[Trích sách Chăm sóc bản thân thật sự] Trước khi thực hành lòng tự trắc ẩn, bạn cần phải kiểm soát Chế độ Hy sinh Bản thân
[Trích sách Chăm sóc bản thân thật sự] Trước khi thực hành lòng tự trắc ẩn, bạn cần phải kiểm soát Chế độ Hy sinh Bản thân
Trước khi tìm hiểu những công cụ giúp thực hành lòng trắc ẩn đối với bản thân, có một rào cản quan trọng về lòng tự trắc ẩn mà chúng ta phải giải quyết trước tiên, đó là Chế độ Hy sinh Bản thân (Martyr Mode).
Chăm Sóc Bản Thân Thật Sự
(9 lượt)
Chế độ này diễn ra khi bạn quan tâm quá nhiều đến mọi người và mọi thứ xung quanh, để rồi bản thân bạn bị vắt kiệt hoàn toàn. Chúng ta đã thấy khuynh hướng hành vi này ở Mikaleh, người mẹ đơn thân vừa nuôi hai cô con gái vừa chăm sóc người cha đang mang bệnh. Mikaleh cảm thấy tự hào về việc cô đã lo toan và làm rất nhiều thứ cho gia đình mình. Một mặt, trở thành người hy sinh bản thân có nghĩa là trải qua đau khổ và hủy hoại chính mình vì lợi ích của người khác, bất kể người đó là con cái, người thân, hay thậm chí là đồng nghiệp của bạn. Mặt khác, khi là người hy sinh bản thân, bạn muốn tận hưởng cảm giác được hy sinh và nghịch lý thay, bạn đồng thời cũng muốn sự hy sinh nhỏ bé của mình được công nhận. Phụ nữ chúng ta thường nhận được sự công nhận đáng kể từ xã hội vì biết hy sinh và ngày càng thu nhỏ cái tôi của mình. Khi bật Chế độ Hy sinh, người ta có thể cảm thấy hài lòng vì đã giải quyết được một tình huống khó khăn và hy sinh cho lợi ích của tập thể.

Tất cả chúng ta đều biết những người như vậy (và có lẽ, chúng ta cũng từng là họ). Họ là những người muốn bạn biết rằng họ đã đứng nấu ăn rất lâu, nhưng nếu nhận được lời khen thì họ vẫn sẽ từ chối. Họ là những người có vẻ như đang cạnh tranh với bạn xem ai đang chịu cực nhiều hơn, với những câu hỏi kiểu: “Tuần trước chị làm việc tới năm mươi tiếng luôn hả? Mà chị biết không tôi luôn để sẵn chiếc túi ngủ dưới gầm bàn để phòng trường hợp cần ngủ lại văn phòng đó!”.

Điều này đặt ra một câu hỏi: Cuộc cạnh tranh mà chúng ta đang tham gia là gì, và ai là người chiến thắng ở đây?

Vấn đề là khi bật Chế độ Hy sinh, chúng ta đang rơi vào một khuôn mẫu hành vi khiến chúng ta không chịu ưu tiên thể hiện lòng trắc ẩn với bản thân. Chúng ta lầm tưởng rằng lòng trắc ẩn đến từ bên ngoài, và chỉ cần phục vụ người khác thì chúng ta sẽ được họ đối xử bằng lòng trắc ẩn.

Bản thân tôi cũng từng như vậy và tôi muốn chia sẻ với bạn một ví dụ. Sau khoảng một năm thực hiện phương pháp IVF, tôi may mắn có thai. Đây tất nhiên là một tin vui khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm, vì trước đó tôi từng sảy thai.

Nhưng khi tôi bước sang ba tháng cuối của thai kỳ, dường như có một công tắc đã bật lên trong tâm trí tôi, và Chế độ Hy sinh Bản thân bỗng hoạt động vô cùng mạnh mẽ. Tôi thu xếp mọi thứ cần thiết cho các bệnh nhân trước khi tôi nghỉ thai sản, tôi sắp đến hạn nộp quyển sách tôi đang viết, công ty Gemma của tôi sắp ra mắt một sản phẩm mới... và tôi sẽ sớm có một em bé cần tôi chăm sóc! Tôi trở nên bực bội: Mọi người không thấy tôi phải làm nhiều việc thế nào sao? Sao không ai giúp tôi hết vậy?

Có lần, tôi đã nổi cáu với các đồng nghiệp, và người đồng sáng lập công ty phải lên tiếng nhắc tôi (với thái độ đầy cảm thông). Tôi đã có những hành vi thể hiện khuynh hướng hy sinh bản thân và mọi người xung quanh tôi đều có thể thấy rõ điều đó. May thay, tôi đã nhận ra những gì đang xảy ra và bằng cách sử dụng các phương pháp mà tôi sắp chia sẻ với bạn ở những trang tiếp theo, tôi đã có thể kết nối lại với tiếng nói của lòng tự trắc ẩn bên trong mình. Tôi hy vọng kinh nghiệm của tôi sẽ giúp bạn hiểu rằng cũng giống như chăm sóc bản thân thực thụ, nuôi dưỡng lòng tự trắc ẩn không phải là chuyện có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Với mỗi sự chuyển đổi trong cuộc sống, chúng ta sẽ phải định hướng lại chính mình. Nhưng hãy yên tâm, một khi bạn đã học được những kỹ năng này, chúng sẽ luôn có sẵn ở đó để bạn vận dụng vào những lúc phải đối mặt với sự thay đổi hay căng thẳng.

Làm thế nào để bạn nhận ra mình có đang bật Chế độ Hy sinh Bản thân hay không? Dấu hiệu nhận biết là khi bạn làm rất nhiều việc cho người khác và bạn có một mong muốn không thành lời là sẽ được đáp lại bằng một hành động gì đó, chẳng hạn như khen ngợi, hỗ trợ hay chú ý. Khi mong muốn này không được đáp ứng, bạn sẽ mất bình tĩnh và ôm giận trong lòng (có khi còn thể hiện rõ ra bên ngoài). 

Việc rơi vào cái bẫy của Chế độ Hy sinh Bản thân không nhất thiết là biểu hiện của một chứng rối loạn lâm sàng thay vào đó, nó có liên quan đến một vai trò mà phụ nữ có thể gánh vác trong khi vẫn phải duy trì năng suất làm việc hiệu quả và đạt được thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi bị mắc kẹt trong Chế độ Hy sinh Bản thân, người phụ nữ thường tự nhủ lòng rằng cách tốt nhất để đưa ra lựa chọn là đặt lợi ích của mình sau cùng. Chế độ này khiến bạn có cảm giác như cuộc sống đang cuốn bạn đi, thay vì bạn là người làm chủ cuộc đời mình. 

Điều này trái ngược hoàn toàn với chăm sóc bản thân thực thụ.

Hiện tượng này không chỉ xảy ra với những người đã làm mẹ. Phụ nữ, thiếu nữ và con gái nói chung trong văn hóa của chúng ta cũng bị xã hội mặc định là phải dành thời gian, sức lực và sự chú ý của mình cho người khác, dù là ở nhà hay nơi làm việc. Các bé gái sẽ được khen ngợi trong lớp học và ở sân chơi vì biết ngoan ngoãn và nhường nhịn các bạn cùng trang lứa. Để rồi nhiều năm sau, những bé gái đó sẽ trở thành người phụ nữ phụ trách đặt bánh sinh nhật cho mọi người và nằm trong ủy ban cố vấn (không được trả lương). Những việc công ích này không có gì xấu, cái sai ở đây chính là quan niệm mặc định rằng phụ nữ sẽ đảm nhận những việc đó và khi đảm nhận thì họ sẽ đặt nhu cầu của mình sau nhu cầu của người khác. 

Trong tất cả những chuyện này, chúng ta chỉ vô tình phát triển Chế độ Hy sinh Bản thân. Khi vận hành trong chế độ này, chúng ta hy vọng có thể kiểm soát được phản ứng và lời hồi đáp của những người có thể sẽ chỉ trích chúng ta. Và vì chúng ta đang sống trong một nền văn hóa thích trừng phạt  phụ nữ về việc đặt ra ranh giới và đòi không gian riêng xu hướng này có ý nghĩa như một cơ chế bảo vệ của chúng ta. Hãy nghĩ đến cảnh ngôi nhà của bạn trông như vừa bị một cơn lốc xoáy quét qua và bạn quyết định đi ngủ thay vì dọn dẹp, nhưng rồi mẹ bạn ghé qua và nói mỉa rằng thật tuyệt vời khi bạn có thể nằm “thảnh thơi” bất chấp đống chén dĩa dơ trong bồn rửa. Cảm ơn mẹ! Tương tự, hãy nghĩ về một phụ nữ bị chỉ trích trên mạng xã hội vì đã chọn một cuộc sống không có con, hoặc một phụ nữ bị cười chê vì đã chọn nghỉ làm hẳn để chăm sóc gia đình. Như Martha Beck đã nói, bất kể chúng ta đưa ra lựa chọn gì, tình thế tiến thoái lưỡng nan của phụ nữ hiện đại vẫn là một câu đố không cách nào giải được, trong khi những kẻ thích chỉ trích thì lại rất đông và ồn ào. 

Bước đầu tiên và quan trọng nhất của lòng tự trắc ẩn là cho phép bản thân thực hành tự trắc ẩn. Tôi hy vọng bây giờ bạn đã hiểu lý do vì sao chúng ta phải từ bỏ Chế độ Hy sinh Bản thân để thực hiện bước đầu tiên đó. Về bản chất, cho phép bản thân thực hành tự trắc ẩn chính là một hành động của lòng trắc ẩn.

Khi bạn đọc hết chương này, hãy suy ngẫm về những câu hỏi sau:

  • Trong những tình huống nào bạn thấy dễ nói những lời tử tế với chính mình? 
  • Có yếu tố nào giống nhau trong những tình huống đó không (con người, địa điểm hoặc sự vật)? 
  • Có những người, địa điểm hoặc sự vật nào luôn khiến bạn thấy khó khăn trong việc đối xử với bản thân bằng lòng trắc ẩn không? Có tình huống nào khiến bạn chỉ trích bản thân dữ dội không?
  • Khi bạn nhận thấy mình bật Chế độ Hy sinh Bản thân, hãy nghĩ xem bạn mong đợi được đền đáp bằng những món quà gì (sự chú ý, sự trợ giúp hoặc năng lượng), ngay cả khi những mong đợi đó không thể hiện rõ ràng?
  • Hãy kể một tình huống khi bạn thấy bất ngờ hoặc kinh ngạc trước sự tử tế hoặc lòng bao dung mà bạn dành cho bản thân. Hãy suy ngẫm về những điều kiện giúp khơi gợi lòng tự trắc ẩn của bạn. 

Đối với tôi, lòng tự trắc ẩn sẽ dễ hiểu và dễ thực hiện hơn nếu tôi nghĩ về nó như một cách mới để tương tác với bộ não của mình. Theo cách này, tự trắc ẩn không phải là “dễ dãi với bản thân”, mà là dành sự tập trung vào cách tôi nói chuyện với chính mình và từ từ học một ngôn ngữ mới.

- Trích dẫn sách “Chăm sóc bản thân thật sự”