Nhìn lại một năm của văn học Việt, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Văn học Nguyễn Anh Vũ cho rằng, năm 2021 có sự cân bằng lại giữa các thể loại văn chương. Không còn nữa sự “lên ngôi” của mảng sách tản văn, du ký mà các tác phẩm tốt ở các thể loại khác như tiểu thuyết, truyện ngắn... được độc giả quan tâm hơn so với những năm trước. Ở mảng sách văn học Việt Nam hay văn học nước ngoài đều có những tác phẩm vốn kén độc giả nhưng khi ra thị trường lại được đón nhận nhiệt tình.
Song hành với chất lượng đọc được nâng cao là sự trở lại của các tác phẩm kinh điển. Vài năm gần đây, cái mác best-seller (sách bán chạy) luôn cuốn hút độc giả ngay từ cái nhìn đầu tiên, thì bây giờ người ta ngày càng quan tâm hơn đến long-seller (sách bán được lâu dài). Đó cũng là một phần lý do làm nên sự trở lại của các tác phẩm kinh điển, dù của nước ngoài hay của Việt Nam. Nắm bắt nhu cầu độc giả, nhiều đơn vị xuất bản cùng “lao” vào cuộc chạy đua “làm mới” tác phẩm kinh điển với các tủ sách như “Việt Nam danh tác”, “Tủ sách kinh điển”, “Tủ sách trăm năm Nobel”, “Tủ sách danh tác”...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng bộ môn Văn học nước ngoài và nghiên cứu so sánh, khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, thị trường sách dịch hiện nay rất phong phú, nhiều bộ sách kinh điển vắng bóng trên thị trường nhiều năm nay đã được tái bản lại. Điều này đặc biệt hữu ích bởi đây là nguồn tư liệu dạy và học trong nhà trường, nhất là với bậc đại học.
Việc tái bản các tác phẩm nổi tiếng một thời trong năm vừa qua không đơn thuần là làm mới về hình thức cho các tác phẩm, mà điều thu hút độc giả là sự “làm mới” về mặt nội dung như đối chiếu và hiệu chỉnh bản dịch cũ, thay đổi người dịch, bổ sung nội dung ấn bản mới đầy đủ hơn và in kèm minh họa của nguyên tác. Một số tác phẩm kinh điển thậm chí được vài đơn vị cùng xuất bản, và độc giả so sánh rất kỹ từ hình thức bìa đến chất lượng của mỗi bản dịch.
Có thể nói, độc giả ngày nay có trình độ ngoại ngữ tốt, tiếp cận nhanh và rộng với các nền văn hóa trên thế giới nên họ cũng đòi hỏi những bản dịch sát với nguyên gốc, tên riêng được viết đúng theo ngôn ngữ gốc thay vì phiên âm. Bởi thế, "làm lại" những tác phẩm kinh điển vẫn là mảnh đất tiềm năng.
Với các danh tác Việt Nam, các ấn bản mới được khôi phục dựa theo bản in của năm xuất bản trước mà đơn vị làm sách lựa chọn theo tiêu chí riêng. Biên tập viên Hải Đăng của NXB Trẻ cho rằng: “Ngoài việc đãi cát tìm vàng phát triển đội ngũ viết mới thì việc in lại, đọc lại các tác phẩm kinh điển cũng là một cách tiếp cận hay, đem đến cho người đọc giá trị văn chương một thời đã được đánh giá cao”. Bởi rất nhiều tác phẩm, có thể với những người chuyên nghiệp đã không còn xa lạ, nhưng vẫn còn mới mẻ với nhiều độc giả trẻ. Tương tự, có nhiều tác phẩm hay nhưng từ rất lâu rồi không xuất hiện trên thị trường. Việc tái bản các tác phẩm kinh điển một cách có hệ thống sẽ góp phần định hướng đọc cho độc giả, giúp họ tiếp cận giá trị văn chương đích thực của Việt Nam cũng như thế giới.
Sự trở lại của các tác phẩm kinh điển tuy sôi động trong năm vừa qua, nhưng phía các đơn vị làm sách cũng như độc giả vẫn mong chờ những tác phẩm văn chương mới có ý nghĩa. Thực tế từ một số giải thưởng sách năm vừa qua cho thấy, nhiều tác phẩm được trao giải là những tác phẩm đã được đông đảo độc giả đón nhận như “Đi trốn”, “Tết là nhất, nhất là Tết”, “Súng, vi trùng và thép”...
Theo Zing News