Những cuộc phiêu lưu tình ái không hồi kết
Lựa chọn một đề tài không mới: Người trẻ trong không gian chật hẹp của đô thị, trong vòng xoáy tình, tiền, danh vọng… Vũ Tùng Lâm lại có cách kể chuyện lạ lẫm, thú vị và đầy bất ngờ. Lối văn tưng tửng, cách dùng từ mạnh bạo, nhiều đoạn lửng lơ thả rơi con chữ, ngôn ngữ mang nhiều tính điện ảnh, nhiều đoạn mô tả bằng đôi mắt quan sát tinh tường, vô cùng chi tiết và tinh tế... Người đọc như đang xem qua những thước phim ngắn có tiết tấu nhanh, mạnh đầy kịch tính, hấp dẫn, lôi cuốn và sống động.
Đam mê thể xác và ham muốn nhục dục, một phần tất yếu của tuổi trẻ, được tác giả khắc họa khá đậm nét trong tập truyện. Đằng sau đó, là những cá thể vùng vẫy để thoát ra khỏi ngàn mối dây trói buộc. Đa phần, họ buông xuôi và tìm cách chấp nhận. Nỗi ám ảnh của cô gái trẻ trong “Quả cầu”, bản năng chinh phục của giống đực trong “Về quê”, giấc mơ về một gia đình của nhà thơ thất bại và cô gái điếm trong “Một đêm mùa xuân”… Các câu chuyện đều bắt đầu từ khoái cảm tình dục và kết thúc bằng sự trống rỗng, như chính thực tế trần trụi vốn có.
Những nỗi buồn nhàn rỗi
Một “khái niệm” mới nữa trong trang viết của Vũ Tùng Lâm chính là những nỗi buồn nhàn rỗi. “Về quê” khắc họa hình ảnh nam thanh niên 21 tuổi, bỏ học, có tiền, bị mẹ tống về quê để tránh đòn trừng phạt của cha ruột. Cậu ta quá sức rảnh rang để quan sát thế gian, lấy làm tiếc cho những người “không có cơ hội buồn nỗi buồn nhàn rỗi như mình”. Cậu thỏa mãn trước thú vui chinh phục của một con đực, và khi đạt được cái mình muốn thì cảm thấy hụt hẫng. Cuối cùng, cậu về lại thành phố, vì cha cậu muốn thế. Cuộc đời cậu rồi có giống của anh cậu hay không, kết thúc bằng cơn sốc thuốc và ngạt thở bởi bãi nôn của chính mình, không ai biết được.
Trong những nỗi buồn nhàn rỗi này, phảng phất nỗi cô đơn của những con người thành thị, mông lung vô định trước mọi phương hướng của cuộc đời. “Một vụ tự sát” để lại nhiều suy ngẫm về sự bế tắc khi “quá khứ lờ mờ, tương lai bất định, còn hiện tại thì nghèo túng”. Và kể cả không nghèo túng, như nhân vật chính trong “Thuốc con nhộng ngọt ngào của bác sĩ Famkee” cũng đối mặt với “vấn đề lột da” thật sự rất hãi hùng, ám ảnh trong giấc mơ hằng đêm, đủ sức dìm nhân vật tới tận đáy sâu đen tối.
Những tầng nghĩa ẩn
Tác giả đã làm rất tốt việc khắc họa, phân tích, đào sâu những lát cắt trong tâm tư của những con người thành phố, khi thế giới quan của họ xem ra vô cùng hạn hẹp: 4 bức tường công sở, những gương mặt đồng nghiệp cau có, mụ sếp toan tính hằn học (“Chuyện chàng kiểm toán”); một quán ăn nhỏ với gương mặt thực khách xấu quá mức cho phép (“Xấu xí”), phòng trọ nóng bức, chiếc nệm mướt mồ hôi, bao cao su vuông vắn sáng lóa (“Quả cầu”); 6 cái áo chưa giặt, đống đồ điện tử giở chứng trong căn chung cư vắng vẻ (“Một ý tưởng”).
Trong mớ hổ lốn chật hẹp ấy, đôi khi, cứ nghĩ những nhân vật đã rơi vào trầm cảm, hoặc sớm phát điên, chắc sẽ tự vẫn hoặc đã tự vẫn (“Một cuộc tự sát”). Nhưng rồi, những tình huống bất ngờ ập đến, hoặc chỉ một câu nói kéo họ thức tỉnh, và họ lại lao vào vòng xoáy tình tiền, cơm áo như chưa hề diễn ra cuộc bạo loạn tinh thần nào cả.
Sử dụng bút pháp truyện lồng truyện khá đặc trưng trong văn học hiện đại , “Những câu chuyện trong thành phố” ẩn chứa nhiều điều thú vị đang chờ độc giả khám phá. Trong câu chuyện chính, còn có câu chuyện ẩn, tùy theo độ nhạy cảm và vốn sống của từng người sẽ nhận ra ở những hình thái khác nhau. Suy ngẫm đến đâu , hiểu đến mức độ nào, là tùy theo mức độ trải nghiệm của người đọc.
Tác giả:
“Tôi nghe trong giọng hắn có cái gì nghèn nghẹn. Tôi nhìn gã: Một cái mặt vuông chằn chặn, da tái và nâu. Mũi tẹt, tóc cứng, cắt theo một lối quê mùa cũ rích. Mắt hắn trước long lên, đỏ ngầu, giờ lại rơm rớm nước. Dù đi đánh nhanh nhưng gã vẫn mặc sơ-mi và quần vải, chân đi dép xăng-đan cài quai tử tế. Một anh chàng hiền lành, có lẽ không nhanh nhẹn lắm nhưng được bù lại bởi sự cần cù, chẳng có mong ước gì hơn là một công việc ra hồn, vài năm sau thì lấy vợ, đẻ vài đứa con, cố gắng bòn bóp để xây một cái nhà tử tế. Tôi nhìn gã một lúc rồi cười phá lên:
“Đồ ngu! Mày nghĩ tao lừa được nó à? Loại ấy có quỷ lừa được. Trước tao đã có cả tỉ thằng thậm thụt với nó rồi. May cho mày đấy. Không có tao, mày sẽ không bao giờ biết. Mày sẽ vẫn tin. Tao đã giúp cho mày thoát khỏi nhiều cái lầm tưởng và nhiều cái trớ trêu. Tao đã cho mày một cái ơn. Vậy mà mày lại báo đáp tao thế này. Mẹ kiếp! Giá như mày biết cái cách nó dùng lưỡi thế nào…”
Trích truyện ngắn “Về quê” – Vũ Tùng Lâm - “Những Câu chuyện trong thành phố” - Tập truyện ngắn dự thi Văn học tuổi 20 lần 6 do Hội Nhà văn TPHCM, NXB Trẻ và Báo Tuổi trẻ tổ chức.
Các bạn độc giả có thể theo dõi cuộc thi và bình chọn cho tác phẩm yêu thích tại fanpage Văn học tuổi 20.