Việc chúng ta có mặt trên cuộc đời này là bị động; còn việc sống thế nào thì còn tùy, chủ động với nó hay vẫn tiếp tục với sự bị động? Sống hiện sinh có phải là một giải pháp cho những ai đang muốn chủ động “nhảy múa” trên cuộc sống đã trót bị, hoặc được trao cho này?

Ở bài viết trước, TS Cameron đã đưa ra một cảnh toàn về chủ nghĩa hiện sinh: http://bit.ly/2Yef3J6 Nhưng để trả lời câu hỏi đặt ra một cách sâu sắc hơn và cũng để não bận rộn hơn chút đỉnh, chúng ta có thể đi vào từng cảnh cận đã được Cameron zoom vào: Chủ nghĩa hiện sinh và cơ thể, thời khắc hiện tại, tình yêu, cái chết, văn hoá VN… Nhạc đã nổi lên rồi. Hãy bắt đầu nhảy vào cảnh cận đầu tiên.

Bài 1: Cơ thể

Bài 2: Thời khắc hiện tại

Tình yêu có thể là nền tảng cho một lối sống quyết đoán hoặc là nguồn gốc của sự tự dối mình ngông cuồng, của cả sự tự do lẫn sự nỗ lực ràng buộc người khác, vì vậy khó mà nói chủ nghĩa hiện sinh có một cái nhìn nhất quán về nó.

Một mặt tình yêu là điều mà phần lớn người ta lo lắng quá mức, khiến họ bồn chồn hay tự quấy rầy không cần thiết, hoặc khiến họ tưởng họ vui hơn hay khổ hơn thực tế. Mặt khác, nó có khả năng khích thích họ loại bỏ những điều họ mặc nhiên thừa nhận vì lí do muốn sống QUÁ AN TOÀN, giúp họ sống liều lĩnh hơn hẳn theo chủ nghĩa hiện sinh.

Đến độ tình yêu được xem là kinh nghiệm tốt đẹp nhất trong đời, cái mà ai cũng PHẢI TRẢI QUA thì cuộc sống mới có ý nghĩa, nó đơn giản là tín ngưỡng tôn giáo, cũng có thể nói là trọng tâm của một giáo phái kì dị.

Chuyện này không có nghĩa là người theo chủ nghĩa hiện sinh cố ý sống vô cảm, nhưng nhiều khi cảm xúc của người này sẽ có vẻ dè dặt, chừng mực. (Không phải ngẫu nhiên mà tín ngưỡng tôn giáo duy nhất có điểm chung với chủ nghĩa hiện sinh là đạo Phật. Đó là vì tín đồ của đạo này coi trọng một số trạng thái cảm xúc như lòng từ bi, trắc ẩn, nhưng họ vẫn dứt khoát tránh xa tình cảm bồng bột có khi đi cùng với chúng.)

Người theo chủ nghĩa hiện sinh yêu người khác thắm thiết không khó hình dung - chỉ không thể yêu theo kiểu phổ biến trong xã hội hiện nay. Một người hành động trong tinh thần hiện sinh không dính dáng cái kiểu mối quan hệ tình yêu ràng buộc người yêu hay BẮT người kia cư xử với mình kiểu này nọ. Nếu người yêu của tôi yêu tôi một cách tôi hưởng ứng, tình cảm đó phải là BIỂU HIỆN CỦA SỰ TỰ DO CỦA HỌ, chứ không phải nghĩa vụ, và nhất định không phải kết quả của việc đã hứa với tôi, hoặc một mình hoặc trước mặt cộng đồng hoặc trước mặt “Chúa", là sẽ tiếp tục yêu vĩnh viễn.

Người theo chủ nghĩa hiện sinh có thể yêu “vì duyên", với điều kiện là từ “duyên" ở đây chỉ được hiểu theo nghĩa bóng. (Theo nghĩa đen thì chỉ nói được về sự lựa chọn cá nhân hay về “sự cam kết hiện sinh” dựa trên một quyết định tôi đưa ra một cách tỉnh táo: không được nhắm mắt trước sự thật nào, kể cả thực tế là tình cảm của con người có xu hướng héo tàn theo thời gian.)

Có điểm quan trọng ở đây cũng có thể nghe lạ là một người theo chủ nghĩa hiện sinh có thể có khả năng yêu đơn phương về lâu dài. Nhân vật tiêu biểu trong những tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh, là con trai tuổi teen phải lòng cô gái cùng quê, và tiếp tục yêu kiên trì sau khi cô ấy chọn người khác, trong một ý nghĩa nào đó có thể đại diện cho người cam kết hiện sinh, miễn là không ân hận, không tủi thân.

Công nhận là tình yêu được đáp lại mang đến nhiều niềm hạnh phúc hơn việc yêu đơn phương, nhưng hạnh phúc đối với người theo chủ nghĩa hiện sinh chỉ có giá trị tương đối. Sống chân thành với niềm đam mê “thống trị" của mình, ngay cả khi nó khiến mình đau khổ hay bất hạnh, là sự lựa chọn chính đáng, cũng có thể nói can đảm hơn việc chỉ yêu song phương thôi.

Từ “góc nhìn hiện sinh", việc rút lại tình cảm của mình chỉ vì nó không được đáp lại đầy đủ có vẻ hơi quá thực tế, nó đặt ra câu hỏi tình cảm đó có thực sự là tình yêu hay chỉ là một cơn bốc đồng tạm thời kiểu khác. Nếu tôi “yêu" người khác chỉ vì tình yêu, sự chăm sóc hay sự chú ý của họ dành cho mình thì không thể nào khẳng định tôi đang yêu; nói tôi chủ yếu yêu chính mình mới đúng. Tình cảm được đa số người mệnh danh là tình yêu trên thực tế chỉ là hình dạng bị xuyên tạc lại của lòng tự ái; ai theo chủ nghĩa hiện sinh từ chối tính vị kỷ và sến súa được nhiều người cho là “lãng mạn".

Nếu có thể chọn nhân vật chính của Nguyễn Nhật Ánh (ví dụ trong sách Mắt Biếc) để đại diện cho một mặt của thái độ hiện sinh đối với tình yêu thì nhân vật chính trong Người Xa Lạ, Mersault, chắc là lộ rõ mặt ngược lại. Mersault có ý định cưới người yêu (tên Marie), nhưng anh ấy vẫn không che giấu sự thật là anh ấy KHÔNG yêu cô ấy. Từ “góc nhìn thông thường" anh có vẻ là người lạnh lùng, thậm chí từ góc nhìn Marie anh có gì đó khá xa lạ. (Chắc đó là một trong những lý do sách có tên của nó.) Nhưng đối với anh, chuyện anh trải nghiệm trực tiếp cái tồn tại độc nhất vô nhị của Marie - có cảm tưởng giản dị, sinh động, cụ thể khiến anh thấy cô ấy là người đúng với anh - là đủ. Mối quan hệ giữa hai người (đối với anh) không cần được bào chữa bằng ý niệm hão huyền của tình yêu hay cảm xúc được cho là sâu sắc hay vĩnh cửu nào nữa.

Gia đình, hôn nhân

Theo chủ nghĩa hiện sinh gia đình không phải điều thiêng liêng, cái ở Việt Nam gọi là bổn phận làm mẹ (hay cha) cũng vậy.

Cách suy nghĩ mà theo đó hôn nhân được Chúa, các vị thần hay tổ tiên của gia đình hai bên, thiêng liêng hoá không khác gì một huyền thoại dân gian.

Tuy thế chuyện này không có nghĩa là một người theo chủ nghĩa hiện sinh sẽ không kết hôn hay không thể có đời sống hôn nhân vững chắc. Như đã nói, riêng nhân vật chính trong tiểu thuyết Người Xa Lạ, Mersault, cũng từng cân nhắc có nên lấy người yêu, là Marie, hay không. Anh ta không cần tính toán nhiều để ra quyết định: Anh ta quyến luyến Marie, thấy cô ấy có hình thể hấp dẫn, biết hai người lấy nhau sẽ làm vui lòng cô ấy lắm. Kết hôn là cách anh ấy thể hiện sự tự do của mình rất tự nhiên; tất cả đánh giá thông thường về tính cách Marie, hai người hợp nhau, có triển vọng tốt hay không đều thiếu.

Cái chính là anh có hứng thú kết hôn, mặc dù anh vẫn từ chối cách suy nghĩ của Marie về “điều kiện hiện sinh" của bước tiếp theo hai người sắp đi. Đối với Marie hôn nhân là điều phải có trải nghiệm tốt đẹp đi trước, là tình yêu, gần như BUỘC hai người phải lấy nhau. (Cách suy nghĩ khá Việt Nam!) Còn đối với Mersault, việc kết hôn là sự lựa chọn của hai người, không thể nào nói đó là điều đúng đắn nên làm vì có sự phù hộ của Chúa, gia đình hay xã hội xung quanh, cũng không cần dựa vào một cảm xúc gần như thiêng liêng gọi là tình yêu.

Tín Ngưỡng Tôn Giáo

Ta mới nói về cách những tín ngưỡng tôn giáo thiêng liêng hoá một số trải nghiệm của con người, như cách nó cắt nghĩa tình yêu và hôn nhân. Bây giờ thì bàn đến quan điểm của tư tưởng hiện sinh về những tín ngưỡng tôn giáo nói chung. 

Những tín ngưỡng tôn giáo cứ cho rằng cuộc sống con người có ý nghĩa “từ ngoài vào" hoặc “từ trên xuống" - tức bắt nguồn từ quyền lực siêu nhiên ngoài tầm hiểu biết của con người - không những sai mà còn có ảnh hưởng nguy hại. Nếu định khoa học như là cách nhìn thế giới hợp lý, đúng sự thật thì có thể nói rằng khoa học không bào chữa cho quan điểm là thế giới được đấng Thượng Đế tốt tạo, không thể nào được một con người sống chết cách đây 2000 năm cứu; tương tự quan điểm luân hồi bảo đảm rằng việc làm thiện sẽ gặp điều lành còn tội ác sẽ có quả báo, hoặc trong đời này hoặc trong kiếp sau, là hoàn toàn vô căn cứ.

Nội dung chính của tôn giáo, từ góc nhìn hiện sinh, là hy vọng hão huyền. Không phủ nhận được cuộc sống con người sẽ tốt đẹp hơn nếu một Thượng Đế vừa tốt bụng vừa toàn năng chi phối thế gian này hoặc nếu người tốt được thưởng bằng cách có cơ hội sống tiếp trên thiên đường. Nhưng rất tiếc (theo chủ nghĩa hiện sinh) không có gì dẫn ta đến niềm tin này, trừ sự mong muốn cuộc sống có ý nghĩa con người hơn. (Bổ sung cho đoạn trước một chút: những niềm tin tôn giáo vào quyền lực siêu nhiên và những ý nghĩa cao cả có căn cứ nhất định: tức hoàn toàn trong nhu cầu về mặt tình cảm của con người, chứ không phải trên thực tế hay ngoại giới.)

Thế nhưng có điều tế nhị ta cần chú ý nữa là niềm tin tôn giáo không chỉ bắt nguồn từ . . . các hệ thống tín ngưỡng tôn giáo. Con người đã từng tin vào chính trị, nghệ thuật, tình yêu, thời trang, tiền bạc, đủ thứ, như là những điều có giá trị tôn giáo, thậm chí thuyết vô thần có thể trở thành một kiểu tín ngưỡng tôn giáo cuồng tín. Vì thế có thể nói, từ góc nhìn chủ nghĩa hiện sinh, PHONG CÁCH THEO TÔN GIÁO quan trọng không kém nội dung của tôn giáo đó. Có cách theo đạo (được chủ nghĩa hiện sinh coi là) "sai một cách có duyên", cũng có đạo (hoặc hệ thống tư tưởng khác) chắc đúng sự thật hơn nhưng cách người ta theo vẫn tị nạnh, hẹp hòi.

Ta muốn hiểu giá trị của hai đạo hay hai hệ thống tư tưởng khác nhau thì phải đánh giá CÁCH SỐNG của người theo, coi trọng hoạt động, ngay cả giọng nói của họ hơn tín điều hay lý luận liên quan. Đối với chủ nghĩa hiện sinh, một tư tưởng chủ yếu là phong cách sống, chỉ thứ yếu là tập hợp niềm tin rõ ràng.

Kiểu hệ thống tư tưởng thực sự trái ngược nhân sinh quan hiện sinh là tư tưởng thúc giục người theo hay phán xét người khác, hay giáo huấn, trước hết là tin ngưỡng tôn giáo xúi giục tín đồ giọng lưỡi độc ác với những người theo đạo khác hay bất đồng ý kiến. Cách một số người theo đạo Tin Lành ở Mỹ gần như CÓ NGHĨA VỤ căm thù người có quan điểm cởi mở về những vấn đề xã hội là một ví dụ điển hình. (Còn cách một số người thích thoáng, động viên cho quyền của người da màu, người đồng tính, phụ nữ phá thai, gần như có nghĩa vụ căm ghét Đạo Tin Lành là một ví dụ khác.)

Mấu chốt ở đây là lòng oán hận hay căm ghét nhiều khi được tín ngưỡng tôn giáo khuyến khích không hoà hợp được với cảm giác nhẹ nhàng, tỉnh táo là tinh hoa của phong cách sống hiện sinh.

Cameron Shingleton là tác giả cuốn sách "Những điều bạn chưa biết về trai Tây" (NXB Trẻ 2017) được viết bằng tiếng Việt. Sinh ở Melbourne, Australia, anh tốt nghiệp tiến sĩ triết học ở Đại học Melbourne. Trong 6 năm sống ở TP.HCM, Cameron đã học tiếng Việt và tìm hiểu sự khác biệt trong văn hóa Đông - Tây.Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về những quan điểm thú vị của Cameron tại đây

Cameron Shingleton

 

Tags: